• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Những ký ức ngày đầu giữ gìn thi hài Bác

keolacnet

New member
Xu
0
Trong cuốn tập ký, hồi ký "Bên Lăng Bác Hồ" tập I, Giáo sư, Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin, nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2 đã có bài viết rất cảm động kể lại những hồi ức trong những ngày đầu tiên ông bắt đầu công việc giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam.

Bài viết này nguyên bản bằng tiếng Nga, đã được Đại tá Lại Văn Hòa - lúc bấy giờ là Viện trưởng Viện 69 dịch ra tiếng Việt. Ngay sau khi bài viết được công bố, những chi tiết trong câu chuyện hồi ức này đã mang lại cho người đọc những xúc động mạnh.

Giáo sư Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin đã kể lại rằng: Những ngày cuối tháng 8 năm 1969, Viện trưởng Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê nin, XX. Đê-bốp gọi điện và thông báo rằng: Chính phủ quyết định tôi phải bay gấp sang Hà Nội. Tôi không hỏi gì và hiểu không cần giải thích qua điện thoại những điều bí mật, việc ướp sắp tới (hoặc như chúng tôi thường gọi là "công việc") rõ ràng liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có một thông báo nào về cái chết của Người.

Lúc đó, tôi là Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Mát-xcơ-va số 2. Tôi cũng đã ký tất cả các lệnh triệu tập các sinh viên mới năm thứ nhất. Vợ và các con tôi khỏe mạnh và tôi thực sự vui mừng vì được rời Mát-xcơ-va, khỏi phải chịu sự quấy rầy của những người khách, những sinh viên thi không đỗ và các nhà báo; khỏi những tiếng chuông đánh thức sớm; cuối cùng là thoát khỏi mệt mỏi đã tích lũy.

Ngày hôm sau, một nhóm gồm 5 người, trong đó có tôi và các nhà khoa học XX.Đê-bốp, Iu.A.Khô-rô-xcoop, I.N. Mi-khai-lốp và người trợ thủ tin cậy của ông, lên chiếc máy bay IL-62. Máy bay theo lộ trình đến Ta-sken rất nóng, chúng tôi nghỉ trong một khách sạn lớn nhưng ồn ào, với những chiếc quạt quay uể oải.

Sau một giờ, hoặc hơn một chút, chúng tôi ra máy bay, bay tiếp qua những ngọn núi phủ tuyết trắng nhìn thấy qua cửa kính. Không lâu sau đó, máy bay hạ cánh xuống Cal-cút-ta, và cuối cùng chúng tôi bay xuống sân bay ở Hà Nội.

kyuc.jpg

Những cán bộ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam sang Liên Xô học tập về giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ​

Khi rời khỏi máy bay, chúng tôi ngập chìm trong cái nóng ẩm ướt, khó thở, giống như ở trong nhà tắm hơi nóng rực. Các bạn Việt Nam nhanh chóng đưa chúng tôi lên ôtô, đi vào phố và rồi đưa chúng tôi vào một ngôi nhà hai tầng màu trắng dễ chịu, được xây dựng từ thời thực dân Pháp. Ở đó, sau bữa ăn tối giản dị, chúng tôi thu xếp đi ngủ trong những căn phòng với chiếc giường rộng rãi, giường được phủ vải có riềm mỏng. Trên trần là những chiếc quạt phả ra không khí nóng và hình như đậm đặc hơn.

Chúng tôi sống trong ngôi nhà này một vài ngày và thường xuyên có người bảo vệ. Chỉ đến chiều tối, khi phố xá đã vắng, các bạn Việt Nam mới đưa chúng tôi đi dạo chơi trên phố, đi bộ xung quanh một chiếc hồ nhỏ bao quanh là công viên thú.

Ngày mồng 1/9, chúng tôi được biết tình trạng sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất xấu, và chúng tôi cần sẵn sàng chuẩn bị cho "công việc". Chiều 2/9, chúng tôi tới phòng thí nghiệm đặc biệt của quân y viện. Ở đó đã chuẩn bị sẵn áo choàng, dụng cụ trong công việc và các dung dịch cố định, dung dịch ướp cần thiết chuyển từ Mát-xcơ-va đến. Lúc đó, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây.

Tôi đảm nhận phần kỹ thuật, XX.Đê-bốp nói nhỏ với tôi: "Nào, bắt đầu đi!". Tôi ngắm nhìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cơ thể hơi gầy, tầm thước, cơ bắp nở nang. Thi hài còn ấm (do trong những ngày này thời tiết nóng, và còn là vì thời gian Người mất chưa lâu).

