• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Những tranh chấp buôn bán quốc tế

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Những tranh chấp buôn bán quốc tế




Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại hiện nay, các tranh chấp về buôn bán và đầu tư quốc tế ngày một nhiều và có nguy cơ phá hoại nhiều hiệp định và hiệp ước kinh tế quốc tế. Cuối năm 2004, Hội nghị LHQ về buôn bán và phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo rằng ít nhất 50 nước đang phải đối phó sự phán xử bất công về buôn bán và đầu tư, gây thiệt hại cho các nền kinh tế này mỗi năm hàng trăm triệu USD.

UNCTAD cho rằng, hệ thống buôn bán và đầu tư toàn cầu hiện nay do các nước giàu và các thể chế tài chính quốc tế chi phối đã buộc các nước đang phát triển chịu sự kiểm soát của các công ty xuyên quốc gia phương Tây. Các tranh chấp buôn bán và đầu tư phần lớn do các công ty này không chịu chấp hành các quy định trong buôn bán và đầu tư gây thiệt hại cho các nước đang phát triển. Trong quá trình giải quyết, các nước nghèo thường chịu sự phán xử bất công vì họ không đủ chi phí để thuê luật sư theo đuổi các vụ kiện kéo dài rất tốn kém.

UNCTAD cho biết tổng số tranh chấp liên quan đầu tư trong ba năm qua đã lên tới 160 vụ, phần lớn do các công ty xuyên quốc gia phương Tây kiện chính phủ các nước đang phát triển và các vụ tranh chấp này không ngừng tăng lên. Argentina dẫn đầu về số vụ tranh chấp với 37 vụ, trong đó 34 vụ liên quan cuộc khủng hoảng tài chính trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20. CH Séc phải trả 270 triệu USD cho một số công ty phát thanh Hà Lan sau khi bị phân xử vi phạm Hiệp ước đầu tư với Hà Lan. Ecuador đã phải trả cho công ty dầu mỏ khổng lồ Occidental của Mỹ 71 triệu USD do bị phân xử là vi phạm thỏa thuận đầu tư với Mỹ.

Mới đây, khối 77 nước nghèo ở châu Phi, vùng biển Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (ACP) đã cảnh báo rằng những điều kiện chính trị mà Mỹ và EU áp đặt lên quan hệ buôn bán quốc tế đang làm cho nền kinh tế của những nước này gặp nhiều khó khăn hơn. Năm 2004, EU đã dành cho các nước ACP các ưu đãi về buôn bán và tăng viện trợ phát triển với những điều kiện chính trị áp đặt về quyền con người, phê chuẩn công ước Roma về Tòa án hình sự quốc tế (ICC) và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, các nước ACP lại lo ngại rằng việc đáp ứng những điều kiện này sẽ khiến họ ngày càng khó khăn hơn trong quan hệ buôn bán với Mỹ vì chính quyền Mỹ đang chống lại ICC và dọa sẽ trừng phạt các nước phê chuẩn công ước Roma về thiết lập tòa án này.

Ngoài tranh chấp thương mại giữa các nhóm nước phát triển và nhóm nước đang phát triển, còn có tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU, giữa Mỹ, EU và Canada, giữa Mỹ với từng nước hoặc giữa các nước với nhau... Cuối tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ G.Bush thực hiện chuyến công du đến châu Âu, ngoài việc hàn gắn bất đồng giữa hai bờ Ðại Tây Dương vì chiến tranh Iraq, còn có nhiệm vụ giải quyết những tranh chấp thương mại song phương, có thể gây thiệt hại đến 2.500 tỷ USD, tức 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu cho cả hai phía. Sự căng thẳng trong quan hệ thương mại hai bên đã trở lại sau những nỗ lực của EU nhằm kiếm lợi từ thương mại với Iran và Trung Quốc các khoản trợ cấp dành cho Airbus và Boeing, cũng như việc làm thế nào để hoàn tất vòng đàm phán thương mại toàn cầu, một mục tiêu mà cả Mỹ và EU đều nhắm tới trong năm 2005. Tuy nhiên, trước khi bàn điều này, Mỹ và EU cần phải đối diện cản trở chính ngay trước mắt họ: vấn đề trợ cấp nông nghiệp. Cả hai đều cần phải thực hiện tốt cam kết dỡ bỏ các khoản trợ cấp nông nghiệp của họ.

