Những người lính trên toa tàu mùa đông
Tôi đã đi cùng những người lính mùa đông ấy trên chuyến tàu dài 1.315km từ ga Hàng Cỏ tới Nha Trang. Họ, những gương mặt hớn hở, nụ cười thật tươi cùng đồng phục hải quân giống nhau như đúc. Thú thật hơn một ngày ngồi cùng toa nhưng tôi vẫn không phân biệt được ai với ai bởi họ giống nhau quá đỗi. Tôi biết họ là lính mới tuyển, mùa đông này sẽ đến Trường Sa làm nhiệm vụ canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Minh họa: Mặc Tuân
Tôi chưa đến Trường Sa, nhưng cũng như nhiều bạn trẻ khác, tôi hiểu cuộc sống và những khó khăn ở Trường Sa là không gì bù đắp nổi. Và, họ, những người lính trẻ kia hẳn nhiên trước khi đi cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với những khó khăn của sóng gió biển khơi, của đấu tranh, của sự sống và cái chết. Nhưng không hiểu sao tôi chỉ thấy vẻ hăm hở, những nụ cười vang và ánh nhìn tràn đầy tự tin trên gương mặt đang tuổi thanh xuân.
Trong mấy chục gương mặt phấn chấn chỉ biết cười kia, có lẽ tôi để ý nhất cái anh cao cao da hơi sạm vì nói giọng Hà Tây, đồng hương của mình đây mà. Tôi thấy họ trò chuyện với nhau cởi mở chân thành lắm. Ban đầu, lúc mới lên tàu chỉ là những câu thăm hỏi quê quán, học hành thời phổ thông, có lẽ trên toa tàu này họ mới gặp nhau lần đầu. Những chàng trai ấy ở đâu đó thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc bộ cùng tập hợp về thủ đô rồi lên tàu ra đảo.
Cái anh nói giọng đồng hương Hà Tây của tôi vui tính và hay pha trò với các đồng đội, chẳng mấy chốc tiếng cười nói của gần năm chục người lính át đi tiếng rậm rịch cũ mòn của đường ray và tà vẹt.
Người chỉ huy bảo Trường Sa sóng gió, các cậu không đùa được đâu, phải cố gắng lên nữa. Và rằng, dù các cậu là lính tình nguyện đi Trường Sa thì tôi cũng phải thông báo để lường trước khó khăn, còn hai ngày đi tàu biển từ Cam Ranh nữa mới tới nơi.
Vậy nhưng, trong mắt những người lính trẻ vẫn hăng hái, tự tin với lựa chọn của bản thân mình. Có anh bảo mình ở Vĩnh Phúc, từ bé tới lớn chưa biết biển bao giờ, đi Trường Sa cho thỏa chí tang bồng. Có anh lại bảo ông nội mình từng lái tàu không số hồi chiến tranh chống Mỹ, rồi ông hi sinh, cả nhà chẳng biết mộ ông ở đâu, mỗi lần thấy biển thì đứa cháu đích tôn là mình cứ dậy lên một nỗi niềm xen lẫn tự hào về thế hệ đi trước.
Có anh lại bảo mình ở nông thôn, lao động quanh năm vất vả nên đi Trường Sa cũng không sao chứ để mấy cậu bộ đội công tử trên thành phố ra đó, sóng gió quật cho mấy trận thì biết làm sao...
Ai cũng có một suy nghĩ, một lý do khác nhau để tình nguyện lên đường đến Trường Sa làm nhiệm vụ. Có thể những suy nghĩ là không giống nhau nhưng nhiệt huyết tuổi trẻ thì các anh, ai cũng như ai, quyết đến bám trụ nơi địa đầu biển trời Tổ quốc ấy...
Rồi dường như các anh còn đùa với nhau, thủ trưởng ơi, thằng này nó không biết bơi, thằng này trước kia chỉ tắm ở vòi hoa sen... Rồi có anh lại khoe năm mười một tuổi em đã bơi qua ngã ba Trung Hà đó thủ trưởng ơi. Ngã ba Trung Hà thì ai chẳng biết, là nơi giao nhau của ba con sông lớn nhất miền Bắc, nước chảy xiết quanh năm, nguy hiểm có khác gì phá Tam Giang.
Rồi đoạn đường sau, quãng miền Trung, các anh đều trầm tư, miên man nhìn những ô cửa kính đoàn tàu cũ xỉn. Nơi sóng gió Trường Sa nguy hiểm muôn vàn kia, biết cái gì đang chờ mình? Và mẹ già ở nhà sẽ sống ra sao trong hai năm đằng đẵng lo lắng, nhớ nhung cho mình nơi giữa biển trời mênh mông. Làm sao mẹ an tâm khi con mẹ chưa về dưới mảnh vườn quê mẹ.
Và nữa, cô bạn học của mình biết có còn chờ đợi mình như đã hẹn ước không? Cô ấy may mắn đỗ vào trường sư phạm rồi, vậy là sau này sẽ làm giáo viên, cuộc sống sinh viên nơi phố phường bao nhiêu là thú vui, liệu cô ấy có viết thư cho mình như đã hứa không?... Bao nhiêu câu hỏi chìm đi trong những suy tư của những người lính trẻ, những gương mặt mới vừa đôi mươi.
Bên ngoài, những cơn gió lành lạnh của chiều đông ập òa len qua khe cửa đoàn tàu thổi bay lất phất... Có tiếng thở dài đâu đó vang lên, dù rất khẽ. Hẹn gặp nhé, hai mùa đông nữa bọn mình sẽ về với dải đất mẹ thân yêu. Lại đi trên chuyến tàu mùa đông suốt dọc chiều dài hai phần ba đất nước này.
Và tôi biết, sớm mai đây, tôi sẽ chia tay những người lính này ở ga Nha Trang. Tôi sẽ trở về với cuộc sống yên bình như bao con người khác mà đâu biết ở xa kia, nơi Trường Sa yêu dấu hằng ngày, hằng đêm vẫn có những người lính trẻ đang sống, chiến đấu để mang lại một buổi chiều thanh bình như buổi chiều nay.
Và để mọi người được ngắm nhìn màu xanh hiền hòa của biển và vẻ đẹp mịn màng của bãi cát vàng thì có thể những người lính này sẽ phải đánh đổi bằng máu đỏ của chính mình.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ (Nha Trang) - TTO