Nhà giáo cũng nên “la cà”

Tuananhdh

New member
Xu
0
Những vần thơ, những câu chuyện đẹp đã lần lượt được sinh viên, là những thầy cô giáo tương lai, của Trường ĐH Tiền Giang cùng những nghệ sĩ thay nhau ngâm nga và cùng nhau cảm nhận trong buổi giao lưu “Nghĩa thầy trò, ấn tượng Quốc văn giáo khoa thư và văn học địa phương” được tổ chức tối 21-4.

“Học trò xưa đi học khổ lắm - nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà trầm ngâm - Mực thì chấm chung, một tấm vải cũng chia nhau. Trò biết chữ dạy trò chưa biết chữ. Thương yêu nhau như người một nhà vậy nên trò nào cũng thương bạn, kính thầy”. Trong khi đó, ký ức về nghĩa thầy trò của nghệ sĩ 73 tuổi Thanh An (TP.HCM) lại là những trận đòn. “Xưa trò nhớ thầy là vì bị đánh nhiều nên mới nhớ. Nhưng thầy đánh trò để răn đe chứ không để trừng phạt” - nghệ sĩ Thanh An tâm sự.

Lấy đạo xưa để nhắc chuyện nay. Trong câu chuyện của mình, những người tham dự chương trình đều thừa nhận nghĩa thầy trò thời hiện đại “ít nhiều bị mai một”. Điều đó thể hiện qua những câu chuyện đắng lòng xuất hiện hằng ngày trên báo chí như trò đánh thầy, chửi thầy, thậm chí chém, dọa giết thầy.

Từ kinh nghiệm từ những năm tháng đứng trên bục giảng của mình, nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà cho rằng: “Không nên đổ thừa cho sắp nhỏ mà trường học, cha mẹ phải xuyên suốt cùng nhau. Báo động cho nhau khi cần thiết để uốn nắn các em”.

Theo ông, nhà giáo cần phải “la cà”, gần gũi với học sinh để nắm được tâm tư và chia sẻ với các em khi cần. Gia đình cũng phải quan tâm hơn. Ông nói: “Nhìn từ góc độ gia đình, học sinh chưa ngoan một là do nhà nghèo quá không lo nổi, hai là nhà giàu quá dẫn đến sa đà quá mức”.

Cũng với quan điểm trên, nghệ sĩ ưu tú Ngọc Mai cho rằng: “Không thể đổ hết lỗi cho các em được” khi quan hệ thầy - trò ngày càng theo chiều hướng xấu đi.

Theo nghệ sĩ Mai, hiện học sinh chỉ được chú trọng dạy chữ, dạy kiến thức mà quên dạy làm người. “Chúng ta xem nặng học thức mà xem nhẹ học vấn, xem nhẹ tư tưởng của học sinh. Học sinh bị đánh hội đồng, người lớn cứ nói tại thế này, tại thế kia nhưng guồng quay của xã hội làm giảm sự gắn kết giữa học trò, cha mẹ, thầy cô thì khi có chuyện các em biết bấu víu vào ai. Nhà dột từ nóc. Thầy cô phải là một tấm gương cho học sinh noi theo. Gia đình, nhà trường phải kết hợp lại”.

Với suy nghĩ “Thầy không làm gương trò khó tốt được”, tiến sĩ Đỗ Tấn Lực, hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho rằng việc đào tạo sinh viên sư phạm rất quan trọng. Đó là một trong những mấu chốt cần xem xét từ khâu tuyển chọn, chương trình và cần có những phương pháp đào tạo phù hợp trong việc làm khăng khít hơn nữa mối quan hệ thầy - trò trong nhà trường.

HÀ BÌNH - TTO
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top