• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nhìn lại sự nỗ lực đổi mới văn chương trong thời gian qua

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
ap_20100720082641892.jpg


Nhà văn, PGS.TS Vũ Nho

vunho.com Lục lại tài liệu cũ. Gặp bài tham luận này. Cuộc tọa đàm do nhà thơ Vân Long cầm trịch. Vũ Nho viết, nhưng chỉ nói dăm ba câu. Lần trước đã đăng lời tường thuật của P.V. nay đăng bài này vào đây như một tư liệu.

NHÌN LẠI SỰ CỐ GẮNG ĐỔI MỚI THƠ CA TRONG THỜI GIAN QUA
( Tham luận tại cuộc tọa đàm THƠ-TÌM TÒI VÀ CÁCH TÂN của Hội nhà văn Hà Nội, ngày 18/2/2008)

Vũ Nho

Một trong những thay đổi rõ ràng và dễ nhận biết là sự phủ định thơ cũ. Sự phủ định ấy diễn ra đồng thời ở cả hai phương diện nội dung và hình thức. Cố nhiên, trong sự hăng hái, bồng bột, không tránh khỏi những tuyên bố lớn tiếng, nặng lời. Song nhìn vào bản chất, đó cũng là biểu hiện của mong muốn, khát vọng đổi thay. Kinh nghiệm cho hay thường những ai hay tuyên ngôn, tuyên bố thì không làm hoặc làm chẳng được bao nhiêu. Còn những ai lặng lẽ âm thầm thì lại chính là người làm đổi mới thơ nhiều nhất. Không phải là ngẫu nhiên Chế Lan Viên viết bài thơ "Lộn trái". Chúng ta đều biết, trong Di cảo, Chế Lan Viên đã viết mới hẳn so với thơ trước đó của ông. Hẳn nhà thơ không bằng lòng với kiểu rùm beng, vỗ ngực tự xưng là những người tiên phong đổi mới, đổi mới một cách thô sơ kiểu lộn trái, nên mới viết bài thơ này.

Thơ muốn diễn đạt những đổi thay về tình cảm, những sắc thái đa dạng phong phú, tinh tế của tâm hồn thì bản thân ngôn ngữ thơ cũng cần phải đổi mới. Những từ ngữ réo rắt, mùi mẫn, đèm đẹp với vẻ óng ả giả tạo đã không còn thích hợp. Các nhà thơ muốn đưa ngôn ngữ bình dị, đời sống thô rám, xù xì vào thơ mình. Những từ ngữ có tính khẩu ngữ đi thẳng từ bãi chợ, bến sông, xưởng thợ. Nào là ừ thì, ối giời ơi, té ra, thế là, đã đời, hồng nhan ạ, tự dưng, tôi chã, đành rằng, vãi cả ba linh hồn..; những từ ngữ thời kinh tế thị trường bùng nổ thông tin có mặt trong thơ như là một lẽ tự nhiên, nhưng cũng phải có ý thức thì mới làm được cái điều có vẻ đơn giản ấy: tiếp thị, hợp đồng, quảng cáo, xa lộ thông tin, nghẽn mạch, nối mạng, vỡ nợ…
Một người muốn đổi mới triệt để ngôn ngữ thơ là Lê Đạt. Ông có cả một tuyên ngôn về chữ và nghĩa của thơ. Nhưng ý đồ tách chữ ra khỏi nghĩa, ý đồ tách nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị ra khỏi chữ là một sự cực đoan trong sự tìm tòi của tác giả “Bóng chữ”. Cũng như khi nhà thơ Vũ Quần Phương chủ trương “quên chữ, quên câu”. Thơ nằm trong câu chữ, câu chữ là hình thức, nhưng cũng là nội dung (Eptusencô: Nội dung cũng chính là hình thức). Làm gì còn thơ nữa khi quên chữ, quên câu? Cũng may mà đấy chỉ là lời tuyên bố, còn nhà thơ vẫn miệt mài trăn trở với chữ, với câu.

