Những quá trình diễn ra trong sự phát triển của từ vựng tiếng Việt

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Những quá trình diễn ra trong sự phát triển của từ vựng tiếng Việt

Trong sự phát triển của từ vựng tiếng Việt mấy chục năm qua đã diễn ra những quá trình chủ yếu sau đây:

1. Sự hình thành, phát triển và toàn thắng của những từ ngữ cách mạng tiến bộ

Những thuật ngữ cách mạng, tiến bộ về chính trị, xã hội và triết học đã phôi thai ở Việt Nam từ những năm 1930. Đường kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết năm 1926 là văn kiện đầu tiên, đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống thuật ngữ về chính trị, xã hội và triết học sau này. Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, các thuật ngữ về chính trị, xã hội và triết học phát triển thêm một bước nữa. Từ đó về sau, vốn thuật ngữ này lại được tiếp tục phát triển nhờ hệ thống báo chí của Đảng. Dầu sao, cho đến năm 1945, những từ ngữ cách mạng chỉ được lưu hành trong phạm vi nào đó. Đường kách mệnh là tài liệu Bác Hồ dùng để huấn luyện cho thanh niên Việt Nam ở Quảng Châu. Luận cương chính trị và các tài liệu báo chí khác của Đảng cũng đề phải được lưu hành bí mật, vì vậy, những từ ngữ cách mạng không thể phổ cập rộng rãi được. Phải chờ đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, vốn từ cách mạng dồi dào sau bao năm tích luỹ mới bùng ra mạnh mẽ. Tất cả mọi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, từ miền xuôi đến miền ngược, thuộc đủ mọi tầng lớp đều quen thuộc và hay dùng những từ ngữ mới của cách mạng như: cách mạng, cứu quốc, đế quốc, độc lập, phản đế, phản phong, phong kiến, phồn vinh, quốc dân, thực dân, tiến bộ, Việt Minh, xã hội v.v... Từ đó đến nay, cùng với những bước tiến vĩ đại của dân tộc trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, vốn từ ngữ cách mạng ngày càng phát triển, trở thành lớp từ tích cực, thâm nhập vào lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng.

Trong khi đó, hàng loạt từ ngữ phản ánh những tư tưởng chính trị, tôn giáo, triết học,... lạc hậu, phản động trước đây được dùng rộng rãi, ngày nay đã bị thu hẹp phạm vi sử dụng hoặc có khi bị loại hẳn ra khỏi vốn từ tiếng Việt. Ví dụ: a dong, a hành, a đảng, ái quốc chủ nghĩa, can vanh chủ nghĩa, cao hoàng, cao môn, đạo nhân, đăng đệ, đăng quang,...

2. Sự thâm nhập mạnh mẽ của các từ ngữ dân gian vào ngôn ngữ văn hoá

Cho đến những năm 20 của thế kỉ XX, Phạm Quỳnh vẫn coi “tiếng Nôm là lời tục trong dân gian của những kẻ không biết chữ”(1) và không thể dùng chúng trong văn chương cao quý của các bậc học giả, trí thức. Thế nhưng, mấy chục năm qua là thời kì vươn mình mạnh mẽ của tiếng nói dân tộc. Từ địa vị "nôm na mách qué", các từ ngữ dân gian đã thâm nhập mạnh mẽ vào ngôn ngữ văn hoá, trở thành bộ phận nòng cốt của ngôn ngữ văn hoá dân tộc. Các từ ngữ dân gian không chỉ được dùng ở loại văn thấp, không chỉ được dùng để tả cảnh, tả tình nữa mà đã trở thành một trong những phương tiện để tạo ra những luận văn chính trị, triết học xuất sắc như Đường kách mệnh, như Tuyên ngôn độc lập, như Những lời kêu gọiTruyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm,... mà Tố Hữu đã sáng tạo ra các tập thơ nổi tiếng: Từ ấy, Gió lộng, Việt Bắc,..., mà Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đã đạt được những mốc mới trên con đường phát triển của tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam. Ngày nay, chẳng mấy ai còn dùng những từ như: bằng hữu, bỉ nhân, cố nhân, đại huynh, lữ khách, ngõ hầu, phụng hành, tấu nhạc, tiện thiếp, tiểu đệ của Hồ Chủ tịch. Chính nhờ học hỏi ngôn ngữ quần chúng, nhờ thấm nhuần vốn văn học dân tộc như ca dao, dân ca, như v.v...

