"Những ngày ấy"

  • Thread starter Thread starter banvatoi
  • Ngày gửi Ngày gửi

banvatoi

New member
Xu
0
PMS là gì? Vì sao bị "chuột rút"? Tại sao kinh nguyệt bất thường? Kinh nguyệt xuất hiện ở độ tuổi nào? Những rắc rối của kinh nguyệt. Bạn nên làm gì khi có nghi ngờ?

Kinh nguyệt là hiện tượng tự nhiên trong cuộc đời người phụ nữ. Các bạn gái nên có sự hiểu biết về kinh nguyệt để đón nhận nó một cách bình thường và biết cách xử lí những rắc rối liên quan.

PMS LÀ GÌ?

Có thể nói hội chứng tiền kinh nguyệt ( PMS) là những biểu hiện khác thường của cơ thể và cảm xúc xảy ra ở bạn gái trước mỗi kì kinh. Những triệu chứng thường thấy là:

* nổi mụn

* nặng nề

* mệt mỏi

* đau lưng

* đau đầu

* táo bón

* tiêu chảy

* thèm ăn

* dễ xúc động

* dễ nổi cáu

* khó tập trung

PMS thường xuất hiện khoảng1-2 tuần trước khi hành kinh và sẽ biến mất khi hành kinh.

Các bác sĩ cũng không có định nghĩa chính xác về PMS, nhưng có thể hiểu nó có liên quan đến nồng độ hoóc môn. Trong vòng nửa tháng sau của kì kinh, tổng số progesterone (hoóc môn nữ) ở cơ thể bạn gái tăng lên. Rồi 1 tuần trước kì kinh, cả 2 loại hoóc môn progesterone và estrogen (một loại hoóc môn khác) giảm xuống đột ngột. Sự thay đổi nồng độ hoóc môn dẫn đến hiện tượng PMS. Có giả thuyết cho rằng thức ăn cũng có ảnh hưởng tới cảm giác của bạn, đặc biệt là trong 2 tuần trước kì kinh.

Thật may, có một số cách để bạn làm giảm bớt sự căng thẳng của PMS. Bạn nên ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh; Giảm bớt một số loại thức ăn như khoai tây chiên, bánh ngọt; Tránh thức ăn mặn có nhiều muối ( vì muối giữ nước làm cho cơ thể phù nề). Và, bạn nhớ uống nhiều nước. Không được uống cà phê ( vì cà phê gây cho bạn cảm giác bồn chồn, lo lắng). Nên tăng cường thêm chất bổ, như: vitamin B tổng hợp, can xi, ma giê và vitamin E. Việc tập thể dục đều đặn, những phương pháp giảm stress (như thư giãn) có thể giúp ích cho bạn gái.

Nếu bạn bị đau đầu hay nhức mỏi lưng nhiều mà cần uống thuốc thì nên hỏi ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

VÌ SAO BỊ CHUỘT RÚT (VỌP BẺ) ?

Nhiều bạn gái bị chứng co rút ở vùng bụng dưới trong vài ngày đầu hành kinh. Chứng chuột rút này có thể do prostaglandin (chất do cơ thể bạn sản sinh ra) gây nên, làm cho các cơ của tử cung co lại. Cũng may, hiện tượng này thường chỉ kéo dài trong vài ngày. Cũng có khi bạn bị đau quá phải dùng thuốc.

Tập thể dục là cách giúp bạn giảm chứng vọp bẻ, vì nó phóng thích endorphin, các hoá chất trong cơ thể, làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tắm nước ấm hoặc đặt túi nước ấm lên bụng giúp thư giãn cơ. Nếu bạn bị chứng vọp bẻ nghiêm trọng, cản trở việc đến trường hoặc vui chơi với bạn bè thì nên hỏi ý kiến bác sĩ.

TẠI SAO KINH NGUYỆT BẤT THƯỜNG ?

Phải mất 3 năm kể từ thời điểm bạn gái bắt đầu có kinh, chu kì kinh nguyệt mới có sự ổn định. Nhưng chu kì của mỗi bạn gái mỗi khác. Chu kì có thể từ 21 đến 45 ngày.

