• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Những thành tựu chủ yếu của văn minh Lưỡng Hà cổ đại

Trang Dimple

New member
Xu
38
Lưỡng Hà là tên gọi của một nền văn minh cổ đại nổi tiếng thế giới phát tích ở nơi gồm lãnh thổ Iraq, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và tây nam Iran hiện đại. Lưỡng Hà là một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất mà nhân loại biết đến, có trình độ phát triển cao về mọi mặt. Lịch sử nền văn minh này là “Sự Liên tục của những Đứt đoạn”.

1. Chữ viết

Chữ viết ở Lưỡng Hà đầu tiên do người Xume sáng tạo vào cuối thiên kỷ IV TCN. Trong thời kỳ đầu, chữ viết của Lưỡng Hà cũng là chữ tượng hình. Ví dụ, muốn viết các chữ chim, lá, lúa, nướcthì vẽ hình con chim, con cá, bông lúa, làn sóng. Dần dần, các hình vẽ được đơn giản hóa tức là không phải vẽ toàn bộ sự vật mà chỉ vẽ một bộ phận tiêu biểu mà thôi, ví dụ, chữ trời chỉ vẽ một ngôi sao, chữ bò mộng chỉ vẽ cái đầu với hai sừng dài.

Trên cơ sở tượng hình, để biểu thị các khái niệm, động tác... người ta phải dùng phương pháp biểu ý. Ví dụ, muốn viết chữ khóc thì vẽ con mắt và nước, đẻ thì vẽ chim và trứng, bò rừng thì vẽ bò và núi. Lúc đầu, hình cái cày vừa có nghĩa là cái cày, lại có nghĩa là người cày. Để phân biệt, bên cạnh hình cái cày thêm hình gỗ thì có nghĩa là cái cày, bên cạnh hình cái cày có thêm hình người thì có nghĩa là người cày.

Người ta còn dùng hình vẽ để mượn âm thanh. Ví dụ, muốn biết âm xum thì vẽ bó hành, vì bó hành có âm là xum. Các hình vẽ chỉ âm tiết còn kết hợp với một số hình khác để phân biệt các khái niệm. Ví dụ, hình bàn chân kết hợp với âm tiết NA là “đi”, hình bàn chân kết hợp với âm BAlà “đứng”, chữ hài thanh còn dùng để biểu đạt nhiều loại từ khác như giới từ, phó từ... Nhờ có chữ hài thanh, số chữ tượng hình càng ngày càng ít đi. Lúc đầu có khoảng 2000 chữ, nhưng đến thời Lagát (thế kỷ XXIX TCN) chỉ còn lại khoảng 600 chữ.

Chất liệu dùng để viết là các tấm đất sét còn ướt và những cái que vót nhọn. Viết trên đất sét chỉ thích hợp với những nét thẳng và ngắn; vì vậy, những nét dài được thay bằng nhiều nét ngắn và nét cong thì thay bằng nét thẳng. Ví dụ, cái đầu bò được viết thành một hình tam giác đỉnh chúc xuống dưới, phía trên có 2 đoạn thẳng biểu thị hai cái sừng. Đồng thời, do dùng que viết trên đất sét nên chỗ mới ấn vào thì nét to, chỗ rút bút ra thì nét nhỏ, do đó các nét đều giống hình cái nêm. Do sự bố trí khác nhau của các nét ấy mà tạo thành các chữ khác nhau. Loại chữ này được gọi là chữ tiết hình tức là chữ hình nêm.

Tổng số chữ tiết hình không đến 600 chữ, trong đó thường dùng chỉ có 300 chữ, nhưng mỗi chữ thường có vài nghĩa.

Chữ tiết hình cũng do người Xume phát minh, về sau, người Accat, người Babilon, người Atxiri và các tộc khác ở Tây Á cũng dùng chữ tiết hình để viết ngôn ngữ của mình. Đến khoảng năm 1.500 TCN, chữ tiết hình thành văn tự ngoại giao quốc tế, ngay Ai Cập khi ký điều ước hoặc các văn kiện ngoại giao cũng dùng loại chữ này.

Về sau người Phênixi và người Ba Tư đã cải tiến chữ tiết hình thành vần chữ cái.[1] Tuy vậy, ở Lưỡng Hà, các tăng lữ, các quan tòa và các nhà chiêm tinh vẫn dùng chữ tiết hình đến trước, sau công nguyên mới bị chữ phiên âm hoàn toàn thay thế.

