Những cuộc chiến sinh tử

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Bài 1: Người xây dựng cơ sở “Biệt động thành”

cuoc-chien.JPG


Đại tá Trần Minh Sơn

Thời chống Mỹ, ở Sài Gòn - Gia Định có một lực lượng mà chiến công của họ đã khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Những chiến sĩ biệt động quả cảm thời ấy mãi mãi được lịch sử ghi nhận. Biết bao người từ những cơ sở đầu tiên đã âm thầm xây dựng để có thể cho ra đời các đội biệt động vang tiếng một thời. Và Đại tá Trần Minh Sơn, nguyên Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, phân khu Biệt động Sài Gòn - Gia Định là một trong những người như thế.

Một thời không quên

Hơn nửa cuộc đời hoạt động trong một đơn vị tinh nhuệ của Sài Gòn, người chỉ huy đội biệt động Trần Minh Sơn có cho riêng mình cả một thiên tiểu thuyết. Sinh năm 1925 tại Biên Hòa (Đồng Nai), ông vào bộ đội từ thời kháng chiến chống Pháp năm 1945 trong Đội 10 của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Năm 1948, ông được cử đi học tại Trường Quân chính (QK7), sau đó được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Quân chính ở đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Một thời gian sau, cấp trên điều ông ra Bắc để làm trợ lý tác chiến cho Sư đoàn 338.

Tháng 1-1961, ông Sơn lại được chọn vào miền Nam trong khung của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, với cương vị trưởng ban tác chiến của phân khu, trực thuộc Đoàn Phương Đông 1 - đoàn đầu tiên được bố trí vào Nam chiến đấu chống Mỹ (Đoàn Phương Đông 1 gồm có 6 phân khu: 5, 6, 7, 8, 9 và phân khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Trần Văn Quang - Tư lệnh Đoàn Phương Đông 1 và Tướng Trần Lương - chính trị viên). Sau khi quay trở lại miền Nam, ông được cấp trên giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng biệt động cùng với hai đồng chí khác là Đoàn Thanh Long và Trần Thanh Đạt nhằm ráp nối các cơ sở biệt động thời chống Pháp để thành lập các đội biệt động phục vụ cho quá trình chống Mỹ. Lúc đó, lực lượng nòng cốt gồm có ông Sáu Thành, Anh hùng Đỗ Tấn Phong (biệt danh Ba Phong), Anh hùng Ngô Thành Vân (Ba Đen), Anh hùng Lê Tấn Quốc (Nhất Sứ), Anh hùng Phạm Văn Hai (Cải Nhì), Anh hùng Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu), Ba Hòa, Tư Dò… Nhiệm vụ chính của đội Biệt động thành là thường xuyên tổ chức các trận đánh có hiệu quả nhằm diệt lính và thu vũ khí của địch; chuẩn bị phối hợp với các lực lượng khác tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy; huấn luyện cơ bản, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Cách đánh tiêu biểu của Biệt động thành là nổ chậm, cường tập và pháo kích.

Sau trận Bình Giã - Long Đất - Vũng Tàu, Đảng ta chủ trương kết thúc cuộc “Chiến tranh đặc biệt” mà Mỹ đề ra vì nhận định rằng: “Quân chủ lực của ta có thể tiêu diệt quân chủ lực địch”. Từ nay, Trung ương Cục chỉ đạo lực lượng thành phố chuẩn bị kết thúc chiến tranh. Các đội biệt động nhanh chóng được thành lập (từ đội 1 đến đội 11) để tác chiến với 2 đơn vị bảo đảm A20 (chịu trách nhiệm ở khu vực nội thành) và A30 (đơn vị vận chuyển quân, tư trang từ ngoại thành vào nội thành) gọi chung là F100 do Đại úy Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) chỉ huy. Đây là lực lượng chủ lực Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn sau này. “Ngày ấy, xây dựng được một căn cứ biệt động không phải là dễ. Để đưa khoảng 2 tấn đạn dược ra ngoài, các chiến sĩ phải đào 2 năm mới xong bởi mỗi ngày chỉ đào được chừng nửa xẻng đất rồi lén bỏ đi vì sợ bị lộ”, ông Sơn kể.

