NHÀ NGHÈO, CẬU BÉ CHĂN VỊT ĐÀNH GÁC LẠI ƯỚC MƠ ĐH
Cầm giấy báo trúng tuyển ngành Việt Nam học Trường ĐH An Giang, cậu học trò nghèo Trần Tài Linh rưng rưng nước mắt khi ước mơ giảng đường đại học phải gác lại vì nhà quá nghèo.
Kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa rồi, Trần Tài Linh (quê ở xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thi vào Trường ĐH An Giang. Khi nhận được giấy báo trúng tuyển, Tài Linh sung sướng đến tột cùng. Nhưng niềm vui đã vụt tắt khi em biết rằng làm hồ sơ nhập học phải đóng các khoản chi phí nhập học tới hàng triệu đồng mà gia đình em không kham nổi.
Không có tiền nhập học, cậu học trò nghèo Trần Tài Linh đành phải gác lại ước mơ giảng đường đại học.
Đến thăm gia đình Linh, hiện lên trước mắt chúng tôi là căn nhà lợp tôn tềnh toàng, không có lấy thứ gì đáng giá, Linh vắng nhà vì em đang bận chăn vịt trên đồng xa. Bà Lê Thị Két, mẹ Linh, tiếp chúng tôi với nét mặt buồn rầu. Tài sản duy nhất của gia đình là bầy vịt khoảng 200 con từ nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo đang được Linh và cha là ông Trần Văn Đức ngày đêm trông giữ như báu vật.
Bà Két thở dài nói như trách than số phận: “Sống ở nơi ruộng đồng bao la mà chẳng có cục đất chọi chim hỏi sao không nghèo khó. Mấy năm trước căn nhà lợp bằng lá đã rách nát tơi tả. Cái nền nhà trên tuyến dân cư vượt lũ này được mua từ năm 1993 với giá 5 triệu đồng nhưng đến bây giờ vẫn chưa trả nổi nên tiền lãi hiện giờ đã cao hơn vốn”.
Linh là con duy nhất trong gia đình được học hết lớp 12. Câu chuyện cậu học trò nghèo đi qua chặng đường phổ thông cũng là cả quá trình lao động gian khổ của cha mẹ. Gương mặt ông Đức, bà Két hằn rõ nỗi nhọc nhằn, giãi nắng dầm sương của năm tháng trong chiếc áo sờn vai, bạc màu cũ kỹ. Nhưng thấy Linh ham học và học cũng giỏi nên ông bà Két không đành lòng cho nghỉ.
Thấy cha mẹ cực khổ quá, mỗi năm vào dịp nghỉ hè Linh đi chăn vịt mướn mỗi tháng được 800 ngàn đồng để dành dụm mua sách vở, quần áo cho năm học sau.
“Mỗi ngày đi học là thằng nhỏ ních đầy bụng cơm nguội chứ đâu có tiền ăn vặt như con người ta. Nếu ngày nào học hai buổi, nó phụ làm ở căng tin trong trường cũng được bữa cơm trưa”, bà Két cho biết.
Nói rồi bà Két dẫn chúng tôi ra cánh đồng nơi Linh đang ngồi dưới tán cây dõi mắt trông coi bầy vịt. Trò chuyện với chúng tôi, Linh dường như không giấu được cảm xúc rối bời buồn vui lẫn lộn trong lòng. Em hứng khởi kể về thành tích của mình những năm học phổ thông, em từng đạt giải ba môn Ngữ văn kỳ thi học sinh giỏi tỉnh An Giang và là học sinh xuất sắc toàn trường năm học 2006-2007.
Mới đây, khi nhận giấy báo trúng tuyển ngành Việt Nam học (chuyên Văn hóa du lịch), ĐH An Giang, Linh vui mừng khôn kể xiết.
“Song, khi đọc đến những dòng chi ghú cuối giấy báo Trước khi làm hồ sơ nhập học, anh (chị) phải đóng học phí học kì 1, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn...., mặc dù chưa biết cụ thể số tiền phải đóng bao nhiêu nhưng chắc em phải ở nhà chăn vịt vì chỉ mới tính tiền xe đi lại làm hồ sơ, mấy bữa nay mẹ em chạy mượn chưa được thì làm sao có để đóng học phí và các khoản khác để nhập học...” - giọng Linh từ sôi nổi chuyển sang trầm lặng.
Không có tiền làm hồ sơ nhập học, Trần Tài Linh ở nhà chăn vịt. Trước đây, cứ vào dịp nghỉ hè là Linh lại đi chăn vịt mướn kiếm tiền mua sách vở, quần áo cho năm học sau.
Ông Lý Văn Đấu, Trưởng ban mặt trận ấp Văn Trà, xã Văn Giáo, cho biết cả ấp chỉ vỏn vẹn có 165 hộ. Số thanh niên ở đây có khả năng lao động đều phải rời bỏ làng quê để làm thuê kiếm sống. “Chuyện Linh đậu đại học chẳng khác nào “kỳ tích” và kỳ công của em, của cha mẹ em”, ông Đấu bộc bạch.
Chia tay gia đình Linh và người cán bộ ấp, bước chân chúng tôi như nặng trĩu với những ưu tư, tâm sự của cậu học trò nghèo, thầm mong sao có một phép màu để giúp Trần Tài Linh không phải đứng ngoài cánh cổng trường đại học khi năm học mới đang cận kề...
Bài và ảnh: Lam Phương - Dân Trí