• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nhật ký đón Tết

  • Thread starter Thread starter tamlan
  • Ngày gửi Ngày gửi
  • Từ khóa Từ khóa
    lctnd

tamlan

New member
Xu
0

Họ và tên : Văn Tâm Lan
Tuổi : 17
Nghề nghiệp : Học sinh


Nhật ký đón Tết
Tết ! Nghe đơn giản và bình dị nhưng sao nó chứa đựng trong đó biết bao ý nghĩa và đậm đà màu sắc quê hương Việt Nam đến thế. Cô giáo dạy Văn có hỏi chúng tôi thế này :" Theo các em lúc chuẩn bị lễ hội hay vào lễ hội vui hơn". Chỉ thế thôi mà lớp ồn ào hẳn lên. Tôi nghĩ là trước lễ hội sẽ vui hơn nhiều. Điều đó lại càng đúng đối với Tết cổ truyền. Vẫn vậy, còn khoảng 10 ngày nữa là bước sang năm mới. Ở trường học tôi cùng các bạn đang tận hưởng những giây phút cực kì thoải mái bên những nắm hạt dưa, mấy thứ bánh kẹo tết mà gia đình mua từ trước đó. Tiếng tí tách của hạt dưa, lào xào của vỏ bánh còn lại trên bàn cộng thêm vị ngọt ngọt, bùi bùi. Chỉ nhớ lại thôi mà tôi cũng mong tết đến thật nhanh. Ở Việt Nam bắt đầu Tết là lễ Ông Công Ông Táo. Theo quan niệm, mỗi gia đình đều có ông Táo coi giữ nhà bếp, cứ đến 23 tháng Chạp là ông Táo phải thu xếp lên trời báo cáo mọi việc làm của gia đình trong một năm qua. Vì vậy phải có mâm cơm đạm bạc để tiễn ông Táo về "chầu". Bà và mẹ tôi thường nấu xôi, bày chả, giò, một đĩa rau xào còn tôi chỉ biết chạy lăng xăng lên xuống nếu bà có bảo gì thì làm. Đợi hương tàn bà bảo tôi mang cá ra hồ thấy, thấy tiếc con cá này quá nhưng ông Táo phải có cá chép mới về trời được. Thế nên tôi đành vâng lời. Trước khi con ca lặn mất tôi có nói :" Chúc mày và ông Táo lên đường bình an nhé!". Vậy là Tết đến thật rồi! Ngoài đường phố, trong nhà đều ngập tràn khí xuân, đâu đây vẫn còn thoang thoảng mùi nhang đèn thơm phức. Những ngày tiếp theo cả nhà bắt tay vào sửa soạn. Nhiệm vụ của tôi và em là lau rửa nhà cửa, chén bát; ngoài giếng cô với mẹ giặt giũ rèm, màn, quần áo; trong nhà bố đang treo mấy câu đối tết...Mỗi người một việc, ai cũng hăng hái trong niềm vui vì được góp công sức cho mùa Tết năm nay. Đang làm thì mấy bác họ của mình vào chúc Tết hai bà. Đây lại là một nét đẹp nữa của Tết dân tộc. Vừa là hết một năm cũ đầy biến động, vừa chào đón một năm mới, vừa là thời gian cho con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo của mình với bề trên. Xong việc tôi và mấy đứa ở xóm rủ nhau lên siêu thị chơi.Vừa lên xe buýt là mấy đứa trò chuyện rôm rả lắm làm mọi người trên xe cũng vui lây. Chao ôi! Mới đến cổng mà tôi đã rợn ngợp trước cảnh tượng này. Người người ra vào, tiếng cười nói bàn tán về hàng hóa tết xôn xao. Vào bên trong càng thấy choáng ngợp hơn nữa. Hàng hóa đầy ắp, phong phú hơn ngày thường rất nhiều, ánh sáng lung linh, màu sắc rực rỡ...Nghe nói có lạm phát mà sức mua của người dân không hề giảm đi chút nào. Đúng là Tết, nhà nào cũng muốn thật đầy đủ và sung túc thì mới thỏa mãn. Tuy hàng ở siêu thị nhiều là vậy nhưng lại rất đắt và quá khắt khe về khâu mua bán háng hàng hóa nên tôi không thích lắm. Nếu nói đến Tết thì nơi đầu tiên mà tôi không bao giờ quên: đó chính là khu chợ ở gần nhà. Đi chợ Tết thì nên đi bằng xe đạp hoặc đi bộ không nên đi xe máy lại càng không nên đi ô tô bởi chỉ có đi từ từ để tầm mắt mở ra khắp phương trời thì mới thấy hết vẻ đẹp của tết Việt. Tôi thường cùng mẹ và em đi xe đạp vừa có thể ngắm cảnh vừa đỡ ... mỏi chân. Những vỉa hè hằng ngày chỉ có lá rơi xào xạc mà giờ đã đầy những cây cảnh; bên cạnh là những chậu quất có quả chín vàng ươm, những chậu mai rực rỡ với năm cánh hoa vàng. Chen mãi mới gửi được xe, đến cổng chợ thì thật khó để tả hết được không khí nơi đây. Chợ Tết đông nghìn nghịt chật cứng cả lối đi. Người người qua lại tấp nập, đông vui như trẩy hội. Tiếng trao đổi mua bán, gọi nhau í ới nghe thật nhộn nhịp. Mặc dù cuộc sống ngày càng được hiện đại hóa nhưng những nét đẹp văn hóa vẫn được giữ vững: những hàng bày trầu cau, vôi, muối, dầu đèn, giấy tiền vàng mã,...đều tấp nập người bán người mua đã phản ánh lên điều đó. Hàng hóa Tết thì nhiều vô kể nhưng nếu nói đắt hàng hơn ngày thường chỉ có thể là hàng bánh kẹo. Nào mứt bí, mứt dừa, mứt sen,...rồi kẹo dẻo, kẹo mềm, bánh xốp, bích quy,...tất cả tỏa ra một mùi thơm ngọt ngào, hấp dẫn đối với người mua. Mẹ dẫn tôi đi mua bánh kẹo xong sau đó đến hàng thịt cá, ra đến chợ mẹ còn mua thêm hoa quả nữa. Nhưng vẫn còn một việc nữa cần phải làm trước đêm giao thừa. Nguyên liệu gồm: gạo nếp ngon này, đậu xanh bóc vỏ, thịt mỡ, lá dong, lá chuối,...mọi thứ đã đầy đủ. Chỉ nghe chắc ai cũng đoán ra rồi. Mai là 29 Tết nhà tôi sẽ gói bánh chưng, tuy không phải là mới mẻ nhưng thiếu đi việc này thì không còn gì là Tết nữa. Sáng sớm dậy tôi cùng cô lau sạch lá đã luộc chín để nguội, trong bếp nồi đậu xanh đang ninh cho nhừ sau đó đánh nhuyễn ra, em tôi nhận giã gừng và một số gia vị. Bố tôi sẽ gói bánh. Tuy không phải là điệu nghệ nhưng bánh bố gói rất vuông, bánh không quá nhiều nếp hoặc quá nhiều nhân, lạt buộc vừa tay nên lá không hề bị nhăn. Hồi nhỏ, tôi vẫn hay đòi bố gói riêng cho tôi một chiếc bánh chưng con, trong đó thì đậu thường nhiều hơn gạo. Ngoài ra bố cũng gói khoảng 3,4 cái bánh tét thêm vào đó. Đến trưa là bắt đầu nổi lửa nấu bánh. Bà nội nói với chị em tôi:" Bánh chưng mang tất cả tinh hoa văn hóa Việt gói gọn vào trong lại chứa đựng cái hồn của dân tộc và thể hiện sự thờ kính Trời, Đất, tổ tiên của nhân dân ta. Bởi nên thiếu bánh chưng là thiếu hẳn hương vị ngày Tết". Nghe vậy tôi cũng hay ra vào bếp đẩy củi vào và trông cho bánh mau chín. Tối, bếp vẫn đỏ lửa, tôi muốn ngồi đợi bánh chín nhưng buồn ngủ quá. Đến sáng hôm sau thì mọi thứ đã đâu vào đấy rồi.Bỗng dưng lúc này tôi nhớ ra một câu đối đã tồn tại bao đời nay như một bức tranh điển hình cho Tết cổ truyền: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Chiều tối, mẹ vẫn còn bận rộn với mâm cơm tất niên. Bố tôi đang làm thịt gà để cúng vào lúc giao thừa. Bà nội bày mâm ngũ quả, mấy cặp bánh chưng, một bình hoa lay ơn và một đĩa trầu lên bàn thờ. Bà đặt bên phải một chai rượu trắng, bên trái một chai rượu cẩm nhà tôi tự làm. Phải nói nghệ thuật ủ rượu của mẹ cứ gọi là tuyệt vời. Khách đến nhà chúc tết ai cũng muốn uống thử loại rượu này và khen lấy khen để. Hằng ngày trông khá rộng vậy mà hôm nay trên bàn thờ không còn chỗ nào có thể để thêm được nữa. Tôi thắc mắc bà đặt nhiều thứ lên thế làm gì, bà chỉ cười rồi ôn tồn: "Dù nhà ta thiếu thốn nhưng đã là Tết thì phải đầy đủ những thứ này. Nó thể hiện tấm lòng của con cháu đối với tổ tiên hơn nữa đây cũng là truyền thống của dân tộc đấy cháu ạ". Bao giờ cũng vậy bà luôn mang đến cho tôi cái vị dân tộc mà dường như lứa tuổi của chúng tôi đã lãng quên. Tôi luôn mong bà sống thật lâu với con cháu bởi tôi muốn có thời gian chăm sóc bà như bà đã chăm sóc chúng tôi, hơn nữa tôi còn muốn được sống mãi trong không khí đậm đà hương vị quê hương như lúc này. Dường như cái hồn và vẻ đẹp truyền thống của dân tộc có trong gia đình tôi là do bà mang lại mà sau này dù có đi khắp phương trời đến tận cùng thế giới tôi cũng không bao giờ tìm thấy ở nơi nào khác. Càng nghĩ tôi càng thấy mình đúng. Không gì hồi hộp hơn, nhộn nhịp hơn khi được đón Tết cùng gia đình mình, nhất là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Còn rất nhiều phong tục tập quán khác như: tục dựng cây nêu, hái lộc đầu năm, xông đất, mừng tuổi, đi lễ chùa cầu may,...và nhiều nhiều nữa không thể kể hết, thêm vào đó là nhật kí đón Tết của gia đình tôi thì với tôi không gì sánh bằng. Nếu có dịp các bạn hay những ai chưa hiểu rõ về Tết cổ truyền của Việt Nam hãy đến nhà tôi thì các bạn sẽ biết.
emo3.gif
!

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top