Có lẽ chăng, cái cười trong thơ Nguyễn Nhược Pháp là của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng?
Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả, dịch giả văn học, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh. Ông sinh năm 1914, mất năm 1938, hưởng dương 24 tuổi. Nghĩa là còn vắn số hơn vài cây bút cùng thời khác, cũng mệnh yểu và rất nổi tiếng (Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi, Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi). Phần tiểu dẫn về Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam cho biết: “Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch”. Cho đến nay, độ lùi thời gian trên 70 năm, có thể khẳng định rằng truyện ngắn và kịch không phải là những thể loại làm nên tên tuổi của Nguyễn Nhược Pháp, mà đó là thơ. Và cũng chỉ là một tập Ngày xưa (1935) với vỏn vẹn 10 bài mà thôi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, 10 bài là đủ khiến Nguyễn Nhược Pháp trở thành một thi sĩ có danh trong làng Thơ Mới.
Ba năm sau cái chết của Nguyễn Nhược Pháp, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết về tác giả của tập Ngày xưa với những lời trân trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”. Dễ thấy, chữ “xưa” - phiếm chỉ một khoảng thời gian miên viễn trong quá khứ làm nền cho câu chuyện - đã xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Ngày xưa, khi rừng mây u ám / Sông núi còn vang um tiếng thần” (Sơn Tinh Thủy Tinh), “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa” (Tay ngà), “Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi / Nên yêu người cũ hồn trên cao” (Đi cống), “Người xưa mơ nhìn mây / Đen, đỏ, vàng đua bay” (Mây)...Trong bài thơ nổi tiếng Chùa Hương, ngay dưới nhan đề tác phẩm, tác giả chua dòng chữ: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Trọng tâm cảm hứng của cả tập thơ rõ ràng được đặt ở thời đã qua, chứ không phải đặt vào cái “ở đây”, “bây giờ”. Ngoài ra, Nguyễn Nhược Pháp cho thấy ông là một người kể chuyện có tài, ông đã làm sống lại thời xưa bằng những câu chuyện đầy duyên dáng của mình, dù đó là câu chuyện với cốt truyện rất đơn giản như trong Tay ngà và Một buổi chiều xuân, hay những câu chuyện ít nhiều đã có biến cố, có cao trào, có thắt nút mở nút như trong Sơn Tinh Thủy Tinh và Chùa Hương.
Tay ngà và Một buổi chiều xuân là hai bài thơ có chung một môtip cốt truyện: nhân vật trữ tình mơ được gặp giai nhân. Điểm đáng chú ý ở đây là ở chỗ người mơ vào vai một nho sinh, chứ không phải vào vai một công tử con nhà quyền quý hay một thanh niên trí thức xuất thân trường Tây nào đó (không nên quên rằng Nguyễn Nhược Pháp từng học Albert Sarraut và ban Luật trường Cao đẳng Hà Nội). “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa / Mơ quan Nghè, quan Thám / Đi có cờ lọng đưa” (Tay ngà), “Hôm đó buổi chiều xuân / Trông mây hồng bay vân / Liền gập pho kinh sử / Lững thững khỏi lầu văn” (Một buổi chiều xuân). Lều chiếu, quan Nghè, quan Thám, cờ lọng, kinh sử, lầu văn... một loạt từ như vậy xuất hiện trong văn bản, lập tức đem lại không khí “ngày xưa” cổ kính, cái ngày mà Nho học ở điểm cực thịnh, chữ thánh hiền còn quý giá hơn vàng bạc châu báu. Trong bầu không khí đặc thù được hình thành bởi giấc mơ như vậy, chàng nho sinh đã có cuộc tao ngộ tài tử - giai nhân của mình, dù chỉ trong thoáng chốc nhưng để lại dư âm bất tận. Bài Tay ngà là giấc mơ quan Nghè vinh quy bái tổ, giữa đường gặp hội gieo cầu tìm chồng của tiểu thư khuê các: “Tay vơ cầu ngũ sắc / Má quan Nghè hây hây / Quân hầu reo chuyển đất / Tung cán lọng vừa quay / Trên lầu mấy thị nữ / Cùng nhau rúc rích cười / Thưa cô đừng thẹn nữa / Quan Nghè trông thấy rồi / Cúi đầu nàng tha thướt / Yêu kiều như mây qua / Mắt xanh nhìn man mác / Mỉm cười vê cành hoa”. Đặt bài thơ này trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, có thể nói nó thể hiện sự nuối tiếc những giá trị cổ truyền đã một đi không trở lại, nó cho thấy thái độ khước từ thực tại tư sản nhàm chán và cái tâm thế xây dựng một thế giới lý tưởng từ những dư ảnh của quá khứ. Nó cho người đọc quyền được mơ mộng một chút giữa đời thường.
