D
DOO DOO
Guest
View attachment 15229
Ký ức màu gì. Ký ức trôi vèo như một tiếng chuông xa.
Tôi đưa Phiên lòng vòng quanh những con đường nhỏ xíu của thị trấn. Những ngày này chẳng có nhiều nữa. Tôi nhìn về phía dưới chân đèo, dưới ấy đường phẳng hơn. Phiên bảo, cuối cùng thì cũng phải đi với bố mẹ thôi. Bố mẹ ở đâu thì con cái phải ở đấy chứ. Mẹ Phiên bảo, bây giờ hòa bình rồi, chẳng phải như ngày xưa còn chiến tranh. Tôi bảo, Phiên xin ở lại một năm cũng được mà. Phiên cười buồn buồn, chẳng biết làm gì cả. Phiên yếu đuối. Phiên là con gái, nhút nhát lắm và cũng ngây thơ lắm. Tôi lại hỏi, thế về thành phố thì Phiên làm điều gì đầu tiên? Phiên bảo, cũng chẳng biết. Cái đó là ở bố mẹ. Nhà mình trên này còn rộng, đi thì buồn và rất vắng, biết không? – tôi cố níu kéo. Nhưng Phiên thực sự không làm được gì.
Ngày mai Phiên đi rồi.
Tôi mang cảm giác tiếc nuối đạp xe về phía bên này dốc. Ngày mai thì vắng thật vắng, chẳng biết ai sẽ ngồi thế vào chỗ của Phiên. Những bông hoa vàng lẫn lộn bên lề đường, không thật rực rỡ để thèm muốn lại cũng chưa đủ viên mãn cho nhuốm độ phai tàn. Tôi vùng vằng, có lẽ nên quay lại. Phiên việc gì phải làm cái việc nhọc công ấy chứ. Hừ, thành phố! Thành phố thì có gì nào? Chả có gì ngoài khói và bụi như những người lớn vẫn thường nói. Cô Tịch, chú Mễ chả dóng dả bảo: Bao giờ nghỉ việc thì về quê cho yên bình thôi. Hà Nội ấy à, mệt mỏi lắm, kiếm được một chỗ ngồi yên tĩnh cũng chẳng có. Tôi biết mình vô lý, nhưng tại sao người ta lại cứ phải đưa Phiên về với bụi thị thành?
Ngày Phiên đi.
Tôi đứng nhìn chiếc xe chất đầy những cành hoa màu nắng vàng lừ lừ xuôi đèo. Phiên bên trong những ô cửa kính, những ngón tay thon nhỏ lắc lắc. Những người lái xe ôm đẩy tôi ra ngoài. Về đi, còn gì mà ngóng. Trông chú mày cứ như bị đòn oan ấy nhỉ. Từng tràng cười rộ lên. Tôi ngồi trên thanh chắn barie, chẳng muốn về. Ngày mai thì xa vắng thật rồi. Nhớ, nhớ lắm. Tôi nghĩ đến những gian nhà mênh mông, những đồi nương và cả tiếng bước chân hai đứa chạy lịch bịch sau hiên nhà chơi trò trốn tìm. Nhà bây giờ như một khu bảo tàng kỷ niệm. Ngày mai, ừ, ngày mai mới là một ngày đáng chán. Ai mà lấp được chỗ Phiên trong lớp chứ. Chẳng biết Phiên có viết thư về ngay không.
Phiên đã đi từ ngày hôm qua
Hôm nay ở lớp nhiều người nhắc đến Phiên, nhắc tiếc nuối nhưng cũng nhiều lời tiếng không vui lắm. Phiên xinh thế, lại học giỏi thế, người ta ghét âu cũng là lẽ thường. Tôi vẫn ngồi bàn cuối, chỗ bàn trống tôi lấp bằng cái cặp to sụ. Mấy cậu bạn nhấp nhỏm nhìn xuống: Mày có bị làm sao không, nó là em gái mày cơ mà. Thì là em gái. Em gái thì mình không có quyền thương nhớ à. Vớ vẩn thật. Cô giáo bảo, Bình có chuyện gì không được bình thường. Hay là cô chuyển em lên bàn trên nhé. Đám con gái hích hích cười, cô ơi, đấy là "dấu ấn kỷ niệm" làm sao nó dám bỏ. Cô bảo, để cô chuyển Hạ xuống ngồi cùng em, hai đứa giúp đỡ nhau nhé. Tôi không đáp, không đồng tình cũng không phản đối, nhưng thực tình chẳng vui vẻ gì. Hạ cũng xinh, cũng học giỏi. Nhưng Hạ thì chỉ là Hạ thôi.
