NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH "NHẬT KÝ TRONG TÙ" - NHỮNG CÂU CHUYỆN NHỎ
Hoàng Quảng Uyên
Đã 49 năm trôi qua, sắp tròn nửa thế kỷ nhật ký trong tù - Tập nhật ký thơ viết bằng chữ Hán của chủ tịch Hồ Chí Minh được dịch, in (năm 1960). Đã có biết bao bài viết, công trình nghiên cứu về tập thơ này nhưng vẫn còn những điều cần tìm hiểu, giải mã. Chẳng hạn như bài tân xuất ngục, học đăng sơn (mới ra tù, tập leo núi) không có trong nguyên tác tại sao và bằng cách nào lại có trong bản dịch? Vẫn còn có một số bài dịch và giảng chưa trúng (Nếu không muốn nói là sai!) như bài lai tân, được giảng dạy trong chương trình ngữ văn lớp 11: sách giáo khoa đã ép giáo viên và học sinh hiểu một cách khiên cưỡng (sai !) ý của bài thơ .v.v... Nhân cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tôi xin góp đôi câu chuyện nhỏ để hiểu thêm, hiểu đúng nhật ký trong tù. Đây chỉ là những chuyện nhỏ chứ không phải là những khám phá, phát hiện to tát gì !
Có một văn bản quí đang ... ngủ !
Trong lần in đầu tiên tập nhật ký trong tù (tháng 4 - 1960) nhà xuất bản văn học đã in kèm bài tân xuất ngục, học đăng sơn với lời chú: Bài thơ này không có trong tập Nhật ký trong tù vì sáng tác sau lúc Hồ Chủ Tịch ra khỏi nhà lao. Về sau tất cả các bản in nhật ký trong tù của các nhà xuất bản khác đều có in bài này, và như một lẽ... tự nhiên, tân xuất ngục, học đăng sơn là bài thơ không thể thiếu trong nhật ký trong tù! Tò mò một chút, ta có thể đặt câu hỏi: những người làm sách nhật ký trong tù lấy đâu ra bài tân xuất ngục, học đăng sơn để in trong lần xuất bản đầu tiên?”.
Về bài thơ này, ít nhất đã có hai lần chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến. Trong bài viết Quyển Nhật ký trong ngục của Bác, in trên báo nhân dân ngày 19 - 5 - 1957, Nguyễn Tâm (Một bút danh của Bác Hồ) đã viết: bị giam ở Liễu Châu hơn một năm rưỡi, tóc bị bạc, răng bị long, mắt bị kém, chân bị yếu. Bác tự bảo: Hoạt động cách mạng bí mật mà chân cẳng yếu, là một điều rất nguy hiểm. Bác quyết tâm tập đi, cứ mỗi ngày thêm vài bước. Rồi tập trèo núi, cứ mỗi ngày thêm vài bước. Có lúc mệt quá nhưng cũng cố bò cho đủ mức đã định. Mấy tháng tập luyện, hôm lên đến đỉnh núi, Bác làm một bài thơ chữ Nho, mong gửi tin về nước. Xin tạm dịch thơ ấy như sau:
Mây ngoài mây, núi ngoài làn núi
Lặng như gương, không bụi, lòng sông,
Bốn bề phong cảnh mênh mông
Nhìn về tổ quốc bận lòng cố nhân”
Trong cuốn vừa đi đường vừa kể chuyện (nhà xuất bản Sự thật - Hà Nội - 1963). T.Lan (bút danh của Bác Hồ) cũng nói về chuyện leo núi: Khi được thả ra mắt Bác nhìn kém, chân bước không được, Bác quyết tâm tập đi, mỗi ngày 10 bước, dù đau mà phải bò, phải lết cũng phải được 10 bước mới thôi. Cuối cùng chẳng những Bác đi vững mà còn trèo được núi. Lần đầu tiên lên đến đỉnh núi, Bác cao hứng làm một bài thơ chữ Hán như sau:
Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân
Giang tâm như cánh tĩnh vô trần
Bồi hồi độc bộ, Tây phong lĩnh
Nam vọng trùng dương, ức cố nhân.
Bác chỉ nhớ bài thơ đó. Chúng tôi cố hết sức chỉ tạm dịch như thế này:
Mây ôm núi, núi ôm mây
Lòng sông sạch chẳng mảy may bụi hồng
Bùi ngùi dạo đỉnh Tây phong
Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai !
Nhắc lại những điều này, tôi muốn nói rằng: Bác rất tâm đắc và rất nhớ bài thơ tân xuất ngục, học đăng sơn (mặc dù mỗi lần nhớ lại Bác có đổi, sửa vài chữ - tôi sẽ nói kỹ ở một bài khác), nhưng chắc chắn Viện Văn học không thể tuỳ tiện lấy bài thơ từ bài của Nguyễn Tâm, lại càng không thể lấy từ bài của T.Lan. Vậy thì lấy ở đâu ra ?
Câu hỏi ấy cứ bám riết tôi trong một thời gian dài, cho đến một ngày, tôi may mắn được tiếp cận kho tư liệu về Nhật ký trong tù lưu giữ tại Viện Văn học. Trong rất nhiều tài liệu quí, tôi đặc biệt chú ý tới một văn bản được đánh máy trên 2 tờ giấy pơ luya trắng hồng; đó là công văn của Viện Văn học gửi Bác Hồ, xin hỏi thêm vài điểm về một số chữ trong các bài thơ: ngọ hậu, quả đức ngục, tảo giải, điệt lạc, lai tân. Nhận được công văn, Bác Hồ đã dùng bút chì xanh đỏ gạch chéo những chữ không dùng, rồi Người chợt nhớ và viết vào khoảng trống của tờ công văn một bài thơ chữ Hán, sau đó Người gửi trả lại Viện Văn học. Bài thơ đó chính là bài tân xuất ngục, học đăng sơn. Viện Văn học đã nhanh chóng dịch, in bài thơ này vào nhật ký trong tù. Đơn giản vậy thôi nhưng nếu không có một chút may mắn (và tình cờ), tôi không thể tìm được câu trả lời tự mình đặt ra và văn bản đó vẫn... chìm trong giấc ngủ! Nay tôi gửi bản chụp bút tích toàn bộ bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn (4 câu) cho độc giả yêu quí. Hy vọng một ngày nào đó toàn bộ văn bản kể trên sẽ... tỉnh giấc!
Năm 2006, nhận nhiệm vụ của Hội Nhà Văn Việt Nam và Báo Cao Bằng, tôi đã có một chuyến khảo sát dài ngày theo bước chân của người tù Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây. Trước khi đi, anh Hữu Thỉnh dặn đi, dặn lại: Qua đấy, Uyên nhớ thu thập tài liệu, hiện vật liên quan đến Bác. Tôi hứa: Em sẽ cố . Hứa vậy thôi, chắc gì còn sót lại phần mình, sau ngần ấy năm! Sau chuyến công tác, tôi nộp cho Bảo tàng văn học Việt Nam một An bum ảnh gần 30 ảnh cỡ 20 x 30, chụp những địa điểm Bác đã ở tù, cùng một số tư liệu. Tiện tay tôi kèm vào bản chụp bút tích Tân Xuất Ngục, Học Đăng Sơn và đề xuất ý kiến với Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam: Bảo tàng văn học Việt Nam có được văn bản đó trưng bày thì tuyệt quá. Anh Hữu Thỉnh bảo: Mình sẽ liên hệ với Viện Văn học!. Không biết anh Hữu Thỉnh có còn nhớ không?! Bây giờ nghĩ lại, những tư liệu tôi thu được, nộp cho Hội nhà văn, nếu có một chút giá trị thì giá trị nhất có lẽ là bản chụp tài liệu từ Viện Văn học. Hoá ra của quí ở ngay gần ta, cần gì đi xa tìm kiếm!
Đi tìm Tây Phong Lĩnh.
Vẫn trong mạch tìm hiểu tân xuất ngục, học đăng sơn trong một chuyến đi Trung Quốc, đến thành phố Liễu Châu vào buổi tối tôi đề nghị với phó Giáo sư Ôn Kỳ Châu, chuyên viên nghiên cứu văn hoá, Cục văn hoá Liễu Châu: Đưa tôi lên Tây Phong Lĩnh nhé. Phó giáo sư Ôn Kỳ Châu gật đầu đồng ý. Sáng hôm sau, trời mưa nhỏ, xe của Cục văn hoá đến đón tôi và giáo sư Mã Kim án (người bạn đồng hành, công tác tại Viện khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây). Xe vượt qua cầu Liễu Giang, đi về phía Tây, đến đại lộ Liễu Thạch, phía xa hiện ra một ngọn núi thấp, xanh màu cây lá. Phó giáo sư Ôn Kỳ Châu bảo: Núi Ngư Phong - Tây Phong Lĩnh đó. Ngư Phong giờ đã là một điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Liễu Châu. Con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi uốn lượn, lát bằng những phiến đá to, trông rất cổ. Cứ khoảng 50m lại có một chòi nghỉ thoáng đãng, sạch sẽ. Tôi vừa đi vừa tìm góc chụp để bấm máy, một chốc đã lên tới đỉnh (cách mặt đất khoảng 200m). Mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi men ra mép đá mong chụp được một bức ảnh như Bác Hồ đã tả Lòng sông gương sáng, bụi không mờ. Tôi loay hoay trong mưa bụi đứng lặng trên đỉnh Ngư Phong ngắm đất trời Liễu Châu, nhìn về phía trời Nam xa xôi vẳng nghe tiếng thơ Bác: Vân ủng trùng Sơn, Sơn ủng vân....
