Nhà Văn Nguyễn Quang Sáng
Tiểu sử:
Tên thật: Nguyễn Quang Sáng.
Sinh năm: 1932
Nơi sinh: Chợ Mới- Long Xuyên, nay là tỉnh An Giang.
Bút danh: Nguyễn Quang Sáng.
Thể loại: truyện ngắn, ký, tiểu thuyết.
Các tác phẩm:
- Người quê hương (1960)
- Nhật ký người ở lại (1962)
- Đất lửa (1962)
- Nó và tôi
- Nguyễn Văn Bé (1966)
- Truyện ngắn chọn lọc
- Chiếc lược ngà (1969)
- Bông cẩm thạch (1971)
- Mùa gió chướng (1975)
- Dòng sông thơ ấu (1985)
- Tôi thích làm vua (1988)
- Con mèo Fujita (1991)
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II năm 2000.
Chiếc lược ngà (truyện ngắn, tập “Chiếc lược ngà”)
Vì đường xa, chúng tôi chỉ ở nhà được ba ngày. Trong ba ngày ngắn ngủi đó con bé không kịp nhận ra anh là cha. Đêm nó không cho anh ngủ với chị. Con bé tính khí thật không vừa, nó tuột xuống giường, đứng dưới đất chồm lên, nắm tay anh kéo ra. Kéo không đựơc, nó kê miệng cắn. Cho đến ngày anh đi, tay anh vẫn còn hằn sâu những dấu răng của con. Suốt ngày anh chẳng đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con. Nhưng càng vỗ về, con bé càng đẩy ra. Anh mong được nghe một tiếng “ba” của con bé, nhưng con bé chẳng bao giờ chị gọi. Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:
-Thì má cứ kêu đi.
Mẹ nó đâm nổi giận, quơ đũa bếp doạ đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trỏng:
-Vô ăn cơm.
Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “ba vô ăn cơm”. Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:
-Cơm chín rồi! – anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:
-Con kêu rồi mà người ta không nghe.
Anh quay lại nhìn con, vừa khe khẽ lắc đầu và cười. Có lẽ vì khổ tâm đến nỗi không khóc được nên anh phải cười vậy thôi. Bữa sau, mẹ nó đang nấu cơm thì chạy đi mua thức ăn. Mẹ nó dặn, ở nhà có gì cần thì gọi ba giúp cho. Nó không nói không rằng, cứ lui cui dưới bếp. Nghe nồi cơm sôi, nó dỡ nắp, lấy đũa bếp sơ qua. Nồi cơm hơi to, nhắm không thể nhắc xuống để chắt nước được, đến lúc đó nó mới nhìn lên anh Sáu. Tôi nghĩ thầm, con bé đang bị dồn vào thế bí, chắc nó phải gọi ba nó thôi. Nó nhìn dáo dác một hồi rồi kêu lên:
-Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái! – nó cũng lại nói trỏng.
Tôi lên tiếng mở đường cho nó:
-Cháu phải gọi “ba chắt nước giùm con”, phải nói như vậy.
Nó như không nghe đến câu nói của tôi, nó lại kêu lên:
-Cơm sôi rồi, nhão bây giờ.
Anh Sáu cứ vẫn ngồi im. Tôi doạ nó:
-Cơm mà nhão má cháu về thế nào cháu cũng bị đòn. Sao cháu không gọi ba cháu. Cháu nói một tiếng “ba” không được sao?
Lúc đó nồi cơm sôi lên sùng sục. Nó hơi sợ, nó nhìn xuống vẻ nghĩ ngợi. Nhưng nó vẫn không chịu thua. Nó lấy giẻ định nhắc lấy nồi. Nhắc không nổi, nó lại nhìn lên. Tiếng cơm sôi như thúc giục nó. Nó nhăn nhó muốn khóc. Nó nhìn nồi cơm, rồi nhìn lên chúng tôi. Thấy nó luýnh quýnh, tôi vừa tội nghiệp vừa buồn cười, nghĩ chắc thế nào nó cũng chịu thua. Nó loay hoay rồi nhón lấy cái vá múc ra từng vá nước, miệng lầm bầm điều gì không rõ. Con bé đáo để thật!
ST