3. Sự thâm nhập lẫn nhau của từ vựng khẩu ngữ và từ vựng sách vở

Trong khi các từ thuộc khẩu ngữ hàng ngày của nhân dân được sử dụng rộng rãi trên sách báo các loại, từ sách báo chính trị đến sách báo ngoại giao, từ sách báo khoa học đến sách báo văn nghệ, từ sách báo quân sự đến sách báo kinh tế,... các từ của khẩu ngữ được coi là nguồn quan trọng để cấu tạo ra các thuật ngữ khoa học, kĩ thuật thì chúng ta lại thấy một quá trình ngược lại: sự thâm nhập ngày càng nhiều của các từ vựng sách vở vào khẩu ngữ của quần chúng. Những thuật ngữ chính trị, xã hội thông thường đã trở nên rất quen thuộc với tất cả mọi người: bình đẳng, cách mạng, chính phủ, cộng sản chủ nghĩa, dân chủ, hợp tác xã, làm chủ tập thể, phổ thông đầu phiếu, quản lí, kinh tế, quốc hộc, trung ương, xã hội chủ nghĩa,...

Những thuật ngữ thuộc các lĩnh vực khác nhau như: chiến dịch, chiến lược, chiến thuật, hạt nhân, kế hoạch, mặt trận, nguyên tử, phân phối, tấn công, tiêu dùng,... cũng khá phổ biến. Sở dĩ có tình hình trên là vì tình hình chính trị văn hoá của quần chúng ngày càng được nâng cao. Khoa học, kĩ thuật, sách vở, không còn là của cải riêng của một số người nào đó nữa mà dần dần trở thành vốn quý mà mọi người đều có quyền biết. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Để tiến hành cách mạng, để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, tất cả mọi người đều cần phải biết đến khoa học, đều có nghĩa vụ phải học khoa học, kĩ thuật.

4. Sự thâm nhập của các từ địa phương vào ngôn ngữ văn học toàn dân và sự phổ biến rộng rãi của ngôn ngữ văn hoá toàn dân

Sự phát triển của từ vựng tiếng Việt chẳng những là một quá trình làm giàu thêm kho từ ngữ của tiếng Việt mà còn là một quá trình thống nhất từ vựng, tiêu chuẩn hoá từ vựng tiếng Việt. Từ vựng tiếng Việt ngày càng thống nhất thì lẽ tự nhiên, những từ địa phương sẽ bị gạt bỏ dần dần. Quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, bắt đầu bằng ngôn ngữ văn hoá. Những người cầm bút ai cũng muốn tác phẩm của mình được nhiều người đọc, nhiều người hiểu. Vì vậy, họ có ý thức chọn dùng những từ mọi người đều biết, đều hiểu, hạn chế dùng những từ ngữ địa phương chỉ nhân dân một vùng nào đó hiểu được mà thôi. Chính nhờ khuynh hướng đó mà ngôn ngữ văn hoá ngày càng trong sáng, mẫu mực hơn ngôn ngữ thường ngày. So sánh việc dùng từ địa phương trong văn viết trước và sau Cách mạng, chúng ta thấy tỉ lệ giảm đi rất nhiều. Tính trung bình mỗi trang của Trương Vĩnh Kí (trước cách mạng) có hai từ địa phương, còn 4 trang của một tác giả ở miền Nam mới xuất hiện 1 từ địa phương. Hơn nữa, những từ địa phương trong tác phẩm văn học sau này, nói chung, là những từ thường dùng, có tần số sử dụng cao(2). Hiện nay, trình độ hiểu biết của nhân dân về chính trị và văn hoá ngày càng cao, sự giao lưu giữa các vùng được mở rộng, các phương tiện truyền thôn phát triển mạnh, cho nên ngôn ngữ văn hoá ngày càng có điều kiện truyền bá, ăn sâu vào quần chúng.

Trong quá trình phát triển của từ vựng tiếng Việt, rất nhiều từ địa phương đã được thu hút vào vốn từ toàn dân, làm giàu thêm cho ngôn ngữ văn hoá của toàn dân. Đó chính là những từ ngữ chỉ sản vật của địa phương, những từ ngữ nghề nghiệp của riêng từ vựng, chẳng hạn: lúa vào sữa, lúa toát đòng, lợn kéo xác, mạ ngồi, ngô xoáy uốn, tằm ăn rỗi,...
____________
(1) Phạm Quỳnh. Bàn về sự dùng chữ nho trong văn học quốc ngữ. Nam Phong tạp chí, số 9 (1919).
(2) Theo số liệu của Hoàng Thị Châu. Vài nhận xét về quá trình tiêu chuẩn hoá tiếng Việt thể hiện qua cách dùng từ địa phương trong sách vở, báo chí trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 (1970)


Theo Nguyễn Thiện Giáp. Từ vựng học tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 2002, trang 314–318.

 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top