Nhớ người viết Đêm Trường Sơn nhớ Bác

thegioihoc

New member
Xu
0
Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Thốt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya... thế là tôi liền rút cây bút, dưới ánh trăng viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên - nhà thơ Nguyễn Trung Thu kể lại.

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu.
Nhà thơ Nguyễn Trung Thu sinh ở làng Kim Liên, Hà Nội nơi có nghề cắt tóc và nhuộm vải Đồng Lầm. Nhà có năm anh chị em, bố mẹ mất sớm, anh là con thứ tư, cô em út mất khi còn nhỏ. Gia đình tản cư vào Thanh Hoá, do thất lạc giấy tờ, để cho em kịp đi học các chị gái khai em Thu sinh ngày 15/8/1940. Khi hoà bình lập lại, mấy chị em kéo nhau về nhà cũ, ông lý trưởng mang lại cho cái giấy khai sinh có cả chữ ký của bố thì Nguyễn Trung Thu sinh ngày 26/9/1938.

Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, bạn học cùng lớp với Nguyễn Trung Thu nhớ lại: “Trung Thu là một trong những học sinh giỏi của lớp, đặc biệt là các môn xã hội, những bài tập làm văn của Thu thường được đọc trước lớp”. Năm 1964, anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy.

Chương trình “Một thời hoa lửa” của Đài Truyền hình Việt Nam nhân dịp 35 năm đợt tổng động viên hơn ngàn sinh viên và 60 giảng viên các trường đại học ngày 6/9/1971 từ sân Trường Đại học Tổng hợp vào Nam chiến đấu. Chúng ta biết dịp đó thầy giáo Nguyễn Trung Thu đã lên đường nhập ngũ.

Ở đơn vị thông tin anh trực tiếp chiến đấu tại chiến trường ác liệt Quảng Trị năm 1972. Được sống bên cạnh các chiến sĩ đang cầm súng, anh đã ghi vào trong sổ tay nhiều bài thơ sáng tác trong khói lửa chiến trường, trong đó có bài thơ nổi tiếng “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”.

"Tôi viết bài thơ Đêm Trường Sơn nhớ Bác lúc tôi đang là anh binh nhì tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị. Đêm 6/6/1972, đã rất khuya, cảm thấy khó ngủ trong lán hầm ngột ngạt, tôi ôm võng ra mắc nằm bên suối. Đêm ấy, trăng vằng vặc sáng rực cả đại ngàn. Thốt nghĩ cảnh Trường Sơn lúc này y hệt cảnh rừng Việt Bắc năm nào hồi kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã miêu tả trong bài thơ Cảnh khuya... thế là tôi liền rút cây bút, dưới ánh trăng viết lên lòng bàn tay mấy câu thơ đầu tiên. Chỉ trong sáng hôm sau, bài thơ được hoàn thành không mấy chật vật và sau đó ít lâu, bài thơ được in trên Báo Nhân Dân." (Nhà thơ Nguyễn Trung Thu)
Năm 1974, khi nhạc sĩ Trần Chung đọc bài thơ này in trên Báo Nhân Dân đã phổ nhạc mà sau đó nhạc sĩ có kể lại: “Chất nhạc của bài thơ đã gợi ý cho giai điệu của bài hát...”. Khi bài hát được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã chiếm được cảm tình nồng nhiệt và lâu dài của thính giả cho đến tận bây giờ.

Anh binh nhì Nguyễn Trung Thu được điều lên làm báo ở trung đoàn, rồi được lệnh ra Hà Nội chuyển về Tạp chí Quân đội Nhân dân (nay là Tạp chí Quốc phòng toàn dân) nhận nhiệm vụ ở phòng tư liệu. Công việc đầu tiên của anh là quét dọn, phân loại, làm "phích” thẻ toàn bộ sách báo.

Lọt thỏm giữa các vị đàn anh toàn cán bộ cao cấp, anh binh nhì Nguyễn Trung Thu nghĩ chả nhẽ đời mình lại quanh quẩn với công việc buồn chán này.

Thế là anh lao vào đọc tạp chí “tìm hiểu tạp chí viết như thế nào”. Dịp đó chuẩn bị kỷ niệm 83 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, vẫn biết tạp chí này thường đăng những bài có tính chất đường lối, tổng kết của các vị cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội, hàng tháng mới ra một số, “đất” để in không nhiều nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian rảnh viết bài coi như thử sức.

Bài báo gây tiếng vang không chỉ vì nội dung phong phú, bút pháp chững chạc mà cả sự bất ngờ về tác giả. Có lẽ đây là lần đầu sau 17 năm ra mắt bạn đọc có một anh binh nhì thủ thư được đăng bài ở tạp chí này. Anh được chuyển về làm công tác biên tập. Mười một năm công tác tại đây từ chỗ không có mấy hiểu biết về vũ khí, khí tài, quân nhu, quân y... anh tự học để bổ sung kiến thức cho công việc của mình.

Năm 1984, được biết mình trong danh sách phong quân hàm thiếu tá nhưng khi Ban Văn hoá tư tưởng có công văn xin đích danh, anh vui vẻ chấp hành và làm việc ở đó cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Ở đây dù là chuyên viên hay chánh văn phòng anh đều hết mình cho công việc.

Dù bận bịu công tác, nhưng Nguyễn Trung Thu chưa bao giờ ngừng làm thơ. Anh đã xuất bản 6 tập thơ: Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Em hoặc không ai cả, Kỷ niệm về lời ru buồn, Đôi mắt xa xăm, Tím biển biếc trời, Thao thiết tiếng khuya.

Năm 2007, khi đã ở vào tuổi 70 được kết nạp vào Hội nhà văn, anh tự trào nhận mình là... “lều thơ”: (gia tài có túp lều thơ)... Anh dành nhiều bài viết về người thân, về nỗi nhớ nhung các con cháu như trong bài “Nhà chật”: Đàn con cháu về thăm/nhà chật bước chân/ngổn ngang ghế bàn/bộn bề tầu hoả, ô tô, búp bê/ sách vở/ Đàn con cháu xa/ nhà rộng/ chật nỗi nhớ/ ngổn ngang bộn bề niềm thương.

Năm ngoái được tin con gái đầu ở bên Đức bị đột quỵ, anh vội cùng vợ sang chăm sóc con. Cũng ở bên đó căn bệnh quái ác đã được phát hiện khi nó đã ở giai đoạn cuối.

Giáo sư Hà Minh Đức bận dạy học ở Quảng Ninh, trên đường về Hà Nội đã viết bài thơ “Tưởng nhớ Nguyễn Trung Thu”. Đến nơi, ông vào ngay bệnh viện, cầm tay người học trò sắp ra đi, ông đưa bài thơ cho chị Hoà vợ anh Nguyễn Trung Thu.

Hôm sau chị Hoà nói với chồng: “Thầy có gửi anh bài thơ, nói là nếu Thu muốn nghe hãy đọc cho Thu nhé”, anh gật đầu. Chị đọc bài thơ ngắn đầy ắp tình người của thầy, anh ra hiệu đọc lại, sau đó nói nhỏ: “Em nhớ nói với thầy là trò Trung Thu cảm ơn thầy”. Một giọt lệ lăn trên khoé mắt...

Nhà thơ Nguyễn Trung Thu đã ra đi lúc 13 giờ 5 phút ngày 6/6 sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh, trong sự thương tiếc vô hạn của gia đình và bè bạn. Tang lễ được cử hành vào sáng 10/6 tại nhà tang lễ Trần Thánh Tông.

(Theo_VietNamNet)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top