Thế là đã một tuần chiếc xe chở màu nắng vàng đưa Phiên xuôi triền dốc.
Tôi đi học, tôi về nhà. Con đường sao mà dài, nắng đầy và mưa cũng tràn qua rát mặt. Bà bảo, sáng có một đứa con gái tóc dài thật dài đi ngang qua ngõ nhà mình, bà đang quét lá rớt ngỡ con Phiên về thăm. Khi bà chạy ra thì nó đã vụt qua như một chiếc bóng. Nó đi hút mãi về phía rừng già. Tôi bảo, chắc bà nhớ Phiên quá thế thôi. Bà lấy vạt áo chấm nước mắt, không nhớ sao được, có nó căn nhà ấm thêm một tiếng nói. Nó đi bà càng thương mày hơn, đừng bao giờ nghĩ mình là một đứa trẻ được ông bà nhặt về. Cháu và Phiên đều là những đứa cháu đáng quý. Tôi nhìn vòm mắt đầy nắng ấm của bà. Không, bà đừng nghĩ làm gì, cháu đã lớn rồi. Ông dong đàn bò từ trên núi về, hỏi dóng vào, có nhận được tin gì của con Phiên không. Tin gì được nào, nếu không phải là bức thư nét chữ nghiêng và thuôn dài. Bà lần trong hộp trầu vỏ, đây rồi, nó đem đến từ sáng sớm, nhưng bà không biết mở. Bình, nó viết cái chữ gì, nó có hỏi thăm bà không. Tôi bóc thư, những nét chữ mãi nghiêng nghiêng như thế. Phiên bận lắm, bà ạ, em phải đi học ở trường chuyên, phải đi học thêm, học luyện thi đại học... bà hỏi, đại học là học cái giống gì. Tôi bật cười, thì... học trên lớp mười hai, học làm ông thầy chẳng hạn. Bà lại phóm phém, miệng cười hoen vệt cốt trầu... Phiên lại phải đi học thêm tiếng Anh, phải vào mạng Internet để lấy tin tức từ bè bạn. Bà ạ, Phiên có nhiều bạn mới rồi. Ông rung đùi: Vậy là mừng. Sợ nó quen nếp đồng rừng, về đấy lại chẳng sống được với ai đâm thành con ngố. Ông cũng có lý. Nhưng mà sao lòng tôi lại chẳng thấy yên. Tôi vào bàn học, nhìn những chùm hoa màu vàng óng treo tràn ngoài cửa sổ. Rồi đặt bút viết: Em gái yêu quý!
Một tháng.
Hạ bảo, cậu có cần tôi giúp gì không. Tôi cười nhẹ, không, có gì đâu nào. Tôi không cần là một nhân vật nổi bật trong lớp. Tôi là một gã trai mắt nâu tóc xoăn nhàn nhạt, thường người ta cần để làm một cái phông hay một điểm tựa không chói lóa. Thế thì cần gì phải giúp chứ. Tôi ngồi trong lớp và nghĩ mình có thể làm thơ. Cuối cùng Hạ bảo, vẻ khinh mạn của cậu thật đáng mến, điều đó làm tôi thấy cậu đáng mặt con trai hơn những người khác. Tôi quay sang: Hạ vừa bảo cái gì nhỉ. Một gương mặt đỏ bừng quay đi. Không, có gì đâu, đùa ấy mà.
Một buổi sáng, ông bưu tá già đưa cho tôi một vuông quà xinh xinh. Một vuông quà có gắn ru băng màu nắng vàng. Tôi nhìn thấy màu mắt nâu hiền từ trong ấy. Những nét chữ nghiêng dài, mềm mại và không một gợn buồn phiền. Anh có còn thích đọc sách như ngày xưa không. Em không phải là nhà văn, nhưng em cũng có thể viết được sách, đúng không nào. Anh đọc nhé, đây là kịch bản của em đấy, nó sẽ được dựng thành phim. Tôi ngồi nhìn những dòng đối thoại trong trang viết của Phiên. Những xưa cũ gần lắm, hiện lại dần dần. Nắng thì cứ nắng, mà mưa thì cứ mưa. Ngày hôm qua là nắng vàng, là lay phay mưa trôi qua lưng đèo. Những đứa con gái tò mò nhìn hộp quà, cái gì thế hả Bình? Cái gì mà chẳng được chứ. Tôi chẳng thích thế chút nào. Cậu cần gì phải giữ khư khư như vậy. Cậu là con trai cơ mà. Mà con trai thì... Tôi đạp xe xuôi triền dốc. Và chui vào phòng đọc sách, đọc lặng lẽ. Thế là Phiên chẳng quay về nữa rồi. Phiên có quá nhiều niềm vui mà. Niềm vui của Phiên, những niềm vui gắn vào nhiều công việc rất cụ thể. Niềm vui của tôi, những niềm vui bâng khuâng mơ hồ, chẳng có gì rõ rệt, bảng lảng hệt những nỗi buồn. Tôi nhìn lại dòng tít trên đầu kịch bản: Vệt dài ký ức. Ký ức của ai, một thứ kỷ niệm riêng biệt sao Phiên lại đưa lên phim. Anh biết không, bố em sẽ dựng thành phim, bố em đang tìm diễn viên. Bố em bảo, phim bây giờ không khó làm, kịch bản của em được khen là dung dị và dễ thể hiện. Sẽ có nhiều diễn viên nổi tiếng vào vai hai đứa mình. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi viết: Em cho anh ra khỏi vệt ký ức của em được không.
Tôi không nhận được thư Phiên nữa. Phim đã làm xong, những nhân vật đi lại nói cười như những con rối. Tôi bảo, thôi phim chẳng hay đâu bà ạ. Phim bây giờ toàn bọn trẻ yêu đương linh tinh. Bà bảo, ừ, phim với chả ảnh. Cháu đi học bài đi, bao giờ thì học xong hả Bình? Tôi cười, chả bao giờ xong được bà ạ. Nhưng cháu học sắp hết lớp 12 rồi. Nếu cháu đi thì bà có buồn không? Mày đi đâu chứ? Cháu về thành phố, đi học ấy mà. Ừ, đi thì đi, thành phố thì nhiều cái lạ lẫm, nó hút những đứa nhiều ảo vọng. Ông cười, bà chẳng hiểu gì đâu. Bà hiểu chứ, tôi biết. Nhưng bà cũng như tôi, bà sợ sự mất mát, sợ sự hiu quạnh trong căn nhà quá rộng. Nhưng cuộc đời là biển rộng, tôi như cát nhỏ trên bờ, gió cuốn đi xào xạc vang nhẹ như một tiếng chuông xa. Tôi ngồi vào bàn học, những con chữ dài dằng dặc. Tôi ngủ gục trong phòng sách.
Buổi sáng, Hạ bảo: "Tôi có một bức thư, chẳng biết cậu có muốn đọc không." "Thư của Phiên phải không" Tôi gấp gáp hỏi. "Tôi là tôi còn Phiên là Phiên chứ." Tôi cười, thì Hạ chỉ là Hạ thôi. Tôi ngồi trong góc lớp đọc, những màu sắc chói lóa, những điểm nhấn mạnh mẽ trong thư Hạ. Tôi vùng chạy, thế là mất đi một người bạn thân thiết rồi. Tôi chẳng thích thế. Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Tôi lao xe xuôi triền dốc, mặt bỏng rát như có người đuổi theo.
Không có Phiên lâu rồi cũng thành quen. Nhưng nếu thiếu Phiên trong suy nghĩ thì thật là đáng sợ. Ôi, con gái, họ là một khái niệm cực kỳ phức tạp.
Tôi đi dọc ký ức thời học trò cùng với bóng dáng của Phiên ít nhiều bị mờ nhạt do những dư chấn quá mạnh của bộ phim tẻ nhạt ngày trước. Nhưng tôi không làm được gì, hệt như Phiên ngày ra đi. Tôi bảo, cháu cũng chẳng thích thành phố. Học xong cháu sẽ về bà ạ. Bà cười phóm phém, bà già quá rồi. Thôi, mày đi đi, về nhà con Phiên ở tạm. Ông bà sẽ thi thoảng xuống thăm. Tôi mang những đốm nắng vàng cho Phiên xuôi đèo. Nắng thì mãi phải là nắng thôi.
