Vừa qua, một loạt trang tin điện tử có lượng truy cập lớn như kenh14, báo điện tử Đất Việt... đã bị hacker tấn công từ chối dịch vụ DDoS.
Theo nguồn tin từ Công ty Truyền thông Việt Nam (VCCorp), một số website lớn của công ty này như kenh14.vn, rongbay.com, enbac.com… gần đây đã liên tục bị nhiều máy tính và máy chủ có địa chỉ ở nước ngoài tấn công từ chối dịch vụ (DDOS) với lưu lượng dữ liệu lớn gây nghẽn một số hướng truy nhập từ quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại diện VCCorp, do các máy tính và máy chủ tấn công liên tục thay đổi địa chỉ IP nên việc ngăn chặn DDOS cũng như xử lý triệt để rất khó khăn, không thể chủ động và xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn.
Chiều 10-6, trang báo điện tử Đất Việt cũng xảy ra hiện tượng khó truy cập. Trước đó, ngày 9-6, trang web petrotimes.vn, nơi đưa tin đầu nguồn về các vụ tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, cắt cáp thăm dò địa chấn của các tàu Petrovietnam, cũng bị xóa sạch dữ liệu nhưng rất may đã được sao lưu đầy đủ nên không gây thiệt hại nào đáng kể.
Ngày 8-6, trang thông tin điện tử của Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng bị một số hacker tấn công theo dạng từ chối dịch vụ, làm việc truy cập vào trang mạng khó khăn và làm thay đổi giao diện website của Trung tâm biên phiên dịch (Bộ Ngoại giao Việt Nam) ở địa chỉ https://www.ntc.mofa.gov.vn.
Trao đổi với phóng viên Bưu Điện Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc bộ phận an ninh mạng BKAV, cho biết đúng là mức độ nghiêm trọng các cuộc tấn công vào các website Việt Nam đang có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, hiện tượng khó truy cập website phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân hệ thống mạng, chứ không phải chỉ do tấn công từ chối dịch vụ (DDOS). "Để xác định được chính xác, chúng ta phải kiểm tra kỹ càng file log của website đó thay vì chỉ quan sát rồi đưa ra phán đoán", ông Đức cho biết thêm.
Trước ý kiến cho rằng việc các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp lớn đều bị tấn công cho thấy hacker nước ngoài đang chuyển hướng vào các mục tiêu quan trọng của Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trang web cá nhân, diễn đàn hay các trang web cổng thông tin của cơ quan bộ ngành T.Ư đến địa phương.
Về vấn đề này, ông Đức khẳng định ngay từ những ngày đầu, hacker đã nhắm vào các tên miền “.gov” hay tên miền quan trọng bên cạnh chủ trương tấn công được trang web nào thì tấn công và càng nhiều càng tốt để ghi điểm. “Do đó, không thể nói rằng trong những ngày gần đây hacker đã chuyển hướng tấn công sang các mục tiêu quan trọng hơn so với thời gian đầu”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo thống kê của BKAV, từ đầu tháng 6 đến nay đã có khoảng 249 website có bằng chứng cụ thể là đã bị tấn công, trong đó có 51 trang tên miền “.gov.vn”, gấp hơn 2 lần số trang web bị hacker “hỏi thăm” trung bình hằng tháng từ đầu năm 2011.
Khi được hỏi về con số 1.500 website đã bị hack mà một số báo và cư dân mạng lan truyền, ông Đức hoàn toàn ngạc nhiên về con số này vì nó không thể nhiều như vậy. “BKAV đã tìm hiểu và thấy con số này được đưa ra từ một website của Trung Quốc thống kê lại nhưng không có bằng chứng cụ thể nào để khẳng định số liệu 1.500 là có thật”, ông Đức khẳng định.
Cùng quan điểm với ông Đức, ông Vũ Quốc Khánh, giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VNCERT (Bộ TT-TT), cho biết các hình thức và mục tiêu tấn công của hacker trong những ngày gần đây không có nhiều thay đổi, chủ yếu cường độ tấn công mạnh hơn so với thời gian đầu.
“Các website quan trọng như của Chính phủ, các ISP… đã được đơn vị này giám sát và bảo vệ ngay từ đầu”, ông Khánh khẳng định.
Theo ông Khánh, mặc dù vẫn chưa có con số thống kê đến thời điểm hiện tại nhưng trong tuần đầu tiên của tháng 6 đã có khoảng 100 website của Việt Nam bị hacker “hỏi thăm”.
Theo ICTNews