Nếu khảo sát về vần nhịp thì rõ ràng, thơ bây giờ ít vần hơn, nhịp phóng túng hơn. Đặc biệt xuất hiện loại thơ văn xuôi. Hầu như cây bút nào cũng có một đôi bài. Thơ văn xuôi chính là một cách làm mới lạ từ ngữ, nhịp điệu của thơ, đưa thơ gần với lời ăn tiếng nói thường nhật (Tuyển tập thơ văn xuôi- Nguyễn Ngọc Thiện chủ biên, nhà xuất bản Văn học,1997). Bên cạnh đó, các nhà thơ có ý thức cao hơn về việc chọn chữ, dùng từ. Không phải ai cũng tán thành tuyên bố của Lê Đạt “Chữ bầu lên nhà thơ”, nhưng các nhà thơ đều có ý thức dùng chữ sao cho đắt, sao cho không nhàm chán. Sự dụng công trong lao động sáng tạo ngôn từ đã dẫn đến việc hầu như không có những từ ngữ ngô nghê, những sự cẩu thả trong diễn đạt. Người hăng hái và có nhiều thành công nhất trong lĩnh vực này là nhà thơ Nguyễn Duy, sau đó là Y Phương và Vũ Xuân Hoát. Có thể nói Nguyễn Duy đã sáng tạo một loạt những từ “lạ” trên cơ sở ngữ liệu quen thuộc. Ta không thể không ngạc nhiên một cách thích thú khi gặp những từ đại loại: tuây huẩy, ngun ngủn, loằng ngoằng, nhờn nhợn mỡ, mòm mom móm, nưng nứng mộng, xơ xác bờm xơm, núng nính bâng quơ… Phải đặt những từ ngữ đó trong câu thơ Nguyễn Duy mới thấy hết cái hay của nó. Nguyễn Duy đã tìm tòi sáng tạo một giọng điệu dân gian ngang ngang, bi hài nhưng nghiêng hẳn về hài, một giọng điệu không thể lẫn, trong khi cũng có nhiều nhà thơ khác tìm về nguồn mạch dân gian mà người thành công nổi trội là Phạm Công Trứ. Cái chất “nhà quê”, hóm hỉnh của những vai hề chèo thể hiện khá rõ trong thơ Nguyễn Duy, mà trước hết thể hiện trong chất liệu ngôn từ.
Sáng tạo từ mới, làm mới lại những từ đã dùng mòn bằng cách đặt nó hoà thanh với các từ ngữ khác một cách táo bạo, các nhà thơ đồng thời làm mới các hình thức thơ ca. Một thời trường ca được coi như một cách để diễn đạt những đề tài có tính sử thi của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Không có một cây bút có tên tuổi nào lại không thử thách với trường ca. Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa cũng làm đến ba bốn trường ca, trong đó Khúc hát người anh hùng là một thành công đáng kể. Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Trần Cương, Trần Anh Thái, Nguyễn Linh Khiếu… Nhưng dần dần, trường ca không phải là cách tìm tòi thể hiện, vì nó… dài, cảm xúc hay bị tãi mỏng; mặt khác, một số người viết chưa đủ nội lực, lại cũng chưa hiểu biết một cách thấu đáo về đặc trưng thể loại. Bởi vậy những tìm tòi về thể loại rẽ sang ngả khác, phổ thông hơn, đại chúng hơn, và cũng thời đại hơn.

Chúng tôi muốn nói đến các bài thơ ngắn. Rất ngắn. Phải nói rằng trước đó, chúng ta đã có những câu tục ngữ hết sức cô đọng và ngắn gọn. Và những bài ca dao mà chỉ có hai câu. Một câu sáu, một câu tám. Nhưng trong sự phát triển của thơ ca, cái hình thức ngắn gọn, cô đọng đó đã bị vượt qua. Chỉ đến bây giờ nó mới lại được người ta để ý. Thơ một câu, thơ hai câu, thơ ba câu xuất hiện trên báo, trong các tập riêng. Có người thích thú vì những bài thơ ngắn ở mức kỉ lục như kiểu: Vợ chồng, xong (Xem: Nguyễn Hoàng Sơn - Tranh luận Văn học, Nhà xuất bản Văn học, 2000). Tuy nhiên, trong truyện có việc thi truyện ngắn mi ni, thì trong thơ, người ta thi thơ tứ tuyệt. Dù là ngắn nhưng cũng phải đảm bảo cỡ bốn câu thì mới đủ để cảm xúc và trí tuệ hoà quyện. Nhưng đó cũng chỉ là một cách quan niệm. Nguyễn Hoa đã in tập thơ Từ một đến tám (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 1997), trong đó số bài thơ 1 câu có 2, bài 2 câu có 9, bài 3 câu chỉ có 2, chiếm một vị trí đáng kể nhất là 4 câu với 62 bài. Nguyễn Duy có không ít các bài thơ 2 câu. Thơ hai câu, ba câu có thể dễ dàng tìm thấy trong phần lớn các tập thơ xuất bản gần đây. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Kí đã thử nghiệm và công bố tập thơ “Khoảnh khắc” (Nhà xuất bản Hội nhà Văn, 2001) với hơn một trăm bài thơ ba câu. Như vậy rõ ràng nhu cầu cô đúc cảm xúc, tăng cường sức gợi đã được hầu hết các nhà thơ để ý, tuân thủ.