Xuống núi, chúng tôi vào thăm nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, đặt tại ngôi nhà trước đây Bác Hồ đã ở, cách chân núi Ngư Phong chỉ vài chục mét. Ngọn núi mà Bác đã tập leo chắc chắn là ngọn Ngư Phong! Nhưng tại sao Bác gọi Ngư Phong là Tây phong Lĩnh? Phó Giáo sư Ôn Kỳ Châu giải thích: Phong Lĩnh là ngọn núi thấp, Tây là phía Tây: Tây Phong Lĩnh là ngọn núi thấp ở phía Tây, đối diện với Trụ sở Cục chính trị đệ tứ chiến khu - phía Đông, nơi Bác bị giam giữ, trước khi chuyển sang nơi ở mới dưới chân núi Ngư Phong. Tôi chợt nghĩ thêm: Vì nguyên tắc bí mật trong hoạt động Cách mạng nên trong thư gửi về cho các đồng chí của mình trong nước (kèm bài thơ Tân xuất ngục, học đăng sơn), Bác không thể (và không dại gì) nói rõ mình đang ở núi Ngư phong, thành phố Liễu Châu mà chỉ nói là Ngọn núi thấp ở phía Tây. Chung chung thế thôi và có lẽ vì thế mà thơ hơn chăng!
Nhật ký trong tù trong sách Ngữ văn.
Ngay từ năm đầu nhật ký trong tù được công bố, một số bài thơ trong nhật ký trong tù đã được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Từ bấy đến nay, chưa khi nào nhật ký trong tù vắng mặt trong sách giáo khoa. Những bài thơ được chọn giảng thay đổi qua các thời kỳ. Đầu tiên là những bài đậm chất chính trị như: Bốn tháng rồi, Giải đi sớm, Không ngủ được... Sau đó là những bài: Nghe tiếng giã gạo, Học đánh cờ, cảm tưởng đọc Thiên gia thi... và gần đây là những bài đậm chất thơ như: Chiều tối, Lai tân, Mới ra tù tập leo núi... Có thể ở một phương diện nào đó, nhìn vào sự thay đổi các bài thơ giảng dạy trong các trường phổ thông sẽ thấy được một phần thiên hướng của nền văn học cách mạng Việt Nam trong mấy chục năm qua. Đây là gợi ý cho nội dung chính của một luận án tiến sĩ trong tương lai ! Tại sao không !.
Trong việc giảng dạy nhật ký trong tù mấy chục năm qua những người soạn sách ít chú ý tới thể loại của tác phẩm là Nhật ký có thể nói rằng quyển Nhật ký ấy là một đoạn trong lịch sử hơn 40 năm đấu tranh cách mạng của Bác Hồ (Nguyễn Tâm), nên soạn chưa được sát (có nhiều chỗ sai). Về vấn đề này tôi đã có một bài viết khá kỹ, đăng trên báo Tiền phong từ năm 2006, chỉ ra ít nhất 8 chi tiết chưa chính xác trong bài soạn Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh trong sách giáo khoa thí điểm lớp 11, Ban khoa học - xã hội và nhân văn, tập 2, bộ 1, tổng chủ biên Trần Đình Sử (nhà xuất bản giáo dục, tháng 8 - 2005). Đến nay, xem sách giáo khoa, thấy vẫn nguyên xi! (Trong một buổi giảng ở trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, tôi có nói về bài Lai Tân với giáo sư Trần Đình Sử, ông bảo: “Đó cũng là một cách đọc”). ở bài này tôi không nhắc lại chuyện cũ mà chỉ bàn thêm về bài giảng Lai tân trong sách Ngữ văn lớp 11.
