Nỗi buồn và niềm vui của bé Xi-mông (nhân vật trong truyện Bố của Xi-mông của Guy đơ Mô-pa-xăng)
I- GỢI Ý
1- Về việc lựa chọn phương thức biểu đạt
Đây là dạng đề không nêu yêu cầu rõ ràng về mặt thể loại. Nhưng qua nội dung đề bài yêu cầu (nỗi buồn và niềm vui của bé Xi-mông) dùng phương thức nghị luận hoặc biểu cảm đều được. Nhưng có lẽ, kết hợp hai phương thức này là phù hợp nhất.
2- Về nội dung
Theo yêu cầu của đề, cần phải làm rõ : vì sao bé Xi-mông buồn, vì sao em vui. Những vui buồn ấy được tác giả miêu tả như thế nào ? Tình cảm của tác giả ? Em có ý kiến như thế nào về niềm vui và nỗi buồn ấy. Ý nghĩa nhân văn rút ra từ niềm vui và nỗi buồn của Xi- mông.
II- BÀI VIẾT
Guy đơ Mô-pa-xăng (1850-1893) là nhà văn hiện thực nổi tiếng của Pháp nửa cuối thế kỉ XIX. Ông là tác giả hơn ba trăm truyện ngắn, các tiểu thuyết Một cuộc đời, Ông bạn đẹp và một số tiểu thuyết khác. Nhưng đóng góp cho nền văn học Pháp nửa cuối thể kỉ thứ XIX và cho thế giới của Mô-pa-xăng thuộc về lĩnh vực truyện ngắn. Bố của Xi-mông là một trong số những truyện ngắn xuất sắc của ông. Cốt truyên thật đơn giản, tất cả chỉ xoay quanh nỗi buồn và niềm vui của bé Xi-mông, nhưng qua đó bao nhân vật, bao tấm lòng đôn hậu đã sáng lên (bác thợ rèn Phi-líp, chị Blăng-sốt, người trót một lần lầm lỡ nhưng là một người mẹ tốt rất thương con, và là một phụ nữ nền nếp, trung hậu). Đồng thời từ niềm vui, nỗi buồn của cậu bé, những định kiến vô lí, sự tàn nhẫn, thô bạo cũng lộ mặt và bị phê phán.
Văn bản Bố của Xi-mông trong sách Ngữ văn 9 là một đoạn trích truyện ngắn này. Có thể tóm tắt như sau : Xi-mông là một đứa trẻ không có bố. Mẹ em bị một gã "Sở khanh" lừa dối mà sinh ra em. Lần đầu tiên (lúc này Xi-mông độ bảy tám tuổi) đến trường, em bị đám học trò chế giễu, bắt nạt vì không có bố. Em đau khổ, buồn bực ra bờ sông định tìm đến cái chết cho xong. Nhưng may mắn, em gặp bác thợ rèn Phi-líp. Bác an ủi và hứa "Người ta sẽ cho cháu ...một ông bố", rồi dắt tay đưa Xi- mông về nhà. Gặp mẹ, Xi-mông lại oà khóc : "Không, mẹ ơi, con đã muốn nhảy xuống sông cho chết đuối, vì chúng nó đánh con...đánh con...tại con không có bố". Chứng kiến cảnh đó, bác Phi-líp rất xúc động. Bác nhận (đùa) sẽ làm bố của Xi-mông. Nghe bác Phi-líp nói thế, Xi-mông hết cả buồn. Em im lặng một giây để ghi nhớ cái tên bố em -"Phi-líp" vào lòng. Ngày hôm sau Xi-mông đến trường, bọn trẻ lại xúm lại trêu đùa đầy ác ý. Nhưng em đã dõng dạc tuyên bố một cách cứng cỏi và ngây thơ "Bố tao ấy à, bố tao tên là Phi-líp". Mặc dù các bạn vẫn chưa tin nhưng em tin tưởng sắt đá vào lời nói của mình và sẵn sàng đương đầu với moị sự chế giễu.
Vì sao một em bé non nớt như Xi-mông buồn đau tuyệt vọng đến mức muốn tìm đến cái chết ? Vì em không được sinh ra trong một gia đình bình thường như bao đứa trẻ khác. Em chỉ có mẹ. Khi được sinh ra, em đã không có được một người bố. Tuổi thơ của Xi-mông là những ngày cô đơn trong ngôi nhà nhỏ thiếu tình thương và sự chăm sóc, bảo vệ của người bố. Tình thương yêu của mẹ cũng không thể bù lấp những chỗ trống vắng trong tâm hồn non nớt thơ ngây của em. Nhưng bất hạnh của em không phải chỉ có vậy. Em còn phải chịu sự trêu chọc, chế giễu, coi thường của các bạn cùng trang lứa vì "tội" em không có bố khi lần đầu tiên em đến trường. Thật tội nghiệp cho Xi-mông, bé bỏng như em làm sao chống lại được sự độc ác, chua cay, định kiến của người đời qua miệng những đứa bạn cùng học. Để thoát khỏi sự nhục nhã vì bị khinh bỉ, tẩy chay, Xi-mông chỉ biết một cách là tìm đến cái chết.
Thật may cho Xi-mông, không phải tất cả mọi người đều nhìn mẹ con em bằng cặp mắt khinh bỉ. Cuộc đời vẫn còn có những người tốt như bác thợ rèn Phi-líp. Tình cờ gặp Xi-mông đang khóc nức nở ở bờ sông nơi cậu bé định nhảy xuống, Bác Phi-líp đã hỏi han em. Khi biết vì sao em đau buồn đến vậy bác đã an ủi, dỗ dành. Bác nói với em : "Người ta sẽ cho cháu một ông bố". Có lẽ trong lúc không biết dỗ dành Xi-mông bằng cách nào, nên bác đành phải "gỡ bí" với một lời hứa như vậy. Nhưng chính sự thông cảm chia sẻ, đặc biệt chính lời hứa của bác đã làm dịu đi nỗi đau khổ của Xi-mông.
Bé Xi-mông đáng thương trong nỗi buồn nhưng em còn đáng thương hơn trong niềm vui. Em đâu biết được những rắc rối phức tạp của cuộc đời nên khi bác Phi-líp đưa em về nhà, trước mặt mẹ, em đã hỏi bác : "Bác có muốn làm bố cháu không", "Nếu bác không muốn cháu sẽ quay trở ra nhảy xuống sông cho chết đuối". Trước tình cảnh ấy, lại một lần nữa bác phải "gỡ bí" bằng một câu như câu nói đùa "Có chứ, bác muốn chứ". Vậy mà Xi-mông đã tin, đã như cất được nỗi buồn đau chất chứa trong lòng. Xi-mông có đòi hỏi gì nhiều đâu. Để xoá đi nỗi buồn, mang đến cho em niềm vui, sự tin tưởng, chỉ cần hứa cho em một ông bố, chỉ cần nói với em là muốn làm bố em.
Nỗi buồn và niềm vui của Xi-mông đều vì hai lí do có bố hay không có bố, và bị mọi người khinh bỉ, tẩy chay, hay là được thông cảm, chia sẻ với những thua thiệt, mất mát của em. Không có bố em đau khổ. Bị bạn bè chế giễu, coi thường em xấu hổ, nhục nhã đến muốn chết. Được bác Phi-líp an ủi, thông cảm, hứa làm bố em, dù chỉ mới là một lời nói đùa, em đã vui vẻ, tự tin vào chính mình. Từ nỗi buồn và niềm vui của em, ta nhận ra một gia đình yên ấm hạnh phúc, có đầy đủ cả cha lẫn mẹ là một niềm hạnh phúc lớn của con trẻ. Thật đau đớn, thiệt thòi cho những đứa trẻ khi mới lọt lòng đã không được người cha thừa nhận, lớn lên lại bị xã hội coi thường, kì thị. Là con người, nhất là trẻ con, ai cũng cần được sống một cuộc sống bình thường, sống trong tình thương yêu. Những mất mát, thua thiệt trong cuộc đời, ai mà chẳng có lúc gặp. Nếu được mọi người chia sẻ, thông cảm, thì nỗi đau đựợc xoa dịu, niềm vui rồi sẽ về. Đến như bé Xi- mông không có bố, người ta cũng có thể cho em một ông bố, như lời bác Phi-líp nói đấy thôi ! Thực sự thì đến cuối truyện Bố của Xi-mông, Bác Phi-líp đã thực sự trở thành bố của em, là chồng của mẹ em. Một ông bố luôn yêu thương, chở che, bênh vực em, hứa sẽ kéo tai tất cả những đứa nào bắt nạt em. Một ông bố mà "ai có được cũng phải lấy làm tự hào".
Qua niềm vui và nỗi buồn của Xi-mông, Guy đơ Mô-pa-xăng muốn nói với người đọc là hãy biết sống bao dung, nhân hậu với nhau. Biết mang hạnh phúc đến cho người khác cũng là mang hạnh phúc cho mình. Những định kiến hẹp hòi vô lí là nguyên nhân lớn nhất gây đau khổ cho con người, thậm chí có thể đẩy người ta vào chỗ chết. Hãy cẩn thận đối với nó.
Sưu tầm