Tháng 2-2005, WTO đã thành lập hai uỷ ban điều tra vụ Canada cùng với Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt trả đũa việc EU cấm nhập khẩu thịt bò có hoóc-môn và vụ tranh chấp thương mại giữa EU và Mỹ về luật miễn thuế xuất khẩu của Mỹ. EU muốn WTO buộc Mỹ và Canada phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt với lý do việc trừng phạt là không có cơ sở vì EU cấm nhập khẩu thịt bò có hoóc-môn là hoàn toàn tuân theo quy định của WTO. Một Ủy ban của WTO sẽ điều tra xem liệu Chính phủ Mỹ có tuân thủ đầy đủ phán quyết của WTO yêu cầu Mỹ hủy bỏ luật miễn thuế cho các công ty xuất khẩu của Mỹ hoạt động ở nước ngoài (hay còn gọi là luật FSC) EU lo ngại rằng để thay thế luật FSC đã bị hủy bỏ, Chính phủ Mỹ sẽ viện trợ các công ty xuất khẩu hoặc tiếp tục miễn thuế cho các công ty này trong giai đoạn chuyển tiếp, đến năm 2006. Trước đó, tháng 2-2002, WTO đã phán quyết luật FSC của Mỹ là bất hợp pháp và cho phép EU ban hành các biện pháp trừng phạt trị giá tới bốn tỷ USD đánh vào hàng hóa Mỹ. Tháng 1-2005, EU đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt sau khi QH Mỹ hủy bỏ FSC, nhưng vẫn cảnh báo sẽ tiếp tục áp dụng lại các biện pháp trừng phạt này nếu WTO kết luận Mỹ không tuân thủ đầy đủ phán quyết của WTO.

Liên quan phán quyết của WTO, tháng 8-2004, WTO đã phán quyết rằng EU trợ giá xuất khẩu đường là bất hợp pháp và trái với những quy định của WTO. Phán quyết này được xem là thắng lợi lớn của Brazil, Thái-lan và Australia, ba nước kiện lên WTO các chính sách của EU về trợ giá xuất khẩu đường. WTO cho biết trung bình mỗi năm EU xuất khẩu năm triệu tấn đường được trợ giá ra thị trường thế giới. Việc EU dùng một khoản tiền lớn để trợ giá cho nông dân sản xuất đường và bán đường với giá thấp trên thị trường thế giới đã ảnh hưởng xấu đối với thị trường và gây thiệt hại cho các nước khác.

Mới đây, WTO đã ra phán quyết cuối cùng khẳng định ủng hộ bản án sơ thẩm nghiêng về phía Brazil trong vụ kiện bông hồi tháng 9-2004. Ủy ban giải quyết tranh chấp của WTO khẳng định việc Mỹ trợ giá cho ngành sản xuất bông trong nước là bất hợp pháp và vi phạm các quy định thương mại của WTO. Tổ chức OXFam ước tính, mỗi năm ngành sản xuất bông ở Mỹ được trợ cấp tới 3,2 tỷ USD và trợ giá xuất khẩu 1,6 tỷ USD. Các nước sản xuất bông miền nam châu Phi cảnh báo họ không thể cạnh tranh với Mỹ do giá bông trên thị trường thế giới đang thấp một cách giả tạo.Thắng lợi của Brazil tiếp theo thắng lợi của EU trong vụ kiện đường sẽ mở đường cho các nước khác "dũng cảm" theo kiện Mỹ khi có tranh chấp thương mại.

Hội nghị các đại diện thương mại của 30 nước phát triển họp tại Kenya đầu tháng 3-2005 đã khẳng định rằng các nước nghèo không thể chấp nhận bất kỳ quy chế buôn bán không công bằng nào vì bên bán là "con đường sống" chủ yếu của các nước đang phát triển, nhất là các nước châu Phi.



Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top