• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nhà văn Andersen

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Nhà văn cổ tích Andersen dường như đã trở thành một "ngôn ngữ chung" của nhiều thế hệ, nhiều màu da trên thế giới, luôn chiếm một vị trí hệ trọng trong tuổi thơ kì diệu của bao người mà nếu có đau buồn thì vẫn đầy những giấc mơ…

Trí tưởng tượng của người-không-già ấy đã thâu tóm lấy cuộc sống bằng những ý nghĩ mạnh mẽ và đẹp đẽ, để viết nên những câu truyện cổ tích cảm động và giản dị, với những nhân vật luôn mang vết thương sâu kín trong tâm hồn. Với Andersen, tình yêu thương chẳng bao giờ cũ...

Đọc truyện cổ tích của Andersen, có lúc thấy buồn, thấy đau đến thắt tim, nhưng là một nỗi đau ngọt ngào và êm dịu, len lén khe khẽ ở trong lòng. Mọi ước mơ trong sáng và hệ trọng, tha thiết và chân thành của các nhân vật cuối cùng vẫn chẳng được thực hiện. Và truyện cổ tích thì vẫn chỉ là một giấc mơ, còn cuộc sống thì luôn có những định mệnh riêng của nó…

Truyện cổ tích viết ra từ đời sống

Người ta nói rằng, Andersen đã tự ví mình như chú vịt con xấu xí, viết nên câu truyện cổ tích cùng tên. Những độc giả của nhà văn đã dùng câu truyện ấy để triết lý về sự thay đổi kì diệu của con người. Nhưng thực ra, câu truyện ấy không hề kể rằng: Vào một ngày đẹp trời nào đó, vịt con xấu xí sẽ trở thành thiên nga. Vịt con xấu xí trong câu truyện không hề trở thành, mà chính là thiên nga, chỉ là vì hoàn cảnh đặc biệt mà bị lẫn vào đàn vịt.

Câu chuyện riêng của nhà văn Đan Mạch cũng diễn biến như vậy. Đã rất nhiều lần, ngay cả ở tuổi già của nhà văn, người ta vẫn nói với Andersen rằng ông chỉ là một kẻ có “máu dân đen” trong nền văn học Đan Mạch, rằng ông - con trai một người thợ đóng giày, một kẻ bần hàn thì cần phải biết chỗ đứng của mình trong giới thượng lưu của các quý ông và giáo sư.

Có lần Andersen đi trên đường phố Copenhagen với một chiếc mũ xoàng xĩnh trên đầu, một nhà quý tộc đã nói với nhà văn: “Chẳng lẽ mớ giẻ rách ở trên đầu ông cũng được gọi là mũ ư?”. Nhà văn của các bé em đã nheo mắt lại, mỉm cười, và hỏi: “Thế chẳng lẽ cái thứ vớ vẩn ở dưới mũ ông cũng được gọi là đầu ư?”.

Người bạn lớn của mọi trẻ em đã trưởng thành trong cảnh nghèo khó, trong tiếng búa thợ giày của người cha, tiếng sáo trong trẻo của anh nhạc công lang thang, với chú mèo già luôn lắng nghe các câu chuyện, các vở diễn từ “nhà hát múa rối” của cậu bé con gầy lỏng khỏng.

Việc duy nhất trong suốt thời ấu thơ của nhà văn là để mơ mộng, chứ không phải là để làm toán, tập viết, nên đôi khi Andersen vẫn bị cười cợt vì những lỗi chính tả. Nhưng dù thế nào, thời thơ ấu đầy màu sắc với các trò nghịch ngợm của trí tưởng tượng, không phải học hành căng thẳng vẫn là mơ ước của tất cả mọi trẻ em trên thế giới này. Và khi lớn lên, con người này đã quyết định tiếp tục dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc cho tâm hồn trẻ thơ.

Andersen cũng đã có thời gian làm thợ may. Và tài may vá đã giúp ích cho nhà văn khá nhiều. Ai cũng biết rằng, người kể truyện cổ tích lừng danh có tài ứng tác, nhưng Andersen cũng rất khắt khe và khắc nghiệt với bản thảo của mình.

Ông sửa chữa bản thảo rất nhiều, gạch xóa chằng chịt đến nỗi chẳng còn chỗ để viết thêm nữa. Vậy là nhà văn đã viết những câu chữ lên một tờ giấy khác, và tỉ mẩn dùng chỉ khâu vào bản thảo. Những câu truyện cổ tích được hình thành từ những bản thảo có các mảnh vá kì diệu như thế.

Trong suốt cuộc đời mình, Andersen đã rất đỗi nâng niu và trìu mến với các giấc mơ của trẻ em, ông nhìn thế giới bằng trái tim và đôi mắt của trẻ thơ.

“Dù người ta có nói với bạn điều gì đi nữa thì xin bạn hãy cứ tin rằng cuộc đời là kỳ diệu và đẹp đẽ nhất”, Andersen đã viết như vậy - dù thế giới này còn rất nhiều những mảnh gương của quỷ, thì tình yêu và niềm tin vào cuộc sống vẫn nồng nàn và vĩnh cửu như bầu trời Odense quê hương nhà văn.

