Nháy mắt, nhướng mày để... điều khiển thiết bị

caothutrungky

New member
Xu
0
Một cái nháy mắt, một nụ cười hoặc một cái nhướng mày... chỉ từng ấy thôi cũng đã đủ để bạn đổi bài hát mới trên chiếc máy nghe nhạc iPod hoặc khởi động máy giặt rồi. Tất cả là nhờ một thiết bị điều khiển cảm ứng mới do Nhật Bản chế tạo.

Thoạt nhìn, thiết bị này trông chẳng khác gì một cặp tai nghe bình thường. Tuy nhiên, nó đã được trang bị một bộ vi mạch cảm biến hồng ngoại, có khả năng đo bất cứ chuyển động nào bên trong tai (được tạo ra do sự thay đổi của cơ mặt), dù là nhỏ nhất.

Với tên gọi "Công tắc Mimi" hay "Công tắc bằng tai", thiết bị này sẽ kết nối với một chiếc máy tính siêu nhỏ, có khả năng điều khiển các thiết bị điện tử. Về cơ bản, bạn có thể hiểu nó như một chiếc điều khiển từ xa không cần đến tay, và nó có thể điều khiển mọi thứ.

"Bạn sẽ có thể bật đèn trong phòng, hoặc khởi động máy giặt chỉ bằng một cái nhếch miệng", Giáo sư Kazuhiro Taniguchi, người phát minh ra "Công tắc Mini" chia sẻ. Ông hiện là Trưởng nhóm nghiên cứu của Cao đẳng Khoa học Dân dụng, trực thuộc Đại học Osaka, miền Tây Nhật Bản.

"Một chiếc máy nghe nhạc iPod sẽ có thể bật hoặc tắt nhạc khi người dùng thè lưỡi ra, giống như trong bức ảnh chụp Einstein nổi tiếng vậy. Còn nếu trợn mắt lên, máy sẽ tua sang giai điệu kế tiếp. Nháy mắt phải sẽ khiến iPod tua lại bài hát cũ", ông Taniguchi nói thêm.

Bạn có thể lập trình để thiết bị nhận dạng được nhiều biểu hiện khác nhau của khuôn mặt, chẳng hạn như chun mũi hoặc nhoẻn cười".

Tính ứng dụng cao

Chưa hết, "Công tắc Mimi" còn có thể lưu trữ và phiên dịch dữ liệu, để từ đó "hiểu" thêm về chủ nhân của nó.

"Nó sẽ theo dõi chuyển động tự nhiên của khuôn mặt trong đời sống hàng ngày, sau đó tự tổng hợp nên dữ liệu. Nếu nó "đánh giá" là bạn cười hơi ít, nó sẽ tự động bật lên một giai điệu vui vẻ".

Một số người có thể sẽ sử dụng thiết bị này để thư giãn, thí dụ như đổi nhạc trong khi đọc sách mà chẳng cần động đậy đôi tay chẳng hạn. Song ông Taniguchi tin rằng "Công tắc Mimi" có thể ứng dụng vào nhiều mục đích khác nghiêm túc hơn, giúp cho cuộc sống trở nên an toàn và dễ dàng hơn.

"Nếu như nó được tích hợp vào trong tai trợ thính cho người cao tuổi, Mimi sẽ có thể thông báo cho bác sĩ rằng họ ăn uống có điều độ hay không, hoặc họ hắt hơi bao nhiêu lần trong ngày". Nếu Mimi tin rằng sức khỏe của chủ nhân không tốt, nó sẽ gửi tin nhắn cảnh báo cho họ hàng, người quen hoặc bác sĩ".

Thiết bị này cũng có thể giúp người khuyết tật điều khiển từ xa các thiết bị như camera, máy tính hoặc điều hòa không khí. Trước "Công tắc Mimi", Nhật Bản cũng đã từng phát minh ra một thiết bị có tên Temple Switch, có kích cỡ đủ bé để nhét vừa vào trong mắt kính.

Ông Taniguchi dự định đăng ký bản quyền sáng chế thiết bị mới không chỉ tại Nhật mà còn cả ở thị trường quốc tế. Ông hy vọng sản phẩm sẽ có thể chính thức xuất xưởng trong vòng 2-3 năm tới.

Trọng Cầm (Theo AFP)VNN
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top