Cơ chân tay phát triển không quá lớn, da nhẵn màu bánh mật, cơ thành bụng nổi rõ; bàn tay nhỏ với những ngón tay dài và móng tay hình ô - van thanh tao. Khuôn mặt với hai gò má cao điển hình của người châu Á và của nhà trí thức. Trên da mặt ở một số nơi, đặc biệt là vùng trán, thái dương có những nốt sắc tố sẫm màu không lớn do sắc tố hóa ở người già.

Ổ mắt hơi sập, môi khép lại có đường viền ngoài rõ như mỉm cười, biểu hiện sự bình yên vĩnh cửu. Trán cao rộng, tóc thưa chải về phía sau, râu dài hơi uốn cong, xen lẫn những những sợi bạc và sẫm màu. Da ở vùng chân phía mặt trong dưới xương bánh chè thấy rõ những vết kim.

Sau này tôi được biết là trước khi Người trút hơi thở cuối cùng, các chuyên gia Trung Quốc đã đưa kim châm vào các huyệt gọi là "các huyệt của sự sống".

Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua và cách thời điểm này 10 năm, nghĩa là trong khoảng thời gian 30 năm kể từ ngày tôi và các đồng nghiệp nhận nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi được mời trở lại Việt Nam.

phache.jpg

Chuyên gia y tế Liên bang Nga cùng cán bộ, bác sĩ Việt Nam tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt lần đầu tiên tại Việt Nam tháng 3/2004​

Tôi rất muốn thăm quê hương thân thương của Hồ Chí Minh, làm quen với các tư liệu ở Bảo tàng mang tên Người cách Lăng không xa và chủ yếu là xem xét thành quả giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước tiên đến thăm Bảo tàng tráng lệ, tôi gặp những người mến khách và dễ thương. Tôi không thể gặp thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì lúc đó ông đang điều trị trong bệnh viện. Những người chủ nhà mến khách đã làm tất cả để tôi tham quan và nghỉ ngơi tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều quan trọng và vui mừng mà tôi mong muốn khi đến Việt Nam, tất cả đã đạt được.

Tôi có cơ hội tham quan các nơi: đầu tiên là ở phòng viếng, sau đó là ở phòng thí nghiệm quan sát và đánh giá kỹ trạng thái thi hài. Thật tuyệt vời! Sau 30 năm, diện mạo thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không có gì thay đổi: cả khuôn mặt bình yên và bàn tay đẹp của Người. Thể tích và hình dáng các phần mềm không thay đổi.

Tất cả những năm sau đó tôi không sang Việt Nam. Các đồng nghiệp ở Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê nin như Iu.A.Rô-ma-cốp, Tu.I. Đê-nhi-xốp Nhin-kôn-xki, L.Đ. Giê-rép-xốp, X.V. Tô-ma-sê-vích và những người đã mất như X.X. Đê-bốp, I.N.Mi-khai-lốp, B.I. Khô-mu-tốp luôn sát cánh cùng các chuyên gia Việt Nam khắc phục những khó khăn trong điều kiện chiến tranh, khí hậu nhiệt đới, việc xây dựng Lăng kéo dài… luôn đảm bảo thông số nhiệt, ẩm, tiến hành làm thuốc thường xuyên, nên thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn rất tốt. Không một thi hài nào đã bảo quản trước đây trong đó cả V.I. Lê-nin, G.M. Đi-mi-tơ-rốp… được giữ gìn trong trạng thái lý tưởng như vậy.

Rất tiếc lần ấy, tôi đã không gặp được các bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và bác sĩ Lê Ngọc Mẫn, những người Việt Nam đã cùng chúng tôi tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu: Thời điểm tôi sang Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đã mất, còn bác sĩ Lê Ngọc Mẫn đang ốm nặng.

Cần nhận thấy rằng, những gì liên quan đến thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam quả thật là thiêng liêng. Lời dạy của Người: "Không có gì quý hơn độc lập tự do" được viết bằng những chữ vàng, trang trọng trên tường tiền sảnh của Lăng.

Khi đề cập đến đất nước chúng ta (Liên bang Nga), đến sự giúp đỡ của các nhà bác học, các kỹ sư, các chuyên gia quân sự… trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người Việt Nam luôn nhớ đến câu nói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường hay nhắc nhở: "Uống nước nhớ nguồn".