“Tôi còn nợ đồng đội”

Khi chúng tôi nhắc đến những đồng đội của ông, nét mặt Đại tá Trần Minh Sơn chợt buồn: “Phần lớn đồng đội tôi đã qua đời! Nhiều người hy sinh trong các trận đột kích, số còn lại cũng ra đi vì thời gian”. Mân mê tấm hình của đồng đội trên tay, ông Sơn hòa mình vào những kỷ niệm thời chinh chiến. Vào năm 1968, sau khi cấp trên ra lệnh phải đánh các căn cứ điểm trọng yếu của địch, các đội biệt động được tập hợp để nhận nhiệm vụ. Đội 3 do đồng chí Nguyễn Gia Lộc chỉ huy có nhiệm vụ đánh vào Đài phát thanh; đội 4 do đồng chí Nguyễn Văn Lém chỉ huy đánh Bộ Tư lệnh Hải quân, đội 5 do đồng chí Tô Hoài Thanh chỉ huy đánh Tổng Dinh Độc Lập, Đội 679 đánh Bộ Tổng tham mưu địch. Tuy nhiên, sau khi khảo sát tình hình vào ngày 22-12-1968, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó là lãnh đạo của khu Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn quyết định đánh thêm một cứ điểm nữa là Đại sứ quán Mỹ vì theo ông, nếu quân ta đánh vào các căn cứ trọng yếu mà không đánh vào Đại sứ quán Mỹ thì xem như chưa đánh. Ngay lập tức, đội 11 được thành lập, đồng chí Ngô Thành Vân (Ba Đen) và hạ cấp được lệnh đánh vào Đại sứ quán Mỹ. Ở thời điểm đó, hầu hết nhân lực đã được sắp xếp vào các đội, nên đội 11 lâm vào tình trạng thiếu người trầm trọng. Thấy vậy, 7 nhân viên từ lực lượng bảo vệ, đánh máy, văn thư… của phân khu Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã xung phong đánh trận này. Đội 11 bao gồm 17 đồng chí, trong đó có 9 người được cấp trên tăng cường, còn lại là các binh sĩ nghiệp dư. Ngày 28 và 29-12, sau khi được huấn luyện tại Củ Chi, các đồng chí được đưa lên Sài Gòn làm giấy tờ để chuẩn bị vào trận trong dịp Tết Mậu Thân 1968.

Sau 2 ngày 1 đêm chiến đấu anh dũng, đội 11 đã đánh chiếm được tòa đại sứ quán, làm tiêu hao sinh lực địch. Quân địch ngay lập tức được chi viện thêm 2 tiểu đoàn, có xe bọc thép, súng ống tối tân làm hậu thuẫn để phản công. Các chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh, còn lại chỉ huy trưởng Ngô Thành Vân sống sót bị địch bắt làm tù binh. Trong trận đánh lịch sử này, quân địch đã bị đánh tới sào huyệt cuối cùng. Người Mỹ lúc bấy giờ tự hỏi nhau “Sao đột nhiên lại có một đội quân từ lòng đất chui lên. Từ những công dân đến các anh lao công trên đường phố… đều cầm súng chiến đấu với tinh thần quả cảm đến vậy”. Những chiến sĩ biệt động thành đã khiến cả thế giới biết đến và thán phục.

Khi kể về những đồng đội đã hy sinh, ông Sơn cảm thấy bản thân nợ các đồng đội quá nhiều vì chưa tìm được hồ sơ của họ để báo về cho gia đình. Tuy đã bước sang tuổi 85 nhưng ông vẫn luôn hy vọng đến một ngày nào đó sẽ tìm được các tài liệu về đồng đội của mình.

Chia tay ông - người chiến sĩ biệt động thành năm xưa - trong cái bắt tay rất chặt, chúng tôi thấy ánh mắt ông đang cười với niềm tin vào tương lai của đất nước, và ông tin những người đã ngã xuống vì nền hòa bình của quê hương cũng có suy nghĩ như mình.

Xin chúc người chỉ huy đội đặc công biệt động thành Trần Minh Sơn mãi khỏe mạnh để tôi lại được nghe ông kể tiếp những trang sử vàng của dân tộc.