Lúc đầu chữ tiết hình được viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Về sau, vì viết như thế có một điều bất tiện là khi viết đến dòng thứ hai thì tay xóa mất dòng thứ nhất vừa viết. Vì vậy, người ta đổi thành cách viết từ trái sang phải theo hàng ngang, đồng thời mỗi chữ cũng quay 90°. Sau khi viết xong quay tấm đất sét lại thì vẫn thành viết từ trên xuống dưới và từ phải sang trái. Nếu sách gồm nhiều trang thì mỗi tấm phải có tên sách và số trang, đồng thời đầu trang sau phải nhắc lại dòng cuối cùng của trang trước. Sau khi viết xong, muốn bảo tồn lâu dài thì cho vào lửa nung. Loại “giấy” này có ưu điểm là không bị mục nát, mối mọt, không bị cháy, nhưng lại có nhược điểm là dễ vỡ và quá nặng. Một quyển sách 50 trang thì phải nặng đến 50kg. Ngày nay ở Ninivơ, kinh đô của Atxiri ngày xưa đã phát hiện được trên 20.000 tấm đất sét như vậy, kể cả ở các nơi khác đã phát hiện được mấy trăm ngàn tấm.

Từ cuối thế kỷ thứ XVIII, một học giả Đan Mạch tên là Cacxten Nibua bắt đầu nghiên cứu cách đọc chữ tiết hình trên một minh văn do một thương nhân Ý đua từ Ba Tư về châu Âu nhưng chưa thành công.

Năm 1802, một giáo viên trung học người Đức tên là Grôtêphen. (Grotefend) đã đọc được hai đoạn minh văn.

Grôtêphen đã chọn hai đoạn minh văn có đặc điểm là trong đó có những cụm từ giống nhau. Ông đoán đó là tên hoàng đế, tiếp đến là danh hiệu, tiếp đến là tên cha và tên triều đại. Kết hợp với việc tra tên các vua Ba Tư trong lịch sử, Grôtêphen đã đọc được:

+ Đoạn 1: Xecxet, hoàng đế vĩ đại, hoàng đế trong các hoàng đế, con trai của hoàng đế Đariút, Akêmênit.

+ Đoạn 2: Đariút, hoàng đế vĩ đại, hoàng đế trong các hoàng đế, con trai của Hixtapơ, Akêmênit.

Grôtêphen đã đọc được 12 chữ trong bảng vần chữ cái của Ba Tư, về sau được chứng minh là 9 chữ trong số đó hoàn toàn chính xác. Như vậy, Grôtêphen đã đặt cơ sở cho việc đọc chữ tiết hình.

Năm 1835, nhà du lịch người Anh Rolinxơn (Rawlinson) phát hiện được một bản minh văn khắc trên vách đá, cao 4m, dài 20m, gồm 400 hàng. Ông đã bỏ ra mấy năm để chép bản minh văn ấy. Việc đọc chữ tiết hình được tiến triển thêm một bước.

Năm 1857, bốn độc giả đã độc lập nghiên cứu nhưng đã cùng đọc được một đoạn minh văn chữ tiết hình Atxiri. Vì vậy năm này được coi là năm khai sinh môn Atxiri học. Từ đó cả kho tàng tư liệu của khu vực Lưỡng Hà thuộc các lĩnh vực văn học, lịch sử, pháp luật, kinh tế, khoa học... được dịch ra ngôn ngữ hiện đại.

2. Văn học
Văn học Lưỡng Hà gồm hai bộ phận chủ yếu là văn học dân gian và sử thi (cũng gọi là anh hùng ca).

Văn học dân gian gồm có cách ngôn, ca dao, truyện ngụ ngôn... Loại văn học này thường phản ánh cuộc sống lao động của nhân dân và cách cư xử ở đời. Loại văn học này thường là văn học truyền miệng; vì vậy ngày nay ta biết được không nhiều.

Sử thi ra đời từ thời Xume, đến thời Babilon chiếm một vi trí rất quan trọng. Loại văn học này chịu ảnh hưởng của tôn giáo rất mạnh. Chủ đề của nó thường là ca ngợi các thần. Thuộc về loại này, có các truyện như “Khai thiên lập địa”, “Nạn hồng thủy”, “Gingamét” là tương đối tiêu biểu.