Thành phố là một thứ ký ức riêng biệt trong tâm trí tôi, mà đến bây giờ tôi vẫn không thể hòa vào dòng sống chung của đời mình. Cô Mễ bảo, bây giờ nhà cô bận lắm, Phiên lại chuẩn bị đi du học, nó không có thời gian giúp cháu nhiều. Cháu đừng buồn, một vài ngày sẽ quen ngay thôi. Nhưng mày có một vẻ mặt rất đáng ngờ, nó sẽ làm cho nhiều đứa con gái sẽ tò mò đấy. Mà như thế thì cô không thích. Tôi bảo, cháu cũng không biết nữa, nhưng cháu tin là mình sẽ không để xảy ra điều gì khiến cô phiền lòng. Phiên bây giờ không thích màu nắng vàng nữa. Phiên chỉ thích những chiếc áo màu tuyết lạnh. Tôi ở trên núi, không có tuyết. Tôi đến giảng đường, thấy những ngày xưa xa quá rồi. Có lẽ chỉ còn bà nghĩ vẫn mãi nghĩ về nó vẹn nguyên như những ngày Phiên chưa ra đi. Tôi sợ lắm nếu một ngày bà dồn những hồ nghi thành nỗi buồn già nua nhưng có thật. Như thế thì Phiên sẽ thành người có tội mất. Tôi không muốn thế. Hãy để cho Phiên đi theo giấc mộng của riêng Phiên.
Tôi mang nhiều thất vọng về thành phố vào những trang viết trong suốt những năm đại học. Tôi đã quen, nhưng quen không đồng nghĩa với việc người ta thích nó. Tôi sống một cuộc sống bàng bạc như đã từng sống, một tháng về thăm ông bà một lần, rồi ra đi mang theo nhiều tiếc rẻ của những ngày nghỉ vội vàng. Phiên đi, không có một lời về. Tôi biết thế là xa thật, xa mãi mãi. Thành phố vẫn vậy, nhiều bụi và quá ồn ào.
Một ngày, cô Mễ hớt hải vào trường tìm tôi. Bà đang bệnh nặng lắm, mày về đi cùng cô. Tôi về, bà tóc bạc như một vạt nấm héo. Ông ngồi bó gối nhìn mưa giêng hai giăng ngang gian đọc sách đầy mạng nhện. Bà phều phào, con Phiên không về à? Cô Mễ rưng rức khóc: Bà ơi, cháu nó đi du học cả năm nhưng không thèm liên lạc về. Con trắng tay rồi. Mắt bà thoắt sáng rồi bạc đi như đã cạn vơi hoàn toàn, không năm không tháng. Bà cầm chắc tay tôi. Bà còn một mình mày thôi. Nhưng tiếc bà không còn đủ sức để nhìn mày quay trở về. Ông bám vai tôi, thế là bà đi thật rồi. Bình ơi, bà dành cho con tất cả ở trong chiếc âu đồng kia. Tôi chẳng muốn mở ra xem, ngồi ôm chiếc âu nho nhỏ trong lòng thoang thoảng hương trầu thuốc. Bà đi thật, vĩnh viễn lãng quên màu nắng vàng.
Cô Mễ tóc bạc nhìn chú Tịch dọn đồ đạc từ phòng làm việc về nhà trong ngày nghỉ hưu. Không tin tức của Phiên, chỉ thỉnh thoảng dõi trên Internet, tôi bắt gặp một địa chỉ quen quen với một hình ảnh quen quen, nhưng khi truy cập tôi lại thật sự hồ nghi bởi những thông tin của ai đó về quê hương rất mờ nhạt và buồn cười. Tôi ôm nỗi niềm riêng trong lòng, cất kín chiếc âu đồng trong tủ sắt. Ngày trôi bất tận không hạn hồi. Ký ức màu gì. Ký ức trôi vèo như một tiếng chuông xa. Tôi gục đầu trên bàn phím giêng hai, nghĩ đến bình nguyên thẳm xanh, thiên đường của ông bà, của tôi và của Phiên ngày thơ bé và thầm nghĩ đến một ban sớm ngày trở về.
