Những câu chuyện "tiếp sức đến trường" xúc động

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Những câu chuyện "tiếp sức đến trường" xúc động

Có những bạn hai, ba lần đậu đại học nhưng không thể đến trường vì điều kiện kinh tế quá khó khăn. Có những bạn mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia cảnh nghèo khó vẫn nỗ lực làm thêm để lấy tiền ăn học. Hàng trăm bạn trẻ như thế đã được “tiếp sức đến trường” nhờ học bổng này.

100 sinh viên phía Bắc nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” được lựa chọn trên các tiêu chí: Là tân sinh viên của các trường đại học – cao đẳng tại Hà Nội (ưu tiên những sinh viên trúng tuyển điểm cao), có hoàn cảnh gia đình khó khăn (có nguy cơ bỏ học nếu không được giúp đỡ) và có khát vọng theo đuổi một nền giáo dục cao hơn.

vnm_2010_298730.jpg

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao học bổng cho các sinh viên

Nguyễn Thành Trung, xóm ô tô, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội ở trong một hoàn cảnh gia đình éo le, phức tạp. Bố mẹ ly dị khi Trung mới ra đời, bố đi lấy vợ hai và không quan tâm đến Trung, mẹ bị bệnh tâm thần từ khi em 1 tuổi. Trung sống với bà từ bé bằng số tiền trợ cấp ít ỏi của xã phường và vẫn phấn đấu thi đỗ vào ngành Điện hạt nhân, trường ĐH Điện lực Hà Nội.


Nguyễn Thành Sơn, xã Thị Trấn, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh cũng có hoàn cảnh tương tự. Bố mẹ đều đã qua đời, 2 chị em Sơn phải sống dựa vào ông bà ngoại tuổi đã ngoài 70. Niềm hạnh phúc đỗ vào khoa CNTT, trường ĐH Thủy Lợi với ước mơ thành lập trình viên của Sơn đi cùng với gánh nặng nuôi 2 cháu ăn học ở Hà Nội của 2 ông bà nông dân già cả, sức yếu.

Trong khi đó, Trần Thị Lê, xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An phải chứng kiến bố bệnh nặng 5 năm trước khi qua đời, và người mẹ bươn trải bao nghề để trở thành điểm tựa cho gia đình: bán nước, bán rau, sơn nón… Đỗ vào trường ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm khá cao, con đường trở thành cô giáo tương lai của Lê sẽ bớt khó khăn với những sự hỗ trợ như học bổng “tiếp sức đến trường”.


Phạm Thị Bích, xóm 2, xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An cũng sẽ khó thực hiện giấc mơ đại học với hoàn cảnh gia đình nghèo khó, phức tạp. Bố nghiện rượu mất sớm, mẹ đi làm thuê mỗi tháng lương 500.000 ngàn đồng nuôi 2 bà cháu. Bản thân Bích cũng phải tranh thủ đi làm thêm để lấy tiền đóng học phí. Vào ngành Quản lý nhà nước, Học viện Hành chính với mức điểm khá cao, ngoài mong muốn được đi học, Bích còn ấp ủ khát khao sau này tìm lạ anh chị em bị bố bán lúc nhỏ về đoàn tụ với gia đình.


Vàng A Lử, người dân tộc Mông ở Mường Báng, huyện Tủa Chùa, Điện Biên sinh ra trong một gia đình thuần nông, trong khi cả 6 anh em đều đang đi học. Đỗ ngành Kinh tế Nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lử về Hà Nội học trong điều kiện gia đình không thể trợ giúp vì đang nợ ngân hàng hàng chục triệu đồng và không có khoản thu nhập ổn định.

vnm_2010_298733.jpg

Giao lưu với các sinh viên nhận học bổng


Có quá nhiều hoàn cảnh như thế: Những gia đình nông dân thuần túy mà tất cả thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng nhưng vẫn nuôi 3-4, thậm chí tới 7-8 người con ăn học. Những gia đình bố mẹ sức khỏe đau yếu, mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài hạn trong bệnh viện bằng tiền đi vay. Những gia đình bố mẹ không có nghề nghiệp ổn định, tổng thu nhập vài trăm ngàn đồng/tháng phải đi làm thuê trang trải cuộc sống…

Nhiều sinh viên hoàn cảnh không tới mức đặc biệt khó khăn nhưng cũng phấn đấu từ những điều kiện cuộc sống không thuận lợi để đạt thành tích tốt trong học tập.

Phạm Trường Sơn, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội là một ví dụ. Bố đã mất, mẹ bán hàng rong ngoài chợ và bị bệnh kinh niên hàng tháng tốn triệu đồng tiền thuốc vẫn đạt giải Ba Quốc gia môn Vật Lý.

Nguyễn Xuân Quyết, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội bố bị chấn thương cột sống, mất sức lao động thường xuyên phải nhập viện, mẹ làm ruộng với thu nhập không đủ tiền thuốc chữa bệnh cho bố, bản thân Quyết đi làm thêm tiếp thị mỹ phẩm vẫn đoạt giải Nhất tỉnh, giải Nhì quốc gia và giải Ba giải Toán nhanh Casio toàn quốc.


Nguyễn Đức Vinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng đọat giải Nhì Toán quốc gia trong hoàn cảnh bố mất, mẹ làm ruộng. Nguyễn Kiều Hiếu bố mất sớm, mẹ hưu trí đã đoạt Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế…


Mỗi tân sinh viên tham gia học bổng này là một câu chuyện về nghị lực vượt khó và có không ít hoàn cảnh gây xúc động. Được biết về những hoàn cảnh này càng thấm thía hơn sự đa dạng của cuộc sống khi có những sự chênh lệch quá lớn trong điều kiện sống của các thành phần xã hội. Và thấy trân quý hơn những ý tưởng, những tấm lòng “lá lành đùm lá rách” để tiếp sức cho những bước chân tân sinh viên trên đường tới giảng đường, trên đường vào đời.

Lan Anh - VnMedia
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top