Truyện Khai thiên lập địa kể rằng trước khi có thế giới chỉ có ác quỷ Tiamát, hóa thân của vực thẳm. Tiamát đã sinh ra các thần nhưng một khi đã lớn mạnh, các thần không thừa nhận quyền lực của Tiamát nữa. Tiamát bèn tạo ra rất nhiều yêu quái gồm rắn độc, ác long, chó dại, người cá, người dê, người bò cạp đến đánh các thần, các thần đều khiếp sợ, chỉ có thần Mácđúc trẻ tuổi dám nghênh chiến. Khi cuộc chiến đấu mới bắt đầu, Tiamát há miệng định nuốt Mácđúc, Mácđúc liền thả gió độc làm Tiamát không ngậm được miệng, tiếp đó Mácđúc bắn trúng tim Tiamát, Tiamát chết. Bọn yêu quái hốt hoảng bỏ chạy nhưng bị mắc vào lưới của Mácđúc đã bủa vây từ trước nên bị bắt làm tù binh. Thế là Mácđúc giành được thắng lợi.

Mácđúc xẻ thi thể Tiamát làm hai nửa, một nửa làm thành trời, một nửa làm thành đất. Trên trời Mácđúc xây dựng cung diện cho các thần, bố trí mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Trên mặt đất, Mácđúc sáng tạo ra cây cối, động vật, dòng nước, cá. Đến đây các thần bèn xin Mácđúc tạo ra con người để phục dịch các thần. Mácđúc liền dùng đất sét trộn với máu của một thần vốn là bộ hạ của Tiamát để nặn thành người. Nhờ những công tích ấy, Mácđúc được các thần suy tôn là chúa tể của các thần.

Câu chuyện trên được viết bằng thơ và chép trên 7 tấm đất sét.

Truyện nạn hồng thủy kể rằng vì muốn tiêu diệt nhân loại, các thần đã tạo ra nạn lụt lớn làm ngập thế giới. Lúc bấy giờ có một kẻ thành kính thờ thần được thần báo trước và bảo ông ta phải đóng một chiếc thuyền lớn để đem theo giống của các loại động vật trên thuyền. Mưa như trút, nhấn chìm cả mặt đất dưới nước, nhân loại biến thành bùn, mọi sinh mệnh đều bị hủy diệt, chỉ còn lại người này cùng các sinh vật trên thuyền. Ông ta tạ ơn các thần và được các thần cho ông trở thành người bất tử.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của văn học Lưỡng Hà cổ đại là sử thi Gingamét. Tác phẩm này vốn của người Xume, sau được người Babilon cải biên và phát triển. Nội dung chủ yếu như sau:

Gingamét là một kẻ 2/3 là thần 1/3 là người, là vua của Urúc, vì không có chỗ để sử dụng sức mạnh của mình nên đã áp bức nhân dân Urúc rất cực khổ. Nhân dân Urúc kiện lên các thần, các thần bèn sáng tạo ra chàng dũng sĩ Enkidu, một người rừng có sức mạnh phi thường. Enkidu cùng sống chung với các loài thú, cùng ăn cỏ và uống nước suối với chúng.

Enkidu bảo vệ các thú rừng khỏi bị những người đi săn giết hại, vì vậy một người thợ săn đến nhờ Gingamét giúp đỡ để trừ Enkidu. Gingamét sai một nữ nô lệ của đền miếu đến thu phục Enkidu. Tình yêu đã làm cho Enkidu bỏ tính chất hoang dại, rồi Enkidu cùng người nữ nô lệ ấy về Urúc. Tại đây Gingamét và Enkidu đã đọ sức với nhau nhưng không phân thắng bại. Hai người kết thành đôi bạn thân.

Lúc bấy giờ ở rừng bách có con yêu quái Humbaba, nó không cho dân Urúc đến đây lấy gỗ, hơn nữa nó còn bắt nữ thần Ixta đem giấu ở đó. Vì vậy, Gingamét và Enkidu đến rừng bách giết Humbaba.

Thế là hai chàng dũng sĩ đã trừ được hại cho dân Urúc và cứu được thần Ixta. Do vậy, nữ thần Ixta đã bày tỏ tình yêu với Gingamét, nhưng Gingamét cho rằng Ixta là một kẻ lẳng lơ nên đã từ chối.

Nhục nhã và tức giận, Ixta đã xin cha mình là thần Anu, vị thần cao nhất ở Lưỡng Hà tạo ra một con bò thần rất hung dữ để giết chết Gingamét. Mặc dù con bò thần này có cái sừng dài đến 2m, hơi thở của nó một lần có thể làm chết mấy trăm người. Nhưng Enkidu và Gingamét cũng giết được con bò thần ấy.

Hai chàng dũng sĩ trở về Urúc và được nhân dân vui mừng tiếp đón và hết lời ca ngợi.

Trong khi Urúc đang mở hội mừng thắng lợi thì các thần quyết định Enkidu phải chết.

