Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và Lịch Sử
Vũ Nho
I. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, người viết sử bằng văn
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn có nhiều tác phẩm viết về lịch sử và cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta, nhất là về Hà Nội. Ông sinh trưởng ở Hà Nội và gắn bó với Hà Nội xưa và nay qua các tác phẩm mà mọi người đều biết như : Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, An Tư, An Dương Vương xây thành ốc, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Những người ở lại, Lũy hoa, Sống mãi với thủ đô…
Có thể nói Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn say mê với lịch sử và thành công chủ yếu ở mảng đề tài này. Khi Cách mạng thành công và kháng chiến bùng nổ, Nguyễn Huy Tưởng đã viết kịch Bắc Sơn, một vở kịch lịch sử dựng lại không khí hào hùng của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Sự có mặt của vở kịch này, đánh dấu bước trưởng thành của kịch nói kháng chiến.
Có một điều thú vị là ngay từ khi bước chân vào nghề viết, nhà văn tương lai đã viết hai tiểu luận về lịch sử khi chưa đầy ba mươi tuổi gây cho độc giả “nhắc nhở và mến phục”, rồi sau đó là ba tác phẩm lấy đề tài lịch sử lần lượt ra đời.
Viết tiểu luận về vấn đề Lịch sử, hay viết truyện Lịch sử, Nguyễn Huy Tưởng cho thấy ông đọc Sử rất rộng:
“ Trận Bạch Đằng, Đống Đa so với những chiến thắng của Nã Phá Luân hay của Hàn Tín cũng chưa lấy gì làm lạ, và cuộc hưng binh của chân chủ Lam Sơn ví với sự nghiệp của Chu Nguyên Chương cũng không có gì đặc biệt hơn. Những việc khác đại để đều như thế cả. Duy trong sử Việt ta, có một đoạn dị kì, nó không chói lọi như vàng, kích động như sấm, nhưng nó biệt lập như một cô phong độc tu”.
Tác giả chứng minh cho lập luận của mình:
“ Thở ấy, Âu châu đang chìm đắm trong chế độ phong kiến, các nước văn minh ở Á Đông còn nép dưới chính thể quân chủ độc đoán. Nước ta cũng vậy. Thế mà giữa lúc tinh thần dân chủ chưa hề mọc mầm ở một nước này ( nào?) và ở nước Tàu mà ta nhất nhất lấy làm khuôn mẫu, thì vua tướng nhà Trần, đứng trước một vấn đề sinh tử, đã có cái sáng kiến lạ lùng là hỏi ý kiến quốc dân để quyết định, chắc nghĩ rằng trong sự tồn vong của nước, dân là gốc tất phải có trách nhiệm như những kẻ cầm quyền. Tình cờ, ta đã đi trước Mạnh Đức Tư Cưu hơn năm thế kỉ” ( Hội nghị Diên Hồng)
Qua hai đoạn trích, ta thấy nhà văn đọc kĩ sử ta, sử Tàu và cả Lịch sử Thế giới.
Tuy nhiên, cần phải thấy một điều là, mặc dù là một cây bút có khuynh hướng sử thi, đam mê lịch sử, nhưng Nguyễn Huy Tưởng cũng sẵn sàng tham gia vào những sự kiện đương thời để rồi bây giờ, các tác phẩm ấy cũng là chứng nhân lịch sử của một thời. Chúng tôi muốn nhắc đến các tác phẩm: Những người ở lại (1948), Anh Sơ đầu quân (1949), Kí sự Cao Lạng ( 1951) Truyện anh Lục ( 1955), Bốn năm sau ( 1959). Các nhà sử học không thể không tìm ở đây những sự kiện lịch sử được ghi lại sinh động bằng văn chương.
Viết về lịch sử cũng có ba bốn cách và sáu bảy đường. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước có biết bao nhiêu điều tỏ, mờ, ẩn khuất. Sử liệu nước ta bị thất thoát, trong cơn binh lửa, trong đời sống thiên nhiên khắc nghiệt , lũ lụt, mối mọt. Trong điều kiện ấy viết về lịch sử thế nào cho đúng?
Không phải là ngẫu nhiên hay tình cờ mà nhà thơ Vũ Quần Phương hay day dứt về Lịch Sử:
Nhưng đến lúc cũng cần cân Lịch Sử
Lắm thứ mơ hồ
Nhiều điều nông nổi
Lịch sử như anh mù,
anh điếc,
anh câm
Con sâu đo ( tập Chân trời sau chân trời)
Lịch Sử cái ông già lẩm cẩm
Hỏi suốt nghìn năm vẫn ậm à
Ậm à ( tập Chân trời sau chân trời)
Thái độ với lịch sử và thái độ với cuộc sống hôm nay và văn tài của người viết quyết định sự thành bại của tác phẩm.
