Những nghề không dễ đeo đuổi
Khi lựa chọn ngành nghề, nhiều thí sinh bị cuốn hút bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài của nghề rồi cứ nghĩ mình phù hợp. Thực tế, khi học hay ra trường làm việc mới nhận thấy đó không phải là lựa chọn đúng.
Thu nhập cao nhưng thách thức cũng cao
Mức thu nhập hấp dẫn, môi trường quốc tế nhưng nhiều áp lực đó là đặc điểm công việc của những người làm trong lĩnh vực hàng không.
Làm nghề hướng dẫn viên được đi nhiều, hiểu nhiều nhưng cũng lắm vất vả. Trong ảnh: Sinh viên trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn trong chuyến đi đầu khóa học - Ảnh: C.T.V
Dù vậy, không thể phủ nhận mức độ nặng nhọc, vất vả và đầy áp lực của công việc suốt ngày bay trên bầu trời. Do phải liên tục thay đổi áp suất ở những lần cất và hạ cánh, sự thay đổi đột ngột về thời tiết, khí hậu, múi giờ, thức đêm, dậy sớm… ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Đó là chưa kể những quy định khá ngặt về thời gian, ví dụ nữ tiếp viên phải cam kết không nghỉ vì lý do sinh con trong thời gian 3 năm kể từ ngày ký hợp đồng lao động. Với công việc đòi hỏi ngoại hình này thì độ tuổi nghề nghiệp của các tiếp viên cũng bị giới hạn nhất định.
Hướng dẫn viên du lịch mà... say tàu xe
Thu nhập của nghề hướng dẫn viên du lịch tương đối khá: hướng dẫn khách nội địa mỗi ngày được khoảng 300.000 đồng. Với khách quốc tế, dao động từ 20-40 USD tùy vào ngôn ngữ mà bạn hướng dẫn.
Tuy nhiên, qua những buổi phỏng vấn trước khi thi ngành hướng dẫn viên du lịch, nhiều thí sinh đã phải suy nghĩ lại về quyết định chọn nghề của mình. Chẳng hạn người vẫn thường dùng thuốc tránh say khi đi tàu xe thì không thể hướng dẫn, trò chuyện cùng du khách khi di chuyển trên xe được.
Tân sinh viên ngành hướng dẫn viên trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist vẫn thường coi chuyến dã ngoại đầu năm học là một thử thách không dễ dàng vượt qua. Qua những chuyến đi kéo dài trong 3, 4 ngày, nhiều người say xe, người lại thấy mình không có khả năng hoạt náo, người kể chuyện vui mà du khách không chịu cười... Vì thế sau chuyến đi, nhiều sinh viên đã xin chuyển ngành học khác.
Ông Trần Văn Hùng, Hiệu phó nhà trường, cho biết: “Trường cũng tổ chức trò chuyện, trao đổi với sinh viên để giúp các em hiểu rõ hơn về ngành nghề cũng như khả năng của bản thân có thích hợp để theo ngành mình đã chọn hay không. Có nhiều em đăng ký học hướng dẫn viên là vì bố, mẹ làm trong ngành, hoặc vì nhìn bên ngoài thấy hay hay, chứ không thực sự hiểu được nghề đó đòi hỏi những yếu tố nào”.
Sinh viên trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn đầu năm học cũng được làm quen với nghề bằng tour 2 ngày đi Phan Thiết, Vũng Tàu hay Long Hải. Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng, cho hay: “Sau khi về, có một số bạn cảm thấy đuối, không phù hợp, nhưng vì thích nên vẫn tiếp tục theo học. Tuy nhiên đến hết một học kỳ thì sự phân hóa đã rõ ràng. Nhiều em xin chuyển ngành khác”.
Một cựu sinh viên ngành Văn hóa du lịch, chuyên ngành hướng dẫn viên trường ĐH Văn hóa TP.HCM kể lại: “Đây quả thực là một nghề kinh khủng đối với phái nữ. Nhớ hồi thực tập, hướng dẫn viên phải ngủ chung với tài xế, lơ xe, gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Rồi xa nhà biền biệt, lại phải đứng nắng đứng gió sạm da, mau già. Nếu chưa được hướng nghiệp kỹ càng, nhiều bạn trẻ sẽ vỡ mộng về nghề. Hầu hết bạn bè chung lớp với em không ai theo đuổi nghề này”.
Ông Hồ Thêm, Trưởng phòng Đào tạo trường Trung cấp nghề Du lịch Khôi Việt tâm sự: “Nghề này có những thử thách khó vượt qua. Đây là một nghề cần sức khỏe, phải đi biền biệt nhiều ngày trời với nhiều gian nan cực nhọc. Đặc biệt đối với phái nữ lại càng khó theo đuổi đến cùng”. Ông Phan Bửu Toàn cũng thừa nhận: “Nghề này kiến thức phải thực sự sâu sắc và kỹ năng nghề vững vàng, không ngoại trừ cả chút năng khiếu trò chuyện với đám đông, tính hài hước, có duyên...”. Ông Toàn cho biết, trong quá trình học, có đến 30% sinh viên rơi rụng vì không phù hợp. Sau khi tốt nghiệp thì chỉ còn 20% là làm đúng ngành nghề.
Mỹ Quyên - Hà Ánh / TNO