Nỗi buồn học sinh viết sai chính tả và câu cú!
Thầy cô giáo thời nay thường bị mỏi mắt, hay mắc chứng nhức đầu, ù tai vì phải chấm quá nhiều bài kiểm tra, bài thi mà chữ nghĩa học trò quá cẩu thả, nguệch ngoạc, mắc vô số lỗi về chính tả, câu cú.
Quả thật, thời nay thật hiếm tìm được những học sinh, sinh viên viết chữ đẹp, không mắc lỗi về chính tả và câu cú đúng ngữ pháp. Cái yếu, cái sai căn bản này trở thành hiện tượng phổ biến trong phần lớn học sinh, sinh viên hiện nay.
Những thế hệ học sinh, sinh viên trước đây về điều kiện, phương tiện học tập không thể tốt bằng thời nay thế họ rất ít viết chữ xấu, nghệch ngoạc, khó thấy và cũng ít mắc lỗi nhiều về chính tả, sai về câu thông thường, cơ bản.
Tại sao vậy? Nguyên nhân trước hết là do yếu tố chủ quan của học sinh, sinh viên ngày nay: ý thức, coi trọng trong quá trình viết, sử dụng ngôn ngữ viết chưa cao, kiến thức, khả năng vận dụng tiếng mẹ đẻ tiếng Việt vốn đã yếu kém, lỏng lẻo lại thêm "bệnh" lười biếng, ít dành thời gian cần thiết cho việc rèn luyện, sửa chữa.
Mặt khác, trong học tập ở nhà trường phổ thông hay đại học khi làm bài viết, không ít học sinh, sinh viên đã có thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào những bài văn mẫu trong sách, những bài giải thầy cô giáo đã làm sẵn. Cho nên đứng trước một đề bài, yêu cầu thể hiện bằng ngôn ngữ viết, họ tỏ ra bất lực lúng túng, không phân biệt và xác định được đâu là câu văn đúng, câu văn sai về mặt ngữ pháp, đâu là ngôn ngữ địa phương (khi phát âm), ngôn ngữ chuẩn (khi viết). Thành ra sai phạm ấy cứ kéo dài thành thói quen, bám theo cả cuộc đời.
Ta không thể đỗ hết lỗi cho học sinh, sinh viên mà một phần hậu quả, trách nhiệm rất lớn thuộc về kiến thức, trình độ, lề lối giảng dạy của giáo viên các cấp, đặc biệt là ở cấp tiểu học.
Có một thời gian nghề làm thầy trở nên rẻ mạt, bị người ta khinh khi, các trường sư phạm phải chấp nhận với chất lượng đầu vào thấp kém, do đó đành cam chịu những thế hệ giáo viên tệ hại đủ thứ, trong đó có việc viết chữ nghĩa sai chính tả, câu cú.
Ra trường làm thầy, dạy học trò, tất nhiên có vô số giáo viên viết chữ xấu như ma lem, còn viết sai chính tả, câu cú đến mức không chịu nổi. Thầy cô giáo như thế thử hỏi làm sao có lớp học trò được dạy dỗ cẩn thận, không mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi câu cú?
Cần phải nghiêm túc ngay từ cấp dưới để xây dựng nền tảng bền vững cho sau này
Cấp tiểu học được coi là nơi có nhiều ảnh hưởng, tác động đến chữ viết, chính tả, câu văn của các em sau này, song tiếc rằng nhiều giáo viên tiểu học bây giờ vì lo nhiều mặt khác trong đời sống, nên cũng ít có thời giờ, đầu óc để quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ chính của mình.
Không ít bài kiểm tra của học sinh viết chữ nghĩa như mèo cào, mắc nhiều lỗi chính tả, sai câu, dấu chấm, dấu phẩy, nhưng thầy cô giáo vẫn "châm chước", vui vẻ cho điểm khá, giỏi, vừa để làm hài lòng phụ huynh, vừa để góp "thành tích" dạy tốt cho bản thân và nhà trường.
Cấp tiểu học đã vậy, lên cấp 2,3 cũng không khá hơn, giáo viên lớp trên đỗ lỗi cho giáo viên lớp dưới, không lo rèn luyện chữ, câu, chính tả cho học sinh.
Phần công việc luyện chữ nghĩa, viết cho đúng câu, chính tả ở cấp 2,3 coi như được khoán trắng cho giáo viên dạy ngữ văn đảm đương, còn giáo viên các bộ môn khác chẳng hề quan tâm, không tham gia uốn nắn học sinh viết chữ xấu, sai chính tả, viết câu chưa đúng; chỉ cần xem ý và đáp số thôi.
Việc chấm và trả bài là một khâu quan trọng, đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết của người thầy, người cô, góp phần vào việc sửa chữa,uốn nắn lỗi chính tả, viết câu sai, chữ nghĩa sai cho các em.
Song có một thực tế đáng buồn là nhiều thầy cô dạy ngữ văn khi chấm, trả bài ít hoặc không bao giờ sửa lỗi chính tả, câu văn cho học sinh mà cứ nhằm vào ý, "đo" bài ngắn hay dài rồi phết điểm, ghi đôi lời nhận xét chung chung cho có lệ.
