Nhà Văn Đan Mạch Andersen

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Nhà Văn Đan Mạch Andersen




Mô tả: Hans Christian Andersen là nhà văn danh tiếng nhất của nước Đan Mạch. Các truyện của ông được phổ biến rộng rãi trong nền văn chương trên toàn thế giới bởi vì các tác phẩm này đã làm cho giới độc giả trẻ tuổi tin tưởng và say mê qua nhiều thế hệ. Andersen sinh ra đời tại Odense, Đan Mạch, là con trai của một người thợ đóng giầy nghèo khó, qua đời lúc cậu mới 11 tuổi. Vào thuở thiếu thời, cậu bé này đã phải sống trong khu nhà tồi tàn, phải tranh đấu để vươn lên trong một xã hội có nhiều giai cấp gò bó. Sau khi theo học tại một ngôi trường dành cho các trẻ em nghèo, Andersen rời bỏ Odense vào tuổi 14 để theo nghề nghệ sĩ tại thủ đô Copenhagen. Mặc dù cố gắng kiếm ăn bằng các công việc như kịch sĩ, ca sĩ, diễn viên múa, Andersen vẫn nằm trong cảnh túng thiếu. Tại Copenhagen, Andersen được ông Jonas Collin, một trong các giám đốc của Rạp Hát Hoàng Gia giúp đỡ và ông này trở thành người bạn thâm niên.

Nhờ ông Jonas Collin, Andersen nhận được một học bổng để theo đại học Copenhagen vào năm 1828. Năm sau, Andersen viết ra vở kịch đầu tiên, có tên là “Tình Yêu trong Tháp của Nhà Thờ Thánh Nicolai” (Love in St. Nicolai Church Tower). Andersen cũng viết các tiểu thuyết và các vở kịch nhưng các sáng tác này ít khi được đọc bên ngoài miền đất Scandinavia. Cuốn tiểu thuyết danh tiếng nhất của ông là “Ứng Tác” (Improvisation, 1835).

Vào năm 1835, Hans Christian Andersen cho xuất bản tập truyện thần tiên đầu tiên và ông tiếp tục viết tới tập thứ 156 trước khi qua đời. Tập thứ nhất gồm các câu chuyện như “Chiếc Hộp dễ cháy” (The Tinder Box), “Claus nhỏ và Claus lớn” (Little Claus and Big Claus), “Nàng Công Chúa và Hạt Đậu” (The Princess and the Pea), “Các Bông Hoa của Bé Ida” (Little Ida’s Flowers)... Các truyện của Andersen trở nên phổ biến vào đầu thập niên 1840.

Các tác phẩm của Hans Christian Andersen đã mở ra một đường hướng mới về nội dung và thể văn bởi vì ông là một nhà cải cách thực sự trong phương pháp kể chuyện. Các câu chuyện của ông hấp dẫn trẻ em lẫn người lớn do tác giả đã đưa vào trong truyện các cảm xúc và ý tưởng ngoài tầm hiểu biết tức thời của trẻ em, trong khi những yếu tố này vẫn còn nằm trong tầm nhìn của lớp thiếu niên. Andersen đã khéo léo phối hợp khả năng kể chuyện tự nhiên và trí tưởng tượng dồi dào, đã dùng các đặc tính phổ thông trong các truyền thuyết nhân gian để sáng tạo ra những câu chuyện liên quan tới nhiều nền văn hóa.

Do là một nhà văn danh tiếng, Hans Christian Andersen đã quen với nhiều nhân vật trong hoàng gia Đan Mạch, thân với các nghệ sĩ lừng danh như nhà soạn nhạc Franz Liszt (1811-1886), nhà thơ Heinrich Heine (1797-1856), các tiểu thuyết gia như Victor Hugo (1802-1885) và Charles Dickens (1812-1870). Ông Andersen cũng từng du lịch khắp châu Âu và viết ra nhiều cuốn sách liên quan đến các kinh nghiệm của ông, trong số này đáng kể nhất là cuốn “Tạp Ghi của Nhà Thơ” (A Poet’s Bazaar, 1842) và “Tại Thụy Điển” (In Sweden, 1851). Một cuốn sách tự thuật khác của ông là cuốn “Chuyện Thần Tiên của Đời Tôi” (The Fairy Tale of My Life, 1855).

Hans Christian Andersen là một nhân vật thành công và danh tiếng do các tác phẩm nhưng ông không lập gia đình. Ông đã từng yêu ba phụ nữ trong đó có nữ ca sĩ người Thụy Điển Jenny Lind và cô ái nữ của ông Jonas Collin, nhưng không người đẹp nào đáp lại tình yêu của ông.

Loại truyện trẻ em của ông bao gồm những chuyện thần tiên, chuyện nhân gian, thường hàm chứa các đức tính tốt, các sự việc cao đẹp, mô tả các đời sống đơn giản hơn thông thường, với các điều lành và điều dữ dễ dàng nhận rõ. Loại truyện này cũng liên quan tới các con vật biết nói, với phần kết có những người tốt, người thiện được tưởng thưởng và các kẻ xấu, kẻ gian bị trừng phạt. Trong cốt truyện cũng kể tới các cuộc đi xa, các biến động, nhiều vấn đề rắc rối... nhưng cuối cùng, đời sống tiếp tục tươi sáng với tương lai nhiều hứa hẹn.

Có nhiều truyện trẻ em danh tiếng được nhiều người biết tới, chẳng hạn như chuyện Bạch Tuyết, Cô Bé Lọ Lem, Nàng Công Chúa Ngủ Trong Rừng... Các nhà văn viết truyện trẻ em lừng danh như Charles Perrault người Pháp, anh em Grimm người Đức, đã tạo nên những câu chuyện rất phổ thông, gây ảnh hưởng tới nền văn chương của phương Tây. Một bậc thầy hàng đầu của nhân loại về nghệ thuật viết truyện thần tiên hay truyện trẻ em là nhà văn Hans Christian Andersen. Các truyện của Andersen có nguồn gốc từ các truyền thuyết nhân gian, lại hàm chứa bên trong thể văn cá nhân và các yếu tố tự thuật hay tính châm biếm xã hội đương thời.



ST


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top