Bài, ảnh: Văn Mạnh - Báo GD TPHCM

Đại tá Trần Minh Sơn tham gia cách mạng từ năm 20 tuổi, đã trải qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông nguyên là Chỉ huy phó, Tham mưu trưởng phân khu Biệt động Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn; nguyên Phó tư lệnh TP.HCM; Tham mưu trưởng - Bộ Tư lệnh TP.HCM, Phó tham mưu trưởng Quân khu 7, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…
 
Bài 2: Gửi số phận mình cho cách mạng

giai-phong.jpg


Đại tá Hoàng Đạo

“Khi xác định làm nghề điệp báo thì coi như đã gửi số phận mình cho lý tưởng cách mạng rồi. Không ai có thể nói được gì về tương lai khi mà cuộc sống có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào. Những người làm nghề điệp báo luôn sống trong lòng địch, họ thường phải “đóng” nhiều vai khi làm nhiệm vụ. Vì vậy người điệp báo phải chuyên nghiệp hóa, hợp pháp hóa, quần chúng hóa và đặc biệt phải thấm nhuần lý tưởng cách mạng mới có thể hoàn thành tốt công việc”, Đại tá Hoàng Đạo, Trưởng ban Điệp báo Miền thuộc Phòng 2, Bộ tham mưu Miền thời kháng chiến chống Mỹ chia sẻ.
https://giaoduc.edu.vn/news/van-de-...0-4-2010-nhung-cuoc-chien-sinh-tu-142083.aspx
Điệp báo Hoàng Đạo là ai?

Đại tá Hoàng Đạo nói, ông có khoảng 10 cái tên và biệt danh khác nhau. Những cái tên như Hoàng Đạo, Tư Sắc, Nguyên Sa… gần như đã gắn với ông trong suốt quá trình hoạt động điệp báo. Còn tên thật của mình thì cách đây hơn 10 năm, ông mới chính thức bổ sung vào giấy tờ cho các con ông với tên là Võ Văn Bình.

Sinh ra và lớn lên trên đất Quảng Trị, trong gia đình có bốn anh em trai, năm 1945 Võ Văn Bình tròn 18 tuổi chính thức trở thành anh lính Cụ Hồ. Những ngày đầu gia nhập quân ngũ, Bình đóng quân tại tỉnh Quảng Trị, sau đó được biên chế về lực lượng quân báo và chuyển sang vùng Hạ Lào hoạt động. Đầu năm 1953 ông Võ Văn Bình được phân công giữ chức Trưởng ban Quân báo tại vùng Hạ Lào. Do phải hoạt động bí mật nên trong thời gian ở Hạ Lào ông có bí danh Tư Sắc. Đến năm 1955, Tư Sắc được lệnh vào Sài Gòn làm Trưởng phòng 2 Điệp báo viên chiến trường - Cục 2 Quân báo (thuộc Bộ tham mưu Miền - B2).

Đại tá Hoàng Đạo kể: “Để về Sài Gòn hoạt động, trước tiên tôi đóng vai anh nông dân xin vào làm việc tại một trang trại của gia đình viên trung tá Ngụy trên Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc). Do làm việc tích cực, chỉ một thời gian ngắn tôi đã lấy được cảm tình của viên trung tá. Lúc này tôi xin ông ta cho đi Sài Gòn để học nghề và được ông giới thiệu vào học nghề sửa chữa vô tuyến điện tại Trường Công nhân kỹ thuật Sài Gòn”. Khi học nghề đã thành thạo, Đại tá Hoàng Đạo quay lại trang trại ở Buôn Mê Thuột một thời gian, nhưng thấy có dấu hiệu bị lộ nên ông đã quay trở lại Sài Gòn vào đầu năm 1959. Thời gian làm việc ở trang trại và đi học ông Hoàng Đạo vẫn dùng giấy tờ tên Tư Sắc.

Trở lại Sài Gòn hoạt động, để tránh bị phát hiện ông lại làm giấy tờ giả với tên khác. “Để có giấy tờ hợp pháp tại Sài Gòn, tôi làm quen với viên cảnh sát trưởng quận 7 tại một bữa tiệc. Sau nhiều lần qua lại, cảm thấy đã thân nên tôi có mang biếu anh ta 1kg thuốc phiện và ngỏ lời giúp làm giấy căn cước. Được viên cảnh sát này đồng ý và khoảng 3 tháng sau tôi chính thức có giấy tờ thật mang tên Nguyễn Hoàng Đạo (đến nay tên này vẫn được ông giữ - PV)” - ông Đạo kể.

Vào những năm 1960, ngoài nhiệm vụ xây dựng, cài biệt động vào các cơ sở Đại tá Hoàng Đạo còn tìm kiếm, tuyển mộ thêm nguồn lực. Theo ông Lê Nguyên Nga (cựu điệp báo viên chiến dịch hoạt động trong Bộ Tư lệnh Hải quân Ngụy) thừa nhận: “Chính ông Nguyễn Hoàng Đạo đã đi tìm và tuyển chọn từng sĩ quan trong lực lượng điệp báo và đào tạo. Nguyên tắc hoạt động của điệp báo viên là không được biết nhau, khi cần liên lạc với ai ông Hoàng Đạo sẽ trực tiếp đến gặp người đó. Thỉnh thoảng ông Đạo mới cử người liên lạc của ông đi thay. Chính vì vậy, mạng lưới điệp báo viên chiến trường thuộc P2 lên đến cả ngàn người, hoạt động rộng khắp các tỉnh thành miền Nam”.

Hoạt động trong lòng địch

Từ khi có thẻ căn cước là Nguyễn Hoàng Đạo, để thuận lợi hoạt động ông mở một xưởng sản xuất, sửa chữa radio - tivi và thiết bị vô tuyến điện tại số 238 đường Lê Văn Duyệt - gần Sở Mật vụ - Bộ chỉ huy hành quân Ngụy (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3 - PV). Ông Đạo cho biết: “Với vỏ bọc chủ xưởng sản xuất có đến hơn 200 công nhân làm việc, nên tôi khá thuận lợi trong việc hoạt động công khai. Để vỏ bọc chắc hơn tôi đã mời được bà Công Tằng Tôn Nữ Thị Đề về hợp tác. Sở dĩ tôi mời bà Đề vì biết được bà là một người tốt và có đến 3 người em ruột (trong số đó có vị mang quân hàm cấp tướng của chính quyền Sài Gòn là Tôn Thất Đính, Tôn Thất Tướng, Tôn Thất Sứng) và một người nữa làm Trưởng ty Cảnh sát của Ngụy”.

Kể từ khi bà Đề về ở ngay tại xưởng sản xuất của ông Đạo, thỉnh thoảng mấy đứa em của bà Đề có ghé lại chơi. Trong những lần đến chơi như vậy, ông Đạo bố trí cho những sĩ quan này được ăn nhậu. Ông Hoàng Đạo cho biết, chính vì có những sĩ quan này nên vỏ bọc của ông ngày càng thêm vững không sợ phía mật thám nhòm ngó. Trong những lần tổ chức ăn nhậu như thế, ông Đạo cũng làm quen được nhiều sĩ quan Ngụy khác, trong đó có viên Trung tá Phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Long cùng các vị sĩ quan cao cấp khác ở Tổng nha Cảnh sát hay Bộ chỉ huy hành quân Ngụy… Từ sự quen biết này, nhiều thông tin có giá trị như: chuyển quân, tăng quân, tăng tiền cho các chiến dịch nhằm bình định miền Nam của Mỹ - Ngụy… được ông Hoàng Đạo gửi về Bộ tham mưu Miền kịp thời. “Để an toàn, không bị lộ mỗi khi chuyển thông tin, máy điện tín không để ở xưởng trên đường Lê Văn Duyệt mà cất giấu tại một tiệm sửa chữa, lắp ráp radio khác tại số 23 đường Cống Quỳnh. Với những thông tin quan trọng hơn, tôi trực tiếp lái xe hơi chuyển những thông tin này đến cho các kỹ thuật viên để họ chuyển ra căn cứ vào lúc 3 giờ sáng mỗi ngày” - ông Hoàng Đạo nhớ lại.

Với nhiệm vụ chuẩn bị cho các chiến dịch lớn, mạng lưới điệp báo do ông nắm còn có nhiệm vụ cung cấp các thông tin để Bộ chỉ huy Miền nắm tình hình trong các cuộc đánh đồn, bốt địch. Mặt khác còn giúp cấp trên kiểm chứng thông tin do tình báo chiến lược cung cấp để có phương án tác chiến. Điều đặc biệt của điệp báo là tin tức phải chuẩn 80-100% mới dám báo ra Miền. Để có được thông tin đã có một vài điệp báo của ta bị bắt nhưng do hoạt động đơn tuyến nên những người khác không bị lộ. Ông kể, có lần ông hẹn với cậu liên lạc tên Thành tại một hẻm trên đường Nguyễn Huệ (Q.1), khi đến nơi thấy người liên lạc bị bọn mật thám bắt, ông không bỏ đi mà tới thẳng trước mặt anh liên lạc ra ám hiệu, sau đó ung dung vào quán phở ven đường vừa ăn vừa theo dõi diễn biến tình hình. Sau đó người liên lạc bị bọn mật thám tra tấn dã man nhưng vẫn kiên trung không khai ra ông và những đội khác.