Ai trong chúng ta cũng nhận thức được rằng chữ viết cẩn thận, rõ ràng , đúng chính tả, đúng câu là kiến thức cơ bản nhất, yêu cầu mọi học sinh, sinh viên đều phải làm được và đạt được.
Thật xót xa biết bao khi nền giáo dục của chúng ta lại đã, đang tồn tại một lỗ hổng lớn, nhiều học sinh học xong lớp 12, sinh viên ra trường mà bất lực, không vững vàng trong chữ nghĩa, dùng từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.
Để chữ viết cẩn thận, rõ ràng, và kể cả đẹp hoàn toàn không phải do năng khiếu bẩm sinh, theo cách nghĩ của một số người, mà xuất phát từ quá trình tự ý thức và rèn luyện của mỗi học sinh, sinh viên, quan trọng nhất là thuở nhỏ, học tiểu học.
Mặc dù công nghệ tin học ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong đời sống, nhiều văn bản, nội dung ta có thể gõ, in, học trên máy vi tính, khi ấy ta không cần dùng đến cây bút, trang giấy nữa nhưng việc viết, luyện chữ cho cẩn thận, sạch đẹp luôn cần thiết đối với mỗi con người,vì nó biểu hiện phần nào đó phẩm chất, trí tuệ, tinh hoa, thẩm mĩ, văn hóa của con người, dân tộc Việt chúng ta.
Chữ viết đẹp luôn khiến cho người khác phải trân trọng, cảm phục mình, chẳng lẽ không đáng tự hào hay sao? Trong thời gian qua ngành giáo dục cũng đã có sự quan tâm đối với việc chữ viết của học cấp tiểu học bằng việc hủy bỏ mẫu chữ viết cải cách (Một" phát minh" làm suy đồi chữ viết của học sinh VIỆT), trở về với kiểu mẫu chữ viết truyền thống vốn rất phù hợp và rất đẹp, cùng với tổ chức nhiều hội thi vở sạch, chữ đẹp của trò, song kết quả thực tế vẫn còn ở mức khiêm tốn.
Do đó ngành giáo dục cần phải làm nhiều hơn nữa, có chiều sâu và rộng rãi hơn, tránh lối hình thức, thành tích giả tạo. Về mặt viết câu, viết chính tả để giải quyết tồn tại, yếu kém trong giới sinh viên, học sinh không chỉ có sự cố gắng nỗ lực của người học mà còn cần tới sự quan tâm đầu tư, bồi dưỡng, cày xới thường xuyên liên tục của mọi thầy cô giáo từ lớp nhỏ tới lớp lớn.
Cấp quản lí giáo dục cùng với các nhà ngôn ngữ nên đưa ra một qui định thống nhất về cách viết chính tả trên toàn quốc, chứ hiện nay tình trạng viết trong học sinh, sinh viên cũng như các giới trong xã hội khá lộn xộn, tùy tiện ở một số chữ cái, chẳng hạn như chữ cái: i/y, c/k, ch/tr, dấu hỏi. ngã...
Các nhà soạn sách tiếng Việt phổ thông và đại học nên tăng cường những tiết thực hành, luyện tập về câu, chính tả. Viết đúng chính tả, đúng câu cũng có nghĩa là góp phần vào gìn giữ, phát huy sự trong sáng, giàu đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt.
Thanh Bình
Quảng Ngãi
Quảng Ngãi
LTS Dân trí - Đã là người có học mà nói không đúng và viết không đúng Tiếng Mẹ đẻ thì đó thật sự là điều đáng xấu hổ.
Rất tiếc là thời nay, không những là học trò, mà cả thầy giáo và nhiều người mang danh “trí thức” nhưng viết sai chính tả và cả câu cú còn khá nhiều. Điều đó thể hiện một nền giáo dục thiếu chuẩn mực và thiếu sự nghiêm túc ngay từ việc rèn chữ viết và dạy cách thể hiện câu văn bằng Tiếng Mẹ đẻ dựa trên cơ sở ngữ pháp đã được chuẩn hóa.
Người ta thường nói “Thầy nào thì trò nấy”. Muốn uốn nắn tình trạng nói trên thì trước hết phải bắt đầu từ Người Thầy, cho nên thiết nghĩ tuyển vào ngành sư phạm dù dạy các môn khoa học tự nhiên, vẫn bắt buộc phải thi một bài văn tự luận để đánh giá về khả năng làm thầy.
Đúng như tác giả bài viết trên đây, việc rèn chữ viết cũng như câu cú cho học sinh không chỉ gói gọn trong các giờ học ngữ văn mà còn có sự hỗ trợ của các giờ học khác, cũng vì vậy, các thầy giáo dạy các môn khoa học tự nhiên (từ THCS trở lên) đều có trách nhiệm uốn nắn những sai sót của HS, SV về chính ta hay câu cú và nên trừ điểm về những sai sót đó để nhắc nhở các em quan tâm viết đúng chính tả và câu cú.
Theo Dân Trí