Sự thay đổi nồng độ hoóc môn tác động làm “những ngày ấy” trong một tháng sẽ ngắn (2-3 ngày) hoặc kéo dài (7 ngày). Có thể bạn không quan tâm những chuyện như: mất kinh vài tháng, có 2 lần kinh chỉ trong 1 tháng, trải qua “những ngày ấy” một cách mệt nhọc hay nhẹ nhàng; nhưng nếu bạn có quan hệ tình dục và bị mất kinh, thiết nghĩ, bạn nên đến bác sĩ hoặc bệnh viện phụ sản để khám xem có phải bạn đã mang thai.

Chuyện kinh nguyệt không đều đặn cũng rắc rối lắm đấy. Bạn hãy ghi nhớ ngày bắt đầu của kì kinh vừa rồi và cộng thêm 4 tuần để dự đoán được ngày bắt đầu kì tiếp theo. Nếu bạn băn khoăn, sợ “ngày ấy” bất ngờ xảy ra khi bạn đang mặc áo đầm rất duyên dáng hay đang học ở trường, thì hãy nhớ mang theo băng vệ sinh hoặc tăm bông trong túi xách hay cặp đi học nhe, để tiện sử dụng khi bạn thấy có dấu hiệu ra kinh.

Thời gian đầu khi mới hành kinh, hầu hết các bạn gái không thể đoán trước được ngày ra kinh. Nếu sau 3 năm chu kì kinh của bạn chưa đều đặn hoặc là chỉ đều đặn được 4, 5 tháng rồi 2 tháng kế tiếp chẳng thấy đâu nữa, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem sao.

KINH NGUYỆT XUẤT HIỆN Ở ĐỘ TUỔI NÀO ?

Mọi người đều trải qua giai đoạn dậy thì nhưng với tốc độ khác nhau. Do đó, một số bạn gái có kinh sớm khi mới 8-9 tuổi; một số bạn khác đến 15-16 tuổi mới có. Chuyện ấy tuỳ thuộc vào các loại hoóc môn và yếu tố di truyền. Nếu muốn đoán thử xem khi nào mình sẽ có kinh, bạn thử hỏi mẹ hay bà của mình xem họ có kinh lúc bao nhiêu tuổi. Tuổi dậy thì của bạn một phần nào đó liên quan đến yếu tố di truyền. Vì vậy, dù không chắc chắn rằng bạn sẽ giống y như mẹ, như bà, nhưng bạn cũng có cơ sở để tìm hiểu về kì kinh của bản thân bạn.

Bạn lưu ý, hoạt động quá sức, như môn chạy xa, múa ba lê, thể dục dụng cụ, hay việc ăn uống kiêng khem quá mức có thể khiến trì hoãn kinh nguyệt. Bạn luyện tập nặng vài giờ một ngày, luyện tập tất cả các ngày trong tuần thì dễ bị thiếu ca lo, vitamin và khoáng chất.

Nếu tới năm 16 tuổi bạn vẫn chưa có kinh thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm máu để xác định nồng độ hoóc môn trong cơ thể. Sau đó bác sĩ sẽ kê toa thuốc tác động các hoóc môn bắt đầu chu kì kinh.

NHỮNG RẮC RỐI CỦA KINH NGUYỆT

Cho dù những điều lạ lẫm xuất hiện khi có kinh dần dần bạn gái cũng quen, nhưng có một số vấn đề trở nên nghiêm trọng. Nếu bạn gặp phải một trong những vấn đề sau thì nên đi khám nhé.

* Vô kinh: là hiện tượng không hành kinh. Bạn gái đã 16 tuổi mà chưa hề có kinh lần nào thì gọi là hiện tượng vô kinh nguyên phát, nguyên nhân thường do thiếu cân bằng hoóc môn hoặc vấn đề phát triển.

Một dạng vô kinh nữa được gọi là vô kinh thứ phát, khi một người có kinh nguyệt bình thường, bỗng nhiên không có kinh kéo dài trong 3 tháng. Nồng độ hoóc môn sản sinh kích tố sinh dục (GnRH) kiểm soát sự rụng trứng và vòng kinh thấp thường gây nên hiện tượng vô kinh. Sự căng thẳng, chứng biếng ăn, tăng- giảm cân, thuốc ngừa thai, tuyến giáp, u nang buồng trứng, ... tất cả đều có thể làm mất đi lượng hoóc môn trong cơ thể. Bác sĩ có những liệu pháp hoóc môn để giúp bạn làm cho mọi thứ trở lại đúng trật tự. Như một khuyến cáo mới đây, nhiều bạn tập thể dục quá sức kết hợp ăn kiêng nhiều quá đã gây nên hiện tượng vô kinh. Việc giảm cường độ tập luyện và duy trì chế độ ăn uống cân bằng, giàu năng lượng, sẽ giải quyết được vấn đề, đồng thời bạn cũng nên trình bày rắc rối cho bác sĩ biết.

