xôi gà ^^!
New member
- Xu
- 0
NHỮNG KỈ LỤC GUINNESS CỦA VŨ TRỤ
Hơn 50 năm qua, khi các kính thiên văn của chúng ta ngày một to hơn và tốt hơn, chúng ta đã bắt đầu học thêm từng chút một về những láng giềng vũ trụ của mình.
Và các nhà thiên văn đã tìm thấy rất nhiều hành tinh ở ngoài kia, với một số đặc điểm hết sức đáng chú ý, chắc chắn đáng để nhắc tới trong một phiên bản liên thiên hà của Sách Kỉ lục Guinness.
Chẳng hạn, có hành tinh nhanh nhất – SWEEPS-10 – bay xung quanh ngôi sao của nó ở cự li chỉ 740.000 dặm, chừng bằng ba lần khoảng cách từ mặt trăng đến trái đất, nghĩa là một ngày của nó chỉ có 10 giờ đồng hồ của chúng ta.
Nhanh nhất: Hành tinh SWEEPS-10 quay xung quanh ngôi sao của nó một vòng – hay “một ngày” – chỉ có 10 giờ
Hay có hành tinh lớn nhất mà chúng ta từng biết – TrES-4, gấp 1,7 lần kích cỡ Mộc tinh, hành tinh anh cả của hệ mặt trời của chúng ta.
Hành tinh này có lẽ còn là ứng cử viên hành tinh “lạ lùng nhất”, vì nó nhẹ - với tỉ trọng ngang với cái nút chai – nên khí quyển có thể bị kéo lê trông như đuôi sao chổi vậy. Nếu ta đặt nó vào bồn tắm (giả sử có cái bồn to thế) thì nó sẽ nổi bồng bềnh lên trên.
Georgi Mandushev, thuộc Đài thiên văn Lowell ở Arizona, cho biết: “Tỉ trọng của TrES-4 chỉ khoảng 0,2 gram trên centimet khối, hay khoảng bằng tỉ trọng của gỗ balsa. Và vì lực hút hấp dẫn tương đối yếu của hành tinh đối với khí quyển phía trên của nó, nên một phần khí quyển có thể thoát ra dưới dạng đuôi sao chổi.”
Lớn nhất: TrES-4, ở xa 14,00 năm ánh sáng, là một hành tinh “xốp”, với tỉ trọng cực kì thấp
Danh mục những hành tinh lạ lùng nhất có tại trang Space.com, và nó cho chúng ta thấy một số đặc điểm bất ngờ của vũ trụ, chúng tiếp tục làm thay đổi nhận thức vật lí của chúng ta.
Đáng nhắc tới nhất: Viên ngọc xanh của chúng ta là một cái nôi dung dưỡng sự sống
Ví dụ, hãy làm quen với hành tinh Methusela (hay, nếu bạn có một cái tên chính thức, PSR B1620-26 b). Nó là hành tinh già tuổi nhất từng được phát hiện, là một trong những ‘ông tổ bà cụ’ của vũ trụ, đã hình thành hồi khoảng 12,7 tỉ năm về trước, nghĩa là nó già hơn trái đất chúng ta đến 8 tỉ năm tuổi.
Methusela hình thành lúc mới hai tỉ năm sau Big Bang. Việc khám phá ra nó hồi năm 1993 đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về sự hình thành hành tinh. Nó gợi ý rằng còn có nhiều hành tinh già cỗi ở ngoài kia đang chờ được khám phá.
Khám phá trên làm tăng thêm khả năng có sự sống trong vũ trụ - vì sự sống có thể đã phát triển sớm hơn người ta nghĩ – và hành tinh trên đã trải qua nhiều thời kì tiến hóa trong quãng đời của nó, khiến nó là một đối tượng nghiên cứu hấp dẫn khi những kĩ năng quan trắc của chúng ta phát triển thêm.
Các nhà khoa học NASA cũng tin rằng hành tinh này có thể đã phát triển xung quanh một ngôi sao khác đã cháy trụi hết nhiên liệu rồi mới bị bắt giữ bởi một ngôi sao khác đi ngang qua.