Nâng niu từng sợi tóc để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn

Thời gian tiến hành công tác kỹ thuật ướp bảo quản đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ngày làm việc tiếp theo. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn như người vừa nhắm mắt trong một giấc ngủ thanh thản, vĩnh cửu, các chuyên gia và tổ y tế chúng tôi đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Châu nguyên là Viện phó Viện 69. Ông vinh dự là một trong những bác sỹ đầu tiên có mặt trong Tổ Y tế đặc biệt ngay từ ngày thành lập. Ông cũng là một trong những người được tiếp xúc với công việc đặc biệt giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ những ngày đầu.

Giờ đây, dù đã từ giã công việc "phục vụ Bác" được hơn 30 năm, cái công việc mà ông tâm sự rằng đã chiếm trọn tâm hồn, ý chí và nghị lực của ông trong hơn 30 năm ấy vẫn thường xuyên trở đi trở lại trong nỗi nhớ của ông diệu vợi. Nó là cuộc sống của ông, hơi thở của ông trong suốt hơn 30 năm ấy, để đến giờ phút linh thiêng, ngày cuối cùng làm thuốc cho Bác xong, khi cởi chiếc áo choàng và găng tay ra để nhận quyết định về hưu, Đại tá bác sĩ Nguyễn Văn Châu đã bật khóc.

Ký ức như một cuốn phim quay chậm. Khoảng 10h sáng 2/9/1969, chúng tôi nhận được lệnh báo động khẩn cấp. Lúc này, bốn anh em chúng tôi: Tôi, y sĩ Nguyễn Trung Hát, y công Phạm Ngọc Ảm, bác sĩ Lê Điều cũng vừa bước ra khỏi phòng thí nghiệm. Chiếc xe cứu thương mang biển số FH-1468, do đồng chí Nguyễn Văn Hợp cầm lái, trên xe có Đại tá Trần Kinh Chi ngồi ở vị trí chỉ huy, Thiếu tá Nguyễn Gia Quyền, tôi và y sĩ Nguyễn Trung Hát. Ở sàn xe xếp sẵn 200kg nước đá cây và một chiếc cáng thương.

Theo lệnh cấp trên, đoàn xe từ từ chuyển bánh và khoảng 15 phút sau, đoàn xe dừng lại ở trước cổng Phủ Chủ tịch. Tôi cùng bác sĩ Quyền và y sĩ Hát băng nhanh đến ngôi nhà mái bằng nơi Bác nằm nghỉ.

Mặc dầu đã được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an - ra đón và nhắc nhở: "Các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, nén đau thương, làm tốt nhất nhiệm vụ, không cho phép để xảy ra sai sót". Thế nhưng, lúc khẽ rê chiếc cáng đến bên giường Bác nằm, mắt tôi hoa lên, nước mắt tôi rơi xuống giàn giụa. Tôi vội kéo tà áo blouse trắng lên lau nhanh nước mắt, lấy lại bình tĩnh tiếp tục làm nhiệm vụ.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tất cả các anh, các chị cán bộ nhân viên phục vụ Bác đứng lặng im, nước mắt giàn giụa, quây quần quanh giường Bác với tấm lòng tiếc thương vô hạn, ngắm nhìn Bác phút cuối cùng trước lúc Người đi xa. Trong giây phút trầm lắng, tiếng nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vang lên đượm buồn mà rành rọt: "Thôi, mọi người hãy dãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ".

Ba chúng tôi đứng vào vị trí, đúng như sự phân công từ trước. Chúng tôi nhẹ nhàng chuyển Bác từ giường sang cáng. Tôi không ngờ phút giây đầu tiên gặp Bác lại cũng là lúc đau xót nhất.

Người nằm đó, xanh xao, đôi mắt không thâm nhưng trũng xuống, vầng trán cao và chòm râu bạc, đôi bàn tay với những ngón thon dài. Toàn bộ thân hình Bác mềm mại, nét mặt thanh thản trong bộ quần áo bà ba lụa màu gụ. Công việc chuẩn bị suốt 2 năm trời của Tổ y tế đặc biệt đã đến. Chúng tôi đón Bác lên xe mang biển số FH-1468, Đại tá Trần Kinh Chi lệnh cho xe bắt đầu chuyển bánh.

Lúc này ba anh em chúng tôi mới có dịp nhìn ngắm Bác, không ai nói một lời, lặng người đi trong nỗi niềm thương nhớ Bác, vì đang phải chứng kiến một nỗi đau mất mát lớn của cả dân tộc. Một chặng đường ngắn từ Phủ Chủ tịch đến Viện Quân y 108, nhưng mặt, hai bên vai của anh Hợp ướt đẫm mồ hôi cho thấy mức độ căng thẳng biết nhường nào trước một trọng trách lớn mà anh được giao phó. Tại Viện 108, đoàn chuyên gia Liên Xô đang đợi, sẵn sàng đưa Bác vào phòng y tế đặc biệt.

