Nhóm ngành nông - lâm: Dễ đậu và dễ có việc làm
Nhiều học sinh “chê” học ngành nông lâm vì ngại công việc “chân lấm tay bùn”, quanh năm với đồng ruộng. Ảnh chụp nông dân sản xuất rau sạch ở Củ Chi (TP.HCM)
Nhiều học sinh “chê” học ngành nông lâm vì ngại công việc “chân lấm tay bùn”, quanh năm với đồng ruộng. Ảnh chụp nông dân sản xuất rau sạch ở Củ Chi (TP.HCM)
Đặc điểm nổi bật của nhóm ngành nông lâm là dễ đậu vì chỉ tiêu rộng, điểm đầu vào thấp và cơ hội việc làm nhiều. Tuy nhiên, phần đông thí sinh vẫn thờ ơ với ngành này vì e ngại công việc liên quan đến đồng ruộng…
Luôn rộng chỉ tiêu
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên Nguyễn Tấn Vui thống kê, hàng năm, 3 khối ngành kinh tế, y dược, sư phạm của trường luôn tuyển đủ chỉ tiêu, chỉ riêng nhóm ngành nông - lâm luôn “èo uột” không vượt được ngưỡng 50%. Đây cũng là thực tế tuyển sinh của rất nhiều trường ĐH khác cùng đào tạo nhóm ngành này suốt những năm qua. Nguyên nhân do nhiều người quan niệm, ngành này ít có cơ hội… làm giàu, không “sang”, không được làm việc tại thành phố mà phải về nông thôn; số lượng công việc quá ít để lựa chọn… Thực tế nhu cầu nhân lực đối với nhóm ngành này của các doanh nghiệp rất lớn và ngày càng tăng. Ông Nguyễn Tấn Vui cho biết, hàng năm khoảng 80% sinh viên tốt nghiệp ngành nông - lâm của Trường ĐH Tây Nguyên đều kiếm được việc làm, số còn lại có thể học thêm ngành mới. Sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này được đón nhận làm việc tại các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân như tập đoàn chăn nuôi, dịch vụ gia đình, mở trang trại chăn nuôi, chế biến gỗ, xây dựng và quản lý dự án, chương trình phát triển kinh tế nông thôn… Ông Vui cho biết thêm, hiện nay, vai trò của kỹ sư nông nghiệp là rất lớn và vô cùng quan trọng trong việc đưa những kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả đến nhà nông. Nhất là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng có những yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, “tay nghề”…
Điểm chuẩn thấp, được nhiều “ưu tiên”
Tại Trường ĐH Tây Nguyên, trong khi sinh viên các ngành khác để đạt được học bổng khuyến khích học tập phải có học lực giỏi thì với ngành nông - lâm chỉ yêu cầu ở mức khá. Ngoài ra, mức học phí dành cho sinh viên nhóm ngành này cũng được ưu ái hơn so với các nhóm ngành còn lại. Ở những trường ĐH có đào tạo nhóm ngành này, doanh nghiệp cũng thường xuyên hỗ trợ học bổng khuyến khích học tập đối với sinh viên.
Được biết, điểm chuẩn vào nhóm ngành này những năm gần đây thường không cao, nhiều ngành lấy điểm sát với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, các ngành nông - lâm - ngư có mức điểm chuẩn dao động từ 13 đến 17 điểm, nhưng chủ yếu vẫn là mức 13-14.Các ngành trồng trọt, chăn nuôi của Trường ĐH An Giang (cùng khối B) lấy 13 điểm; ngành phát triển nông thôn 13 điểm (khối A), 14 điểm (khối B). Các ngành thuộc khối nông - lâm của những trường ĐH Đà Lạt, ĐH Nha Trang, ĐH Đồng Tháp cũng dao động từ 13-14 điểm.
Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 được Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, rất nhiều trường đã “tha thiết” đề xuất bộ xây dựng chính sách hỗ trợ học phí, học bổng cho sinh viên khối ngành nông - lâm giống như sinh viên ngành sư phạm để thu hút thí sinh, cải thiện đầu vào. Chính sách này khi được thực hiện sẽ là thuận lợi đáng kể đối với sinh viên khi theo học khối ngành này.
Bài, ảnh: M.T - Báo GD TPHCM
Học ngành nông - lâm không phải chỉ để làm ruộng hoặc… giữ rừng như nhiều phụ huynh quan niệm. Kỹ sư nông nghiệp ngày nay có vai trò hết sức quan trọng trong việc chuyển giao những kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến, hiệu quả đến nhà nông, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền nông nghiệp nước nhà.