Nếu ở Tay ngà và Một buổi chiều xuân câu chuyện chỉ là cuộc gặp gỡ thoáng qua trong mộng, thì trong Chùa Hương, đó đã là câu chuyện của đời thường. Vẫn những nhân vật ấy, chàng nho sinh và người con gái đẹp, nhưng vì là câu chuyện của đời thường nên nó thật sinh động và thú vị. Đọc Chùa Hương, ta sẽ thấy lại cái rối rắm “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của các cặp trai gái từ muôn đời nay mà Nguyễn Nhược Pháp đã khéo dựng lên thành các hoạt cảnh. Thoạt nhìn thấy một văn nhân “Tướng mạo trông phi thường / Lưng cao dài trán rộng”, cô gái đã đem lòng thương (yêu). Vì thương nên cô phải giữ ý giữ tứ, phải e lệ, phải “làm dáng” trước người mình thương: “Em đi chàng theo sau / Em không dám đi mau / Sợ chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu”. Vì thương nên khi cha cô nói đến việc ra về, nghĩa là phải xa người thương, thì cô: “Em nghe bỗng rụng rời / Nhìn ai luống nghẹn nhời / Giờ vui đời có vậy / Thoáng ngày vui qua rồi!”. Và rồi cô khấn, rất mạnh dạn, quên sạch cả sự giữ ý: “Ngun ngút khói hương vàng / Say trong giấc mơ màng / Em cầu xin Giời Phật / Sao cho em lấy chàng”. Chàng nho sinh cũng vậy: bị “tiếng sét ái tình” ngay từ khi mới gặp, chàng đã nguyện trở thành cái bóng của người đẹp suốt hành trình trảy hội. Tất nhiên là chàng có thừa khôn ngoan để không lộ ra mục đích thật của mình, chàng viện một lý do rất dễ lọt tai: “Vì thương me quá mệt/ Săn sóc chàng đi theo”. Và rồi, trước người đẹp, dù sao thì chàng cũng không thể tránh khỏi hành vi... “tỏ vẻ”: “Khi qua chùa Giải Oan / Trông thấy bức tường ngang / Chàng đưa tay lẹ bút / Thảo bài thơ liên hoàn”. Kết bài thơ, tác giả chua thêm dòng chữ: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau. Vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”. Bảy năm sau, trong tập Quê ngoại, Hồ Dzếnh viết: “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở / Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề”. Cùng một ý, nhưng câu thơ của Hồ Dzếnh có cái vị cay đắng, chua chát, còn câu văn xuôi khép lại bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì lạc quan, và rất hóm hỉnh. Chả trách Hoài Thanh phải bình luận: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười”, và: “Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm”. Nụ cười hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp còn được giữ mãi suốt bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Nó thể hiện ở sự miêu tả thế giới loài vật vô cùng sống động. Này là cảnh bộ hạ của Thủy Tinh dâng sính lễ: “Theo sau cua đỏ và tôm cá / Chia đội năm mươi hòm ngọc trai / Khập khiễng bò lê trên đất lạ / Trước thành tấp tểnh đi hàng hai”. Này là cảnh quân tướng của thần nước xung trận:“Cá voi quác mồm to muốn đớp / Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng / Càng cua lởm chởm giơ như mác / Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao”. Nụ cười hóm hỉnh ấy thể hiện cả ở việc nhà thơ đã “vui vẻ hóa” vua Hùng Vương thứ mười tám: “Nhưng có một nàng mà hai rể / Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Cuối bài, để lý giải việc cứ 5 năm Thủy Tinh lại một lần dâng nước, Nguyễn Nhược Pháp hạ bút: “Trần gian đâu có người dai thế / Cũng bởi thần yêu nên khác thường”. Khi viết những câu này, hẳn nhà thơ cũng đang khúc khích cười? Có lẽ chăng, đó là cái cười của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng?
Trong bài khái luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh xếp Nguyễn Nhược Pháp vào dòng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Nhưng chỉ là tạm xếp vậy thôi, vì có những điều mà nhà phê bình buộc phải thú nhận rằng mình không thể lý giải được:“Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy? Alfred de Musset chăng? Dù sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần”. Nụ cười của thi sĩ vắn số Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ chăng, cũng bí ẩn và hấp dẫn, cũng bắt người đời phải tìm hiểu mãi không thôi, như nụ cười bất tử của nàng Mona Lisa vậy?
Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả, dịch giả văn học, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh. Ông sinh năm 1914, mất năm 1938, hưởng dương 24 tuổi. Nghĩa là còn vắn số hơn vài cây bút cùng thời khác, cũng mệnh yểu và rất nổi tiếng (Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi, Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi). Phần tiểu dẫn về Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam cho biết: “Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch”. Cho đến nay, độ lùi thời gian trên 70 năm, có thể khẳng định rằng truyện ngắn và kịch không phải là những thể loại làm nên tên tuổi của Nguyễn Nhược Pháp, mà đó là thơ. Và cũng chỉ là một tập Ngày xưa (1935) với vỏn vẹn 10 bài mà thôi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, 10 bài là đủ khiến Nguyễn Nhược Pháp trở thành một thi sĩ có danh trong làng Thơ Mới.
Ba năm sau cái chết của Nguyễn Nhược Pháp, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết về tác giả của tập Ngày xưa với những lời trân trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”. Dễ thấy, chữ “xưa” - phiếm chỉ một khoảng thời gian miên viễn trong quá khứ làm nền cho câu chuyện - đã xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “Ngày xưa, khi rừng mây u ám / Sông núi còn vang um tiếng thần” (Sơn Tinh Thủy Tinh), “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa” (Tay ngà), “Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi / Nên yêu người cũ hồn trên cao” (Đi cống), “Người xưa mơ nhìn mây / Đen, đỏ, vàng đua bay” (Mây)...Trong bài thơ nổi tiếng Chùa Hương, ngay dưới nhan đề tác phẩm, tác giả chua dòng chữ: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Trọng tâm cảm hứng của cả tập thơ rõ ràng được đặt ở thời đã qua, chứ không phải đặt vào cái “ở đây”, “bây giờ”. Ngoài ra, Nguyễn Nhược Pháp cho thấy ông là một người kể chuyện có tài, ông đã làm sống lại thời xưa bằng những câu chuyện đầy duyên dáng của mình, dù đó là câu chuyện với cốt truyện rất đơn giản như trong Tay ngà và Một buổi chiều xuân, hay những câu chuyện ít nhiều đã có biến cố, có cao trào, có thắt nút mở nút như trong Sơn Tinh Thủy Tinh và Chùa Hương.
Tay ngà và Một buổi chiều xuân là hai bài thơ có chung một môtip cốt truyện: nhân vật trữ tình mơ được gặp giai nhân. Điểm đáng chú ý ở đây là ở chỗ người mơ vào vai một nho sinh, chứ không phải vào vai một công tử con nhà quyền quý hay một thanh niên trí thức xuất thân trường Tây nào đó (không nên quên rằng Nguyễn Nhược Pháp từng học Albert Sarraut và ban Luật trường Cao đẳng Hà Nội). “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa / Mơ quan Nghè, quan Thám / Đi có cờ lọng đưa” (Tay ngà), “Hôm đó buổi chiều xuân / Trông mây hồng bay vân / Liền gập pho kinh sử / Lững thững khỏi lầu văn” (Một buổi chiều xuân). Lều chiếu, quan Nghè, quan Thám, cờ lọng, kinh sử, lầu văn... một loạt từ như vậy xuất hiện trong văn bản, lập tức đem lại không khí “ngày xưa” cổ kính, cái ngày mà Nho học ở điểm cực thịnh, chữ thánh hiền còn quý giá hơn vàng bạc châu báu. Trong bầu không khí đặc thù được hình thành bởi giấc mơ như vậy, chàng nho sinh đã có cuộc tao ngộ tài tử - giai nhân của mình, dù chỉ trong thoáng chốc nhưng để lại dư âm bất tận. Bài Tay ngà là giấc mơ quan Nghè vinh quy bái tổ, giữa đường gặp hội gieo cầu tìm chồng của tiểu thư khuê các: “Tay vơ cầu ngũ sắc / Má quan Nghè hây hây / Quân hầu reo chuyển đất / Tung cán lọng vừa quay / Trên lầu mấy thị nữ / Cùng nhau rúc rích cười / Thưa cô đừng thẹn nữa / Quan Nghè trông thấy rồi / Cúi đầu nàng tha thướt / Yêu kiều như mây qua / Mắt xanh nhìn man mác / Mỉm cười vê cành hoa”. Đặt bài thơ này trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, có thể nói nó thể hiện sự nuối tiếc những giá trị cổ truyền đã một đi không trở lại, nó cho thấy thái độ khước từ thực tại tư sản nhàm chán và cái tâm thế xây dựng một thế giới lý tưởng từ những dư ảnh của quá khứ. Nó cho người đọc quyền được mơ mộng một chút giữa đời thường.