Nửa tiếng sau, lúc 12h45" ngày 2/9/1969, sau khi khám nghiệm tổng thể và xử lý ban đầu, công việc ướp bảo quản giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được tiến hành trước sự chứng kiến của các đồng chí trong Ban chỉ đạo: Thiếu tướng Trần Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Phùng Thế Tài - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Vũ Văn Cẩn - Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần và Đại tá Trần Kinh Chi - Cục trưởng Cục Bảo vệ.

Dưới sự chỉ đạo của Viện sĩ Thông tấn X.X. Đê-bốp và nhà ngoại khoa nổi tiếng, Giáo sư Viện sĩ IU.M.Lô-pu-khin, Giáo sư I.N. Mi-khai-lốp, các nhóm chuyên gia y tế Liên Xô - Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng, ăn ý, tiến hành các thao tác kỹ thuật một cách thận trọng tỉ mỉ, chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình ướp bảo quản.

Thời gian tiến hành công tác kỹ thuật ướp bảo quản đã đạt được kết quả bước đầu hết sức quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho những ngày làm việc tiếp theo. Để giữ cho chân dung Bác được nguyên vẹn như người vừa nhắm mắt trong một giấc ngủ thanh thản, vĩnh cửu, các chuyên gia và tổ y tế chúng tôi đã nâng niu từng sợi tóc, sợi râu, từng tế bào trên khuôn mặt và đôi bàn tay của Bác.

Đặc biệt là các chi tiết ở mắt và miệng đòi hỏi phải làm hết sức tỉ mỉ và công phu. Mỗi mũi kim tiêm, mỗi đường đưa thuốc đều phải cân nhắc kỹ trước khi tiến hành nhằm đạt kết quả cao nhất.

Sau bốn ngày đêm liên tục từ 2/9 đến ngày 5/9/1969, với tinh thần trách nhiệm cao, lao động khoa học, nghiêm túc của các chuyên gia y tế Liên Xô và cán bộ nhân viên Tổ y tế đặc biệt, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn theo đúng quy trình công nghệ của Viện Khoa học giữ gìn thi hài Lê nin.

Các nét đặc trưng của Người được giữ gìn nguyên vẹn. Trong chiếc hòm kính đặc biệt do các chiến sĩ công binh sản xuất, Bác nằm thanh thản như sau một ngày làm việc căng thẳng, như sau một chuyến đi xa trở về.

Điều may mắn tuyệt vời nhất của chúng ta trong việc bảo quản thi hài Bác là thời điểm Bác mất, chúng ta đã được hưởng trọn thành quả tiên tiến, chuẩn y, tối ưu nhất về các công nghệ hóa chất, khoa học kỹ thuật phát triển của ngành Ướp xác Liên Xô đi đầu trên thế giới lúc bấy giờ.

Từ những kinh nghiệm gần 100 năm của nước bạn trong việc giữ gìn bảo quản lâu dài thi hài Lê nin, Xít-ta-lin, Đi-mi-trốp trước đó, Bác Hồ đã được tiến hành ướp xác theo một quy trình chuẩn mực. Chính vì thế việc bảo quản giữ gìn thi hài Bác hiện nay rất tốt.

Ngay lúc đó, 19h30" ngày 5/9/1969, thi hài Bác được quàn tại Hội trường Ba Đình để đồng bào và các bạn bè quốc tế đến viếng, vĩnh biệt Người. Chiều 9/9/1969, sau 3 ngày làm lễ truy điệu Bác vừa dứt, nhóm chuyên gia cùng tổ y tế đặc biệt lại bắt tay vào giai đoạn tiếp theo trong quy trình bảo quản thi hài Bác.

Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Châu tâm sự: Những năm tháng sơ tán trong chiến tranh, có nhiều lần Bộ Chính trị tổ chức những lễ viếng đột xuất. Nhiệm vụ của tôi được tổ y tế phân công riêng trọng trách sau khi làm thuốc cho Bác xong, tôi phải chuẩn bị trang phục quần áo cho Bác, là quần áo, mặc cho Bác rồi chải râu chải tóc cho Bác.

Công việc gần như thường xuyên và bất di bất dịch. Những lần là quần áo cho Bác, mặc vào cho Bác rồi chải râu tóc cho Bác, tôi như một người con làm cái phần việc thiêng liêng kính cẩn đối với người cha yêu dấu của mình, một người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam.


CAND_Online.gif
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top