Bài, ảnh: Văn Mạnh
 
Bài 3: Đặc công Rừng Sác

huan-chuong.jpg


Thiếu tướng Trần Thành Lập (phải) cùng phóng viên Báo Giáo Dục TP.HCM

“Chiến sĩ Rừng Sác chiến đấu với các trận càn quét, những trận pháo kích của địch như cơm bữa. Để vào ấp chiến lược lấy nước, liên lạc phải vượt qua nhiều lớp hàng rào thép, mìn, lựu đạn. Cuộc sống “lấy cây làm giường, mặt nước làm nhà”, hái ngọn chà là, rau kền, đọt ráng làm thức ăn; sống giữa mênh mông sông nước nhưng anh em phải chia nhau từng lon nước ngọt. Gian khổ, hiểm nguy là vậy nhưng các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã làm nên những chiến công vang dội đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc…” - Thiếu tướng Trần Thành Lập, nguyên Chính ủy Đoàn 10 lúc bấy giờ cho biết.

Cho tổ quốc trường tồn


Dù quá khứ đã lùi sâu hơn 40 năm, nhưng giờ nhớ lại Thiếu tướng Trần Thành Lập vẫn ngậm ngùi: “Sau gần 4.000 ngày bám trụ ở chiến khu Rừng Sác, hơn 1.000 chiến sĩ đặc công đã anh dũng hy sinh, trong đó hơn 800 chiến sĩ vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Các đồng chí của tôi đã hòa vào sông nước mênh mông Rừng Sác cho tổ quốc trường tồn”.

Tướng Lập kể tiếp: Sau khi nhận chức Trưởng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam, tướng Mỹ Oát-mo-len xác định Rừng Sác là vị trí huyết mạch nên đã cho nâng cấp hệ thống phòng thủ, và chỉ đạo cho các đơn vị bằng mọi giá phải bảo vệ vị trí này. Lúc này, Bộ chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu Quân sự Rừng Sác mang mật danh T10, sau đó đổi thành Đoàn 10, với nhiệm vụ “chặn cổ” sông Lòng Tàu, đồng thời đánh các quân cảng, kho tàng, phát triển chiến tranh du kích, làm tiêu hao sinh lực địch...

Đoàn 10 nằm giữa khu rừng đước, sú, với kênh rạch chằng chịt, con nước lên xuống theo thủy triều. Các chiến sĩ vừa chiến đấu, vừa thay nhau đốn cây để kết lại thành sạp lấy chỗ ăn, ngủ. “Muốn có nước uống phải đi lấy ở những giếng nằm trong vùng chiến lược. Vì vậy có không ít anh em đi lấy nước về cho đoàn cùng uống đã mãi mãi nằm lại nơi đây trước làn bom đạn của quân thù. Sau này, ta nấu nước mặn để lấy nước ngọt theo kiểu chưng cất như nấu rượu hiện nay. Số nước ít ỏi đó được chia cho anh em, trung bình mỗi ngày một chiến sĩ được 4 lon sữa bò nước - Tướng Trần Thành Lập nói tiếp - Để có số nước đó, anh em rất cẩn trọng trong việc đun nấu, nếu có khói là máy bay địch lập tức oanh tạc, pháo từ xa cũng phun tới như mưa. Do đó anh em phải chọn thứ củi thật khô, dễ cháy, ít khói và đun theo dạng bếp Hoàng Cầm. Chưa hết, anh em phải cử người trèo lên cao để xem có khói hay không. Các chiến sĩ chú ý từng tý một, nếu không thì nấu được một giọt nước vô tình mất một giọt máu. Ngoài cách “chưng” nước đó, anh em còn sáng tạo ra một cách khác để lấy nước, đó là chẻ cây ra thành từng thanh rồi ghép lại giống như hình chiếc thùng và lót tấm ni lông vào bên trong để hứng nước mỗi khi trời mưa. Nhưng độc đáo nhất vẫn là cách lấy nước theo kiểu người ta lấy mủ cao su.
Đến bây giờ, vị tướng già Trần Thành Lập vẫn không thể nào quên những khó khăn trong suốt 3 năm bị địch phong tỏa (từ năm 1969 đến 1971). Từ 40 anh em đặc công tinh nhuệ được tăng cường cho Đại đội 5 vào năm 1967, đến đầu năm 1971 chỉ còn 10 người và đến cuối năm đó còn lại 7 người. Gạo hết, anh em phải tìm hái ngọn chà là, rau kền, đọt ráng, mò cua bắt ốc để ăn cầm hơi cho có sức chiến đấu. Sau 3 năm, Đoàn 10 đã liên lạc được với cơ sở và nhờ tiếp tế gạo, thuốc men. “Mỗi lần có thuyền ghe nào của dân ra khơi đánh bắt là kèm theo vài ba ký gạo, nhưng địch cũng kiểm soát dữ lắm. Số lương thực ít ỏi đó chỉ đủ để nấu cháo cho các anh em bị thương nặng, còn lại đều phải ăn rau, ăn củ, ốc cua mà thôi”, Thiếu tướng Trần Thành Lập nói.

