NHẬT KÝ TRONG TÙ - HỒ CHÍ MINH
Ngục trung nhật ký
Nhật ký trong tù
Thân thể tại ngục trung
Tinh thần tại ngục ngoại
Dục thành đại sự nghiệp
Tinh thần cánh yếu đại
Bản dịch của Nam Trân:
Thân thể ở trong lao,
Tinh thần ở ngoài lao;
Muốn nên sự nghiệp lớn,
Tinh thần phải càng cao.
Trong nguyên bản, bốn câu thơ này không có đầu đề, chép ở ngoài bìa tập Ngục trung nhật ký cùng hình vẽ hai tay bị xiềng, có lẽ được tác giả xem như lời đề từ cho toàn tập.
...
Khai quyển
Mở đầu tập nhật ký
Lão phu nguyên bất ái ngâm thi
Nhân vị tù trung vô sở vi
Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật
Thả ngâm thả đãi tự do thì
Bản dịch của Nam Trân:
Ngâm thơ ta vốn không ham,
Nhưng vì trong ngục biết là chi đây;
Ngày dài ngâm đợi cho khuây,
Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.
...
Tại Túc Vinh nhai bị khấu lưu
Bị bắt giữ ở phố Túc Vinh
Túc Vinh khước sử dư mông nhục
Cố ý trì diên ngã khứ trình
Gián điệp hiềm nghi không niết tạo
Bả nhân danh dự bạch hy sinh
Bản dịch của Huệ Chi:
Túc Vinh mà để ta mang nhục,
Cố ý dằng dai, chậm bước mình;
Bịa chuyện tình nghi là gián điệp,
Cho người vô cớ mất thanh danh.
Túc Vinh là tên một phố ở thị trấn huyện Thiên Bảo, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; nơi tác giả bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt ngày 29/08/1942. Câu đầu bài thơ còn ngụ ý chơi chữ, lấy “mông nhục” (mang nhục) đối lại với “túc vinh” (đủ vinh), làm tăng ý nghĩa mỉa mai hài hước việc bắt người vô lý.
...
Nhập Tĩnh Tây huyện ngục
Vào nhà ngục huyện Tĩnh Tây
Ngục trung cựu phạm nghênh tân phạm
Thiên thượng tình vân trục vũ vân
Tình vũ phù vân phi khứ liễu
Ngục trung lưu trú tự do nhân
Bản dịch của Nam Trân:
Trong lao tù cũ đón tù mới,
Trên trời mây tạnh đuổi mây mưa;
Tạnh, mưa, mây nổi bay đi hết,
Còn lại trong tù khách tự do.
Tĩnh Tây là một huyện thuộc Quảng Tây, gần biên giới Trung - Việt. Tác giả bị bắt ở huyện Thiên Bảo cách Tĩnh Tây khá xa nhưng lại bị đưa ngược về Tĩnh Tây giam giữ.
...
Thế lộ nan
Đường đời hiểm trở
Tẩu biến cao sơn dữ tuấn nham
Na tri bình lộ cánh nan kham
Cao sơn lộ hổ chung vô dạng
Bình lộ phùng nhân khước bị giam.
Dư nguyên đại biểu Việt Nam dân
Nghĩ đáo Trung Hoa kiến yếu nhân
Vô nại phong ba bình địa khởi
Tống dư nhập ngụ tác gia tân
Trung thành ngã bản vô tâm cứu
Khước bị hiềm nghi tố Hán gian
Xử thế nguyên lai phi dị dị
Nhi kim xử thế cánh nan nan.
Bản dịch của Nam Trân:
Đi khắp đèo cao, khắp núi cao,
Ngờ đâu đường phẳng lại lao đao!
Núi cao gặp hổ mà vô sự,
Đường phẳng gặp người bị tống lao?!
Ta là đại biểu dân Việt Nam,
Tìm đến Trung Hoa để hội đàm;
Ai ngỡ đất bằng gây sóng gió,
Phải làm “khách quý” ở nhà giam!
Ta người ngay thẳng, lòng trong trắng,
Lại bị tình nghi là Hán gian;
Xử thế từ xưa không phải dễ,
Mà nay, xử thế khó khăn hơn.
...
Tảo
Buổi sớm
Thái dương mỗi tảo tòng tường thượng
Chiếu trước lung môn môn vị khai
Lung lý hiện thời hoàn hắc ám
Quang minh khước dĩ diện tiền lai.
Tảo khởi nhân nhân tranh liệp sắt
Bát chung hưởng liễu tảo xan khai
Khuyến quân thả ngật nhất cá bão
Bĩ cực chi thì tất thái lai.
Bản dịch của Nam Trân - Xuân Thủy:
Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc,
Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài;
Trong ngục giờ đây còn tối mịt,
Ánh hồng trước mặt đã bừng soi.
Sớm dậy, người người đua bắt rận,
Tám giờ chuông điểm, bữa ban mai;
Khuyên anh hãy gắn ăn no bụng,
Bĩ cực rồi ra ắt thái lai.
...
