T
Tuyền Nguyễn
Guest
Nỗi cô đơn
View attachment 15452
View attachment 15452
Nhìn người bạn đàn và hát, tôi hiểu rằng không gì quật ngã được nỗi đam mê, mặc dù tôi tin nhiều lần anh từng tự nhủ với lòng mình sẽ không quay lại với âm nhạc nữa, do những đau khổ hay tuyệt vọng nào đấy. Anh không phải là một nhạc sĩ hay một ca sĩ. Trong cuộc đời hơn 30 năm của mình, anh chưa kịp hoàn thành các chương trình ở Nhạc viện Hà Nội để trở thành một ai đó như anh hoàn toàn có thể. Nhưng hơn bất cứ ai khác, trong anh có một trái tim nghệ sĩ.
Anh bỏ Hà Nội gần chục năm để rồi giờ đây lại trở về với nó. Chúng tôi hiểu nhau, đúng hơn là hiểu được nỗi cô đơn của nhau. Ngày trước, mỗi lần anh từ nhà tôi về, tôi cứ tưởng tượng ra con đường mà anh đi. Con đường dài và cô đơn, hai hàng cây rủ xuống những bóng lòa xòa, anh cùng chúng ủ vào đó những bí mật. Cái lạnh của sương đêm, của ánh trăng bàng bạc, cái lạnh của gió mang từ không trung và nơi nào đó xa xôi đến khiến anh rùng mình. Hàng cây cũng rùng mình. Không hiểu sao ngày ấy tôi cứ hình dung về con đường ấy, nơi hai hàng cây âm thầm rủ bóng trong những đêm trăng, khẽ đung đưa như muốn hát về nỗi buồn. Và nhiều khi trong cuộc đời, tôi có cảm giác mình đang đi tiếp con đường mà anh ấy từng đi, tôi đang đi tiếp nỗi buồn của anh.
Anh bảo đã viết nhiều truyện ngắn, truyện vừa, thơ, trường ca… Anh đã đốt đi gần hết. Tôi bảo tôi cũng đã từng đốt, anh hỏi có tiếc không, tôi lắc đầu. Thực ra có nhiều thứ đáng để tiếc nhưng tôi sẵn sàng đổi lấy một giây phút thôi được mãn nguyện với sự điên cuồng của lửa. Những ngọn lửa bập bùng, bập bùng, khói bay trắng xóa, và ký ức bị vùi lấp…
Tôi cũng kể anh nghe về hai hàng cây rủ bóng buồn trong những đêm trăng. Con đường đó anh đã đi hay chưa từng đi nhưng với tôi nó luôn là điều đã tồn tại, thậm chí bằng tất cả sức mạnh của ký ức và nỗi đau của hiện tại, tôi đã đi tiếp con đường ấy. Anh bảo ký ức ghê gớm lắm. Suốt năm năm qua anh đã sống với nó bởi không có gì khác. Nó mạnh mẽ, nó tàn nhẫn, nhưng nó là tất cả.
Nỗi cô đơn, như Octavio Paz nói, có hai mặt: một mặt nó khẳng định con người cần phải cô đơn, mặt khác thể hiện khát vọng muốn vượt lên trên chính sự cô đơn đó. Đối với người nghệ sĩ, nỗi cô đơn vừa là định mệnh khi hơn ai hết họ hiểu rằng không thể khác được, vừa là sức mạnh của khát vọng được bày tỏ. Bày tỏ để sẻ chia, nhưng cũng có thể nói là để giữ nó cho riêng mình. Bởi ranh giới giữa sẻ chia và giấu kín đôi khi thực sự mong manh.
Cô đơn không phải là điều lúc nào ta cũng ý thức được và nói ra với kẻ khác. Cô đơn, người nghệ sĩ không hét lên hay rầu rĩ thở than, rằng “tôi cô đơn”. Nhưng dù được chủ thể ý thức đến mức độ nào, bằng cách riêng của nó, nỗi cô đơn vẫn được phát tiết ra trong tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ sĩ hát lên nó bằng giai điệu, viết ra nó bằng thi từ, vẽ nó bằng sơn dầu và cây cọ…, hoặc kín đáo và âm thầm hơn, dưới một dạng khác, giấu nó sâu trong lòng và biến nó thành sức mạnh kỳ diệu của sáng tạo, của trí tưởng tượng.
Trong cuốn Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Inrasara cho rằng cái thiếu của văn học bây giờ là kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn, tức anh ta luôn là con người của số đông trong cả quá trình sáng tạo nghệ thuật. Ở một vài bài viết phê bình văn học đăng trên các báo chuyên ngành, một số tác giả cũng cho rằng sáng tác hiện nay bị ảnh hưởng nhiều bởi những cuộc giao lưu, gặp gỡ văn nghệ, bởi không khí ồn ào của giới văn chương và sự can dự của các nhà phê bình cũng như độc giả. Tuy nhiên, Inrasara và các tác giả này mới chỉ chú trọng hoặc chỉ có ý định dùng chữ “cô đơn” cho người nghệ sĩ ở một nghĩa vô cùng chật hẹp của nó là sự độc lập trong sáng tạo.
