II. TÁC PHẨM CỦA LEP TÔNXTÔI:
1. Chiến tranh và hòa bình:
Từ nửa sau những năm 50 Tônxtôi nung nấu ý đồ viết một tác phẩm văn học về con đường phát triển của nước Nga, về số phận và vai trò của nhân dân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa những người quý tộc và nhân dân. Ông bỏ nhiều công sức để nghiên cứu lại những sự kiện lịch sử lớn nhất đầu thế kỉ XIX, chọn lọc xem sự kiện nào có thể thể hiện được tinh thần ấy.
Ý đồ sáng tác cuốn sách Chiến tranh và hoà bình của Tônxtôi trăn trở chuyển hoá từ những phác thảo Ba thời kì, Những người tháng Chạp, Những gì kết thúc tốt đều tốt, Năm 1805. Trong 6 năm, Tônxtôi viết đi viết lại cuốn tiểu thuyết này đến bảy lần. Ông dồn hết tâm huyết để nghiên cứu những chuyên luận lịch sử, quân sự, thư từ, hồi kí của những người chứng kiến sự kiện, trò chuyện trực tiếp với họ. Tônxtôi suy ngẫm, đắm mình trong những sự kiện của quá khứ, dùng quá khứ để giải thích hiện tại và từ tầm cao của suy ngẫm hiện tại phân tích lại quá khứ. Tônxtôi không ngừng làm việc, viết rồi xoá, xoá rồi viết, chọn lựa hàng trăm phương án, hàng nghìn cách kết hợp. Năm 1869 tiểu thuyết vĩ đại Chiến tranh và hoà bình ra đời.
Chiến tranh và hoà bình thực sự là tác phẩm có một không hai trong văn học thế giới. TônxTôi tuyên bố: Ðây không phải là tiểu thuyết, cũng không phải trường ca, càng không phải là biên niên sử . Chiến tranh và hòa bình là điều mà tác giả muốn nói và đã có thể diễn đạt được trong hình thức diễn đạt của nó.
Tư tưởng chủ đạo của Chiến tranh và hoà bình được thể hiện tập trung qua biến cố lịch sử 1812 chống quân xâm lược Pháp, đó là chủ đề nhân dân và nhân dân tính. Nhân dân và nhân dân tính là chủ đề trung tâm, quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Bên cạnh chủ đề trung tâm, Chiến tranh và hoà bình còn có chủ đề về giai cấp quí tộc Nga cùng với đời sống sinh hoạt của họ trong thời kì chiến tranh và hoà bình từ 1805- 1820. Nhưng đó không phải là chủ đề tách rời chủ đề trung tâm mà bổ sung và là những khía cạnh biểu hiện chủ đề trung tâm.
Chủ đề thứ ba của tác phẩm, đó là cách giải thích và đánh giá lịch sử. Theo Lep Tônxtôi, là một tác phẩm viết về quá khứ, thì mỗi sự kiện lịch sử cần thiết phải thông qua con người để giải thích, và cần tránh biểu hiện lịch sử theo kiểu cổ xưa. Thông qua việc tái hiện số phận và bước đường đời của các nhân vật chính mà lịch sử nước Nga xa xưa được tái hiện và giải thích thông qua tất cả những con người tham gia những biến cố lịch sử của nó.
Trong tác phẩm, giai cấp quý tộc đương thời được chia làm hai loại: Loại quý tộc kinh đô, từ nhà vua đến bọn quan lại cao cấp nhất đều là những nhân vật phản diện, mất hết bản sắc dân tộc, thờ ơ với vận mệnh mất còn của đất nước, mà phòng khách của bà Anna Sêre là bức tranh tiêu biểu, nổi bật nhất là gia đình công tước đại thần Valixi Kuraghin, tổng trấn Raxtôpsin...
Loại quý tộc trại ấp tương đối tiến bộ còn quan tâm đến số phận của đất nước, nêu cao ý thức trách nhiệm là nghĩa vụ đối với đất nước trước họa xâm lăng. Ðại diện cho họ là gia đình công tước Nicôlai Bônkônxki, lão bá tước Ilia Rôxtôp và các tướng lĩnh hết lòng phục vụ tổ quốc, nêu cao truyền thống yêu nước.
Nhân vật trung tâm của toàn bộ tiểu thuyết anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình chính là nhân dân. Ở đây, chúng ta chưa thấy Tônxtôi xây dựng được những nhân vật điển hình xuất thân từ nhân dân. Song hình tượng nhân dân được nhà văn thể hiện một cách sinh động phong phú ở nhiều cung bật khác nhau. Trong số 559 nhân vật có thể đếm được trong tác phẩm có đến 200 nhân vật xuất thân từ nhân dân. Hình tượng nhân dân ở đây hiện lên những con người yêu nước một cách thiết tha nhưng giản dị, bình thường. Họ không hề nghĩ đến gươm giáo nhưng khi giặc đến thì họ bất chấp tất cả để bảo vệ nơi chôn nhau cắt rốn, tiêu diệt kẻ thù bằng bất cứ hình thức nào có thể.
Có thể nói, trong khi miêu tả các chiến sự, các trận đánh đẫm máu, những cảnh sinh hoạt trong quân đội, trong các đội du kích nhân dân, thông qua bút pháp hiện thực và tôn trọng hiện thực, thông qua phân tích tâm lí và tôn trọng bản chất sâu xa của con người khi miêu tả, Tônxtôi đã sáng tạo được những bức tranh thấm nhuộm màu sắc dân tộc Nga, đã vẽ nên những nét sắc sảo về tinh thần nhân dân Nga, nông dân Nga, giản dị, nhân hậu, yêu nước, biểu lộ trong những nét tâm lý cá nhân rất khác nhau của quần chúng tham gia chiến đấu.