* Rong kinh: là tình trạng số ngày ra kinh kéo dài (trên 7 ngày). Sau 1-2 ngày ra nhiều, lượng kinh của những ngày sau ít nhưng lại kéo dài hết ngày này sang ngày khác không dứt hẳn.

Nguyên nhân gây ra chứng rong kinh thường do sự mất cân bằng giữa lượng estrogen và progesterone trong cơ thể. Sự thiếu cân bằng hoóc môn thường xảy ra ở nhiều bạn gái trong giai đoạn dậy thì, vì thế chứng rong kinh xuất hiện ở tuổi vị thành niên là điều dễ hiểu. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng làm rong kinh, như: tình trạng của tuyến giáp, các bệnh liên quan đến máu, bị viêm, nhiễm trùng âm đạo hoặc cổ tử cung,. . . Muốn biết chính xác nguyên nhân, bạn phải kiểm tra khung xương chậu, xét nghiệm tế bào, xét nghiệm máu.

Nếu bị chứng rong kinh, bạn phải lưu ý đến vấn đề hoóc môn, thuốc chữa, phải chữa trị bất cứ khối u nào ở tử cung.

*Đau bụng kinh: là những cơn đau bụng dưới trước, sau hoặc trong khi hành kinh.

Gồm 2 loại :

- Đau bụng kinh nguyên phát: Không do bệnh tật gì tác động, hay gặp ở nữ thanh niên chưa có gia đình.

- Đau bụng kinh thứ phát: Liên quan tới các bệnh như: viêm khoang xương chậu, bệnh màng trong tử cung, bệnh cơ dưới niêm mạc tử cung.

Thủ phạm của đau bụng kinh nguyên phát chính là tuyến tiền liệt, nó cũng gây ra chứng vọp bẻ. Tuyến tiền liệt có thể làm bạn bị nôn mửa, đau đầu, đau lưng, tiêu chảy, và bị vọp bẻ trong khi bạn đang có kinh.

May thay, những triệu chứng này chỉ kéo dài trong 1-2 ngày. Bác sĩ thường cho bạn uống thuốc giảm đau. Đối với chứng chuột rút thì vận động thể chất đều đặn, uống nước ấm sẽ giảm.

* Viêm nội mạc tử cung: là trường hợp các mô thường trong tử cung lan ra ngoài tử cung.

* Viêm khoang xương chậu: là sự nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra.

* U xơ: là khối u trên thành dạ con.

Tất cả những trường hợp này đòi hỏi phải được bác sĩ chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

BẠN NÊN LÀM GÌ KHI CÓ NGHI NGỜ?

Nếu bạn có thắc mắc về kì kinh hoặc bất cứ điều gì liên quan đến sự phát triển của bạn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Để ý đến chu kì kinh của mình là điều bạn nên làm. Bạn cũng đừng lo lắng quá, vì mọi rắc rối đều có thể giải quyết ổn thỏa.

Hãy đến gặp bác sĩ khi:

* Bạn đã 16 tuổi mà vẫn chưa có kinh. Có thể nó là dấu hiệu của một bệnh nào đó cần được chữa trị.

* Bạn bị mất kinh hoặc có kinh đều đặn vài tháng rồi sau đó không đều. Đây là dấu hiệu cho thấy sự mất cân bằng về hoóc môn hoặc là cơ thể bạn bị thiếu chất dinh dưỡng.

* Kinh ra nhiều và kéo dài, đặc biệt nếu bạn có chu kì kinh ngắn. Có một số trường hợp, lượng máu ra nhiều quá gây thiếu máu (thiếu chất sắt), làm cho bạn cảm thấy mệt mỏi va yếu ớt.

* Bạn bị đau nhiều trong ngày hành kinh. Có thể bạn bị viêm nội mạc tử cung. Nếu đã có quan hệ tình dục, có thể bạn bị viêm khoang xương chậu.

Tóm lại, không có gì phải lo lắng về chuyện kinh nguyệt cả. Nhưng nếu thấy có vấn đề gì lạ, bạn quan tâm đến nó càng sớm thì bạn càng mau chóng làm cho mọi chuyện tốt đẹp trở lại.

Nguồn :mực tím.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top