Ở đầu kỉ lục phía kia, với chưa tới một triệu năm tuổi, là một hành tinh cho đến nay chưa có tên gọi, nó quay xung quanh ngôi sao Coku Tau, ở cách chúng ta tương đối gần, khoảng 420 năm ánh sáng.
Già nhất: Methusela (mang tên nhân vật lớn tuổi nhất trong Kinh thánh) đã thọ 12,7 tỉ năm tuổi, là hành tinh già nhất từng được phát hiện
Trẻ nhất: ‘Đứa trẻ’ chưa được đặt tên này quay xung quanh ngôi sao Coku Tau, có lẽ chưa tới một triệu năm tuổi
Hành tinh nóng nhất từng được phát hiện là WASP-12b, một hành tinh khí với nhiệt độ khoảng 2200 độ Celsius. Nó còn là một trong những hành tinh đồ sộ nhất, với kích cỡ gần như gấp đôi Mộc tinh.
Nếu bạn sợ nóng, thì hãy tìm hành tinh lạnh nhất – OGLE-BLG-390L. Gấp năm lần khối lượng trái đất, và được cho là một hành tinh đất đá, nó còn là một trong những hành tinh xa xôi nhất mà con người từng biết. Nó ở xa chúng ta 28.000 năm ánh sáng.
Nhiệt độ trên bề mặt hành tinh này ư? Khoảng – 220 độ Celsius, tức là thấp hơn nhiệt độ sôi của nitrogen lỏng và gần không độ tuyệt đối.
Nóng nhất: Bề mặt đang sôi lên trên hành tinh WASP-12b. Hành tinh khí này nóng tới 2200[SUP]o[/SUP]C
Lạnh nhất: Kỉ lục băng giá thuộc về hành tinh OGLE-2005-BLG-390L(b)
Epsilon Eridani (b) không có nhiều tính chất độc đáo gì cho lắm, nhưng nó thật sự giành một giải đặc biệt vì nó chỉ ở xa chúng ta có 10,5 năm ánh sáng, nghĩa là chúng ta sớm có thể quan sát nó qua kính thiên văn, giống hệt như chúng ta đã làm với các láng giềng thuộc hệ mặt trời ngày nay.
Tuy nhiên, trong khi chúng ta không có khả năng tìm thấy sự sống – khoảng cách xa xăm của nó đến mặt trời của nó có nghĩa là các đại dương của nó sẽ đóng băng hết – nhưng người ta hi vọng có những hành tinh khác trong hệ mặt trời trên sẽ đáng để thám hiểm thêm.
Gần nhất: Epsilon Eridani (b) chỉ ở xa chúng ta 10,5 năm ánh sáng, nên có lẽ chúng ta sẽ sớm có thể quan sát nó qua kính thiên văn
Và cuối cùng là kỉ lục hành tinh nhỏ nhất. Kepler-10b chỉ gấp 1,4 lần trái đất, ở xa chúng ta chừng 560 năm ánh sáng, và chỉ mới được công bố hồi tháng 1 năm 2011.
Trong khi nó nằm ngoài cái gọi là vùng ‘Goldilocks’ – vùng đủ gần ngôi sao của nó để nước không bị đóng băng, đủ xa để nước không bị sôi, việc khám phá ra nó đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lịch sử khám phá hành tinh ngoài hệ mặt trời, vì nó là “hành tinh đá chắc chắn đầu tiên quay xung quanh một ngôi sao ngoài hệ mặt trời của chúng ta”.
Nhỏ nhất: Kepler-10b là hành tinh nhỏ nhất được biết, và chỉ mới được công bố hồi tháng 1 năm 2011
Với công nghệ kính thiên văn của chúng ta ngày một cải tiến và vươn xa thêm, ai dám chắc trong 50 năm tới liệu rồi chúng ta sẽ khám phá thêm những gì nữa về những thế giới nằm ngoài hệ mặt trời của chúng ta?
Nguồn: Sưu tầm*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: