Những câu chuyện về cái chết của Tần Thủy Hoàng

Bút Nghiên

ButNghien.com
Tần Thủy Hoàng (259 – 210 trước CN), được xưng tụng là “thiên cổ nhất đế”. Cho đến nay, dẫu đã hơn hai ngàn năm nhưng những tranh cãi về công về tội của Tần Doanh Chính vẫn còn chưa ngớt. Gần đây, giới nghiên cứu lịch sử Trung Quốc đưa ra kiến giải cho rằng Tần Thủy Hoàng không phải chết vì bệnh mà bị chính sủng thần của mình Triệu Cao giết chết. Nếu sự thực chết vì một mưu đồ chính biến, Tần Thủy Hoàng sẽ không chỉ là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc mà cũng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử bị giết.


Lâu nay người ta vẫn cho rằng Tần Thủy Hoàng chết vì bạo bệnh, và điều này được “Sử Ký” ghi chép rất rõ ràng. Như trong Tần Thủy Hoàng bản kỷ, Lý Tư liệt truyện, Mông Điềm liệt truyện…. nguyên nhân cái chết rất rõ ràng, không có gì đáng nghi ngờ cả. Năm 218 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng đi tuần du phía đông bị người hành thích, hai bộ xe đi sau bị thích khách dùng chùy đật nát. Sau đó lại phát hiện trên một tảng đá có khắc chữ là “Thủy Hoàng chết, đất phân chia”, lại thêm lời nói “Năm nay Tổ Long chết” từ một “tiên nhân”. Tần Thủy Hoàng rất mê tín, đối với những hiện tượng này thì cảm thấy rất bất an.

Để trừ tai tránh nạn, tìm thuốc trường sinh bất tử, Tần Thủy Hoàng nghe theo lời của một thầy bói có tiếng, chuẩn bị tuần du lần thứ năm. Nhưng do trên đường đi lao lực, Tần Thủy Hoàng tới bến Bình Nguyên (nay ở gần Bình Nguyên, Sơn Đông) thì ngã bệnh. Triệu Cao phụng mệnh viết di chiếu, truyền mệnh cho Giám quân Hà Thao là Phù Tô (con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng)… Thư chưa kịp truyền đi, Tần Thủy Hoàng đã chết tại Hành cung Sa Khâu (Nay nằm ở gần Quảng Tông, Hà Bắc).

Theo ghi chép của Sử ký, Tần Thủy Hoàng từ nhỏ đã mắc bệnh, thể chất yếu đuối, lớn lên lại ương ngạnh bảo thủ, việc lớn hay nhỏ đều tự mình quyết định, mỗi ngày phê duyệt văn thư lên tới 60 cân, làm việc cực kỳ mệt nhọc. Thêm nữa việc tuần du lại vào tháng 7 nóng nực. Tất cả các nhân tố bất lợi trên khiến cho Tần Thủy Hoàng mắc bệnh mà chết.

Điều khiến nhiều người thắc mắc chính là Tần Thủy Hoàng chết vì bệnh gì. Có người cho rằng Tần Thủy Hoàng mắc bệnh động kinh. Bệnh này thường phát tác vào tháng 4, khi mới phát thì chóng mặt, dạ dày khó chịu sau đó sẽ bị mất đi ý thức, cơ bắp bị co giật, sắc mặt thì tái đi, đồng tử mở rộng, ngừng hô hấp, sau đó cơ bắp toàn thân co rút, sùi bọt mép, ít nhất phải mười phút sau mới có thể tỉnh táo trở lại.

Quách Mạt Nhược căn cứ theo Sử Ký - Tần Thủy Hoàng bản kỷ ghi chép “Tần vương mũi gẫy, mắt dài, lưng chim ó, tiếng như sói, ít tạo ơn lại thâm độc”. Phỏng đoán Tần Thủy Hoàng từ nhỏ mắc chứng xương mềm, thường phải chống chọi với việc khó thở, nên khi lớn lên ngực giống với chim ó, tiếng giống như sói. Càng về sau do công việc triều chính nặng nề, làm nảy sinh những bệnh chứng của viêm màng não và động kinh. Khi Tần Thủy Hoàng xuống Hoàng Hà, bệnh động kinh lại phát tác. Sọ não sau lại va vào đồ đựng đá, làm tăng thêm bệnh viêm màng não, người rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh. Ngày thứ hai, khi xe đi tới Sa Khâu thì Triệu Cao và Lý Tư mới phát hiện ra được Tần Thủy Hoàng đã chết được khá lâu rồi.


Nhưng cũng có một quan điểm khác, dựa trên một số tài liệu sử sách có liên quan tới cái chết của Tần Thủy Hoàng phát hiện ra một số điểm khả nghi. Triệu Cao là một viên hoạn quan, bố mẹ đều là tội nhân của nước Tần. Phụ thân Triệu Cao phải chịu cung hình của nước Tần, mẹ là một nô tì cho một viên quan lại. Anh em Triệu Cao được sinh ra ở trong Tần cung, sinh ra đã làm nô tì. Về sau Tần Thủy Hoàng nghe nói Triệu Cao thân thể cường tráng, lại hiểu “ngục pháp” (điều luật về hình phạt trong ngục) liền đề bạt làm Trung xa phủ lệnh. Những biểu hiện của Triệu Cao khi Tần vương bị bệnh nặng và sau khi chết không thể không khiến người ta hoài nghi rằng cái chết của Tần vương có liên quan tới Triệu Cao.

Theo Tần Thủy Hoàng, trong lần xuất du này chủ yếu có Triệu Cao, Lý Tư, Hồ Hợi. Thượng khanh Mông Nghị cũng đi theo đám tùy tòng này. Mông Nghị tức là em trai của Mông Điềm, là thân tín của Phù Tô, nhưng khi Tần Thủy Hoàng bị bệnh nặng trên đường thì Mông Nghị lại bị sai quay trở về biên quan. Từ việc chuyển dời nhân sự đột ngột như thế có thể thấy đây dường như chính là một âm mưu do bọn Triệu Cao cùng sắp đặt. Bởi Mông Điềm dẫn hơn ba mươi vạn binh theo công tử Phù Tô đóng ở Thượng Quận. Đẩy Mông Nghị đi cũng chính là trừ khử tai mắt của Phù Tô. Lại thêm Triệu Cao từng bị Mông Nghị trị tội tử hình nhưng sau đó được Tần Thủy Hoàng miễn tội, Triệu Cao mới được phục hồi quan tước. Triệu Cao hận tới tận xương tủy. Cao từng thề rằng phải tiêu diệt sạch cả họ Mông. Đẩy Mông Nghị đi khi Tần Thủy Hoàng bị bệnh nặng cũng chính là một bước trong kế hoạch trừ khử hòn đá ngáng chân này.

Tần Thủy Hoàng chết, Triệu Cao vừa uy hiếp Lý Tư, vừa thuyết phục Hồ Hợi. Sau khi ba người cùng bàn tính kế hoạch. Giả tạo di chiếu của Tần Thủy Hoàng để ban bố, giao ngôi vua lại cho Hồ Hợi. Đồng thời mượn danh nghĩa của Tần Thủy Hoàng chỉ trích Phù Tô làm con mà bất hiếu, Mông Điềm làm thần tử mà bất trung, bắt hai người phải tự sát mà không được kháng lệnh. Khi nắm được tin tức chính xác là Phù Tô đã tự sát, Hồ Hợi, Triệu Cao, Lý Tư mới lệnh cho đội xa giá ngày đêm trở về thành Hàm Dương.

Để tiếp tục lừa đám thần dân, đội xe không dám đi đường tắt để về Lạc Dương mà vẫn như đang tiếp tục tuần du, đi đường vòng về Lạc Dương. Thời tiết nóng nực, thi thể của Tần Thủy Hoàng đã bị rữa và bốc mùi hôi thối. Để tránh tai mắt, Hồ Hợi sai người mua thật nhiều cá để chất lên xe. Về tới Hàm Dương, Hồ Hợi kế vị, xưng là Tần Nhị Thế, Triệu Cao giữ chức Lang trung lệnh, Lý Tư vẫn giữ chức Thừa tướng như cũ, nhưng thực tế quyền bính ở trong triều đều đã nằm trong tay của Triệu Cao cả.

Triệu Cao sau khi thực hiện được âm mưu, bắt đầu hạ độc thủ với những người thân tín bên mình. Hắn bày ra cạm bẫy, từng bước một đưa Lý Tư lên đoạn đầu đài. Lý Tư khi phát giác được âm mưu của Triệu Cao liền viết thư cáo giác. Tần Nhị Thế không những thiên vị Triệu Cao lại còn trị tội Lý Tư, cuối cùng Lý Tư bị xử trảm ngang lưng tại Hàm Dương. Triệu Cao lên nhậm chức thừa tướng, do là hoạn quan, nên có thể ra vào cung cấm, thường xưng là Trung thừa tướng.

Nhưng mục đích của Triệu Cao không chỉ ở đó mà còn muốn làm hoàng đế. Triệu Cao không thể chi phối được Tần Thủy Hoàng khi còn sống. Trong lần thứ năm đi tuần du này, việc Tần Thủy Hoàng lâm trọng bệnh đúng là một cơ hội trời cho. Chỉ khi Tần Thủy Hoàng chết thì Triệu Cao mới có khả năng giả truyền di chiếu, từng bước, từng bước thực thi kế hoạch của mình.

Tần Thủy Hoàng bị bệnh chết hay là bị hại? Cho tới bây giờ cũng không hề có một kết luận nhất chính xác. Nếu như bị hại, Triệu Cao làm thế nào để giết Tần Thủy Hoàng đây?

Quách Mạt Nhược từng viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử Cái chết của Tần Thủy Hoàng, mô tả bệnh trạng của Tần Thủy Hoàng trước lúc chết như sau: “Tai phải chảy máu đen, trong tai trái có một cây đinh sắt”. Quách Mạt Nhược cho rằng Hồ Hợi sợ đêm dài lắm mộng, lo lắng Triệu Cao, Lý Tư thay đổi ý định mưu sát Tần Thủy Hoàng nên phải hạ độc thủ trước. Việc này Lý Tư và Triệu Cao cũng không rõ. Thực tế thì khả năng Triệu Cao tiến hành mưu hại Tần Thủy Hoàng lớn hơn Hồ Hợi rất nhiều. Bởi vì ngọc tỉ, chiếu thư đều nằm trong tay Triệu Cao, việc quyết định kế vị vương quyền cũng nằm trong tay của Triệu và Lý. Cho dù Hồ Hợi có giết được cha mình đi chăng nữa, nếu như không có sự phối hợp của Triệu Cao và Lý Tư thì cũng hoàn toàn không thể nắm giữ được vương vị mà ngược lại còn mang họa vào thân. Lại thêm một điều là Triệu Cao thường ở bên hoàng đế, tùy lúc có thể hành sự mà khó có thể bị lộ. Điều này tiện hơn Hồ Hợi rất nhiều.


Vấn đề là ở chỗ, Triệu Cao vì sao lại muốn mưu hại Tần Thủy Hoàng? Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc Triệu Cao sợ Phù Tô kế thừa vương vị. Triệu Cao từng nói với Lý Tư rằng “Trưởng tử (tức Phù Tô) tính tình cương nghị lại có vũ dũng, được người tin tưởng lại có thêm dũng sĩ, ắt sẽ dùng Mông Điềm làm thừa tướng”. Như những lời nói ở trên, do Triệu Cao căm thù Mông Quát, Mông Điềm tới tận xương tủy, chắc chắn không hề muốn cho họ Mông được đắc sủng, nên không đời nào lại muốn cho Phù Tô kế vị. Nhưng Tần Thủy Hoàng lại sủng ái con trai trưởng của mình là Phù Tô nên chỉ còn cách thừa cơ giết Tần Thủy Hoàng mới có thể đưa Hồ Hợi lên được.

Tần Thủy Hoàng bình thường thân ở chốn thâm cung, lại thêm phòng bị rất nghiêm ngặt, Triệu Cao thực sự không hề có cách gì để hạ thủ. Bây giờ Tần Thủy Hoàng bị bệnh trên đường quả đúng là cơ hội ngàn năm có một. Chính như khi Triệu Cao khuyên Hồ Hợi thì nói “Hồ nghi do dự, sau ắt phải hối hận. Quyết đoán mà làm quỷ thần không biết, ắt hẳn thành công”, cho nên sẽ tìm cách hạ độc thủ với Tần Thủy Hoàng. Kết thúc sớm cuộc sống của Tần là hoàn toàn có khả năng.

Triệu Cao có thực sự dám dùng thủ đoạn đầy nguy hiểm để mang trên mình cái tội danh giết vua hay không? Chính lời nói của Triệu Cao cũng là lời giải thích rõ ràng nhất cho việc này. Triệu Cao nói với Hồ Hợi: “Thần nghe Thang Vũ giết chủ, thiên hạ xưng là nghĩa, không phải là không trung vậy. Vệ Quân giết cha mà vận nước Vệ kéo dài, Khổng Tử làm sách, không cho đó là bất hiếu vậy”. Triệu Cao không những có cả nghị luận với việc giết vua, mà sau này còn công khai hành động.

Khi Tần Nhị Thế phong cho Triệu Cao làm Trung thừa tướng không lâu thì Trần Thắng, Ngô Quảng ở Đại Trạch cùng dựng cờ khởi nghĩa, nhóm lên ngọn đuốc đấu tranh của nông dân. Triệu Cao cũng biết thiên hạ đã đại loạn, chuẩn bị thoán vị xưng đế, nhưng các đại thần ở trong triều liệu có bao nhiêu người nghe theo sự sắp đặt của mình, bao nhiêu người sẽ phản đối? Trong lòng của Triệu Cao cũng còn có́ chỗ hồ nghi. Đây là nguyên cớ cho “vở diễn” Chỉ hươu làm ngựa nổi tiếng.

Một hôm sau khi lên triều, Triệu Cao bèn sai người mang tới một con hươu vào cung Hàm Dương, đem dâng cho Tần Nhị Thế, nói với Tần Nhị Thế: “Bệ hạ, thần xin dâng người một con ngựa tốt”. Tần Nhị Thế nhìn thấy nghĩ: “Đây nào phải ngựa, rõ ràng đây chỉ là một con hươu mà thôi!”, bèn cười mà nói với Triệu Cao: “Thừa tướng ngươi nhầm rồi, làm sao lại có thể nói con hươu biến thành con ngựa được?”. Triệu Cao mặt không hề biến sắc nói tiếp: “Bệ hạ người xem kỹ xem, đây thực là một con thiên lý mã”. Tần Nhị Thế lại nhìn con hươu, bán tín bán nghi mà nói: “Đầu ngựa sao lại mọc ra được sừng?”. Triệu Cao bèn xoay người dùng tay chỉ xuống các đại thần, nói lớn: “ Nếu bệ hạ không tin lời của thần thì có thể hỏi các vị đại thần”.

Các đại thần đều bị lời nói của Triệu Cao mà không biết đâu là thực hư, khi nhìn lên mặt của Triệu Cao thì thấy trên khuôn mặt đó một nụ cười nham hiểm, các vị đại thần chợt hiểu ra dụng ý của Triệu. Trong số họ, có người sợ đắc tội với Triệu Cao mà không dám nói thật, chỉ có thể yên lặng không nói gì, có kẻ thì muốn lấy lòng Triệu Cao liền nói theo rằng đó là ngựa, có người tôn trọng sự thực thì nói thẳng đó chỉ là hươu. Đối với những kẻ không nói gì, đặc biệt là những kẻ có lòng nói lời nịnh bợ mình thì lập tức trở thành đối tượng dưới trướng của Triệu Cao.

Nắm rõ được tình hình, không lâu sau Triệu Cao bèn sai con rể của mình là Hàm Dương lệnh Diêm Lạc đem binh mã hơn nghìn người, giả làm đạo tặc, xông vào Vọng Di cung, bức Hồ Hợi tự sát. Hồ Hợi đã cố gắng khẩn cầu nhưng Diêm Lạc trả lời: “Thần nhận mệnh của thừa tướng, vì thiên hạ mà giết người”. Hồ Hợi không còn cách nào chỉ có thể tự sát. Sau đó Triệu Cao đem ngọc tỉ đeo trên thân mình, muốn tự lập làm hoàng đế nhưng quần thần đều nhất loạt phản đối. Triệu Cao cũng không có cách nào hết, chỉ có thể đưa cháu của Hồ Hợi là Tử Anh làm vua. Từ những việc làm của Triệu Cao có thể thấy Triệu Cao là người lòng lang dạ sói, việc giết vua cũng không có gì là lạ.
Quan điểm này trên thực tế cho rằng cái chết của Tần Thủy Hoàng là một cuộc chính biến trong triều đình, mà đạo diễn chính cho vở kịch này chính là Triệu Cao, còn Phù Tô, Mông Điềm, Mông Nghị, Lý Tư, Hồ Hợi… đều là những vật hy sinh cho vở diễn này. Việc Tần Thủy Hoàng thực chất đã bị Triệu Cao giết như thế nào, đây cũng vẫn còn là một trang thiếu của lịch sử song có rất nhiều khả năng rằng Tần Thủy Hoàng không những là hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc mà cũng là vị hoàng đế đầu tiên bị giết.

(Tiếu Chi dịch từ Mật mã lịch sử của tác giả Hà Ức, Nhà xuất bản Công nhân Trung Quốc, 2007).
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top