Lấy một ví dụ, đêm trước trận Bôrôđinô, viên đại úy Timôkhin đã nói với Andrây và Pie Bây giờ còn sợ chết hay sao? Binh sĩ trong tiểu đoàn tôi không chịu uống rượu Vôtka. Họ nói bây giờ không phải là lúc chè chén (Chiến tranh và hòa bình, III 1329). Còn đối với những tân binh phục vụ chiến trường, họ đã quyết tâm" để chuẩn bị đương đầu với cái chết ngày mai, họ đã mặc áo sơ mi trắng" (Chiến tranh và hòa bình,III 1309 )
Trên chiến trường Bôrôđinô " Quân đội đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng không thể tưởng tượng được. Các trận địa pháo chuyển từ tay này sang tay khác và kết quả là không có nơi nào quân địch giành được thắng lợi, chúng cũng không tiến được bước nào mặc dầu lực lượng chúng mạnh hơn". Chính Kutudôp đã nhận định về quân đội, những người lính bình thường - của mình như vậy.
Nhân dân trong Chiến tranh và hòa bình đã thật sự trở thành hình tượng cơ sở trong toàn bộ tác phẩm đồng thời nhân dân cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo trong lí tưởng thẩm mĩ của Tônxtôi. Dưới mắt Tônxtôi, nhân dân chính là thước đo cơ bản nhằm đánh giá tình cảm, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cũng như ngôn ngữ và hành động của mỗi người trong hệ thống 559 nhân vật. Ðối vơí Tônxtôi, sức mạnh cách mạng là ở nhân dân chứ không phải ở giai cấp quý tộc.
Tuy nhiên, tính nhân dân ở Chiến tranh và hòa bình thuộc về tính dân tộc chứ không phải mang tính giai cấp.
Trong các nhân vật lịch sử được Tônxtôi thể hiện, nổi bật nhất là Napôlêông và Kutudôp. Ðó là hai danh tướng đã đối đầu nhau trong hai cuộc chiến tranh lớn, làm thành hai hình tượng tương phản gay gắt .
Napôlêông được Tônxtôi xây dựng thành một hình tượng văn học có tính cách ổn định. Ðầu tiên, Napôlêông hiện lên như một nhà chỉ huy tài ba lỗi lạc. Và từ vinh quang của tài năng và quyền lực, Napôlêông trở thành một con người ham quyền lực, ham danh vọng, nuôi một giấc mơ điên rồ là thống trị toàn bộ thế giới, gom cả nhân loại vào trong tay mình, tưởng rằng tài ba uy tín của cá nhân mình có thể tha hồ chi phối vận mệnh các dân tộc. Napôlêông từ một thiên tài đã trở thành một con người nhỏ bé, ti tiện vì chính lòng kiêu ngạo ích kỉ không bờ bến của mình.
Trong tác phẩm, Napôlêông được miêu tả như một tên hề đang diễn trên sân khấu, hắn luôn luôn đóng kịch, luôn luôn lấy điệu bộ này, làm cử chỉ kia, không bao giờ đi đứng nói năng một cách tự nhiên. Hắn xem quân lính như những công cụ riêng của mình, như những kẻ có bổn phận lao vào chỗ chết theo một cái vẫy tay, một cử chỉ nhỏ nhặt của mình. Hắn khinh miệt họ, tàn nhẫn với họ và luôn luôn dùng những thủ đoạn để lừa bịp họ. Sau khi miêu tả và phản ánh bản chất bên trong con người này, Tônxtôi cho rằng Napôlêông chẳng phải là thiên tài mà chỉ là một công cụ vô nghĩa trong tay lịch sử.
Ðối với Lep Tônxtôi, Kutulôp không phải là một nhân vật lý tưởng. Những nét Tônxtôi đã gắn cho nhân vật này từ khi mới xây dựng dàn ý vẫn tiếp tục tồn tại trong tác phẩm. Ðó là những nét tính cách như háu sắc, láo cá và không trung thành. Tuy nhiên những nét ấy chỉ trở thành một phần của tính cách Kutulôp. Tính cách Kutulôp được tổng hợp lại ở một điểm là vị tướng này biết phục tùng ý chí của nhân dân, nhận thức được tình cảm của nhân dân và đi sâu vào tinh thần của quân đội.
Kutulôp vốn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, nên đã không dựa vào những lý thuyết quân sự cổ điển, mà dựa vào nhân dân, dựa vào thiên thời địa lợi, cũng như tinh thần của binh sĩ. Mặt dù Tônxtôi có một quan niệm chưa chín về lịch sử, cho nên ông đã ít nhiều phủ nhận vai trò của cá nhân Kutulôp trong chiến tranh vệ quốc. Tuy nhiên, dưới ngòi bút hiện thực, Kutulôp chính là một tướng lĩnh nhân dân chân chính. Cái vĩ đại của các vị tướng là ở chỗ mục đích ông tự đặt ra cho mình chính là nguyện vọng của nhân dân, sức mạnh của ông là ở chỗ ông là hiện thân của tư tưởng, tình cảm và ý chí của nhân dân.
Trong Chiến tranh và hòa bình Tônxtôi đã phát triển phương thức truyền đạt cái chung, cái "tất cả" thông qua việc miêu tả cái riêng, số phận của mỗi cá nhân. Ông miêu tả con người như dòng sông" mà tất cả dòng sông đều đổ ra biển cả. Sự phát triển của các nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình như: Pie Bêdukhôp, Anđrây Bônkônxki, Natasa Rôxtôva... mỗi người một vẻ, nhưng cùng một hướng. Thực chất, đó là những con đường khác nhau của mỗi cá nhân tìm đến chân lí chung, đến lẽ sống vì mọi người.
Cũng giống như bản thân Tônxtôi các nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình đều xuất thân từ tầng lớp qúy tộc, trên con đường tìm chân lí cho những phút giây lầm lỡ, sa ngã, thất vọng trong các thế giới mù xám của xã hội thượng lưu, của những Êlen, Anatôn, Anna Sêre, Vaxili Kuraghin. Nhưng họ cũng có những phút giây bình tỉnh, hạnh phúc, thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Ðặt biệt trong chiến tranh vệ quốc, các nhân vật qúy tộc đã kề vai sát cánh bên những người lính nông dân hiện thân cho tất cả chất Nga như Platôn Karataep, như người du kích" hữu ích và quả cảm nhất" Tikhôn, như những sĩ quan bình dị mà anh hùng Timôkhin, Tursin. Họ hiểu ra rằng cuộc sống con người thật sự có giá trị khi kề vai sát cánh bên nhau, gạt sang một bên lòng kiêu hãnh, những suy nghĩ ích kỉ.
Anđrây Bônkônxki là một người trung thực, thông minh và có nghị lực. Chàng thấy rõ những sự hèn nhát của bọn thượng lưu, qúy tộc ở thủ đô và không giấu giếm lòng khinh miệt đối với họ cũng như sự chán nản đối với cuộc đời vô nghĩa mà chàng đang phải sống ở giữa đám người ngu xuẩn, giả dối, vụ lợi, hám danh.
Anđrây muốn sống cho có ý nghĩa. Chàng muốn tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp. Vì vậy chàng vào quân đội, không phải để có địa vị mà để cùng chiến đấúu bên cạnh binh sĩ. Chàng mơ ước "một trận Tulông" có thể đem lại vinh quang cho chàng như Napôlêông.
Nhưng sau khi bị thương trong trận Aosteclich và thất vọng về những hư vinh quân sự, về thần tượng Napôlêông, Anđrây trở về điền trang cố tìm cách cải thiện cuộc sống của nông dân, thực hiện những cải cách tiến bộ. Sau đó chàng làm việc bên cạnh Spêranxki. Nhưng Anđrây vẫn chưa tìm thấy lối thoát cho tư tưởng của mình.
Những tưởng Anđrây có thể tìm được hạnh phúc trong tình yêu với Natasa, nhưng tên bất lương của xã hội thượng lưu Anatôn đã phá vỡ hạnh phúc đó. Anđrây đã phải trải qua một thời gian khủng hoảng tinh thần trầm trọng, để sau đó chàng tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và tình yêu của nhân dân trong cuộc đấu tranh cho nhân dân và tổ quốc.
Kết cục, Anđrây chết vì một vết thương trong trận Bôrôđinô, nhưng trong những giờ phút hấp hối, trong lòng chàng đã lóe lên những niềm vui vĩnh cữu trong tình yêu và cuộc sống của nhân dân.
Pie Bêdukhôp cũng là một thanh niên qúy tộc nhưng lại là một người trong trắng, nhân hậu, tuy có những nhược điểm, nhưng luôn phục thiện, luôn luôn vươn tới chân lý, tìm về với ý nghĩa cuộc sống. Pie háo hức hấp thụ những tư tưởng tự do của cách mạng pháp và vốn có một tâm hồn mơ mộng viển vong. Pie khi thì mơ ước thực hiện chế độ cộng hòa ở Nga, khi thì muốn làm Napôlêông.
Pie luôn luôn đi tìm sự "yên tĩnh tinh thần, tìm sự thỏa thuận với bản thân mình và đó là nét đặc trưng chủ yếu của chàng.
Tất cả con đường sống của Pie là một quá trình tìm tòi ý nghĩa của cuộc sống, một cuộc sống mà ở đó chàng có thể thỏa mãn về mặt tinh thần. Chính vì thế Pie đã tìm đến tôn giáo, gia nhập hội Tam điểm, hòa mình vào cuộc sống ăn chơi, chè chén của xã hội thượng lưu. Nhưng tất cả những cái đó đều đem đến cho chàng một sự thất vọng ê chề.
Ðến khi dự trận Bôrôđinô, Pie đã thật sự xúc động trước lòng dũng cảm phi thường của binh sĩ, chàng bắt đầu thấy yêu mến họ, bắt chước họ và cảm thấy tin yêu vào cuộc sống.
Khi bị Pháp bắt, Pie có dịp là quen với Platôn Karataiep. Chính vẻ đẹp tâm hồn và lý tưởng của Karataiep đã giúp Pie khôi phục được "cái thế giới trước đây bị sụp đổ bây giờ lại nảy nở trong lòng chàng đẹp đẽ hơn dựa trên những nền móng mới mẽ, chắc chắn không gì lay chuyển nổi. Tuy vậy, Karataiep không khỏi không để lại trong Pie những ảnh hưởng tiêu cực mãi về sau bước vào hoạt động cách mạng Pie mới khắc phục được.
Hành động của Pie (tham gia chiến đấu, hoạt động cách mạng ) tiêu biểu cho tư tưởng của các nhà cách mạng tháng Chạp. Họ có ưu và cả nhược điểm. Ghecxen đã đánh giá:" họ là những người dũng cảm từ đầu đến chân... , họ không đứng về phía chính phủ cũng không đứng về phía nhân dân.
Tóm lại, Pie Bêdukhôp và Ađrây Bônkônxki là hai tính cách điển hình cho tầng lớp quý tộc tiến bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố trọng đại từ 1805 đến 1825. Ðiều chủ yếu trong họ là ở chổ, tuy vẫn mang đậm màu sắc quý tộc, nhưng họ luôn luôn muốn vươn lên, muốn thoát khỏi thế giới thượng lưu. Vừa thể hiện được bản chất giai cấp qúy tộc, vừa thể hiện được bản sắc dân tộc Nga, tính cách của Anđrây và Pie có nhiều nét đồng điệu và không ít nét tương phản. Song cả hai đều bổ sung cho nhau, đều là những người thanh niên ưu tú được nhân dân tiếp sức trong cuộc chiến đấu vĩ đại và họ đã trở thành anh hùng của nhân dân, trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Cuộc đời các nhân vật trung tâm của Chiến tranh và hoà bình diễn ra trước mắt người đọc một cách trọn vẹn, với tất cả những màu sắc phong phú của quá trình "biện chứng của tâm hồn" họ, những số phận cá nhân ấy liên hệ với nhau một cách hữu cơ và cùng với số phận của 550 nhân vật khác diễn biến trên dòng sự kiện lịch sử đang lôi cuốn toàn dân tộc. Ðó là những hình tượng kết tinh những quan sát sâu sắc nhất của Tônxtôi về con người, về thời đại.
Trong khi đi sâu vào miêu tả bản chất con người, Tônxtôi chú ý đến tính chất động của nhân cách," biện chứng pháp của tâm hồn". Cuộc sống tinh thần của các nhân vật là một quá trình phức tạp diễn ra trong sự thống nhất và đấu tranh giữa các tâm trạng, các tư tưởng khác nhau. Nhân vật của Tônxtôi sống, yêu thương, đau khô,ø tìm tòi, ngờ vực, lầm lẫn, tin tưởng... Trong họ có lúc là thiên thần, có khi là ma quỷ.
Khắc họa hình tượng Ðôlôkhôp, đó là một thanh niên ngỗ ngược, vô lương tâm, chơi bời vong mạng, nhưng đó cũng là con người thẳng thắn, dũng cảm, một người con có hiếu, có những tình cảm nồng nàn, cảm động đối với mẹ và về sau là một chiến sĩ phục thù của nhân dân đáng ca ngợi.
Trong khi miêu tả các nhân vật cũng như các sự kiện, các cảnh sinh hoạt, các môi trường xã hội, Tônxtôi thích dùng thế tương phản như Napôlêông và Kutudôp, Natasa và Maria, gia đình Kuraghin và gia đình Rôxtôp... Những cảnh tượng tương phản như chiến tranh và hòa bình, tử vong và sinh nở, cảnh thiên nhiên sinh động và cảnh trang trí giả tạo.
Ngoài ra Tônxtôi còn xây dựng những nhân vật song hành như cha con Bônkônxki, Natasa và Nicôlai Rôxtôp, Êlen và Anatôn. Tất cả sự đối lập đó thể hiện quan niệm của Tônxtôi về những lực lượng đối lập trong xã hội đương thời.
Về nghệ thuật xây dựng và khắc họa tính cách - tâm lý nhân vật, Tônxtôi đã sử dụng rất đa dạng và phong phú những phương thức thể hiện nhằm phản ánh một cách chân thật, cụ thể, sinh động hình tượng.
Trước hết những nhân vật chính trong Chiến tranh và hoà bình hoặc là những nhân vật lịch sử hoặc cũng là những người đã thật sự hiện hũu trong gia đình Tônxtôi. Có thể khẳng định - ở một mức độ nhất định - Tônxtôi có đủ nguyên mẫu để xây dựng hình tượng. Chúng ta có thể thấy nhân vật Anđrây Êvit Rôtôp chính là ông nội của nhà văn, công tước Nicôlai Bônkônki chính là ông ngoại tác giả. Maria Bônkônki chính là mẫu thân của tác giả. Còn cô Sônia chính là em họ của tác giả.
Sau khi đã có nguyên mẫu nhân vật, Tônxtôi đã dùng những phương thức đặt biệt để khắc họa tính cách nhân vật, ông dùng 4 phương thức phổ biến sau:
- Tả bề ngoài của nhân vật, ông tìm những nét đặt biệt của nhân vật rồi lặp đi lặp lại, nhằm khắc sâu vào trí nhớ người đọc. Chẳng hạn như miêu tả vợ của Anđrây, Tônxtôi miêu tả 5 lần chi tiết "công tước phu nhân nhỏ nhắn có môi trên hơi ngắn cong lên, phủ lông tơ, để hở hàm răng trắng ngà.
- Tả tính tình của nhân vật, ông dùng thuật gián tiếp, để cho các nhận vật khác nhận xét về nhân vật đó, từ đó chúng ta có thể thấy nhiều khía cạnh của tính cách nhân vật đó. Chẳng hạn, trong Chiến tranh và hoà bình, Anđrây dưới con mắt của giới quý tộc thì đó có là người khinh khỉnh, còn trong con mắt của Pie thì đó là một người học rộng, đứng đắn, có lý tưởng.
-Tônxtôi cho tâm lý các nhân vật thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Tônxtôi hiểu hơn ai hết về phép biện chứng tâm hồn, chính vì thế nhân vật của ông rất chân thật, rất mâu thuẫn, rất phong phú.
- Tônxtôi dùng thuật song hành và tương phản để khắc họa nhân vật.
Về phương diện kết cấu, tiểu thuyết Chiến tranh hòa bình là sự thống nhất giữa chuyện kể lịch sử cùng với chủ nghĩa anh hùng của nhân dân. Nó tạo nên mọi tình tiết trong cốt truyện và được hình tượng hóa trong quá trình kết cấu của tác phẩm.
Cốt truyện Chiến tranh và hoà bình được xây dựng trên hai biến cố lịch sử chủ yếu đầu thế kỉ XIX. Các chuyện kể và các tuyến cốt truyện được xây dựng tập trung xung quanh hai biến cố đó. Tác phẩm được chia làm 4 tập, có nội dung và đặc điểm riêng, nhưng vẫn thống nhất với nhau.
Về mặt ngôn ngữ, Tônxtôi đã tiếp tục sự phát triển của ngôn ngữ văn học từ Puskin, Lecmôntôp cho đến Gôgôn... Ông đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ trong sáng của nhân dân để phản ánh những sự việc, những suy nghĩ, cảm xúc phức tạp. Tuy vậy, tác giả cũng dùng đến những yếu tố ngôn ngữ đầu thế kỷ XIX nhằm gợi lại dư âm của thời đại. Nhiều từ ngữ và cách đặt câu nhắc nhở lại ngôn ngữ của thời đại Puskin. Giọng kể chuyện biến chuyển không ngừng theo đối tượng tự sự.
Chủ nghĩa hiện thực của Tônxtôi cũng biểu lộ rõ trong cách dùng các phương tiện mô phỏng của ngôn ngữ trong tiểu thuyết. Chẳng hạn lối so sánh phòng khách của Anna Sêre như một xưởng dệt, so sánh những người khách xung quanh Bagrachiôn như những hạt lúa dồn lại giữa sàng, so sánh nụ cười đau khổ, khó khăn của Natasa như một cánh cửa đang hé mở. Tất cả những so sánh có tác dụng giúp người đọc hình dung được một cách cụ thể những điều phức tạp mà nhà văn miêu tả.