Ký ức màu gì. Ký ức trôi vèo như một tiếng chuông xa.
***
Tuần sau thì Phiên đi
Tôi đưa Phiên lòng vòng quanh những con đường nhỏ xíu của thị trấn. Những ngày này chẳng có nhiều nữa. Tôi nhìn về phía dưới chân đèo, dưới ấy đường phẳng hơn. Phiên bảo, cuối cùng thì cũng phải đi với bố mẹ thôi. Bố mẹ ở đâu thì con cái phải ở đấy chứ. Mẹ Phiên bảo, bây giờ hòa bình rồi, chẳng phải như ngày xưa còn chiến tranh. Tôi bảo, Phiên xin ở lại một năm cũng được mà. Phiên cười buồn buồn, chẳng biết làm gì cả. Phiên yếu đuối. Phiên là con gái, nhút nhát lắm và cũng ngây thơ lắm. Tôi lại hỏi, thế về thành phố thì Phiên làm điều gì đầu tiên? Phiên bảo, cũng chẳng biết. Cái đó là ở bố mẹ. Nhà mình trên này còn rộng, đi thì buồn và rất vắng, biết không? – tôi cố níu kéo. Nhưng Phiên thực sự không làm được gì.
Ngày mai Phiên đi rồi.
Tôi mang cảm giác tiếc nuối đạp xe về phía bên này dốc. Ngày mai thì vắng thật vắng, chẳng biết ai sẽ ngồi thế vào chỗ của Phiên. Những bông hoa vàng lẫn lộn bên lề đường, không thật rực rỡ để thèm muốn lại cũng chưa đủ viên mãn cho nhuốm độ phai tàn. Tôi vùng vằng, có lẽ nên quay lại. Phiên việc gì phải làm cái việc nhọc công ấy chứ. Hừ, thành phố! Thành phố thì có gì nào? Chả có gì ngoài khói và bụi như những người lớn vẫn thường nói. Cô Tịch, chú Mễ chả dóng dả bảo: Bao giờ nghỉ việc thì về quê cho yên bình thôi. Hà Nội ấy à, mệt mỏi lắm, kiếm được một chỗ ngồi yên tĩnh cũng chẳng có. Tôi biết mình vô lý, nhưng tại sao người ta lại cứ phải đưa Phiên về với bụi thị thành?
Ngày Phiên đi.
Tôi đứng nhìn chiếc xe chất đầy những cành hoa màu nắng vàng lừ lừ xuôi đèo. Phiên bên trong những ô cửa kính, những ngón tay thon nhỏ lắc lắc. Những người lái xe ôm đẩy tôi ra ngoài. Về đi, còn gì mà ngóng. Trông chú mày cứ như bị đòn oan ấy nhỉ. Từng tràng cười rộ lên. Tôi ngồi trên thanh chắn barie, chẳng muốn về. Ngày mai thì xa vắng thật rồi. Nhớ, nhớ lắm. Tôi nghĩ đến những gian nhà mênh mông, những đồi nương và cả tiếng bước chân hai đứa chạy lịch bịch sau hiên nhà chơi trò trốn tìm. Nhà bây giờ như một khu bảo tàng kỷ niệm. Ngày mai, ừ, ngày mai mới là một ngày đáng chán. Ai mà lấp được chỗ Phiên trong lớp chứ. Chẳng biết Phiên có viết thư về ngay không.
Phiên đã đi từ ngày hôm qua
Hôm nay ở lớp nhiều người nhắc đến Phiên, nhắc tiếc nuối nhưng cũng nhiều lời tiếng không vui lắm. Phiên xinh thế, lại học giỏi thế, người ta ghét âu cũng là lẽ thường. Tôi vẫn ngồi bàn cuối, chỗ bàn trống tôi lấp bằng cái cặp to sụ. Mấy cậu bạn nhấp nhỏm nhìn xuống: Mày có bị làm sao không, nó là em gái mày cơ mà. Thì là em gái. Em gái thì mình không có quyền thương nhớ à. Vớ vẩn thật. Cô giáo bảo, Bình có chuyện gì không được bình thường. Hay là cô chuyển em lên bàn trên nhé. Đám con gái hích hích cười, cô ơi, đấy là "dấu ấn kỷ niệm" làm sao nó dám bỏ. Cô bảo, để cô chuyển Hạ xuống ngồi cùng em, hai đứa giúp đỡ nhau nhé. Tôi không đáp, không đồng tình cũng không phản đối, nhưng thực tình chẳng vui vẻ gì. Hạ cũng xinh, cũng học giỏi. Nhưng Hạ thì chỉ là Hạ thôi.