Sợ hãi trước cái chết, Gingamét quyết tâm đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Trải qua rất nhiều gian nan thử thách Gingamét phải lặn xuống tận đáy biển để lấy thuốc cải lão hoàn đồng. Nhưng trên đường về, khi đi qua một cái hồ, Gingamét để thuốc tiên lên bờ rồi xuống tắm. Một con rắn bò tới nuốt mất thuốc tiên. Chính vì vậy từ đó rắn già rắn lột, Gingatnét thất vọng trở về Urúc.

Gingamét xin các thần ban cho một ơn huệ cuối cũng là cho được gặp linh hồn Enkidu một lần nữa để hỏi về cuộc sống sau khi chết. Câu chuyện đến đây kết thúc.

Tóm lại, văn học Lưỡng Hà cổ đại đã đạt được những thành tựu đáng kể. Hơn nữa văn học Lưỡng Hà đã có ảnh hưởng lớn đối với khu vực Tây Á. Những truyện Khai thiên lập địa, sáng tạo ra loài người, Nạn hồng thủy... trong kinh thánh đều bắt nguồn từ nền văn học Lưỡng Hà.

3. Tôn giáo
Cư dân Lưỡng Hà cổ đại thờ rất nhiều loại thần như thần tự nhiên, thần động vật, thần thực vật, linh hồn người chết... Hơn nữa, trước khi thành lập quốc gia thống nhất, Lưỡng Hà bao gồm nhiều thành bang, mỗi thành bang có những thần riêng nên đối tượng sùng bái của cư dân Lưỡng Hà rất phức tạp, vị trí của các thần trước sau thường khác nhau.

Các thần lực lượng tự nhiên chủ yếu gồm có:

Thần Anu là thần trời. Dần dần Anu được quan niệm là cha và là vua của các thần.

Thần Enlin là thần đất, cũng được quan niệm là chúa tể của trời đất.

Thần Ea là thần nước, con trưởng của thần Anu, đồng thời là cha của thần Mácđúc.

Mặt Trời, Mặt Trăng và tinh tú cũng được coi là các vị thần, vì vậy thần Mácđúc còn được coi là thần sao Mộc, thần Ixta thì còn được coi là thần sao Kim.

Thần Mặt Trời Samát được quan niệm là con của thần Mặt Trăng Xin vì người Xume cho rằng ngày là do đêm sinh ra. Về sau, thần Samát được coi là thần tư pháp và là thần bảo hộ các vua. Thời Babilon thần Mácđúc, cháu của thần Anu, con trưởng của thần Ea trở thành chúa tể của các thần, vì vậy, câu đầu tiên của bộ luật Hammurabi viết:

“Thần Anu vĩ đại... cùng với thần Elin, chúa tể của trời đất quyết định vận mệnh của đất nước ban cho Mácđúc, con trưởng của thần Ea quyền thống trị cả nhân loại...”

Ngoài những thần chủ yếu nói trên còn có nhiều thần thuộc các lĩnh vực khác nhau như thần sấm sét mưa lụt Ađát, nữ thần sinh đẻ và số mệnh Nintu, thần nông nghiệp Urát, thần trí tuệ Tutu, thần chiến tranh Dababa, thần ôn dịch Ira...


Việc thờ người chết cũng rất được coi trọng. Vì vậy, người Lưỡng Hà rất chú ý đến lễ mai táng. Họ quan niệm rằng con người sau khi chết cũng có cuộc sống giống như ở trần thế, do đó, những người giàu có khi mai táng thường chôn theo nô lệ và những thứ quý giá và được xây dựng những lăng mộ lớn. Những người bình thường cũng được liệm trong những quan tài bằng đất sét.

Tàn dư của việc sùng bái các dã thú được biểu hiện ở việc thể hiện hình tượng các thần:

Thần Mácđúc được biểu hiện bằng con quái vật nửa rắn nửa chim dữ, thần Nécgan, vua của âm phủ được thể hiện thành một con quái vật mặt người nhưng lại có sừng bò, trên lưng có lông, có cánh, có mình của sư tử và có bốn chân.

Do sự phát triển của tôn giáo, tầng lớp thầy cúng hình thành.

Ở Babilon, tầng lớp này chia thành 30 loại, trong đó thầy cúng đọc bùa chú và thầy cúng đoán tương lai được trọng nhất. Thu nhập của thầy cúng rất lớn, vì nhân dân thường đến các đền miếu dâng nhiều lễ vật. Ví dụ đền thần Anu ở Urúc trong một ngày được dâng 2 con bò cái, 1 con bê, 4 con lợn, 50 con cừu lớn, 8 con cừu non, rất nhiều gia cầm và lương thực. Ngoài ra còn dâng từ 10-14 ly rượu bằng vàng.