Tôi muốn nói đến nỗi cô đơn nghệ sĩ ở một góc độ khác. Trước hết, đó là nỗi cô đơn của một con người, điều mà bất kì ai cũng có thể cảm thấy. Trong một tiểu luận của mình, Octavio Paz cho rằng khi rời bỏ bào thai để sống đời sống của một con người, chúng ta có cảm giác rời bỏ và đứt đoạn, không nơi nương tựa bởi đã không còn ràng buộc với cuộc sống bào thai trước đó – nơi thuần phác và thô mộc, nơi không hề có sự ngừng nghỉ giữa ham muốn và mãn nguyện. Và trong lúc chúng ta lớn lên, sự rời bỏ và đứt đoạn ấy, cảm giác nguyên thủy ấy được chuyển thành cảm giác về nỗi cô đơn. Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình, Gabriel Garcia Márquez đã dựng lên cả một cõi cô đơn. Những yếu tố huyền ảo, phi lý mà nhà văn Colombia sử dụng cũng chỉ để nói về một điều rất thực ấy.
Tuy nhiên, đối với nghệ sĩ, những người mà tài năng thiên bẩm được cộng hưởng với một xung lực mạnh mẽ nào đó sẽ làm nên tác phẩm nghệ thuật, thì nỗi cô đơn ấy nhiều khi là một sức mạnh. Không bằng lòng với thực tại và cảm thấy lẻ loi, anh ta viết. Buồn giữa đám đông ồn ào, anh ta viết. Thấy không thể sống nhạt nhẽo vô nghĩa, anh ta viết. Muốn cái “tôi” bản ngã được khẳng định, anh ta viết. Thấy nhỏ bé biết bao giữa dòng đời và thời gian vô tận, anh ta viết… Mỗi lần như vậy, nỗi cô đơn tiếp thêm cho người nghệ sĩ nhiệt huyết sáng tạo và nó gần như niềm an ủi khi cái “tôi” cá nhân, cái “tôi” cô độc của anh ta được đúc kết và thăng hoa trong ngọn lửa nghệ thuật. Nhiều nhà thơ, nhà văn không viết về nỗi cô đơn, nhưng tác phẩm của họ được hun đúc trong nỗi cô đơn – điều khiến cho người nghệ sĩ cảm thấy gần như nhất thiết phải đến với sự sáng tạo. Thơ Trương Nam Hương gây cảm giác ấm áp, đằm thắm, nhưng có lần nhà thơ đã tâm sự đấy thôi: “Câu thơ tôi sinh thành từ nỗi cô đơn để an ủi những điều bất hạnh”.
Tôi có một người bạn, người mà những vần thơ tài hoa của anh đã nảy lộc trên mảnh đất khô cằn Tây Nguyên và hẳn là trong những yếu tố cấu thành nên những vần thơ ấy không thể vắng bóng nỗi cô đơn. Thơ anh không viết về nỗi cô đơn, nó cũng không buồn bã ủy mị hay khổ đau uẩn khúc. Chỉ đơn giản rằng với tất cả sức mạnh của nỗi cô độc giữa thế gian này, anh – nhà thơ ấy – đã viết, đã hóa thân vào suối, vào sông, vào nương rẫy… để viết.
Có lần anh gọi điện cho tôi lúc nửa đêm. Bảo rằng vừa có một cuộc rượu, không say nhưng lâng lâng, và chẳng hiểu sao cứ lâng lâng là nhớ đến tôi. “Có lẽ một trong những lý do là em và anh từng có lần uống rượu lâng lâng với nhau?”, tôi đùa. Anh cười, giọng cười khàn đục như tiếng anh nói và trầm như một tiếng đàn đáy, lạc vào đêm… Bất giác tôi nhớ lại đôi mắt anh. Một buổi chiều thu, tôi đã thấy trong đôi mắt ấy cái lạnh của đêm, cái man mác của sương chiều, cái dữ dội của nắng nóng Kon Tum, cái hoang vắng của núi đồi… Đôi mắt có oai quyền của một loài thú hoang và đắm đuối những yêu thương cùng đau khổ của con người. Tôi nhìn vào đó, thấy hun hút sâu như một cái giếng chưa từng biết đến đáy. Từ buổi xa anh, đôi mắt ấy tôi hằng nhớ.