Ðể miêu tả và trình bày cho thật chính xác sự việc và tâm trạng các nhân vật, Tônxtôi không ngần ngại dùng những câu nặng nề chồng chất nhiều mệnh đề phụ. Dù ông trau chuốt hành văn công phu, nhưng Tônxtôi không vì thế mà đánh mất nội dung cần miêu tả.
KẾT LUẬN:
Chiến tranh và hòa bình là một tác phẩm anh hùng ca hiện đại. Ðó là sự sáng tạo mới mẻ duy nhất của thể loại tiểu thuyết anh hùng ca không chỉ đối với văn học Nga và cả văn học thế giới ở thế kỷ XIX, kể từ thời Hômer đến nay.
Chiến tranh và hoà bình đã có ảnh hưởng rất lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và văn học Tây Âu. Các nhà văn như M.Goocki, Sôlôkhôp, Êrenbua đã tiếp tục truyền thống nghệ thuật của Tônxtôi. Từ khi ra đời đến nay, bộ tiểu thuyết đã được xuất bản hàng nghìn lần bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới, nhất là trong đại chiến thứ hai, điều đó cũng nói lên ý nghĩa lớn lao của Tônxtôi đối với sự phát triển văn hóa của toàn thể nhân loại tiến bộ.
2. Anna Karênina
Bốn năm sau viết xong chiến tranh và hòa bình, ngày 19/03/1873, L. Tônxtôi hạ bút viết dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết dài Anna Karênina. Sau khi hoàn thành, tiểu thuyết Anna Karênina đưa nhà văn lên một địa vị mới trên văn đàn văn học Nga và thế giới. Nó lập tức được xem là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất của nền văn học nhân loại.
Cốt truyện Anna Karênina được vợ nhà văn kể lại như sau: " Tối qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu, nhưng bị sa ngã. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là làm cho người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội và khi anh thừa hình dung được ra như thế thì tất cả những nhân vật và những loaüi đàn ông mà anh hình dung trước kia đều tìm được vị trí của họ và tập trung quanh người đàn bà ấy.
Kết cấu tiểu thuyết Anna Karênina khi nó ra đời, người ta cho rằng hai cuốn tiểu thuyết: Karênina và Lêvin " đặt bên nhau một cách tài tình mà không có kết cấu chung. Ngược lại, Tônxtôi đã khẳng định:" Tôi tự hào bởi kiến trúc - những khung cửa tò vò được nối liền với nhau đến mức không thể nhận ra ổ khóa ở đâu. Về điểm này, tôi hết sức cố gắng - Mối liên hệ của sự cấu trúc được tạo nên không phải dựa trên cốt truyện và cũng không phải dựa trên mối quan hệ làm quen giữa các nhân vật mà là ở mối quan hệ bên trong.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, không phải tiểu thuyết Anna Karênina có kết cấu song song, mà nó đan chéo quyện chặt vào nhau, tác động lẫn nhau, nó không chỉ liên kết với nhau trong những mối xung đột xã hội mà cả trong sự đồng nhất về những hoàn cảnh nghệ thuật cụ thể cùng phát triển trên một đề tài theo cùng một chủ đề chung của tiểu thuyết. Vì thế, nó là một thể thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức.
Chủ đề tác phẩm được V.Ermilôp giải thích như sau: Anna Karênina chết trong các thực tế không có tình yêu - còn Lênin cố tìm kiếm những con đường đi tới sự xác lập thực tế có tình yêu thương.
Gia đình ly tán xa lạ với con người, chính là hình ảnh của cái xã hội giết chết Anna - Lêvin tìm lại mọi khả năng khẳng định cuộc sống giữa con người, sao cho cuộc sống đó là một gia đình thật sự thân yêu, thống nhất, một gia đình có tình yêu thương toàn nhân loại".
Có thể thấy qua cuộc tình éo le và bi thảm của Anna Karênina, mối tình trắc trở nhưng hạnh phúc của Lêvin, cùng với đời sống tình cảm phức tạp của nhiều nhân vật khác như Betxy Tvecxkaia, Lidya Ivanônôp, Lida Mêkalôva... Tônxtôi đã đặt ra vấn đề tình yêu và hôn nhân như một sự việc các nhân và xã hội. Bên cạnh chủ để đó, Tônxtôi còn đưa ra nhiều vấn đề xã hội khác nhau, có tầm quan trọng khá lớn như vấn đề lý tưởng xã hội, vấn đề dân tộc, vấn đề nông dân, vấn đề tổ chức xã hội, vấn đề giáo dục chính trị, các vấn đề về triết học, nghệ thuật và cả về hòa bình, chiến tranh...
Sau nhân vật Tachiana trong Epghênhi Ônêghin của Puskin, Anna là một hình tượng phụ nữ mới, tiến bộ trong văn học Nga thế kỷ XIX, người phụ nữ đã cố gắng giải phóng cá tính con người, vùng vẫy thoát khỏi áp bức và nhục nhã của luật lệ phong kiến quí tộc.
Anna xuất hiện trong tác phẩm là một thiếu phụ thượng lưu quí tộc với một vẻ đẹp hấp dẫn được thể hiện nổi bật qua đôi mắt " bí ẩn quyến rũ và đa tình cùng một lúc vừa tìm kiếm vừa ban phát hạnh phúc ".
Vừa chớm tuổi cập kê, bà cô của nàng đã khéo léo thu xếp cho nàng lấy chồng là bá tước đại thần Alêcxây Karênin, một người lớn hơn nàng 20 tuổi và có cung cách sống hoàn toàn trái ngược. Anh của Anna đã nhận xét cuộc hôn nhân đó như sau "Cô đã lấy một người hơn cô những 20 tuổi. Cô lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu.Ta hãy coi đó là một sai lầm".
Biết rõ người chồng "đầu óc bao giờ cũng như một bản báo cáo", với đôi mắt to mệt mõi đục lờ", " khuôn mặt lạnh lùng" hầu như không hề hay biết đến tình yêu và tâm hồn của nàng, nàng đã trút hết sức mạnh của mối tình không thỏa vào đứa con đầu lòng tuy không yêu bố nó".
Tám năm trời sống trong sự gượng gạo, u uất, Anna trở thành một người phụ nữ nổi loạn ngay trong suy nghĩ của mình. Khi Anna nghe Karênin nói "Tôi yêu mình", nàng đã nghĩ : "Yêu à ? Ông ta mà đủ sức yêu được à ? Ví thử ông ta chưa từng nghe thấy nói tình yêu thì hẳn không bao giờ ông ta dùng tới chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không bao giờ hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia ... "Nhớ tới tình cảm đó giữa hai người, cũng được gán cho cái tên ái tình, nàng rùng mình kinh tởm ".
Sự thật Karênin sống với Anna cũng chỉ vì muốn củng cố địa vị và danh lợi như bao gã thượng lưu quý tộc Nga. Karênin cũng chiều chuộng vợ, nhưng đó chỉ là thói quen vợ chồng, một việc tất phải làm". Tâm hồn ông ta hoàn toàn già cỗi, tình cảm khô khan, lối sống tẻ nhạt vô vị, tính nết giả dối, ưu sĩ diện. Tất cả những nét tính cách của Karênin tạo ra một không khí gia đình yên ổn nhưng buồn tẻ nhạt nhẽo, sang trọng nhưng u uất. Tất cả lối sống, thái độ, tư tưởng, tình cảm của ông ta trái ngược hoàn toàn với Anna, một người đàn bà trẻ trung, có ánh sáng ma quỷí trong tâm hồn, luôn khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc.
Tất cả những nổi u uất, sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người phụ nữ ấy chỉ chờ dịp là bùng nổ.
Anna gặp Vrônxki và bắt đầu yêu say đắm, nàng yêu cuồng nhiệt bất chấp tất cả, như để trả thù chồng, trả thù xã hội thượng lưu đã đè nén và kìm hãm sức sống và tình yêu của nàng. Anna cũng tuyên chiến với Karênin :"Không, mình không lầm đâu, tôi đã hoảng hốt và tôi đã không thể không hốt hoảng. Nghe mình nói tôi lại nghĩ tới chàng. Tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình, mình làm tôi sợ, tôi ghét ... Mình muốn làm gì tôi thì làm".
Với tình yêu mới, Anna có thể sống hạnh phúc. Nhưng mánh khóe của Karênin và luật lệ của xã hội thượng lưu luôn chia xẽ mẹ con nàng : hoặc nàng phải hy sinh quyền sống thật sự hoặc phải cắt đứt tình mẹ con. Nàng chỉ có quyền chọn một.
Thực ra nếu Anna muốn, nàng có thể chọn con đường ổn thỏa. Chính Karênin đã đưa ra một cách dàn xếp rất hợp với đạo đức và thói quen của xã hội thượng lưu :" Tôi muốn sao cho không bao giờ gặp ở đây gã đàn ông ấy và tôi muốn cô xử sự sao cho cả ngoài xã hội lẫn bọn đầy tớ không thể dị nghị gì về cô ... Sao cho cô không gặp mặt lão ta. Tưởng thế, không phải là nhiều nhặn quá. Và để bù lại điều đó, cô sẽ được phép sử dụng quyền hạn của một người lương thiện, mà không phải làm nghĩa vụ của mình".
Ðó cũng là cách dàn xếp thường xảy ra trong các tổ ấm quý tộc. Những Betxy Tvecxkaia, Xaphôn Stôn, Liđa Meckalôva không hề áy náy, buồn rầu trong nếp sống quen dối trá, cứ đàng hoàng đi lại với tình nhân ở ngay giữa nhà chồng, lấy đó làm thú vui lấp lỗ trống cho cuộc sống rỗng tếch, bê tha, tiêu biểu của giới quý tộc. Nhưng Anna hoàn toàn cao thượng hơn họ. Nàng cương quyết gạt bỏ ý định hèn nhát và bỉ ổi của Karênin. Sau bao năm sống trong sự tù túng, gượng ép, u uất mà sự giả dối của ông chồng che lấp cuộc đời mình, Anna cảm thấy, hành động như một kẻ nổi loạn chống lại mọi luật lệ xã hội. Nàng công khai tuyên chiến với xã hội thượng lưu, ngang nhiên bỏ chồng, bỏ con đi theo người tình trước mắt mọi người.
Mối tình Anna với Vrôxki sẽ được coi là đúng đắn, tiến bộ nếu như Anna kiên quyết đến cùng làm tròn việc tự giải phóng. Nhưng Anna không thực hiện được điều đó. Nàng đã tự buông thả cuộc đời mới của mình trong sự nhàn rỗi và phè phởn. Nàng đi rong chơi ở nước ngoài, làm duyên làm dáng với người xung quanh, thậm chí không săn sóc cả con mình, chỉ biết lo sắc đẹp của bản thân, tính toán dằn co trong việc ly hôn. Do dự không dám cắt đứt hẳn với xã hội cũ. Tình yêu của Anna càng trở nên ích kỷ. Nàng bắt đầu so sánh, đòi hỏi, oán giận, ghen tuông. Nàng chạnh nghĩ nổi lòng đau khổ phải xa con để dằn dặt người tình, chỉ muốn hoàn toàn độc chiếm tất cả lí tưởng, tình cảm của Vrônxki. Với tâm lí đó nàng mất Vrônxki thì nàng sẽ mất tất cả. Vì tự đem cả đời mình phụ thuộc vào Vrônxki, như cái bóng có nhờ dập theo cái hình, tự tước đi quyền lợi và khả năng sống tự do độc lập, cho nên Anna có ảo tưởng phải nô lệ hoàn toàn người yêu, coi như đó là một sự bù đắp mà nàng đã chịu đau khổ bấy lâu. Chính vì thế mà tình yêu của nàng bây giờ đã thành cái nợ và hờn oán. Với tâm trí đó nàng càng trở nên hẹp hòi và ích kỷ ngay với bản thân mình. Có thể nói mối tình ban đầu của Anna bắt nguồn từ một mong muốn chính đáng, cao thượng, bằng một việc làm can đảm, cuối cùng lại trở thành tầm thường, nhỏ nhen, ích kỷ, không hơn gì cuộc hôn nhân với Karênin, thậm chí còn tồi tệ hơn. Ðó là tấn bi kịch trong lòng Anna, nó điển hình cho mâu thuẫn bên trong của lớp người trung thực, muốn tiến lên giành hạnh phúc nhưng không đủ sức chống lại trở ngại là luật lệ xã hội thượng lưu.
Trong lần suýt chết vì sinh nở, Anna đã có lúc cảm động vì sự "tha thứ" của Karênin. Nhưng nàng vẫn không sao chấp nhận được cuộc sống thượng lưu giả dối. Mặt khác trong mối tình với Vrônxki, nàng cảm thấy lẻ loi, cô độc và đầy tâm trạng dè dặt, tội lỗi. Trong nàng, cảm giác về một định mệnh bi kịch và một kết cục bi thảm luôn ám ảnh nàng. Nàng đã mất tất cả, mất chồng, mất con, mất chỗ đứng trong xã hội. Nàng chỉ còn lại tình yêu, nhưng tình yêu của nàng cũng mong manh chỉ chờ có dịp là đứt phựt, nàng phải cố gắng vùng vẫy và phải vùng vẫy, vùng vẫy trong một niềm tuyệt vọng cùng cực. Nhưng nàng không có lối thoát, chỉ có một lối thoát duy nhất, một lối thoát trong tâm trạng tuyệt vọng, hận thù, u uất: Cái chết. nàng phải dùng cái chết để trói buộc Vrônxki bằng một kỹ niệm đau thương vĩnh viễn . Nàng phải dùng cái chết để vạch một vết nhơ lên bộ mặt của giáo lí nhà thờ, đạo đức xã hội. Ðây là một sự trừng phạt người và trừng phạt chính mình, một sự trả thù xã hội và trả thù số mệnh của mình. Tất cả phải chịu trách nhiệm về cái chết của nàng. Nàng đâm đầu vào xe lửa đó cũng là lời tối cáo đanh thép đối với xã hội phong kiến mà những mầm móng tư bản vừa nẩy nở với bộ mặt xấu xa vô nhân đạo của nó.
Xoay quanh nhân vật Anna, Tônxtôi còn xây dựng nhiều hình tượng sắc nét. Bá tước Karênin điển hình cho thế lực phong kiến quan liêu phản động, lỗi thời đã bị dảo lộn trên nước Nga trì trệ, cổ lỗ nửa sau thế kỷ XIX. Ðó là một cổ máy quan liêu có "dáng đi cứng nhắc và nặng nề" , dưới "cái lưng gù" với "đôi bàn tay trắng nổi gân xanh, nhớp nháp mồ hôi" cùng "thói quen xấu chắp hai bàn tay lại bẻ khục các khớp". Bản chất ông ta là một người ham muốn địa vi công danh, sống bằng lí trí, chà đạp tình cảm, chỉ biết riêng mình, khi bước chân ra khỏi nhà trường, ông liền đem hết tâm trí, nghị lực giành lấy địa vị xã hội cao sang. Về chính trị và tính ngưỡng, ông thuộc phe bảo thủ, tỏ ra thông minh, giao thiệp rộng, có kinh nghiệm tiến thủ trong hoạn trường. Tính nết vốn lạnh nhạt nay lại sống bằng lí trí tàn nhẫn nên tâm hồn ông càng khô cằn.
Về đời tư, ông chỉ là người chồng, người cha hèn kém, mù quáng. Ðối diện với cuộc đời ông chỉ biết lãng tránh xa.
Ông tự bịt mắt mình, không dám đi sâu vào đời sống tinh thần của vợ, coi đó là việc vô ích, không tưởng, nguy hiểm. Ông lãng tránh và phó mặc cho tôn giáo, mặc kệ quyền sống của vợ. Ông ta đe dọa vợ mình "đối mặt mình, đối mặt tôi và trước mặt Chúa, tôi bắt buộc phải nhắc mình hãy nhớ bổn phận, cuộc đời gắn bó với nhau không phải do ý chúng ta mà do ý Chúa. Cắt đứt mối dây đó là phạm tội và một tội ác như vậy sẽ kéo theo một hình phạt (A.K.I/254).
Nhưng khi biếr không thể giữ được vợ, ông ta tìm mọi cách để vớt vát sĩ diện. Ông ta tìm mọi cách che dấu việc Anna ngoại tình để tiện việc thăng quan tiến chức.
Tuy nhiên, trong con người Karênin, đôi lúc cũng bùng lên ngọn lửa, dĩ nhiên theo quan điểm của nhà văn, đó là cảnh Karênin ở bên giường bệnh của Anna, tha thứ cho vợ và dãn hòa với tình địch của mình. Ông sung sướng vì đã tha thứ và đã yêu thương kẻ thù. Tuy nhiên tất cả những cố gắng của Karênin cũng chỉ là gượng gạo và nhất thời . Ông không thể thay đổi bản chất, cũng như xã hội Nga không thể thay đổi nhờ vào Chúa.
Trái hẳn với Karênin về lối sống, ngoại hình Vrônxki là một chàng phong lưu mã thượng một thanh niên kiểu mẫu của giới ăn chơi thượng lưu Nga. Ðó là một con người thoạt mới nhìn chỉ thấy đẹp trai, khỏe mạnh, thẳng thắn, thông minh, đắm say và tạo bạo. Chính cái vẻ hào phóng ấy đã kích thích tình yêu của Anna, và chỉ có một con người như thế mới đáp ứng được tình yêu mãnh liệt của một thiếu phụ nổi loạn. Nhưng xét về thực chất, Vrônxki là một người xấu. Anh ta chỉ là người ích kỷ, sống vô dụng, không lí tưởng, mục đích, tóm lại chỉ là con đẻ nuông chiều của xã hội quý tộc.
Khi Vrônxki và Anna yêu nhau, cả hai đều không giúp được gì cho nhau, lẽ ra Vrônxki phải giúp người yêu của mình vượt qua khủng hoảng, bù đắp cho nàng bằng chính tình yêu và tâm hồn mạnh mẽ thì anh ta chỉ biết chơi gái, đánh bạc, đua ngựa, rượu chè, đàm đúm với chúng bạn và thừa tiền, thừa thời giờ thì coi sóc trại ấp, vừa bóc lột làm giàu và ban ơn cải lương cho nông dân, coi đó là những thứ "mốt" mới. Anh ta có cách đối xử riêng với đời: phải rất thành thật với mọi người, trung thành với đám bạn, trừ đàn bà; không được lừa dối ai, nhưng có thể lừa dối người chồng có vợ đẹp, sẵn sàng quỵt tiền công thợ may, nhưng nhất thiết phải trả nợ tiền cờ bạc bịp; có quyền làm nhục người nhưng không cho người khác làm nhục mình... Bi kịch và cái chết của Anna chính Vrônxki phải chịu một phần trách nhiệm lớn, tuy rằng anh ta đã tòng quân đi Xecbi để "trả nợ đời", nhưng thực chất đó cũng là một sự "tự sát" trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận Vrônxki có vài điểm tiến bộ hơn lớp thanh niên đương thời. Tình yêu của anh ta đối Anna lúc đầu có thể là một trò tiêu khiển, nhưng về sau Anna đã yêu thật lòng, đã gạt bỏ những lời khuyên xấu xa của mẹ và anh.Anh ta cũng rất khổ tâm khi phải sa vào hoàn cảnh luôn phải dối trá, trái với tính nết của mình. Anh ta không hợm hĩnh mà nhìn thấy cái xấu xa của mình, nhưng bi kịch của anh ta là ở chổ anh ta hiểu mình và hiểu mình không thể thay đổi được bản thân mình.
Xây dựng hình tượng người phụ nữ nổi loạn, Tônxtôi đã đặt ra vấn đề hạnh phúc và bất hạnh trong mối liên quan tới nền tảng đạo đức của xã hội, con người có quyền xây dựng hạnh phúc của mình trên bất hạnh của kẻ khác không? Nếu con người đã làm điều đó, ai sẽ là người phán xét, phán xét ra sao?
Bi kịch của Anna là ở chỗ cô xứng đáng được hưởng hạnh phúc và không thể sống được với một người chồng một nửa là ngừơi, một nửa khác là một " cổ máy hành chính". Người phụ nữ ấy không có lỗi. Nhưng dù sao cô cũng bị "trừng phạt". Ðiều đó trước hết vì trong con người hành chính Karênin vẫn tìm ẩn một con người, con người sống lại khi ông ta trở nên bất hạnh. Anna không thể xây dựng hạnh phúc trên bất cứ hạnh phúc của kẻ khác, dù đó là Karênin. Ðó là lới phán xét của Chúa.
Còn lời phán xét của con người? Anna không thể tìm được lối thoát trong cuộc sống, không có chỗ cho tình yêu và chính Vrônxki, con đẻ của xã hội thượng lưu, không thể xứng đáng với tình yêu đó. Trốn khỏi một sự lừa dối, Anna gặp một sự lừa dối khác, cái chết hay con đường giải thoát của nàng chính là lời phán xét đó với toàn bộ xã hội mục rỗng và phân hủy quanh nàng. Ðó là lời phán xét của con người.
Hình tượng Lêvin chính là con người mà Tônxtôi khát khao tìm kiếm trong cuộc đời nhằm xác lập một thế giới tốt đẹp, theo chủ nghĩa Tônxtôi. Lêvin luôn khát khao tìm kiếm "chiếc gậy xanh", mà nhờ nó sẽ xuất hiện một thế giới hòa đồng trong tình yêu thương. Lêvin không bằng lòng cái gọi là:" Hạnh phúc gia đình" nhỏ bé mà thật ra anh đã phải trải qua bao trắc trở mới có được. Lêvin muốn làm điều gì đó có thể đem lại điều tốt cho cả xã hội và nhân loại. Chàng cố gắng là một địa chủ tốt, giúp đỡ nông dân, cải cách ruộng đất, nhưng nông dân không thể hiểu, không tin chàng. Xót xa hơn, ngay trong gai đình được gọi là hạnh phúc của Lêvin, như mong ước, cố gắng của Tônxtôi, người vợ của anh cũng không hiểu được anh. Tác phẩm đã kết thúc bằng những băn khoăn và hy vọng của Lêvin vừa mang tính gia đình và mang tính xã hội: Anh mong vợ hiểu mình đồng thời khát khao hòa đồng với những người mugic và có cảm giác là việc đó không thể thực hiện được.
Tác phẩm Anna Karênina có gần 170 nhân vật thuộc đủ các tầng lớp, các giai cấp, các loại người trong xã hội Nga cũng cùng thời với nhà văn. Nhân vật nào cũng được đặt đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, đúng tâm lí, tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh xoay quanh bi kịch của Anna.
Ðôxtôiepxki đã hết lời ca ngợi Anna Karênina, cho đó là" sự hoàn hảo của một tác phẩm nghệ thuật mà trong đó không có chút gì giống với các tác phẩm Châu Âu và trong thời đại chúng ta không tài nào sánh kịp (1) Ðôxtôiepxki thừa nhận rằng người sáng tạo tác phẩm này là "nhà nghệ sĩ đứng ở tầm cao phi thường" (2) không thể tìm thấy trong văn học hiện đại. Ông còn khẳng định rằng:" Những người như thế, như tác giả Anna Karênina là bậc thầy của xã hội, bậc thầy của chúng ta, còn chúng ta chỉ là học trò của họ."(3).
-------------------------
(1), (2), (3) Ðôxtôiepxki, E. Toàn tập, tr 12; M.,1930, tr 319 - 333.
(Sưu tầm)