Trong các câu truyện của Andersen, nhân vật chính hầu như là những người bình thường, chứ không chỉ là những hoàng tử, công chúa hay các bà tiên. Công chúa xinh đẹp không lấy hoàng tử và sống hạnh phúc đến trọn đời.

Ở đó, chú vịt con xấu xí, bầy chuột đồng nghịch ngợm, bác sồi già, cô bé đi đôi giày đỏ … đều tồn tại cùng với nhau theo quy luật: lòng nhân ái và điều thiện sẽ chiến thắng cái ác, sự rộng lượng và bao dung sẽ chiến thắng gian dối và lọc lừa. Thế nhưng, đó là chiến thắng theo một cách khác, hoặc theo một nghĩa khác mà phải rất lâu sau các bé em mới hiểu được.

Lớn lên bằng giấc mơ cổ tích

Người ta kể lại rằng, nhà văn Đan Mạch của các bé em đã sống một cuộc đời giản dị nhưng phong phú, ông đã đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, trải nghiệm tận cùng mọi thái cực của cảm xúc, hạnh phúc cũng như khổ đau.

Sau tất cả những điều ấy, Andersen chiêm nghiệm rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng những câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”.

Andersen cho rằng cuộc đời của ông là tuyệt đẹp, hay là, ý nghĩ đó đến từ tính yêu đời của trẻ thơ trong nhà văn? Hoặc có lẽ, Andersen đã quá trung thực và nghiêm cẩn đến nỗi không thể không kể cho trẻ em những câu truyện cổ tích mà giống như đời thực, truyện cổ tích không hoàn toàn là cổ tích, hay chính là những truyện ngắn hiện thực được khoác vẻ ngoài lộng lẫy của cổ tích.

Các bé em đã lớn lên và yêu những câu truyện đầy phóng túng của trí tưởng tượng, của những khát vọng hồn nhiên, thánh thiện nhất, của giọng văn nhẹ nhàng, lãng mạn, giàu chất thơ và thâm trầm, dí dỏm, sâu sắc, hiền hậu… biết chừng nào!

Buồn vui, hóm hỉnh hay chua xót, những câu truyện về đám gà mái tọc mạch ngồi lê đôi mách, gã cổ cồn sĩ diện, nàng công chúa hạt đậu, hay vị hoàng đế “truổng cời”… cứ thế ru ngủ các bé em và làm người lớn thao thức.

Và nếu sự hồn nhiên và niềm tin vào điều thiện không còn nữa, khi đó, câu truyện cổ tích về con người sẽ là một câu truyện buồn, một câu truyện mà chắc chắn Andersen không bao giờ muốn viết ra.

Con người kỳ lạ và đáng yêu, là nhà thơ, là người viết truyện cổ đã dạy các bé em tin tưởng vào thắng lợi của ánh sáng trước bóng tối, của trái tim con người trước những điều buồn thảm và phi lý.

Trong suốt cuộc đời mình, từ khi còn là một chú bé con ngây thơ, mê mẩn với những con rối ngộ nghĩnh và tỉ mỉ khâu vá quần áo cho chúng, đến khi trở thành một chàng trai có vẻ ngoài vụng về, rụt rè, Andersen vẫn giữ tâm hồn sâu sắc, trìu mến và nhạy cảm với nụ cười luôn nở trên môi.

“Điều mà nhân loại này thiếu, đôi khi là một lòng tốt bình thường”. Bất cứ trẻ em nào cũng cần được biết đến thứ ánh sáng lung linh huyền ảo từ thế giới cổ tích Andersen. Chắc chắn, các bé sẽ lớn lên mà không bao giờ hời hợt, vô cảm trước cái Đẹp và thờ ơ trước nỗi đau con người. Sẽ không bao giờ còn chuyện một học sinh xả súng vào thầy cô và bè bạn ở một trường học của Mỹ, hay một em bé thản nhiên giết bạn cùng lớp “vì bạn ấy không có mẹ”…

Tình yêu thương sẽ chẳng bao giờ cũ và thừa trong một thế giới nhiều bạo lực và bất ổn như ngày hôm nay.

Nhà văn Đan Mạch của các bé em yêu nhất trên đời là những bông hoa. Những ngày sống yên lặng ở Rolighed (gần thủ đô Copenhaghen) những năm cuối đời, mỗi sáng, người ta mang đến cho ông một bông hồng thơm ngát… Một lần, nhà văn mơ thấy mình đang bay trong lúc chết, từ thi thể nở ra rất nhiều bông hồng sáng lấp lánh.

Và, Andersen đã ra đi hệt như giấc mơ, với một bông hồng rực rỡ trên tay, gương mặt còn đẹp hơn cả các bức tượng đá hoa cương thời cổ đại. Đến lúc chết, Andersen vẫn là một đứa trẻ chân thành…

( Theo Tuần VN )​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top