Có lần anh nhắc tôi lời một bài không tên của Vũ Thành An: “… triệu người quen có mấy người thân…”. Anh nói đúng: giữa đời này tôi và anh đã gặp nhau, không nhiều, nhưng đủ để hình thành một mối giao cảm. Tôi cần anh như cần cái hoang lạnh của núi đồi, và có lẽ anh cần tôi như cần cái êm ả của đồng bằng. Chúng tôi có điểm chung: không ngừng cảm thấy cô đơn. Đôi lúc anh giống như một bóng chim chiều cứ thế bay và tan dần vào mây trắng. Đường bay vẽ lên không trung những vệt mờ xiên xẹo. Như những bước chân say.
“Em vào đây chơi đi, chúng ta sẽ làm “dế mèn phiêu lưu ký” một tháng ở miền tây” – giọng anh trầm trầm qua điện thoại. Anh bảo miền tây Nam bộ đẹp lắm, nhất là vào tháng chín, tháng mười mùa nước nổi. Sẽ là mênh mông nước, dờn dợn nước. Dù chưa từng bước chân xa hơn đất Hà Tĩnh, tôi vẫn tin miền tây đẹp theo kiểu riêng của nó, rất đặc trưng, rất Nam bộ và hấp dẫn những linh hồn cô độc, phóng túng. Và không hiểu sao tôi thường hình dung ra anh trên chiếc xe Dream cũ kĩ ấy, rong ruổi suốt một mùa nước nổi miền tây. Đôi mắt anh dõi về phía xa xăm, có vẻ như đang xoáy vào cái mang mang dợn ngợp của nước, lại có vẻ như đang nhìn về phía thiên thu – “một thiên thu không bến bờ”. Ánh mắt ấy tôi đã bắt gặp vào một buổi chiều tháng mười Hà Nội.
Gần đây được biết anh ít viết thơ, tôi thấy tiếc lắm. Nhưng tôi tin, với những người như anh, thơ đã trở thành duyên phận, không rời bỏ được. Tôi tin, rồi sẽ có những lúc, thơ cứ hiện ra dưới ngòi bút của anh như không thể không viết…
Trong cuốn sách Đường vào hiện sinh, đạo sư Jiddu Krishnamurti đã kể lại cuộc chuyện trò với một phụ nữ có tuổi. Bà ta là một người cô độc. Bà nói đã cố gắng lẩn tránh cảm giác bị cô lập cùng với nỗi sợ hãi của nó bằng việc đi chùa, nhưng rốt cuộc cũng chẳng có ích gì. Krishnamurti nói với người phụ nữ đó rằng, hầu hết mọi người đều có cảm giác cô đơn, chỉ khác nhau ở chỗ họ đã ứng xử ra sao với nó: bóp nghẹt nó, chạy trốn nó, đắm mình vào một hình thức hoạt động nào đó có tính cách tôn giáo hay phi tôn giáo... “Trong sự sợ hãi của họ về tình trạng cô đơn, về cảm giác bị cắt đứt, có người uống rượu, có người sử dụng ma túy, trong khi nhiều người quay sang chính trị hoặc tìm một cách trốn tránh khác nào đó”, ông nói. Và nữa: “Hoạt động mà trong đó họ chìm đắm vào là sự trốn tránh của họ, họ có thể miệt mài trong đó, và đó là lý do tại sao họ bảo vệ nó một cách rất là hung hăng”.
Ở một ý nghĩa nào đấy, Krishnamurti đã chỉ ra cho chúng ta rằng trong khi trốn chạy nỗi cô đơn, chúng ta sở hữu một sức mạnh được tạo nên từ chính nó và từ nỗi sợ hãi về nó. Tôi nghĩ rằng, đối với người nghệ sĩ, đó là sức mạnh kì diệu đã nâng cánh cho họ trên bước đường nghệ thuật. Đấy cũng chính là con đường dẫn họ tới nơi mà họ cùng nỗi cô đơn được giải phóng. Đó là nơi của tự do.
Tôi từng ước mình là nhà văn để có thể thăng hoa với những cảm giác ấy bằng “trò chơi” của ngôn từ. Tôi từng ước được là họa sĩ để có thể vẽ chính khuôn mặt méo mó những buồn vui của mình lên toan hay giấy trắng… Rốt cuộc tôi đã chẳng trở thành một ai cả, ngoài một khán giả yêu nghệ thuật đến hết lòng. Nhưng tôi hiểu được nỗi khát khao của người nghệ sĩ khi anh ta muốn bày tỏ lòng mình, nỗi khao khát được sử dụng ngôn từ, màu vẽ hay giai điệu để giải phóng tư tưởng, giải phóng những suy nghĩ miên man về cuộc đời, những ràng buộc bề bộn với ngôn ngữ và ý niệm trong tâm trí. Tôi hiểu được niềm hạnh phúc khi tất cả những gì đang quay cuồng trong anh ta được giải phóng, đó là tư tưởng, tri thức, tình yêu… và cả nỗi cô đơn nữa. Anh ta hạnh phúc vì đã tìm ra cách giải phóng tất cả những hỗn loạn ấy trong mình. Đấy cũng là khi anh ta có cảm giác về tự do.
Sửa lần cuối: