• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Những lớp học... chợ vỡ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Xưa gọi là bổ túc văn hóa, giờ đổi thành giáo dục thường xuyên, ở đó, thấy cảnh thầy dạy ở trên, trò nghe nhạc, hát, đánh bài, nói chuyện… ở dưới. Ghi nhận của PV Tiền Phong tại một số trung tâm giáo dục thường xuyên tại Hà Nội.

ImageView.aspx

Học sinh đang ngủ và nhắn tin trong giờ học. Ảnh: H.T

6 giờ tối, tại Trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) quận Cầu Giấy, Hà Nội, tôi trong vai học sinh mới, vào ngồi học ở một lớp 12.

Thầy lên lớp lúc 6giờ 15, nhưng học sinh (HS) thì cứ đủng đỉnh, tới 7 giờ mới rải rác đến gần đủ. Lớp có 40 người mà tới hơn nửa đi muộn.

Quý - trông dáng vẻ bụi đời, tóc dài quá gáy, đội mũ lưỡi trai đen - thản nhiên bước vào lớp, lúc 7giờ, chẳng thèm xin phép ai một câu. Đi tay không, có người hỏi thì bảo là quên bút, cậu tìm tới bàn cuối và bắt đầu “buôn” chuyện với đám bạn.

Cách đó không xa, Anh và Thương đang chia nhau tai phone, để nghe nhạc từ điện thoại. Được một lúc, không biết có phải vì nhạc “êm” quá hay không mà Anh bắt đầu… ngủ ngon lành.

Trên bục, thầy giáo trẻ chỉ biết lắc đầu, rồi tiếp tục giảng cho vài trò ngồi bàn đầu còn chú ý lắng nghe.

“Linh ơi, cho tớ xin sợi tóc” - cả lớp chợt dừng lại vì một giọng nam oang oang, gọi trêu cô bạn bàn trên - rồi ai nấy lại làm việc của mình, vì đó là… chuyện thường ngày. Ngay cả việc có một học sinh mới như tôi cũng ít ai bận tâm, bởi “ở đây, ngày nào cũng có chuyện hay lắm” - Phan, cậu bạn ngồi cạnh cho biết.
Hết tiết đầu, đến giờ giải lao, nhiều học sinh kéo nhau… về. Tôi hỏi lý do thì Phan bảo: “Chúng nó chán học thì về. Đứa đi chơi, đứa thì tán gái… Chuyện thường mà!”.

Ở các lớp bên, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Nơi thì học sinh nam ngồi cắn hướng dương, chỗ thì học sinh nữ nhắn tin, lén ăn bánh ngọt…

Tại các TTGDTX khác, cũng chẳng thiếu gì cảnh học sinh ngủ, đánh bài, đi lại tự do, hát hò…trong giờ học.

Giáo viên: Stress nặng

Giám đốc TTGDTX quận Ba Đình, Hà Nội, cô Lê Ngọc Lan bộc bạch: “Nhiều người trong chúng mình bị stress nặng. Những hôm trực, mình phải làm việc đến quá 8 giờ tối. Về nhà cũng khoảng 9 giờ rồi”.

ImageView.aspx
Nếu không có những nơi như thế này thì các em học kém biết đi đâu? Chẳng nhẽ vứt các em ra đường?
ImageView.aspx
- Cô Vũ Thị Yên,GĐ TTGDTX quận Đống Đa, Hà Nội
Ở trung tâm này, kỷ luật nghiêm đến mức, khi ra ngoài phải có giấy phép của giáo viên chủ nhiệm, nhưng vẫn có nhiều em ý thức kém, chậm tiến bộ.

“Ngày mai là cháu bỏ học” - Tùng, một nam học sinh nói với bác bảo vệ khi vừa bị bạn trêu. Cậu bị thiểu năng trí tuệ, nên tiếp thu chậm, hay cáu gắt…

“Nhiều giáo viên trường mình đã chuyển sang hệ phổ thông, mà toàn là các trường có tiếng như Chu Văn An, Kim Liên” - cô Lan kể về những người đã không chịu được môi trường này, nên đã xin đi.

Một giáo viên lâu năm của TTGDTX quận Tây Hồ so sánh: “Chúng mình hay nói đùa, tự nhận với nhau là công ty “vệ sinh” của xã hội”, bởi vì, trung tâm của các cô phải nhận tất cả các em mà những trường khác từ chối. Nhưng “nếu không có những nơi như thế này thì các em học kém biết đi đâu?

Chả nhẽ đuổi các em ra đường?

“Chẳng nhẽ vứt các em ra đường, ra chợ?” - Giám đốc TTGDTX quận Đống Đa, cô Vũ Thị Yên vừa đặt câu hỏi, vừa cho chúng tôi biết tiêu chí tuyển chọn đầu vào của trung tâm: “Chỉ cần các em muốn đi học là được nhận”.

“Trường mình có đến 70% các em không sống với bố mẹ” - một Giám đốc TTGDTX phân trần. Đó có thể là do bố, mẹ chia tay, hoặc mải mê làm ăn, giao cho họ hàng trông con. Cũng có phụ huynh ban đầu chú ý, nhưng vì ngại do trình độ không có, nên không thể kèm cặp con được, thành ra, sau đó lại buông xuôi.
“Nhà nước có đầu tư, nhưng không bằng hệ phổ thông” - Giám đốc TTGDTX quận Ba Đình cho biết, dù trung tâm đó vẫn khang trang hơn nhiều so với những nơi chúng tôi đến.

Ở TTGDTX quận Tây Hồ, một giáo viên nói: “Chúng mình chưa có chỗ cố định. Cơ sở này là trường tiểu học nên sắp phải lo chỗ khác rồi”.

Tra cứu địa chỉ trung tâm này trên danh bạ của Sở GD&ĐT Hà Nội, 3 năm trước, trường đã phải chuyển chỗ một lần.


Theo Hoàng Tuân - TPO
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top