4. Luật pháp
Lưỡng Hà là khu vực có
những bộ luật sớm nhất từ thời vương triều III của thành bang Ua (thế kỷ XXII-XXI TCN), ở Lưỡng Hà đã ban hành bộ luật cổ nhất thế giới nhưng ngày nay chỉ còn lại được một số đoạn. Những đoạn ấy nói đến các vấn đề kế thừa tài sản, nuôi con nuôi, địa tô, bảo vệ vườn quả. Trách nhiệm của người chăn nuôi đối với súc vật, sự trừng phạt đối với nô lệ bướng bỉnh và nô lệ chạy trốn.

Vào khoảng thế kỷ XX TCN, nước Etnuna ở Đông Bắc Babilon cũng ban hành một bộ luật. Bộ luật này viết trên hai tấm đất sét, được phát hiện ở Irắc, nay nguyên bản trưng bày ở viện bảo tàng Bátđa. Nội dung bộ luật đề cập đến các vấn đề như hệ thống đo lường giá cả, quan hệ nô lệ, việc vay nợ lãi...

Bộ luật quan trọng nhất ở Lưỡng Hà cổ đại là
luật Hammurabi. Bộ luật này khắc trên một bia đá, đội khảo cổ học Pháp phát hiện được ở Xuda (phía Đông Lưỡng Hà), nay trưng bày ở Viện bảo tàng Luvrơ (Pháp). Đây là bộ luật cổ sớm nhất hầu như còn nguyên vẹn mà ngày nay đã phát hiện được.

Bộ luật Hammurabi chia làm ba phần: Mở đầu, các điều luật và kết luận. Phần mở đầu nói về sứ mạng thiêng liêng, uy quyền của Hammurabi và mục đích ban hành bộ luật:

Vì hạnh phúc của loài người, thần Anu và thần Enlin đã ra lệnh cho trẫm - Hammurabi, một vị quốc vương quang vinh và ngoan dạo, phát huy chính nghĩa ở đời, diệt trừ những kẻ gian ác không tuân theo pháp luật, làm cho kẻ mạnh không hà hiếp người yếu, làm cho trẫm giống như thần Samát sai xuống dân đen, tỏa ánh sáng khắp mặt đất”.

Phần nội dung chính gồm 282 điều luật, đề cập đến các vấn đề như thủ tục kiện tụng các tội hình sự như trộm cắp, gây thương tích hoặc làm chết người, các vấn đề dân sự như hôn nhân, quyền sở hữu tài sản, thuê người làm, quyền lợi và nghĩa vụ của binh lính, chế độ ruộng đất, tô thuế, nô lệ...

Phần kết luận nhắc lại uy quyền, công đức của vua và tính hiệu lực của bộ luật:

“Đây là pháp luật do đức vua Hammurabi bách thắng đặt ra để đem lại hạnh phúc chân chính và đặt nền thống trị nhân từ trong nước”.

“Để cho người mạnh không hà hiếp kẻ yếu; để cho những người cô quả có thể nương tựa ở
thành Babilon...; để cho sự tuyên án trong nước tiện việc quyết định; để cho những kẻ bị thiệt thòi được trình bày lẽ phải, trẫm khắc những lời vàng ngọc của trẫm lên cột đá của trẫm, bức tượng của trẫm cũng tức là bức tượng của một vị vua công bằng”.

“Từ nay cho đến ngàn vạn đời sau, các vua trong nước phải tuân theo những lời chính nghĩa của trẫm đã khắc trên cột đá của trẫm, không được thay đổi việc xét xử do trẫm đã quyết định...”.

Nếu kẻ nào thi hành triệt để bộ luật này thì sẽ được các thần phù hộ, trái lại nếu người nào không nghiêm chỉnh thi hành hoặc sửa đổi bộ luật thì sẽ bị thần linh trừng phạt.

(Còn Tiếp)

Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
 
5. Kiến trúc và điêu khắc

Nghệ thuật tạo hình của Lưỡng Hà cổ đại bao gồm hai mặt chính là kiến trúc và điêu khắc, trong đó đặc biệt là kiến trúc. Các công trình kiến trúc chủ yếu là tháp, đền miếu, cung điện, thành, vườn hoa. Vì thiếu đá, gỗ, các công trình kiến trúc của Lưỡng Hà đều xây dựng bằng gạch nhưng cũng rất to lớn hùng vĩ.

Công trình tiêu biểu vào loại sớm là tháp đền của thành bang Ua xây dựng vào khoảng thế kỷ XXII TCN.

Nền tháp là một hình chữ nhật dài 62,5m rộng 43m. Tháp gồm bốn tầng, phía trong là lõi đất, phía ngoài xây gạch, mỗi tầng một màu:

+ Tầng 1: màu đen, đại biểu cho thế giới dưới đất.

