Vĩnh biệt tác giả của “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”
(PLO)- Giáo sư, nhà lý luận phê bình, dịch giả văn học và triết học Hoàng Ngọc Hiến vừa từ trần vào 23h30 đêm 24-1, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội) vì bệnh hiểm nghèo.Ông Hoàng Ngọc Hiến sinh ngày 21-7-1930 tại Nam Định. Quê gốc của ông ở làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh. Cuối những năm 50 của thế kỷ trước, ông được gửi sang Liên Xô học đại học và tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành lý luận, phê bình văn học, ở Đại học Tổng hợp Matxcơva. Là một nhà sư phạm, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã dạy học nhiều năm, ông cũng từng là Hiệu trưởng trường viết văn Nguyễn Du ở Hà Nội.
Là một nhà nghiên cứu, ông viết nhiều tác phẩm khảo cứu, phê bình văn học: “Maiacôpxki - con người, cuộc đời và thơ” (1976), “Văn học Xô Viết đương đại” (1987), “Văn học và học văn” (1997), “Triết lí văn hóa và triết luận văn chương” (2006).
Ông cổ súy cho đổi mới văn học ở Việt Nam từ rất sớm. Năm 1979, báo Văn Nghệ số 23 đăng bài viết của ông có nhan đề “Về một đặc điểm của văn học của ta trong giai đoạn vừa qua”, trong đó ông đưa ra khái niệm nổi tiếng cho mãi tới bây giờ: chủ nghĩa hiện thực phải đạo. Theo Hoàng Ngọc Hiến, đó là đặc điểm cơ bản, bao trùm của văn học Việt Nam suốt thời kỳ chiến tranh, với việc tác phẩm bị quy về yếu tố xã hội nhiều hơn là yếu tố nghệ thuật…
Cũng với tinh thần cổ súy cho sáng tạo và đổi mới, Hoàng Ngọc Hiến được coi là người phát hiện, nâng đỡ và bảo vệ các cây bút Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài... khi họ mới xuất hiện trên văn đàn vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước.
Là dịch giả, ông say mê triết học, nhất là các tác phẩm của triết gia người Pháp François Jullien. Vào những năm cuối đời, Hoàng Ngọc Hiến đã dịch một số tác phẩm của François Jullien và góp phần phổ biến tư tưởng của nhà tư tưởng đương đại lừng danh này ở Việt Nam.
Sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã từ trần. Tang lễ của ông được tổ chức từ 12h30 tới 13h30 ngày 28-1 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Nguồn: phapluattp.vn