Thế là đã một tuần chiếc xe chở màu nắng vàng đưa Phiên xuôi triền dốc.
Tôi đi học, tôi về nhà. Con đường sao mà dài, nắng đầy và mưa cũng tràn qua rát mặt. Bà bảo, sáng có một đứa con gái tóc dài thật dài đi ngang qua ngõ nhà mình, bà đang quét lá rớt ngỡ con Phiên về thăm. Khi bà chạy ra thì nó đã vụt qua như một chiếc bóng. Nó đi hút mãi về phía rừng già. Tôi bảo, chắc bà nhớ Phiên quá thế thôi. Bà lấy vạt áo chấm nước mắt, không nhớ sao được, có nó căn nhà ấm thêm một tiếng nói. Nó đi bà càng thương mày hơn, đừng bao giờ nghĩ mình là một đứa trẻ được ông bà nhặt về. Cháu và Phiên đều là những đứa cháu đáng quý. Tôi nhìn vòm mắt đầy nắng ấm của bà. Không, bà đừng nghĩ làm gì, cháu đã lớn rồi. Ông dong đàn bò từ trên núi về, hỏi dóng vào, có nhận được tin gì của con Phiên không. Tin gì được nào, nếu không phải là bức thư nét chữ nghiêng và thuôn dài. Bà lần trong hộp trầu vỏ, đây rồi, nó đem đến từ sáng sớm, nhưng bà không biết mở. Bình, nó viết cái chữ gì, nó có hỏi thăm bà không. Tôi bóc thư, những nét chữ mãi nghiêng nghiêng như thế. Phiên bận lắm, bà ạ, em phải đi học ở trường chuyên, phải đi học thêm, học luyện thi đại học... bà hỏi, đại học là học cái giống gì. Tôi bật cười, thì... học trên lớp mười hai, học làm ông thầy chẳng hạn. Bà lại phóm phém, miệng cười hoen vệt cốt trầu... Phiên lại phải đi học thêm tiếng Anh, phải vào mạng Internet để lấy tin tức từ bè bạn. Bà ạ, Phiên có nhiều bạn mới rồi. Ông rung đùi: Vậy là mừng. Sợ nó quen nếp đồng rừng, về đấy lại chẳng sống được với ai đâm thành con ngố. Ông cũng có lý. Nhưng mà sao lòng tôi lại chẳng thấy yên. Tôi vào bàn học, nhìn những chùm hoa màu vàng óng treo tràn ngoài cửa sổ. Rồi đặt bút viết: Em gái yêu quý!
Một tháng.
Hạ bảo, cậu có cần tôi giúp gì không. Tôi cười nhẹ, không, có gì đâu nào. Tôi không cần là một nhân vật nổi bật trong lớp. Tôi là một gã trai mắt nâu tóc xoăn nhàn nhạt, thường người ta cần để làm một cái phông hay một điểm tựa không chói lóa. Thế thì cần gì phải giúp chứ. Tôi ngồi trong lớp và nghĩ mình có thể làm thơ. Cuối cùng Hạ bảo, vẻ khinh mạn của cậu thật đáng mến, điều đó làm tôi thấy cậu đáng mặt con trai hơn những người khác. Tôi quay sang: Hạ vừa bảo cái gì nhỉ. Một gương mặt đỏ bừng quay đi. Không, có gì đâu, đùa ấy mà.
