Nhiều tranh cãi ở đề thi văn

hương xưa

New member
Xu
0
Nhiều tranh cãi ở đề thi văn



Hôm qua 22-6, trên 80.000 thí sinh đã tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội với hai môn thi văn, toán chung cho cả khối không chuyên và khối chuyên.

Đề thi môn văn được đánh giá khó hơn năm 2010. Đề văn ra theo hướng cổ điển, không hay nhưng theo nhiều giáo viên, có nhiều câu khó đối với nhận thức của học sinh THCS. Đặc biệt có những câu hỏi gây tranh cãi ngay trong giáo giới.

Ví dụ trong một đoạn trích của tác phẩm Người con gái Nam Xương, nhân vật Vũ Nương ra bến Hoàng Giang để than thở với trời, với thần linh về nỗi oan khuất và tấm lòng trinh bạch của mình, đề thi hỏi thí sinh “lời thoại là độc thoại hay đối thoại?”.

Rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi đã tranh cãi khi có em thì làm là “độc thoại”, có em làm “đối thoại”. Băn khoăn này cũng nảy sinh trong giáo giới. Một số giáo viên cho rằng chắc chắn đó là “độc thoại” do Vũ Nương chỉ than thở với lòng mình. Còn có ý kiến khác cho rằng “trời” và “thần linh” cũng là một nhân vật đối thoại với Vũ Nương.

Ngày 23 và 24-6, khoảng 7.500 thí sinh có nguyện vọng dự thi vào khối trường chuyên của Hà Nội tiếp tục thi môn ngoại ngữ và các môn chuyên.

Đáng nói là trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 9 và sách giáo viên văn lớp 9 có những câu hỏi và hướng dẫn khiến người đọc có thể hiểu theo hướng là “đối thoại”. Ngoài ra, đề văn thi vào lớp 10 của Hà Nội cũng có nhiều khái niệm rộng mở vượt quá tầm hiểu biết của học sinh lớp 9 như “người đồng mình”, thành ngữ “lên thác xuống ghềnh”.

Về một câu hỏi nhỏ ở phần 2 của đề thi yêu cầu học sinh “suy nghĩ về phẩm chất của nhân vật Vũ Nương”, một số thầy cô giáo cho rằng rất khó viết về điều này chỉ trong sáu dòng và chắc chắn đây sẽ là câu gây tranh cãi khi chấm. Theo cô giáo Phạm Thị Tú Anh - giáo viên Trường THCS Đống Đa (Hà Nội), “đề thi văn năm nay sẽ hiếm có điểm 8”.

Ngược lại, đề thi toán của Hà Nội năm nay được xem là “dễ thở”. Thầy Lê Văn Cường, giáo viên toán Trường THPT Nguyễn Tất Thành, cho hay bố cục đề thi năm nay hợp lý và gần giống cấu trúc đề của các năm trước khi độ khó chỉ dồn vào ý cuối bài hình học và câu 5 để phân loại học sinh giỏi: “Ý khó của bài hình học đòi hỏi học sinh phải có kiến thức tổng hợp, thậm chí phải sử dụng kiến thức từ lớp 8 vì nó liên quan đến diện tích, đồng dạng. Riêng câu 5 chắc chắn phải là học sinh giỏi mới làm được”.

Gán nhầm tác giả trong đề thi văn


Ngày 29-6, Sở GD-ĐT Khánh Hòa đã tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2011-2012. Ngay sau khi kết thúc môn văn, nhiều phụ huynh phản ảnh đề thi môn văn có sai sót.

Cụ thể, nguyên văn câu 3 đề thi môn văn như sau: “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương. Dựa vào ca từ trên, viết một bài văn ngắn (khoảng 1 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình yêu thương”.

Đây là một câu hỏi rất hay, gợi cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng người ra đề đã có sự nhầm lẫn, bởi “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta được thêm ngày nữa để yêu thương” không phải là ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà là câu thơ của nhà thơ Kahlil Gibran (người Libăng) do nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chuyển ngữ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân khẳng định trong gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không có bài nào có hai câu này. Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khẳng định ông chính là người dịch hai câu thơ của nhà thơ Kahlil Gibran ra tiếng Việt.




Theo Tuổi Trẻ.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top