Nỗi kinh hoàng của kẻ thù


Khẩu hiệu: “Rừng Sác là nhà, sông Lòng Tàu là quyết chiến điểm, bến cảng kho tàng là trận địa, có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh và đã đánh là thắng”. Nhiều chiến sĩ xác định quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, không ít chiến sĩ đã được đồng đội làm “giỗ sống” khi đi làm nhiệm vụ. Xuất phát từ tinh thần đó, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã lập nên nhiều chiến công vang dội.

Đầu năm 1967, Mỹ bắt đầu rải chất độc hóa học để diệt trụi Rừng Sác với mục đích không còn chỗ cho Việt Cộng ẩn nấp. Hết rừng, quân ta lại đào hầm. Những cái hầm chữ A nửa chìm nửa nổi nước ngập bì bõm là nơi che bom che đạn, là nơi cứu chữa cho các anh em thương binh. Sau đó anh em đào hầm sâu xuống và rộng hơn, đóng 2 đầu 2 cọc, cột chiếc võng vào đó. Bên ngoài chiếc võng phải dùng ni lông bịt lại để nước không ngấm vào, rồi đặt thương binh nằm đó mà điều trị. Thiếu thốn trăm bề, thuốc men không có, nhiều lúc phải hái lá rừng làm thuốc, xé chăn màn làm băng, nấu nước sông lọc lấy muối rồi dùng muối đó đun sôi để rửa vết thương cho anh em thương binh.

Cuộc sống chật vật, kham khổ tột cùng là vậy nhưng các chiến sĩ Rừng Sác vẫn chiến đấu với một tinh thần quả cảm, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Tướng Trần Thành Lập vẫn nhớ như in trận đánh giòn giã và ác liệt nhất của đặc công Rừng Sác: “Khi địch phát hiện lực lượng của ta tại sông Ông Kèo, chúng đã mở một trận càn lớn. Để mở màn cho trận càn này thì hôm trước chúng đã cho máy bay B52 ném bom rải thảm và cấp tập pháo. Đúng 6h30 ngày 24-4-1969 địch huy động 12 chiếc tàu đổ quân từ sông Lòng Tàu vào sông Đồng Tranh và sông Ông Kèo. Ở đầu 2 con sông này chúng bố trí 1 tàu chỉ huy do tướng Đê - vít, Trưởng lữ đoàn 199 thủy quân lục chiến Mỹ chỉ huy. Về phía ta đã mai phục sẵn, 11 chiếc tàu đi vào chỗ mai phục, chiếc thứ 12 vừa tới, pháo của ta dội xối xả xuống khóa đuôi và làm chìm hết 12 chiếc tàu. Cùng lúc đó, một máy bay trực thăng chở một tướng Mỹ định đáp xuống boong tàu chỉ huy ở phía ngoài đã bị ta bí mật tiến tới nã một quả B41 làm banh xác chiếc máy bay”. Xong trận đó, anh em đã sáng tác 2 câu thơ: “Xác tàu giặc ngăn dòng sông chảy. Máu quân thù nhuộm đỏ lòng sông”. Tiếp đó là những trận đánh thắng vang dội như: trận đánh vào kho bom đạn Thành Tuy Hạ đêm 11-11-1972 phá hủy hơn 10.000 tấn bom đạn, 33 nhà kho; trận đánh kho xăng Nhà Bè lớn nhất Sài Gòn rạng sáng 3-12-1973 thiêu hủy 200 triệu lít xăng dầu, một tàu dầu 12.000 tấn, một khu chứa khí đốt... Từ đây chiến sĩ đặc công Rừng Sác đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Bài, ảnh: Văn Mạnh - Báo GD TPHCM
Trong 9 năm, Đoàn 10 đặc công Rừng Sác đã đánh 595 trận, diệt 6.200 tên địch; đánh chìm, cháy 356 tàu thuyền; bắn rơi 29 máy bay... Đoàn 10 đã được tuyên dương anh hùng; Đội 5 - Đoàn 10 được 2 lần tuyên dương anh hùng; 6 đặc công được phong anh hùng...
 