Nếu ở Tay ngà và Một buổi chiều xuân câu chuyện chỉ là cuộc gặp gỡ thoáng qua trong mộng, thì trong Chùa Hương, đó đã là câu chuyện của đời thường. Vẫn những nhân vật ấy, chàng nho sinh và người con gái đẹp, nhưng vì là câu chuyện của đời thường nên nó thật sinh động và thú vị. Đọc Chùa Hương, ta sẽ thấy lại cái rối rắm “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của các cặp trai gái từ muôn đời nay mà Nguyễn Nhược Pháp đã khéo dựng lên thành các hoạt cảnh. Thoạt nhìn thấy một văn nhân “Tướng mạo trông phi thường / Lưng cao dài trán rộng”, cô gái đã đem lòng thương (yêu). Vì thương nên cô phải giữ ý giữ tứ, phải e lệ, phải “làm dáng” trước người mình thương: “Em đi chàng theo sau / Em không dám đi mau / Sợ chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu”. Vì thương nên khi cha cô nói đến việc ra về, nghĩa là phải xa người thương, thì cô: “Em nghe bỗng rụng rời / Nhìn ai luống nghẹn nhời / Giờ vui đời có vậy / Thoáng ngày vui qua rồi!”. Và rồi cô khấn, rất mạnh dạn, quên sạch cả sự giữ ý: “Ngun ngút khói hương vàng / Say trong giấc mơ màng / Em cầu xin Giời Phật / Sao cho em lấy chàng”. Chàng nho sinh cũng vậy: bị “tiếng sét ái tình” ngay từ khi mới gặp, chàng đã nguyện trở thành cái bóng của người đẹp suốt hành trình trảy hội. Tất nhiên là chàng có thừa khôn ngoan để không lộ ra mục đích thật của mình, chàng viện một lý do rất dễ lọt tai: “Vì thương me quá mệt/ Săn sóc chàng đi theo”. Và rồi, trước người đẹp, dù sao thì chàng cũng không thể tránh khỏi hành vi... “tỏ vẻ”: “Khi qua chùa Giải Oan / Trông thấy bức tường ngang / Chàng đưa tay lẹ bút / Thảo bài thơ liên hoàn”. Kết bài thơ, tác giả chua thêm dòng chữ: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau. Vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”. Bảy năm sau, trong tập Quê ngoại, Hồ Dzếnh viết: “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở / Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề”. Cùng một ý, nhưng câu thơ của Hồ Dzếnh có cái vị cay đắng, chua chát, còn câu văn xuôi khép lại bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì lạc quan, và rất hóm hỉnh. Chả trách Hoài Thanh phải bình luận: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười”, và: “Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm”. Nụ cười hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp còn được giữ mãi suốt bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Nó thể hiện ở sự miêu tả thế giới loài vật vô cùng sống động. Này là cảnh bộ hạ của Thủy Tinh dâng sính lễ: “Theo sau cua đỏ và tôm cá / Chia đội năm mươi hòm ngọc trai / Khập khiễng bò lê trên đất lạ / Trước thành tấp tểnh đi hàng hai”. Này là cảnh quân tướng của thần nước xung trận:“Cá voi quác mồm to muốn đớp / Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng / Càng cua lởm chởm giơ như mác / Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao”. Nụ cười hóm hỉnh ấy thể hiện cả ở việc nhà thơ đã “vui vẻ hóa” vua Hùng Vương thứ mười tám: “Nhưng có một nàng mà hai rể / Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Cuối bài, để lý giải việc cứ 5 năm Thủy Tinh lại một lần dâng nước, Nguyễn Nhược Pháp hạ bút: “Trần gian đâu có người dai thế / Cũng bởi thần yêu nên khác thường”. Khi viết những câu này, hẳn nhà thơ cũng đang khúc khích cười? Có lẽ chăng, đó là cái cười của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng?
Trong bài khái luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh xếp Nguyễn Nhược Pháp vào dòng “có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Nhưng chỉ là tạm xếp vậy thôi, vì có những điều mà nhà phê bình buộc phải thú nhận rằng mình không thể lý giải được:“Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy? Alfred de Musset chăng? Dù sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần”. Nụ cười của thi sĩ vắn số Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ chăng, cũng bí ẩn và hấp dẫn, cũng bắt người đời phải tìm hiểu mãi không thôi, như nụ cười bất tử của nàng Mona Lisa vậy?
(Nguồn: Người đại biểu nhân dân)