Thời gian ơi, xin dừng lại...
Tôi trở về thăm mái trường xưa nơi lưu giữ bao nhiêu kỉ niệm về một thuở đầu tiên cắp sách tới trường.
Cái buổi đầu tiên non nớt ấy - lần đầu tiên rời xa vòng tay của ba mẹ để bước vào một thế giới lạ lẫm hơn, nơi những tiếng ve kêu rộn rã trong những vòm me xanh nghiêng nghiêng trong nắng hè oi ả, nơi những cô cậu học trò như tôi ngày ấy bắt đầu làm quen với những kí tự đa hình mà người ta gọi đó là con chữ. Và đây là nơi hình ảnh về thầy còn lưu lại trong kí ức của tôi dù những kỉ niệm về mái trường tiểu học dần dần nhạt nhòa theo năm tháng.
Xa quê hương đã chín năm cũng có nghĩa tôi đã không về thăm thầy trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó. Tôi có thể biện minh cho mình rằng đó là lí do khoảng cách về địa lí khi nơi ở hiện tại của mình cách xa quê hương hơn 1700km. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn biết ở tôi có một sự vô tâm nào đó đang hiện hữu. Chín năm rồi, có một sự thay đổi nào về thầy không khi mái trường tiểu học ngày xưa vẫn như trước, vẫn nằm khiêm tốn trong bóng cây phượng sum xuê cành lá để rồi đỏ rực cả một khoảng trời bao la mỗi độ hè về.
Đi dọc hành lang, những kỉ niệm dần hiện về. Tuy không rõ nét nhưng cũng đủ để tôi nhớ một vài kỉ niệm còn lại trong trí nhớ. Tôi chợt dừng bước khi đứng trước một lớp học có bảng tên vừa lạ mà vừa quen: Lớp 3A. Phải rồi, lớp 3A ngày ấy là “nơi hội tụ” những học sinh lì lợm nhất, lười học nhất và nghịch ngợm nhất, tất nhiên trong đó có tôi. Dù là một đứa con gái nhưng tôi vẫn quậy như một đứa con trai và thường xuyên bị thầy cô “chiếu tướng”.
Lớp 3, thầy chủ nhiệm lớp tôi. Tôi còn nhớ mình đã từng miêu tả về thầy với “cái thước dài cả mét và đôi mắt đỏ lên như con quái vật muốn nuốt chửng những đứa lì lợm” như tôi. Trong suy nghĩ của một đứa học trò như tôi lúc đó thì miêu tả về thầy chỉ có thế, chỉ còn những nỗi sợ hãi vu vơ gọi là con nít.
Tôi vốn ghét môn Văn. Với tôi văn còn khó hơn cả những con số, những bài toán hóc búa. Toán rõ ràng rành mạch và logic, còn văn chỉ là một khái niệm mơ hồ và mông lung mà tôi, có lẽ, chưa thể hiểu hết được. Thêm một lí do nữa khiến tôi ghét môn văn đó là vì thầy dạy môn ấy. Vốn lười học, tôi hay bị thầy gọi lên trả bài và thường xuyên bị phạt. Tôi không hiểu tại sao khi ấy mình lại ghét thầy đến như vậy. Phải chăng trẻ con yêu hoặc ghét ai đều có thể bộc lộ ra ngoài và không cần bận tâm về tình cảm đó? Trẻ con thì khác với người lớn. Tôi nghĩ thế.
Ba tôi phải vào Nam nhận công tác và vì thế, cả nhà tôi phải chuyển hẳn vào trong đó. Tôi không muốn rời xa quê hương và lũ bạn tinh quái của mình.
Bao nhiêu nỗi sợ mơ hồ ùa về trong tôi. Nào là vào Nam tôi sẽ bị bạn bè ăn hiếp. Nào là vào trong Nam tôi sẽ cô đơn và không có bạn bè vì sự khác biệt về giọng nói…Tất cả khiến tôi òa khóc nức nở trong ngày cuối cùng ở mái trường yêu dấu ấy. Hôm đó tôi đến sớm hơn mọi ngày và sân trường dường như chỉ có mình tôi. Rồi từ đâu một bàn tay ấm áp - tôi cảm nhận là thế - xoa nhẹ lên đầu tôi:
“Nín đi con!”
Là thầy. Thầy chủ nhiệm của tôi. Trong khoảnh khắc, trong sự tức tưởi với giọt nước mắt còn nóng đang lăn dài trên gò má, tôi ngước lên nhìn thầy và ôm chầm lấy thầy khóc nức nở. Tôi không hiểu tại sao lúc ấy, mọi nỗi sợ hãi thậm chí cả cái ghét trong tôi dường như tan biến và thay vào đó là cái lưu luyến không muốn rời xa, kể cả thầy. Tiết học hôm ấy, không biết đó là sự vô tình hay cố ý mà thầy đã giảng cho chúng tôi nghe về tình yêu quê hương đất nước:
“Quê hương là gì hở mẹ?
Mà cô giáo dặn phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ?
Ai đi xa cũng nhớ nhiều.”
Giọng thầy khi ấy bỗng dưng ấm áp lạ kì. Tôi bất chợt gặp ánh mắt dìu hiền của thầy nhìn tôi. Và khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra người thầy của tôi đã có những nếp nhăn trên gương mặt và mái đầu đã điểm một màu hạt phấn trắng tinh. Tôi cũng không hiểu tiết văn hôm ấy sao mà hay đến vậy, lôi cuốn tôi đến vậy. Tôi bỗng phát hiện ra một định nghĩa về văn: “Văn là cây kẹo mút ngọt ngào đưa bọn trẻ vào thế giới của tình yêu”. Tình yêu ấy chứa đựng tình yêu quê hương và có khi là cả tình thầy trò….Thầy bảo tôi nhớ lấy quê hương….tôi hiểu trong lời thầy giảng hôm đó.
Câu nói cuối cùng thầy nói với tôi: “Khi nào về quê nhớ lại trường chơi với thầy nhé con!”…."Vâng! Con sẽ về thăm thầy"…
“Thầy ơi, ngày hôm nay con đã về thăm trường, thăm thầy đây!” Tôi thầm gọi thầy. Chín năm rồi tôi mới về thăm thầy, giờ thầy đang ở đâu?
…Tôi rụng rời tay chân khi một giáo viên trong trường nói với tôi rằng thầy đã mất. Giọt nước mắt đắng nghẹn ngào trong tôi chảy dài trên gò má. Thầy đã ra đi khi tôi chưa kịp về thăm thầy, khi lời hứa năm nào còn chưa được thực hiện. Ngày tôi đi tóc thầy đã bạc trắng. Ngày tôi đi thầy đã già rồi. Ngày tôi về thầy không còn nữa. Ngày tôi về thầy đã về với đất mẹ quê tôi - nơi thầy từng giảng “quê hương là gì hở mẹ. Ai đi xa cũng nhớ nhiều.”
Tôi trách mình vô tâm quá, nhưng điều đó có thể thay đổi được những gì xảy ra chăng? Có lẽ nếu không vì những bụi phấn vương đầy trên tóc, có lẽ nếu không vì những mái đầu xanh non nớt, có lẽ không vì chúng tôi, những đứa học trò của thầy, có lẽ thầy vẫn còn đề tôi có cơ hội được về thăm thầy...
Tiếng của một học sinh nào đó đọc vang lên giữa ngôi trường yêu dấu….Những kí ức ùa về…Người thầy của tôi….
Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi
Bao năm rồi? Đã bao năm rồi hở? Thầy ơi ...
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai
Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu ...
Vũ Thị Trúc Anh