Ngọ
Buổi trưa
Ngục trung ngọ thụy chân như phục
Nhất thụy hôn hôn kỷ cú chung
Mộng kiến thừa long thiên thượng khứ
Tỉnh thời tài giác ngọa lung trung
Bản dịch của Nam Trân:
Trong tù khoan khoái giấc ban trưa,
Một giấc miên man suốt mấy giờ;
Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới,
Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ.
...
Vấn thoại
Lời hỏi
Xã hội đích lưỡng cực,
Pháp quan dữ phạm nhân;
Quan viết: nhĩ hữu tội,
Phạm viết: ngã lương dân;
Quan viết: nhĩ thuyết giả,
Phạm viết: ngã ngôn chân;
Pháp quan tính bản thiện,
Giả trang ác ngân ngân;
Yếu nhập nhân ư tội,
Khước giả ý ân cần;
Giá lưỡng cực chi gian,
Lập trước công lý thần.
Bản dịch của Huệ Chi - Nguyễn Sĩ Lâm
Hai cực trong xã hội,
Quan toà và phạm nhân;
Quan rằng: anh có tội,
Phạm thưa: tôi lương dân;
Quan rằng: anh nói dối,
Phạm thưa: thực trăm phần;
Quan toà tính vốn thiện,
Vờ làm bộ dữ dằn;
Muốn khép người vào tội,
Lại ra vẻ ân cần;
Ở giữa hai cực đó,
Công lý đứng làm thần.
...
Ngọ hậu
Quá trưa
Nhĩ điểm khai lung hoán không khí
Nhân nhân ngưỡng khán tự do thiên
Tự do thiên thượng thần tiên khách
Tri phủ lung trung dã hữu tiên.
Bản dịch của Nam Trân:
Hai giờ ngục mở thông hơi,
Tù nhân ngẩng mặt ngắm trời tự do;
Tự do tiên khách trên trời,
Biết chăng trong ngục có người khách tiên?
Bản dịch của Vũ Huy Động:
Hai giờ ngục mở thay không khí,
Ai nấy nhìn lên: trời tự do!
Tiên khách tự do trên thượng giới,
Biết chăng, tiên cũng ở trong tù?
...
Vãn
Chiều hôm
Vãn xan ngật liễu nhật tây trầm
Xứ xứ sơn ca dữ nhạc âm
U ám Tĩnh Tây cấm bế thất
Hốt thành mỹ thuật tiểu hàn lâm.
Bản dịch của Nam Trân:
Cơm xong, bóng đã xuống trầm trầm,
Vang tiếng đàn ca, rộn tiếng ngâm;
Nhà ngục Tĩnh Tây mờ mịt tối,
Bỗng thành nhạc quán viện hàn lâm.
...
Tù lương
Cơm tù
Mỗi xan nhất uyển hồng mễ phạn
Vô diêm vô thái hựu vô thang
Hữu nhân tống phạn ngật đắc bão
Một nhân tống phạn hám gia nương
Bản dịch của Nam Trân – Băng Thanh:
Không rau, không muối, canh không có,
Mỗi bữa lưng cơm đỏ gọi là;
Có kẻ đem cơm còn chắc dạ,
Không người lo bữa đói kêu cha.
...
Nạn hữu xuy địch
Bạn tù thổi sáo
Ngục trung hốt thính tư hương khúc
Thanh chuyển thê lương điệu chuyển sầu
Thiên lý quan hà vô hạn cảm
Khuê nhân cánh thượng nhất tằng lâu.
Bản dịch của Nam Trân:
Bỗng nghe trong ngục sáo vi vu,
Khúc nhạc tình quê chuyển điệu sầu;
Muôn dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu ai đó ngóng trông nhau.
Bản dịch của Huệ Chi:
Trong lao vẳng khúc nhạc tình quê,
Âm chuyển sầu, thương, điệu tái tê;
Nghìm dặm quan hà, khôn xiết nỗi,
Lên lầu, xa ngóng, khách phòng khuê.
...
Cước áp
Cái cùm
Tranh ninh ngạ khẩu tự hung thần
Vãn vãn trương khai bả cước thôn
Các nhân bị thôn liễu hữu cước
Chỉ thặng tả cước năng khuất thân.
Thế gian cánh hưu ly kỳ sự
Nhân mẫn tranh tiên thượng cước kiềm
Nhân vị hữu kiềm tài đắc thụy
Vô kiềm một xứ khả an miên.
Bản dịch của Nam Trân:
Dữ tợn hung thần miệng chực nhai,
Đêm đêm há hốc nuốt chân người;
Mọi người bị nuốt chân bên phải,
Co duỗi còn chân bên trái thôi.
Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật,
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau;
Được cùm chân mới yên bề ngủ,
Không được cùm chân biết ngủ đâu?
...
Học dịch kỳ
Học đánh cờ
Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
Thiên binh vạn mã cộng khu trì;
Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,
Cao tài tật túc tiên đắc chi.
Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
Kiên quyết thời thời yếu tấn công
Thác lộc song xa dã một dụng
Phùng thời nhất tốt khả thành công?
Song phương thế lực thản bình quân
Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;
Công thủ vận trù vô lậu trước,
Tài xưng anh dũng đại tướng quân.
Bản dịch của Văn Trực – Văn Phụng:
Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài;
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.
Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.
Vốn trước hai bên ngang thế lực,
Mà sau thắng lợi một bên giành;
Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.