Bài 4: Cuộc chiến từ trong lòng đất

cuoc-chien.jpg


Nữ du kích Củ Chi trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.L

Ngay từ những ngày đầu, khi các cuộc càn quét của quân xâm lược Mỹ đổ bộ vào đất Củ Chi thì địch đã bị thiệt hại rất nhiều về người và phương tiện chiến tranh. Sau những thất bại, chúng phát hiện được các lực lượng chiến đấu của ta đều xuất phát từ dưới đường hầm, các công sự… Điều này làm chúng điên cuồng và quyết tâm phá hủy hệ thống địa đạo lợi hại này. Thế nhưng, bằng sự chiến đấu quả cảm của quân và dân Củ Chi, địch càng lún sâu từ thất bại này đến thất bại khác…

Đánh địch bằng vũ khí tự tạo

Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh gây cho địch những tổn thất nặng, góp phần làm thất bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn này, toàn bộ hệ thống địa đạo ở các xã phía bắc Củ Chi đã hoàn thành mạng “xương sống” và nối thông với nhau. Những năm 1961-1962, vũ khí của du kích lúc này vẫn chủ yếu là mã tấu, tầm vông vạt nhọn, lựu đạn… Ông Chín Ảnh (Nguyễn Văn Ảnh - cựu chiến binh xã Nhuận Đức, Củ Chi) nhớ lại: Súng hồi đó rất hiếm! Ngon lắm là được cấp súng tự tạo. Nòng súng bằng sắt ống nước hoặc tuýp xe đạp, bắn vài viên là cong hoặc toác nòng, vì thế phải bắn thật gần, chính xác. Với cây súng không có tên trong từ điển vũ khí thế giới này, du kích Phạm Văn Chệ (xã Nhuận Đức) lần đầu tiên bắn chết một tên địch tại ấp Bàu Tròn ở khoảng cách… 3m khiến quân ta nức lòng, còn bọn Mỹ - Ngụy thêm kinh hồn bạt vía. Vì súng… ống nước phải bắn tầm gần nên ngay giữa lòng địa đạo, du kích phải bố trí tạo những ổ châu mai nhô lên khỏi mặt đất, ngụy trang là ụ đất, ổ gò mối hoặc hốc cây… Không có xi măng và các vật liệu khác, ổ châu mai được thiết kế là một hầm âm dưới đất, hình chóp nón, vật liệu chính là thân tầm vông dày nhiều lớp được trét dày bởi đất trộn rơm. Xung quanh ổ chiến đấu được bố trí dày đặc các kiểu hầm chông, hố chông. Nhiều loại chông sắt bằng ngón tay được chặt ngạnh như lưỡi câu, khi giặc đạp phải thì chỉ còn nước bê nguyên bàn chông về Sài Gòn giải phẫu. Nhưng đó là những tên giặc may mắn. Gặp các loại chông hầm dày đặc là coi như thân thể bị xăm nhừ; chông treo như quả cầu gai sắt thì bị băm toác đầu hoặc nát ngực; chông bàn, chông thọt… thì chỉ còn cách cưa chân. Thường dưới mỗi hầm chông đều có chiến hào hoặc địa đạo liên thông để khi địch dính đòn thì du kích nhanh tay thu chiến lợi phẩm.

Ông Chín Ảnh nhớ lại lần đầu tiên “chơi” với lính Mỹ. Đó là khoảng cuối năm 1963. Lúc này ông chiến đấu ở ấp Bàu Cạp, chung ấp với anh hùng du kích Phạm Văn Cội. Tờ mờ sáng, địch đổ quân trên toàn tuyến. Một mũi bộ binh Mỹ có trên 10 xe tăng lội nước yểm hộ từ Bến Cát (Bình Dương) vượt sông Sài Gòn đánh thẳng vào Bàu Cạp. Tổ chiến đấu của Phạm Văn Cội không nao núng, vừa lẩn giặc vừa tìm thế đánh trả. Với những quả lựu đạn tự tạo, tổ của Phạm Văn Cội đã đánh bứt xích một chiếc xe tăng khiến địch bối rối làm mồi cho các tay du kích bắn tỉa xuất quỉ nhập thần của ta. Du kích rút êm xuống lòng đất. Địch bỏ lại một xe tăng. Đây là trận đầu tiên đi vào lịch sử khi quân dân Củ Chi buộc xe tăng địch bỏ xác tại chiến trường bằng… lựu đạn tự tạo.