Trong sự tìm tòi đổi mới này, không thể không nhắc đến Thái Bá Tân với tập Thơ sáu câu (Nhà xuất bản Lao Động, 1997) với 188 bài và 65 bài thơ dịch thơ cổ Triều Tiên. Kiểu thơ sáu câu ít lời, cân xứng, dễ gây ấn tượng và có phong cách gần gũi với thơ cổ phương đông được Thái Bá Tân thể hiện khá thành công trong tập. Tuy nhiên, thơ sáu câu có trở thành một hình thức để các nhà thơ phải dụng tâm thể nghiệm hay không lại là việc khác. Sáu câu của Thái Bá Tân mỗi câu đều 6 tiếng và không có nhan đề. Còn Sáu câu của Nguyễn Hoa thì có nhan đề, số chữ trong mỗi câu khi thì 2, khi thì 4, khi 5 hay 6 tiếng.

Sự cách tân về thể loại còn được thể hiện trong những tìm tòi về cấu trúc khổ thơ. Trước đây người ta chú ý đễn khổ cân đối 4 câu, hoặc khổ tự do không hạn định câu chữ. Nhưng có lẽ với Lê Thị Mây, chị bắt đầu thể nghiệm loại khổ 3 câu. Đáng lưu ý là những khổ thơ 3 câu của Lê Thị Mây có thể tồn tại như một bài thơ 3 câu độc lập. Có khá nhiều khổ thơ như thế. Ví như: Người tiễn hồn tôi hẹn cỏ găm. Tôi chẳng nỡ đâu, tôi chẳng gỡ. Đem buồn hai vạt đắp thành chăn (Hờn). Khổ thơ 3 câu cũng có thể thấy trong thơ Phạm Công Trứ, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Trọng Hoàn, Bùi Kim Anh, Phạm Đình Ân…

Một kiểu cấu tạo khổ thơ khác cũng khá phổ biến là khổ hai câu. Điều này Xuân Diệu đã thể nghiệm trong bài Biệt li êm ái, Đêm trăng đường Láng. Trước đó lác đác có người viết. Nhưng bây giờ thì nó trở thành một hiện tượng phổ biến. Lê Quốc Hán có đến 12 bài thơ viết theo kiểu khổ 2 câu trong tổng số 51 bài thơ của tập “Bến vô cùng” (Nhà xuất bản Văn học, 1999). Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương… đều viết thơ có khổ 2 câu. Song có lẽ phổ biến hơn cả là sự đan xen các khổ 2,3,4 và có khi một câu trong một bài thơ. Điều đó nói lên sự đa dạng của cấu trúc bài thơ. Cứ đều đều đối sánh mãi 2 câu thì cũng là một biểu hiện của sự gò bó. Bởi thế, sự linh hoạt và phóng túng, không hạn định số câu trong khổ, số khổ trong bài cũng là một biểu hiện của sự cách tân.