Một buổi sáng, ông bưu tá già đưa cho tôi một vuông quà xinh xinh. Một vuông quà có gắn ru băng màu nắng vàng. Tôi nhìn thấy màu mắt nâu hiền từ trong ấy. Những nét chữ nghiêng dài, mềm mại và không một gợn buồn phiền. Anh có còn thích đọc sách như ngày xưa không. Em không phải là nhà văn, nhưng em cũng có thể viết được sách, đúng không nào. Anh đọc nhé, đây là kịch bản của em đấy, nó sẽ được dựng thành phim. Tôi ngồi nhìn những dòng đối thoại trong trang viết của Phiên. Những xưa cũ gần lắm, hiện lại dần dần. Nắng thì cứ nắng, mà mưa thì cứ mưa. Ngày hôm qua là nắng vàng, là lay phay mưa trôi qua lưng đèo. Những đứa con gái tò mò nhìn hộp quà, cái gì thế hả Bình? Cái gì mà chẳng được chứ. Tôi chẳng thích thế chút nào. Cậu cần gì phải giữ khư khư như vậy. Cậu là con trai cơ mà. Mà con trai thì... Tôi đạp xe xuôi triền dốc. Và chui vào phòng đọc sách, đọc lặng lẽ. Thế là Phiên chẳng quay về nữa rồi. Phiên có quá nhiều niềm vui mà. Niềm vui của Phiên, những niềm vui gắn vào nhiều công việc rất cụ thể. Niềm vui của tôi, những niềm vui bâng khuâng mơ hồ, chẳng có gì rõ rệt, bảng lảng hệt những nỗi buồn. Tôi nhìn lại dòng tít trên đầu kịch bản: Vệt dài ký ức. Ký ức của ai, một thứ kỷ niệm riêng biệt sao Phiên lại đưa lên phim. Anh biết không, bố em sẽ dựng thành phim, bố em đang tìm diễn viên. Bố em bảo, phim bây giờ không khó làm, kịch bản của em được khen là dung dị và dễ thể hiện. Sẽ có nhiều diễn viên nổi tiếng vào vai hai đứa mình. Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi rồi viết: Em cho anh ra khỏi vệt ký ức của em được không.
Tôi không nhận được thư Phiên nữa. Phim đã làm xong, những nhân vật đi lại nói cười như những con rối. Tôi bảo, thôi phim chẳng hay đâu bà ạ. Phim bây giờ toàn bọn trẻ yêu đương linh tinh. Bà bảo, ừ, phim với chả ảnh. Cháu đi học bài đi, bao giờ thì học xong hả Bình? Tôi cười, chả bao giờ xong được bà ạ. Nhưng cháu học sắp hết lớp 12 rồi. Nếu cháu đi thì bà có buồn không? Mày đi đâu chứ? Cháu về thành phố, đi học ấy mà. Ừ, đi thì đi, thành phố thì nhiều cái lạ lẫm, nó hút những đứa nhiều ảo vọng. Ông cười, bà chẳng hiểu gì đâu. Bà hiểu chứ, tôi biết. Nhưng bà cũng như tôi, bà sợ sự mất mát, sợ sự hiu quạnh trong căn nhà quá rộng. Nhưng cuộc đời là biển rộng, tôi như cát nhỏ trên bờ, gió cuốn đi xào xạc vang nhẹ như một tiếng chuông xa. Tôi ngồi vào bàn học, những con chữ dài dằng dặc. Tôi ngủ gục trong phòng sách.
Buổi sáng, Hạ bảo: "Tôi có một bức thư, chẳng biết cậu có muốn đọc không." "Thư của Phiên phải không" Tôi gấp gáp hỏi. "Tôi là tôi còn Phiên là Phiên chứ." Tôi cười, thì Hạ chỉ là Hạ thôi. Tôi ngồi trong góc lớp đọc, những màu sắc chói lóa, những điểm nhấn mạnh mẽ trong thư Hạ. Tôi vùng chạy, thế là mất đi một người bạn thân thiết rồi. Tôi chẳng thích thế. Tôi chưa chuẩn bị cho điều này. Tôi lao xe xuôi triền dốc, mặt bỏng rát như có người đuổi theo.
Không có Phiên lâu rồi cũng thành quen. Nhưng nếu thiếu Phiên trong suy nghĩ thì thật là đáng sợ. Ôi, con gái, họ là một khái niệm cực kỳ phức tạp.
Tôi đi dọc ký ức thời học trò cùng với bóng dáng của Phiên ít nhiều bị mờ nhạt do những dư chấn quá mạnh của bộ phim tẻ nhạt ngày trước. Nhưng tôi không làm được gì, hệt như Phiên ngày ra đi. Tôi bảo, cháu cũng chẳng thích thành phố. Học xong cháu sẽ về bà ạ. Bà cười phóm phém, bà già quá rồi. Thôi, mày đi đi, về nhà con Phiên ở tạm. Ông bà sẽ thi thoảng xuống thăm. Tôi mang những đốm nắng vàng cho Phiên xuôi đèo. Nắng thì mãi phải là nắng thôi.
