• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Niềm tin giáo dục: Ai chịu trách nhiệm chính?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Nếu phương thức giáo dục nhà trường chỉ là sự kéo dài phương thức giáo dục kinh nghiệm chủ nghĩa của đời sống gia đình, khi ấy nhà trường có nguy cơ chỉ đào tạo nên những cá nhân to xác mà không trưởng thành về trí tuệ và tình cảm.

Khôn ranh hay trí thông minh?

Sẽ là thừa nếu nhắc lại điều đã thành nhàm rằng bạo lực học đường luôn khiến toàn xã hội phẫn nộ. Ngày nay sự phẫn nộ còn dễ dàng bùng nổ tức thời rồi lan truyền trên diện rộng do tác động nghe-nhìn, nhờ công nghệ truyền thông tương tác hiện đại và mạng Internet. Một đoạn băng video ghi cảnh lại cảnh nữ sinh tra tấn bạn được tung lên mạng Internet có thể gây tác động lớn gấp bội so với một bài báo giấy cách đây vài chục năm.
Và vừa mới đây thôi, xã hội lại được một phen kinh hãi khi một học sinh lớp 10 đâm chết bạn học ngay trước cửa lớp chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ.

Khi bạo lực học đường xảy ra, người ta đổ lỗi cho nhau. Người trách nhà trường không làm tròn nhiệm vụ. Nhà trường, như mọi lần, lại lên tiếng lặp lại lời khẳng định rằng giáo dục là nhiệm vụ của toàn xã hội. Người khác cho rằng cái xấu trong nhà trường có nguồn gốc xã hội. Người yếm thế nói rằng cứ kỷ luật, đuổi học những học sinh hư đi, là xong! Người vô tâm cho rằng hiện tượng học sinh bắt nạt nhau xưa nay nơi nào chẳng có, ngay cả tại những nước có nền giáo dục tử tế.

30sinhvien.jpg


Nhưng qui trách nhiệm mới chỉ là nêu vấn đề chứ không phải là giải quyết vấn đề. Nhất định phải có ai đó chịu trách nhiệm chính.

Về căn bản, một đứa trẻ lúc sinh ra chẳng khác gì những động vật con khác. Thậm chí, đứa trẻ con thua xa hầu hết các loài động vật khác: con gà chỉ sau vài ngày ra đời đã có thể biết mổ hạt thóc. Đứa trẻ phải mất vài năm học cách cầm cái thìa, đưa cái thìa vào bát cơm ...thì mới có thể tự mình xúc cơm đưa lên miệng v.v. Nhưng nhược điểm này cũng lại chính là thế mạnh đặc trưng của con người. Con người phải học hỏi thì mới tồn tại được trong xã hội.

Từ lúc sinh ra cho đến trước tuổi đi học, đứa trẻ chủ yếu sống với gia đình, bạn bè lân cận, hàng xóm. Giáo dục trong giai đoạn này là kiểu giáo dục không chính thức, kiểu truyền dạy kinh nghiệm chủ nghĩa. "Con yêu, đây là số 1 này, đây là quả cam này...". Đứa trẻ bắt chước người khác để được khen, để được công nhận, để làm người khác hài lòng. Đứa trẻ học được cái gì thì được, học được cái gì thì may mắn cho gia đình cái ấy, thế thôi. Hoàn toàn cầu may. Giáo dục này chỉ đem lại cho đứa trẻ cái "khôn", cái "ranh", thậm chí cái khôn lỏi, chứ chưa phải là "trí thông minh", chưa phải là "trí tuệ".

Giáo dục nhà trường - sự phủ nhận biên chứng

Đến tuổi đến trường, đứa trẻ bắt đầu bước vào một thế giới khác hoàn toàn về chất. Nó bước vào cuộc sống nhà trường. Cuộc sống này phủ nhận cuộc sống trước đó của nó, hiểu theo nghĩa biện chứng của phủ nhận: Hoa phủ nhận cái nụ, quả phủ nhận hoa ...Đứa trẻ chia tay với lối học kinh nghiệm chủ nghĩa. Nó bắt đầu là một nhà "nghiên cứu" thực sự. Nó có hẳn phương pháp nghiên cứu do nhà trường cung cấp cho nó. Nó chấm dứt bị coi là "con nít".

Trẻ em trưởng thành tức là nó tự phủ nhận chính nó. Trước tuổi đến trường, trong vòng tay bố mẹ, ông bà, đứa trẻ dẫu có biết đếm nhanh thoăn thoắt đến số 1000 thì vẫn chưa phải là học toán, dẫu có đọc thuộc lòng hàng chục trang Truyện Kiều thì cũng chưa phải là học văn. Dẫu có biết nói "con yêu mẹ lắm" như con vẹt cũng chưa phải là lòng yêu thương, khoan hãy nói lòng yêu thương rộng lớn hơn dành cho cả những người phụ nữ không phải là mẹ đẻ của nó.

30sinhvien1.jpg


Nếu phương thức giáo dục nhà trường chỉ là sự kéo dài phương thức giáo dục kinh nghiệm chủ nghĩa của đời sống gia đình, khi ấy nhà trường có nguy cơ chỉ đào tạo nên những cá nhân to xác mà không trưởng thành về trí tuệ và tình cảm.

Nhà trường với tất cả vinh quang lẫn thất bại phải chịu trách nhiệm chính đối với toàn bộ sự trưởng thành của trẻ em. Bởi vì giáo dục là con đường duy nhất, là con đường triệt để nhất, con đường tiết kiệm nhất để giúp trẻ em trưởng thành. Giáo dục phải là niềm tin. Giáo dục là niềm hi vọng cuối cùng.

Hơn 100 năm trước đây, nhà giáo dục người Mỹ John Dewey đã viết trong cuốn sách nhan đề "Tín điều giáo dục của tôi": "Tôi tin rằng giáo dục là phương pháp căn bản đem lại tiến bộ và cải cách xã hội. Mọi cải cách đơn thuần dựa vào luật pháp hoặc dùng hình phạt để đe dọa hoặc dựa vào những sửa đổi máy móc và có tính hình thức thì đều mang tính nhất thời và vô ích...Nhưng bằng giáo dục, xã hội có thể vạch ra những mục đích của riêng nó, có thể tổ chức các phương tiện và nguồn lực, và bằng cách ấy xã hội phát triển theo hướng mà nó mong muốn theo cách được xác định rõ ràng và tiết kiệm ..."

Theo TuanVietNam.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top