Về hình thức thơ, cũng cần nói đến một tìm tòi của Nguyễn Trọng Tạo về đồng dao cho người lớn. Đồng dao truyền thống thường gần với vè về số chữ. Có thể là ba, bốn hoặc năm chữ trong một dòng. Thế nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã nhân đôi loại đồng dao 4 chữ. Đồng thời tạo ra các cặp song song trong một khổ như đã nói trên. Tuy vậy, hình như kiểu đồng dao này cũng có một cái gì đó sắp đặt, nên trong những Thời gian 1, Lưu lạc, Tự vấn, Nỗi nhớ không tên, Nguyễn Trọng Tạo lại quay về với 4 chữ và 5 chữ quen thuộc của đồng dao thông thường. Phải đợi đến Nương thân (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 1999) Nguyễn Trọng Tạo mới phát triển, hoàn thiện đồng dao cho người lớn với những cặp câu tám chữ cân đối nhịp chẵn. Trong khi đó Trần Lan Vinh trở lại với đồng dao cho trẻ em. Những bài đồng dao với cách bắt vần có vẻ tuỳ hứng nhưng theo một lôgic riêng, phù hợp với lối tư duy “dung dăng dung dẻ” hồn nhiên, tự nhiên của con trẻ (Gọi mưa, nhà xuất bản Thanh Niên, 2002).
Thái Bá Tân sau khi đã dịch hàng nghìn trang thơ nước ngoài, đã làm một tập thơ sáu câu học kiểu thơ Xitgiô, lại công bố tập thơ Bàn tay hình chiếc lá với 87 bài toàn là thơ năm chữ. Tác giả cho rằng hình thức thơ này giàu chất trữ tình, nhạc tính cao, dễ đi vào lòng người. Đây cũng là một cách trở lại với thể thơ truyền thống của dân tộc.

Mượn các hình thức thơ nước ngoài như xon nê, hai cu, vô đề, ban lát, bậc thang… cũng là một cách làm giàu thêm hình thức thể hiện của thơ.

Điều đáng chú ý là trong khi mọi người cứ việc thể nghiệm với những đổi mới về hình thức đủ loại thì người ta lại quay trở về với lục bát cổ truyền. Việc xuất bản tuyển tập lục bát Việt Nam, việc thi thơ lục bát trên báo Giáo dục và Thời đại, báo Văn Nghệ trẻ (năm 2002, nhà xuất bản Hội nhà văn in tập thơ 300 bài lục bát dự thi) đã khẳng định sự trường tồn của thể lại này. Một điều lí thú nhưng cũng đáng để suy ngẫm là Trúc Thông, một cây bút trăn trở, tìm tòi nhưng bài thơ hay nhất của anh lại chính là bài lục bát Bờ sông vẫn gió. Điều đó cho thấy chất lượng nghệ thuật của tác phẩm không hề phụ thuộc vào các yếu tố cách tân. Chúng ta mới hiểu vì sao có người khăng khăng nói chỉ có thơ hay, chứ không phân biệt cũ hay mới, bảo thủ hoặc cách tân.

Những tìm tòi của Hoàng Hưng trong Ngựa biển, của Đặng Đình Hưng trong Ô mai em, của Lê Đạt trong Bóng chữ, của Nguyễn Quang Thiều trong Sự mất ngủ của lửa, của Trúc Thông trong Một ngọn đèn xanh, của Nguyễn Duy trong Về, của Phạm Công Trứ trong Cỏ may thi tập, của Thi Hoàng trong Gọi nhau qua vách núi, của Thái Bá Tân trong Thơ sáu câu, Bàn tay hình chiếc lá, của Hoàng Xuân Tuyền trong Bến thời gian và nhiều người khác nữa, dù thành công ít hay nhiều hoặc ngay cả khi thất bại… đều khẳng định xu hướng tìm tòi đổi mới thơ.

Có người lớn tiếng phê phán diễu cợt những tìm tòi này. Có nhà thơ cho rằng mọi sự tìm tòi đổi mới về ngôn từ và nhịp điệu đều là vô ích. Song nếu có thái độ bình tĩnh, chúng ta sẽ thấy cần phải ghi nhận và khích lệ mọi cố gắng. Nếu không có sự thất bại, làm sao có thành công.

Chúng tôi đã điểm lại sự đổi mới thi ca, nêu lên những biểu hiện rõ rệt của lần đổi mới khi đất nước thống nhất, khi có chính sách đổi mới, mở cửa.

Nhận thức quy luật phát triển của thơ ca trong lịch sử là một công việc cần thiết. Nhìn rõ những cái mốc và sự đổi thay sẽ giúp nhìn nhận đầy đủ hơn khuynh hướng phát triển. Nhưng cái khó là chúng ta không biết được khi nào thì tạm coi là kết thúc một chặng đường đổi mới của thơ ca? Một khi sự đổi mới kết thúc thì sự phân biệt cũ mới - đúng như Chế Lan Viên đã viết trước đây- sẽ không còn ý nghĩa nữa. Thơ lại tiếp tục ổn định và phát triển với những đổi mới, tìm tòi thường nhật vốn có.


Hà Nội, mùa xuân


 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top