Thành phố là một thứ ký ức riêng biệt trong tâm trí tôi, mà đến bây giờ tôi vẫn không thể hòa vào dòng sống chung của đời mình. Cô Mễ bảo, bây giờ nhà cô bận lắm, Phiên lại chuẩn bị đi du học, nó không có thời gian giúp cháu nhiều. Cháu đừng buồn, một vài ngày sẽ quen ngay thôi. Nhưng mày có một vẻ mặt rất đáng ngờ, nó sẽ làm cho nhiều đứa con gái sẽ tò mò đấy. Mà như thế thì cô không thích. Tôi bảo, cháu cũng không biết nữa, nhưng cháu tin là mình sẽ không để xảy ra điều gì khiến cô phiền lòng. Phiên bây giờ không thích màu nắng vàng nữa. Phiên chỉ thích những chiếc áo màu tuyết lạnh. Tôi ở trên núi, không có tuyết. Tôi đến giảng đường, thấy những ngày xưa xa quá rồi. Có lẽ chỉ còn bà nghĩ vẫn mãi nghĩ về nó vẹn nguyên như những ngày Phiên chưa ra đi. Tôi sợ lắm nếu một ngày bà dồn những hồ nghi thành nỗi buồn già nua nhưng có thật. Như thế thì Phiên sẽ thành người có tội mất. Tôi không muốn thế. Hãy để cho Phiên đi theo giấc mộng của riêng Phiên.
Tôi mang nhiều thất vọng về thành phố vào những trang viết trong suốt những năm đại học. Tôi đã quen, nhưng quen không đồng nghĩa với việc người ta thích nó. Tôi sống một cuộc sống bàng bạc như đã từng sống, một tháng về thăm ông bà một lần, rồi ra đi mang theo nhiều tiếc rẻ của những ngày nghỉ vội vàng. Phiên đi, không có một lời về. Tôi biết thế là xa thật, xa mãi mãi. Thành phố vẫn vậy, nhiều bụi và quá ồn ào.
Một ngày, cô Mễ hớt hải vào trường tìm tôi. Bà đang bệnh nặng lắm, mày về đi cùng cô. Tôi về, bà tóc bạc như một vạt nấm héo. Ông ngồi bó gối nhìn mưa giêng hai giăng ngang gian đọc sách đầy mạng nhện. Bà phều phào, con Phiên không về à? Cô Mễ rưng rức khóc: Bà ơi, cháu nó đi du học cả năm nhưng không thèm liên lạc về. Con trắng tay rồi. Mắt bà thoắt sáng rồi bạc đi như đã cạn vơi hoàn toàn, không năm không tháng. Bà cầm chắc tay tôi. Bà còn một mình mày thôi. Nhưng tiếc bà không còn đủ sức để nhìn mày quay trở về. Ông bám vai tôi, thế là bà đi thật rồi. Bình ơi, bà dành cho con tất cả ở trong chiếc âu đồng kia. Tôi chẳng muốn mở ra xem, ngồi ôm chiếc âu nho nhỏ trong lòng thoang thoảng hương trầu thuốc. Bà đi thật, vĩnh viễn lãng quên màu nắng vàng.
Cô Mễ tóc bạc nhìn chú Tịch dọn đồ đạc từ phòng làm việc về nhà trong ngày nghỉ hưu. Không tin tức của Phiên, chỉ thỉnh thoảng dõi trên Internet, tôi bắt gặp một địa chỉ quen quen với một hình ảnh quen quen, nhưng khi truy cập tôi lại thật sự hồ nghi bởi những thông tin của ai đó về quê hương rất mờ nhạt và buồn cười. Tôi ôm nỗi niềm riêng trong lòng, cất kín chiếc âu đồng trong tủ sắt. Ngày trôi bất tận không hạn hồi. Ký ức màu gì. Ký ức trôi vèo như một tiếng chuông xa. Tôi gục đầu trên bàn phím giêng hai, nghĩ đến bình nguyên thẳm xanh, thiên đường của ông bà, của tôi và của Phiên ngày thơ bé và thầm nghĩ đến một ban sớm ngày trở về.
Sửa lần cuối: