--- Tô Hoài ---
Lời ăn tiếng nói nước ta giầu có, rất bản lĩnh với một cung cách phát triển riêng. Cả trăm năm, ngàn năm mất nước, dẫu cho bộ máy cai trị và tầng lớp trên có nhất thiết phải nói, phải viết tiếng nước khác thì đâu đâu từ Nam chí Bắc nước ta vẫn chỉ sử dụng tiếng nước nhà. Cho tới năm 1945 tiếng và chữ Việt đã hoàn toàn và thực sự là Quốc Ngữ.
Cũng như mọi tiếng nói của các dân tộc, tiếng Việt không đứng một mình. Tiếng Việt (Kinh) giao lưu với ngôn ngữ 54 dân tộc anh em trong đất nước, với bốn bên hàng xóm và do hoàn cảnh lịch sử, với nhiều nước khác ở xa, gốc Việt nhập vào những từ xa lạ Việt hoá đi, nhiều khi phải tra từ điển mới biết gốc gác. Nhà Phật, Bình Yên, từ ta hay ta mượn? Cà pháo, cà bát, cà rốt - cà rốt không phải tiếng ta; mặt lạnh như tiền là câu ví của nhà, nhưng mặt phớt lạnh, chữ phớt tiếng Anh.
Kiên trì và thuần thục, tiếng Việt đã hàng ngày được tôi luyện, rèn rũa, nâng lên thành tiếng Việt văn học. Đem tạp chí Nam Phong hay tiểu thuyết Kim Anh lệ sử ra đời đầu thập kỷ 20 so sánh với sách báo bây giờ, thấy được tiếng Việt đã nhanh chóng nền nếp và vững vàng thế nào.
Tiếng Việt đơn âm, không làm phong phú được theo phương pháp nhân chữ như tiếng đa âm. Kho tiếng Việt được sinh sôi ngày một giàu có ra nhờ tự thân qua cọ xát và thu nhặt được trước nhất tiếng mọi sinh hoạt đời sống các vùng và các ngành nghề.
Một số ví dụ: "Người qua lại như mắc cửi": mắc cửi là một khâu công việc của nghề dệt vải lụa; "Cầm cân nẩy mực" có nghĩa là đức độ công minh. Nẩy mực là tiếng của nghề thợ xẻ. Truyện Kiều có câu "Một vùng cỏ áy bóng tà", chữ áy vào văn học tài tình đến độ ta chẳng hiểu nghĩa chữ áy cũng cảm được buồn hiu hắt. Tiếng địa phương ở Thái Bình, cỏ áy là vạt cỏ bị ớm bạc ra. Quê vợ cụ Nguyễn Du ở Thái Bình. Thời trẻ Nguyễn Du đã đi tránh loạn nhiều năm nương náu ở quê vợ, mới có được chữ áy tuyệt vời ấy.
Trau dồi cho ngôn ngữ đơn âm còn nhiều cách, nhưng cái chính vẫn là từ tiếng nghề nghiệp, tiếng sinh hoạt các tầng lớp người, các địa phương khác nhau. Trong truyện Kiều các trường hợp trên đã được nâng lên rất đậm, rất đắt, những tiếng tài hoa: đá vàng, trăng thề, xoay vần... Những câu Một đời thuyền đã êm dằm; Bây giờ ván đã đóng thuyền - êm dằm, đóng thuyền là tiếng nghề chài. Những câu Phận sao phận bạc như vôi; Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn - bạc như vôi, mỏng cánh chuồn là những câu ví dân gian. Có lẽ Nghệ An cũng như Thái Bình xưa kia, nghề tơ tằm thịnh vượng, cái thịnh vượng của nghề đã phổ biến vào ngôn ngữ thơ Nguyễn Du: con én đưa thoi, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Tiếng nghề nghiệp: cái thoi dệt, én bay như thoi đưa, tơ đứt lại nối trăm mối ngổn ngang. Câu thơ Đố ai gỡ mối tơ ngành: con tơ có sợi mắc, sợi biên, sợi mành, sợi mành mỏng mảnh dễ đứt, khó gỡ. Câu Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Ngó ý, tơ lòng là sự sáng tạo. Câu Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau - Rối như tơ vò là câu ví dân gian.
Tôi trân trọng những công trình sưu tầm, nghiên cứu như Tục ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc, Tự Vị Tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, những tục ngữ dân ca của các vùng và các dân tộc Tày Nùng Mường Mông và của Thanh Hoá, Hà Nội, Sơn Tây mà tôi đã được đọc. Chỉ riêng mặt ngôn ngữ đã tích luỹ được vô vàn của báu xưa nay đã làm nổi bật, làm đẹp tiếng Việt biết bao nhiêu. Những kho từ giầu bạc triệu, bạc tỷ ấy đã tạo nên vóc dáng sức mạnh sáng tạo của tiếng nói đời thường và ngôn ngữ văn học.
Nguồn: Sưu Tập
Lời ăn tiếng nói nước ta giầu có, rất bản lĩnh với một cung cách phát triển riêng. Cả trăm năm, ngàn năm mất nước, dẫu cho bộ máy cai trị và tầng lớp trên có nhất thiết phải nói, phải viết tiếng nước khác thì đâu đâu từ Nam chí Bắc nước ta vẫn chỉ sử dụng tiếng nước nhà. Cho tới năm 1945 tiếng và chữ Việt đã hoàn toàn và thực sự là Quốc Ngữ.
Cũng như mọi tiếng nói của các dân tộc, tiếng Việt không đứng một mình. Tiếng Việt (Kinh) giao lưu với ngôn ngữ 54 dân tộc anh em trong đất nước, với bốn bên hàng xóm và do hoàn cảnh lịch sử, với nhiều nước khác ở xa, gốc Việt nhập vào những từ xa lạ Việt hoá đi, nhiều khi phải tra từ điển mới biết gốc gác. Nhà Phật, Bình Yên, từ ta hay ta mượn? Cà pháo, cà bát, cà rốt - cà rốt không phải tiếng ta; mặt lạnh như tiền là câu ví của nhà, nhưng mặt phớt lạnh, chữ phớt tiếng Anh.
Kiên trì và thuần thục, tiếng Việt đã hàng ngày được tôi luyện, rèn rũa, nâng lên thành tiếng Việt văn học. Đem tạp chí Nam Phong hay tiểu thuyết Kim Anh lệ sử ra đời đầu thập kỷ 20 so sánh với sách báo bây giờ, thấy được tiếng Việt đã nhanh chóng nền nếp và vững vàng thế nào.
Tiếng Việt đơn âm, không làm phong phú được theo phương pháp nhân chữ như tiếng đa âm. Kho tiếng Việt được sinh sôi ngày một giàu có ra nhờ tự thân qua cọ xát và thu nhặt được trước nhất tiếng mọi sinh hoạt đời sống các vùng và các ngành nghề.
Một số ví dụ: "Người qua lại như mắc cửi": mắc cửi là một khâu công việc của nghề dệt vải lụa; "Cầm cân nẩy mực" có nghĩa là đức độ công minh. Nẩy mực là tiếng của nghề thợ xẻ. Truyện Kiều có câu "Một vùng cỏ áy bóng tà", chữ áy vào văn học tài tình đến độ ta chẳng hiểu nghĩa chữ áy cũng cảm được buồn hiu hắt. Tiếng địa phương ở Thái Bình, cỏ áy là vạt cỏ bị ớm bạc ra. Quê vợ cụ Nguyễn Du ở Thái Bình. Thời trẻ Nguyễn Du đã đi tránh loạn nhiều năm nương náu ở quê vợ, mới có được chữ áy tuyệt vời ấy.
Trau dồi cho ngôn ngữ đơn âm còn nhiều cách, nhưng cái chính vẫn là từ tiếng nghề nghiệp, tiếng sinh hoạt các tầng lớp người, các địa phương khác nhau. Trong truyện Kiều các trường hợp trên đã được nâng lên rất đậm, rất đắt, những tiếng tài hoa: đá vàng, trăng thề, xoay vần... Những câu Một đời thuyền đã êm dằm; Bây giờ ván đã đóng thuyền - êm dằm, đóng thuyền là tiếng nghề chài. Những câu Phận sao phận bạc như vôi; Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn - bạc như vôi, mỏng cánh chuồn là những câu ví dân gian. Có lẽ Nghệ An cũng như Thái Bình xưa kia, nghề tơ tằm thịnh vượng, cái thịnh vượng của nghề đã phổ biến vào ngôn ngữ thơ Nguyễn Du: con én đưa thoi, ngổn ngang trăm mối bên lòng. Tiếng nghề nghiệp: cái thoi dệt, én bay như thoi đưa, tơ đứt lại nối trăm mối ngổn ngang. Câu thơ Đố ai gỡ mối tơ ngành: con tơ có sợi mắc, sợi biên, sợi mành, sợi mành mỏng mảnh dễ đứt, khó gỡ. Câu Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Ngó ý, tơ lòng là sự sáng tạo. Câu Chẳng vò mà rối chẳng dần mà đau - Rối như tơ vò là câu ví dân gian.
Tôi trân trọng những công trình sưu tầm, nghiên cứu như Tục ngữ Phong Dao của Nguyễn Văn Ngọc, Tự Vị Tiếng Việt miền Nam của Vương Hồng Sển, những tục ngữ dân ca của các vùng và các dân tộc Tày Nùng Mường Mông và của Thanh Hoá, Hà Nội, Sơn Tây mà tôi đã được đọc. Chỉ riêng mặt ngôn ngữ đã tích luỹ được vô vàn của báu xưa nay đã làm nổi bật, làm đẹp tiếng Việt biết bao nhiêu. Những kho từ giầu bạc triệu, bạc tỷ ấy đã tạo nên vóc dáng sức mạnh sáng tạo của tiếng nói đời thường và ngôn ngữ văn học.
Nguồn: Sưu Tập