+ Tầng 2: màu đỏ, đại biểu cho thế giới của con người.

+ Tầng 3: màu xanh, đại biểu cho thiên đường.

+ Tầng 4: màu trắng, đại biểu cho mặt trời. Tầng này đồng thời là một cái đền nhỏ.

Cả tháp có bậc cấp ở bên ngoài để đi lên đến đỉnh. Ngọn tháp này là nơi cúng thần, đồng thời là nơi quan sát thiên văn.

Thành tựu kiến trúc nổi bật nhất của Lưỡng Hà là hệ thống công trình gồm: thành quách, cung điện, tháp, vườn hoa của Tân Babilon.

Thành của Tân Babilon ở phía Nam thủ đô Bátđa của Irắc ngày nay. Toàn bộ tòa thành này màu vàng, dài 13,2km, cứ 44m có một tháp canh, tổng cộng có hơn 300 tháp canh. Thành có ba lớp, chỗ dày nhất là 7,8m, chỗ mỏng nhất là 3,3m. Giữa các lớp thành có hào sâu và tường đất. Thành còn có một công trình phòng ngự bằng nước rất phức tạp. Nếu có địch tấn công thì có thể tháo nước để làm ngập vùng xung quanh để quân địch không đến gần thành được.

Cửa phía Bắc của thành là nơi thờ thần Ixta nên gọi là cửa Ixta. Cửa có hai lớp cao 12m. Trên cửa ốp gạch men xanh, trên gạch có nhiều phù điêu hình bò rừng, rồng với màu sắc rực rỡ. Từ cửa Ixta có một con đường rất thẳng đi đến phía Nam của thành. Đây là con đường để đám rước đi qua trong các dịp tế lễ vì vậy gọi là “đường thánh”. Con đường này được lát bằng những tấm đá vôi vuông mỗi cạnh 1,05m, ở giữa lát đá màu trắng và màu hồng, hai bên lát màu đỏ. Trên đá có khắc chữ tiết hình. Hai bên đường thành có hai bức tường có tượng sư tử màu trắng và màu vàng. Cuối con đường thành là đền thờ thần Mácđúc. Trước đền có một cái hồ xây bằng đá cẩm thạch tượng trưng cho cái vực thẳm đã sinh ra thế giới. Bên cạnh đền có một tháp cao. Phía Bắc đền và tháp là cung điện và vườn hoa trên không.

Ngọn tháp gần đền Mácđúc cao 90m, đáy hình vuông mỗi cạnh 91m. Tháp gồm bảy tầng, mỗi tầng có một màu riêng tượng trưng cho bảy ngôi sao. Tầng trên cùng của tháp là một ngôi đền nhỏ xây bằng gạch men xanh nhạt, bốn góc có mạ vàng. Trong đền có tượng thần Mácđúc và các đồ dùng như giường, bàn, ghế bằng vàng. Có một bà cốt thường xuyên ở trong đền, vì mọi người tin rằng thần Mácđúc cứ đến đêm lại về ở trong đền. Bà cốt ấy cũng được coi như một vị thần.

aaaa.jpeg


Cung điện Tân Babilon rất tráng lệ nhưng ngày nay chỉ biết được rằng riêng phòng đặt ngai vàng đã rộng đến 1.200m2 (60m x 20m), qua đó có thể thấy được quy mô của tòa cung điện này.



Vườn hoa trên không (còn gọi là vườn treo) là một công trình rất độc đáo. Toàn bộ vườn treo thực chất là một vườn hoa được tạo dựng trên một cái đài lớn cao 25m.

Cái đài này có 4 lớp, lớp dưới cùng là đá, lớp thứ hai là gạch, lớp thứ ba là những tấm chì và lớp trên cùng là đất. Chính trên lớp đất với độ cao 25m này, người ta trồng hoa thơm cỏ lạ tạo thành một vườn thượng uyển.

Tương truyền rằng vườn hoa này là do vua Nabusôđônôxo ra lệnh kiến tạo để chiều lòng vương hậu của ông vốn là một công chúa nước Mêdi chỉ quen với phong cảnh của đất nước nhiều rừng núi, chứ không thích cảnh đồng bằng ở Babilon. Vì vậy nhà vua phải tạo ra khu rừng nhân tạo cách biệt với khu vực xung quanh để cho vương hậu dạo chơi giải buồn.

Vườn hoa trên không và thành Babilon về sau được người Hy Lạp coi là một trong bảy kỳ quan của thế giới.

oàn bộ các công trình này đã đổ nát, nay chỉ còn lại những di tích mà giới khảo cổ học đã phát quật được.

Nghệ thuật điêu khắc gồm tượng và phù điêu. Những tác phẩm tương đối tiêu biểu là “bia diều hâu”, “Cột đá Naramxin”, “Bia luật Hammurabi”, các tượng thần Atxiri...

Bia diều hâu là tấm bia ghi sự tích vua Lagát đánh thắng quân Uma vào giữa thiên kỷ III TCN. Trên mặt sau của bia chạm cảnh thần Ninghiếcxu cầm lưới tung vào quân địch, bãi chiến trường đầy tử thi, bầy diều hâu bay lượn trên các xác chết; Cảnh vua Lagát đi trên xe ngựa dẫn đầu đội quân được trang bị bằng vũ khí nặng; cảnh chôn cất người chết; cảnh hiến tế tù binh...

Bia luật Hammurabi phần trên có chạm hình của Hammurabi đang đứng trang nghiêm trước thần Mặt Trời và Samát (thần Tư pháp).

Các tượng thần Atxiri thường cao lớn, quái dị. Tượng cao 3-4m, hoặc là đầu người mình sư tử hoặc là mình bò có cánh. Tác phẩm sinh động nhất là sư tử bị bắn.

Mặc dầu cũng có một số tác phẩm điêu khắc như trên nhưng nhìn chung về mặt này ở Lưỡng Hà không nổi bật lắm.
6. Toán học, thiên văn, y học
a) Toán học: thành tựu toán học đầu tiên của cư dân Lưỡng Hà cần nói đến là phép đếm độc đáo của họ. Từ thời Xume, cư dân Lưỡng Hà lấy số 5 làm cơ sở của phép đếm. Việc đó bắt nguồn từ cách đếm số ngón tay của một bàn tay. Muốn đếm số lớn hơn 5 thì gọi là 5+1, 5+2. Về sau người ta lại lấy 60 làm cơ sở, có lẽ vì 60 = 5 x 12, có thể 5 là 5 ngón tay còn 12 là 12 tháng. Đồng thời phép đếm thập tiến vị (lấy 10 làm cơ sở) cũng đã được sử dụng. Cách đếm của cư dân Lưỡng Hà cổ đại còn giữ lại đến ngày nay trong cách tính độ (một vòng tròn có 360°, 1° có 60 phút, 1 phút có 60 giây) và cách tính phút giây thời gian.


Về số học, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết cách làm 4 phép tính, họ còn biết lập các bảng cộng trừ nhân chia để giúp các nhân viên hành chính tính toán được nhanh. Họ còn biết phân số, lũy thừa, căn số bậc 2 và căn số bậc 3; đồng thời còn biết lập bảng căn số. Họ cũng đã biết giải phương trình có 3 ẩn số.

Về hình học, xuất phát từ yêu cầu đo đạc ruộng đất, người Lưỡng Hà cổ đại đã biết tính diện tích các hình chữ nhật, hình tam giác, hình thang, hình tròn, nhưng khi tính diện tích và chu vi hình tròn họ chỉ mới biết số π = 3. Họ cũng đã biết tính thể tích hình chóp cụt. Ngoài ra, trước Pitago rất lâu, họ đã biết quan hệ giữa ba cạnh của tam giác vuông.

Ngày nay đã phát hiện được một số tác phẩm toán học chép trên 44 tấm đất sét. Có thể coi đây là một bảng tổng hợp các kiến thức toán học của cư dân Lưỡng Hà cổ đại.

b) Về thiên văn học: Người Lưỡng Hà cổ đại cũng đạt được những thành tựu quan trọng. Các tăng lữ thường ngồi trên các tháp cao để quan sát thiên văn. Trong một năm, bầu trời Lưỡng Hà thường trong sáng được 8 tháng đã giúp cho các nhà thiên văn với mắt thường cũng có thể quan sát các tinh tú.

Qua một thời gian dài tích lũy kinh nghiệm, người Lưỡng Hà cho rằng trong vũ trụ có 7 hành tinh là mặt trời, mặt trăng và 5 hành tinh khác. Họ cũng đã xác định được đường hoàng đạo và chia hoàng đạo làm 12 cung, mỗi cung có một chòm sao tương ứng. Họ còn biết được chu kỳ của một số hành tinh, ví dụ: Mặt trăng cứ hơn 18 năm lại quay về vị trí đối diện với mặt trời; sao kim cứ 8 năm lại quay về vị trí cũ; sao Thủy: 46 năm, sao Thổ: 59 năm, sao Hỏa: 79 năm; sao Mộc: 83 năm. Do vậy, họ đã tính được khoảng thời gian giữa hai lần nhật thực, nguyệt thực. Ngoài ra, trong tài liệu để lại còn ghi chép về sao chổi, sao băng, thời gian và địa điểm của động đất và bão.

Dựa vào sự quan sát thiên văn, từ thời Xume, người Lưỡng Hà đã đặt ra Âm lịch. Âm lịch của người Xume chia một năm làm 12 tháng, trong đó có 6 tháng đủ và 6 tháng thiếu. Tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu có 29 ngày, như vậy một năm có 354 ngày, so với năm mặt trời còn thiếu hơn 11 ngày. Để khắc phục nhược điểm đó, họ đã biết thêm tháng nhuận. Thời Hammurabi, tháng nhuận do vua quy định, về sau mới có chu kỳ cố định. Đến thời Tân Babilon, cứ 8 năm thì nhuận 3 lần, sau đổi thành 27 năm nhuận 10 lần.

Cũng vào thời Tân Babilon, mỗi tháng được chia thành 4 tuần, mỗi tuần có 7 ngày, tương ứng với 7 hành tinh và mỗi ngày có 1 vị thần làm chủ: Thần Mặt Trời quản ngày chủ nhật, thần Mặt Trăng quản ngày thứ hai, thần Sao hỏa quản ngày thứ ba, thần Sao Thủy quản ngày thứ tư, thần Sao Mộc quản ngày thứ năm, thần Sao Kim quản ngày thứ sáu, thần Sao Thổ quản ngày thứ bảy. Cách dùng tên mặt trời mặt trăng và các hành tinh để gọi các ngày trong tuần vẫn được dùng ở phương Tây cho đến ngày nay.

Ngày của người Lưỡng Hà bắt đầu từ lúc mặt trời lặn. Mỗi ngày chia làm 12 giờ, mỗi giờ có 30 phút. Như vậy, mỗi phút của người Lưỡng Hà cổ đại bằng bốn phút ngày nay.

Lịch của người Babilon cổ đại tuy là âm lịch nhưng rõ ràng là đã tương đối chính xác.

1111.jpeg



c) Về y học: Người Lưỡng Hà cổ đại cũng đã có những hiểu biết đáng kể. Trong các tài liệu y học để lại đến ngày nay đã thấy nói đến các bệnh ở đầu, khí quản hô hấp, mạch máu, tim, thận, dạ dày, tai, mắt, phong thấp, ngoài da, bệnh phụ nữ... Hiện tượng của bệnh trúng gió được ghi lại như sau: “... mồm bệnh nhân méo xệch, mắt nhắm nghiền, môi mím chặt, không nói được”.

Còn bệnh ở huyệt thái dương thì ghi rằng: “Khi một người, huyệt thái dương nhiễm bệnh thì tai ù, mắt nảy đom đóm, vỏ não phía sau rất đau,... tim thổn thức, chân bủn rủn”.

Trong quá trình chữa bệnh, các thầy thuốc đã được chuyên môn hóa. Họ được chia thành các khoa như khoa Nội, khoa Ngoại, khoa Mắt... Phương pháp chữa bệnh gồm có cho uống thuốc, xoa bóp, băng bó, tẩy rửa, kể cả giải phẫu.

Dược liệu gồm có nước, dầu, các loại thuốc được chế biến từ thực vật, động vật, khoáng vật.

Tuy vậy, nền y học của Lưỡng Hà cổ đại chưa thoát khỏi những quan niệm về mê tín. Ví dụ họ cho rằng nguyên nhân của bệnh tật ngoài việc không điều hòa trong cơ thể còn do ma quỷ. Vì vậy, để chữa bệnh người ta phải cầu thần linh, dùng bùa chú, và dùng những thứ như lưỡi chuột, mắt gà, đuôi chó... Hơn nữa, các thầy thuốc không được chữa bệnh vào các ngày 7, 14, 21, 28, 29, vì những ngày ấy theo quan niệm của người Lưỡng Hà cổ đại là những ngày xấu.

Tóm lại, khu vực Lưỡng Hà đã bước vào xã hội văn minh rất sớm và đã đạt được những thành tựu rực rỡ về văn hóa. Những thành tựu văn hóa ấy, nhất là về các mặt như chữ viết, văn học, toán học, thiên văn đã có ảnh hưởng quan trọng đối với văn minh khu vực và thế giới.


Nguồn : Lịch sử văn minh thế giới-Tác giả: Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Nguyễn Gia Phu, Nguyễn Quốc Hùng, Đinh Ngọc Bảo -nhà xuất bản Giáo dục
aaaa.jpeg
haooaoa.jpeg
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top