Có những người mượn lịch sử để thể hiện những cách đánh giá cá nhân, thành ra không tránh khỏi việc bóp méo hay xuyên tạc. Có người xông vào những vấn đề tồn nghi của Lịch sử đưa ra cách lý giải riêng. Nhân vật Hồ Quý Ly mà Nguyễn Trãi đánh giá trong Bình Ngô Đại cáo ( theo quan điểm của nhà vua Lê Lợi) : “Nhân họ Hồ chính sự phiền hà, Để trong nước lòng dân oán hận”, nhưng các nhà Sử học sau này và cả trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đánh giá khác. Nhân vật thái sư Lê Văn Thịnh, trong chèo của Tào Mạt, không giống với cách đánh giá của một số nhà sử học. Gần đây, một số truyện ngắn, tiểu thuyết lịch sử khi viết về các nhân vật lịch sử, các giai đoạn lịch sử thường gây tranh cãi, thậm chỉ tranh cãi gay gắt; theo tôi, đó là chưa thành công hay thất bại của các tác giả. Bởi vì đụng vào lịch sử không dễ dàng gì. Đúng như nhân vật Abutalip đã nói trong Đa ghét xtan của tôi của Ra xun Gamzatov : “ Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.
Cái hay của những tác phẩm viết về lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn không gây hoài nghi, không gây tranh cãi, cũng không dựng lịch sử và các nhân vật lịch sử “khác lạ” với những sử liệu chính thức mà mọi người đã biết. Nhà văn đã viết truyện lịch sử và truyền cho bạn đọc cái cảm giác của chính ông : “nhiều khi đọc, ta thấy phấn khởi nức lòng, nhiều khi ta thương tâm thổn thức, nhiều khi ta mắm lợi, nghiến răng” ( Hội nghị Diên Hồng). Những nhân vật lịch sử của nhà văn làm cho chúng ta thêm tin yêu vào quá khứ hào hùng của cha ông, tin yêu vào cái đẹp, cảm thông với những trớ trêu của cuộc đời hay số phận của người xưa. Những trang văn về Lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng chưa từng gây nghi ngờ hay tranh cãi, mà chỉ bồi đắp thêm tình cảm tốt đẹp của con người, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình cảm căm ghét cái xấu, cái ác, căm ghét kẻ thù xâm lược. Trường hợp của Nguyễn Huy Tưởng đáng để cho những ai viết về lịch sử của nước ta suy ngẫm.
II. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong nhà trường
Chắc chắn không phải là một sự ngẫu nhiên, khi những tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng được chọn vào chương trình Văn học trong nhà trường đều là những tác phẩm viết về Lịch sử. Trước đây là tác phẩm “ Lá cờ thêu sáu chữ vàng” và hiện nay là vở kịch Bắc Sơn và vở kịch Vũ Như Tô.
Tôi muốn nói một chút về tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng trong chương trình Ngữ văn của trường phổ thông.
Trong chương trình và sách giáo khoa cấp Trung học cơ sở 1986- 2002, tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng được đưa vào sách giáo khoa lớp 7 với thời lượng 4 tiết. Một tiết giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Ba tiết còn lại trích học ba đoạn văn rất xuất sắc của tác giả. Đó là Bóp nát quả cam, Luyện tập, Lên đường. Ba đoạn trích đều thể hiện tài năng quan sát, miêu tả và đặc biệt là phân tích tâm lí nhân vật rất sâu của nhà văn. Chính vì đoạn trích hay, cho nên các thầy cô giáo cũng có đất để dụng Văn. Khi đó tôi là cán bộ chỉ đạo bộ môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đi dự những giờ dạy bình thường và những giờ thao giảng, tôi đều thấy học sinh vô cùng hào hứng. Các thầy cô thì phấn khởi vì đã truyền được tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của Trần Quốc Toản cho thế hệ trẻ. Có một chi tiết thú vị là khi học đoạn trích Bóp nát quả cam, Nguyễn Huy Tưởng miêu tả hành động mạnh mẽ của Quốc Toản chạy xồng xộc xuống bến, bất chấp việc ngăn cản của quân Thánh Dực ( quân đội chuyên bảo vệ vua). Sau khi bày tỏ ý chí quyết đánh, Quốc Toản được nhà văn miêu tả như sau :
“ Nói xong, Hoài Văn run bắn, tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu tội”.
Vấn đề đặt ra là vì sao Hoài Văn lại run bắn? Học sinh cho rằng Hoài Văn quá xúc động. Một hai em thì cho rằng Hoài Văn sợ bị chém đầu do vi phạm quân pháp.
Thực chất của việc run bắn là vì sao?
Đây là một câu hỏi tình huống khá lí thú. Chẳng lẽ Hoài Văn không sợ chết, dám liều xuống bến lại có thể sợ hãi mà run bắn? Vậy thì chỉ có một nguyên nhân là do quá xúc động mà run bắn lên thôi. Nhưng lí giải như thế liệu đã đúng tính cách của Hoài Văn chưa?
Kết cục là thầy và trò đều thống nhất Hoài Văn run bắn một phần vì quá xúc động, nhưng phần khác là sợ bị chém đầu do vi phạm quân pháp! Không sợ chết trước quân giặc, nhưng sợ một cái chết vì vi phạm quân pháp. Đó mới là bản chất tính cách của Hoài Văn. Sự sợ hãi này không làm giảm khí phách, mà chỉ làm tăng thêm vẻ đẹp của viên tướng trẻ Hoài Văn.
Các đoạn Luyện tập, Lên đường đều là những đoạn rất hay, rất xúc động thể hiện quyết tâm cao của Hoài Văn.
Đáng tiếc là trong chương trình Ngữ văn được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tháng 6 năm 2006, tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng, một tác phẩm xuất sắc nhất của Nguyễn Huy Tưởng viết cho thiếu nhi không còn có mặt trong chương trình. Khi nào làm chương trình mới, nên chọn lại tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng.
Tôi cũng có một kiến nghị là các nhà làm phim nên có phim về Trần Quốc Toản, một nhân vật lịch sử được viết rất hay trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.
Trong chương trình Ngữ văn mới hiện nay ở cấp trung học cơ sở, các nhà sư phạm đã chọn kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng để học trong 2 tiết ( trích hồi 4). Nói chung kịch là một thể loại khó dạy, khó học đối với học sinh. Nhưng dù sao, trích đoạn cũng cho thấy đóng góp của Nguyễn Huy Tưởng cho những ngày đầu của kịch kháng chiến. Về vở kịch này, cá nhân tôi có một ấn tượng không mờ phai. Đó là một đêm mưa năm 1967 ở xã Vinh Quang, huyện Đại Từ, nơi trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đóng bản doanh. Các diễn viên là sinh viên khóa một khoa Văn gồm Đặng Tương Như ( vai cụ Phương) Lê Thanh Lâm ( vai Thơm), Tạ Trần Duyên ( vai Ngọc), Vi Văn Đoàn ( vai Sáng)… đã đưa Bắc Sơn lên sân khấu vô cùng hoành tráng phục vụ cho cán bộ, sinh viên của trường và nhân dân trong xã. Cả hội trường rừng núi lặng đi xúc động trước những con người một lòng một dạ vì kháng chiến. Ca từ bài Bắc Sơn “ Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gio. Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó. Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng…” càng tăng thêm nỗi xúc động rưng rưng… Phải nói thêm rằng sau này có lần xem đoàn kịch chuyên nghiệp diễn, nhưng ấn tượng thì không thể so sánh với các bạn tôi, những diễn viên nghiệp dư hồi ấy!
Trong chương trình Ngữ văn mới đã nói trên, vở kịch lịch sử Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng cũng được chọn vào dạy ở chương trình lớp 11 cả bộ sách chuẩn và sách nâng cao trong 2 tiết. Trích đoạn Vĩnh biệt Cưủ trùng đài là một trích đoạn rất hay, rất giàu tính kịch. Vở kịch này Nguyễn Huy Tưởng viết trước Cách mạng với một lập trường yêu nước và tiến bộ. Tất nhiên, vì viết trước Cách mạng, cho nên Nguyễn Huy Tưởng phải làm sao để vượt qua được sự kiểm duyệt của thực dân Pháp. Vì thế đề từ cho vở kịch, nhà văn viết : “ Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”. Có nhà soạn sách đã căn cứ vào đó mà nói rằng “ mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy của muôn đời và lợi ích thiết thân của nhân dân chưa được tác giả giải quyết dứt khoát”.
Tôi cho rằng Nguyễn huy Tưởng đã rất dứt khoát khi giải quyết các mâu thuẫn này. Vũ Như Tô thỏa hiệp, bắt tay với bọn hôn quân để xây dựng Cửu trùng đài thuần túy nghệ thuật cao siêu, đi ngược lại lợi ích thiết thân và trực tiếp của nhân dân nên đã bị sỉ nhục, bị giết chết, Cửu trùng đài bị đốt. Đó là thái độ dứt khoát của Nguyễn Huy Tưởng.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn, cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn nữa về sự nghiệp sáng tác của nhà văn; cần đưa vào nhà trường những tác phẩm xuất sắc của ông để thể hệ trẻ được thấm nhuần lịch sử, thấm nhuần tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.
Hà Nội, 23/9/2010
Bổ sung 4/2012