Bẻ gãy hai chiến dịch “Cái bẫy” và “Bóc vỏ trái đất”

Rạng sáng 8-1-1966, quân Mỹ tung Sư đoàn 1 bộ binh “Anh Cả Đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp (Cái bẫy) vào Củ Chi với sự tham gia của 12.000 binh lính Mỹ phối hợp không quân, xe tăng, pháo binh. Quân du kích vừa đánh vừa lui trước thế tấn công biển người của địch. Cả vùng rộng lớn bắc Củ Chi thành một chiến trường khổng lồ. Ở từng ngóc ngách địa đạo, dưới mỗi gốc cây, ụ đất, bìa rừng, bất cứ chỗ nào cũng là một ổ đề kháng. Lối đánh thoắt ẩn thoắt hiện xuất quỉ nhập thần bắt đầu từ lòng đất được nhân rộng ra trên toàn chiến trường khiến quân Mỹ hoang mang tột độ. Chúng dùng bom rải thảm nhưng hệ thống địa đạo như sợi tơ trong lòng đất, không tài nào biết đâu mà đánh phá. Ông Tư Cậm (Nguyễn Văn Cậm - cựu chiến binh xã Nhuận Đức, Củ Chi) cho biết: “Không biết bộ đội, du kích ở đâu trong khi quân Ngụy, Mỹ bị chết và thương vong mỗi ngày một lớn. Túng thế, chúng dùng trực thăng cẩu từng khối nước đóng thùng và máy bơm dội nước vào địa đạo, tưởng rằng đối phương sẽ bị ngộp nước phải trồi lên mặt đất. Chúng không hề biết rằng một số cửa ngõ của địa đạo được thông ra lòng sông Sài Gòn. Vậy là nước lại về với sông”.

Tổn thất nặng nề sau 11 ngày “đưa lưng” cho quân du kích nện, ngày 19-1-1966 địch quyết định dừng chiến dịch Cái bẫy. Toàn bộ chiến dịch, quân địch chỉ phá hủy được 70m địa đạo trong khi có 1.600 tên bỏ mạng và thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi. Cái bẫy “sập lại” và chính bọn Mỹ đã đưa mình vào rọ.

Đúng một năm sau đó, tháng 1-1967, địch mở cuộc hành quân mang tên Cedar Fall (Bóc vỏ trái đất), không giấu ý đồ xới tung đất Củ Chi, lật từng ngọn cỏ để truy diệt hết quân du kích.
Lần này chúng huy động 30.000 quân, (gấp 2,5 lần chiến dịch Cái bẫy), được trang bị tận răng và sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đánh phá khốc liệt vào vùng “tam giác sắt”. Trong chiến dịch này, chúng dùng “đội quân chuột cống” lùng sục tìm địa đạo và bơm khí độc vào; dùng chất nổ phá hủy từng đoạn địa đạo… Tuy nhiên, thành lũy trong lòng đất càng vững vàng hơn bao giờ hết. Những túi gạo rang trộn đường đã được tập kết trong những kho bí mật dưới địa đạo giúp quân ta có thể ung dung sống cả chục ngày và thỉnh thoảng tổ chức phản kích lẻ tẻ ở bất kỳ đâu đó. Đêm, đội quân từ lòng đất tỏa lên đặt mìn gạt, gài chông…

Cuộc hành quân Bóc vỏ trái đất bị tổn thất nặng hơn gấp đôi cuộc càn Cái bẫy và phải chấm dứt sớm hơn dự tính. Những quả mìn gạt của anh hùng Tô Hoài Đức (Tô Văn Đực) chế tạo được cài khắp nơi trên chiến trường khiến quân địch tổn thất nặng nề. Chỉ sau 20 ngày càn quét, địch buộc phải kết thúc sớm chiến dịch với số thương vong gấp đôi chiến dịch Cái bẫy: 3.500 tên chết và bị thương, 130 xe tăng, 28 máy bay bị phá hủy.

Q.Huy - N.Hải - Báo GD TPHCM
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top