Lai tân, giảng thế nào cho đúng? Khó mà dễ.
Lai tân
Giam phòng Ban trưởng thiên thiên đổ
Cảnh trưởng tham thôn giải phạm tiền;
Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự,
Lai Tân y cựu thái bình thiên.
Nam Trân dịch
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh;
Chong đèn huyện trưởng làm công việc,
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
Trong bản dịch nhà thơ Nam Trân đã dịch chữ Thiêu đăng (nghĩa là đốt đèn) thành chong đèn (điểm đăng). Việc thay đổi chữ này đã hướng người đọc theo cách hiểu khác. (Cộng thêm chữ Biện công sự (làm công việc) được các nhà phân tích nắn thành làm việc công) đủ dựng lên hình ảnh một ông huyện trưởng mẫn cán, làm việc công tới tận khuya mà lơ là vịêc giám sát cấp dưới. Đó là một ông quan chăm chỉ, nhưng quan liêu! Trên cơ sở bản dịch có người đã tán: Ngài (huyện trưởng) rất có thể là một quan huyện mẫn cán, chứng cớ là đêm đêm “ngài” vẫn thức khuya để phê duyệt văn án đấy thôi. Nhưng người ta có quyền nghi ngờ cái công minh, chính trực của ngài lắm, vì thần thiêng tại bộ hạ, các ông ban trưởng, cảnh trưởng dưới quyền ngài đều ngang nhiên phạm pháp, có thể nói ngay trước mũi ngài. Ngài quan liêu chăng, hay ngài bảo kê cho những trò ấy?” (Báo văn nghệ số 21, ngày 25/5/2002). Đọc các bài soạn của các nhà soạn sách tôi thấy họ đã có một chút lấn cấn khi giảng câu 3: Chẳng nhẽ ban trưởng, cảnh trưởng xấu xa, thối nát như vậy mà lại trồi ra một ông huyện trưởng mẫn cán Chong đèn làm việc công tới khuya! Có lô gíc, có liền mạch với câu 1, câu 2 không? Lại nghe ai đó nói câu 3 có nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện, bèn giảng thế này: Chong đèn, nguyên văn thiêu đăng là đốt đèn (có ý kiến cho là đốt đèn hút thuốc phiện). (Sách ngữ văn lớp 11 - Phan Trọng Luận chủ biên - in tháng 1 năm 2009). Còn trong sách Để học tốt môn Văn (in tháng 2/2009). Tác giả Trần Văn Sáu, Trần Tước Nguyên giảng câu 3: Chong đèn làm việc công có thể hiểu chăm chỉ làm việc công, cũng có thể hiểu là chong đèn hút thuốc phiện. Và nữa, sách dùng cho giáo viên, Trần Đình Sử chủ biên, giảng câu 3: Huyện trưởng đốt đèn làm việc công (tức là hút thuốc phiện - theo Đặng Thai Mai và Hoàng Trung Thông)”.
Dẫn ra một vài cách giảng câu 3 trong bài Lai Tân để chỉ rằng các nhà làm sách, các nhà lý luận - phê bình phần nào đã nhận ra sự không ổn khi cho rằng câu 3 tả một ông huyện trưởng mẫn cán (nhưng quan liêu để cấp dưới làm bậy). Nhưng bảo là phải hiểu câu 3 có nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện thì không có sơ sở vì chỉ nghe nói thôi. Do vậy lối giảng nước đôi là việc dễ hiểu và có thể chấp nhận được.
Tại sao có tình hình như thế? Khởi đầu là từ nhà thơ Nam Trân dịch Thiêu đăng (có nghĩa là đốt đèn) thành chong đèn. Với một học giả uyên thâm như Nam Trân không thể có sự nhầm lẫn ngớ ngẩn ấy được. Thế thì, tại sao lại “nhầm”?
Truy ngược lên trên, xin bạn đọc nhớ lại công văn Viện Văn học gửi Bác Hồ xin ý kiến đã nói ở phần 1 bài viết này. Trong phần hỏi về bài Lai Tân, nguyên văn như sau:
Về bài Lai Tân (Số 86 - trang 24) câu thứ 3:
Huyện trưởng Thiêu đăng biện công sự.
Theo đồng chí tuỳ viên văn hoá Trung Quốc thì ở Trung Quốc câu này trước hết có nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện.
Để trả lời, Bác Hồ đã dùng bút chì xanh, đỏ gạch 3 chữ hút thuốc phiện đi, viết thay vào 2 chữ làm việc (Lưu ý là Bác Hồ không viết làm việc công hay làm công việc.)
Cách trả lời của Bác Hồ đậm tính ngoại giao. Anh không muốn xấu mặt vì có ông huyện trưởng hút thuốc phiện thì gạch chữ hút thuốc phiện đi, còn trong nguyên tác vẫn là huyện trưởng thiêu đăng biện công sự không hề sửa. Khi nhật ký trong tù được in bằng chữ Hán, độc giả Trung Quốc hiểu theo truyền thống văn hoá và ngôn ngữ Trung Quốc thế nào là quyền của họ.
Chắc chắn là nhà thơ Nam Trân nghiên cứu rất kỹ ý kiến trả lời của Bác Hồ, thấy Bác gạch chữ hút thuốc phiện đi, dịch giả đã bằng mọi cách làm cho không còn bóng dáng hút thuốc phiện trong bài thơ nên đã dịch thiêu đăng thành chong đèn, và rồi những người giảng sau đó còn tích cực hơn biến chữ làm việc của Bác Hồ thành làm công việc, làm việc công. Nếu ta dịch ngược câu Huyện trưởng chong đèn làm việc công cho người Trung Quốc đọc thì với câu chữ đã thay như thế họ sẽ không thể luận nổi câu đó nghĩa là: Huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện.
Trong lần chuyện trò với nhà văn Phùng Nghệ, chủ tịch Hội nhà văn Quảng Tây (Trung Quốc), tôi đọc bài LAI TÂN cho Phùng Nghệ nghe và hỏi ông về câu: Huyện trưởng thiêu đăng biện công sự. Phùng Nghệ bảo: Đó là tiếng lóng của vùng Quảng Tây hay dùng để chỉ việc hút thuốc phiện. Sau này, tôi có nói chuyện “hút thuốc phiện” với nhà văn, dịch giả Trần Đình Hiến trong một cuộc “tào lao” ở ban sáng tác Hội nhà văn Việt Nam. Ông bảo: ừ, phải, phải, Trung Quốc có cả một quyển từ điển tiếng lóng, dày lắm, để mình về tra cứu!
Sự việc chỉ đơn giản như vậy. Câu huyện trưởng thiêu đăng biện công sự, người Trung Quốc hiểu là huyện trưởng đốt đèn hút thuốc phiện đã được ghi bằng giấy trắng, mực đen chứ không chỉ là nghe nói nữa (ý kiến của tuỳ viên văn hoá đại sứ quán Trung Quốc có thể đủ làm chứng cứ) và khi Bác Hồ viết bài LAI TÂN cũng là viết với ý ấy, vậy thì cớ gì người Việt Nam không được giảng theo ý ấy! Phải giảng như thế thì mới thấy được cái tầm của bài thơ, thấy lô gích của bài thơ mà không bị gợn. Qua đó ta hiểu thêm thơ Bác, hiểu thêm về nghệ thuật của bài thơ (mỉa mai, trào lộng, châm biếm một cách kín đáo, sâu cay): Sau khi vạch mặt bọn quan lại Tưởng Giới Thạch: Đánh bạc, ăn tiền, hút sách nhà thơ hạ một câu xanh rờn: Trời đất Lai Tân vẫn thái bình! Ta càng thấy Bác Hồ hiểu phương ngữ và tiếng lóng Trung Quốc để đưa vào thơ thật đúng và đắt. Vậy thì cần phải giảng cho học sinh đúng nghĩa của câu thơ này để thấy sự thối nát “toàn diện” của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ. Chứ giảng “nước đôi” như trong sách giáo khoa là quá khiên cưỡng và chưa thấy hết “nghệ thuật châm biếm, hài hước” trong bài thơ tuyệt hay của Bác và giảng như thế ta càng thấy Bác Hồ yêu thơ dân tộc, hiểu văn học cổ điển nước nhà như thế nào. Dù bôn ba hải ngoại 30 năm tìm đường cứu nước Bác chưa lúc nào quyên truyện Kiều, Chinh phụ ngâm… Hãy so sánh câu: “Trời đất Lai Tân vẫn thái bình” với câu mở đầu Truyện Kiều:
Rằng, năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.
(Phẳng lặng, vững vàng mà đầy bọn tú bà, thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Sở Khanh...)
Lai Tân rặt bọn quan lại thối nát (đánh bạc, ăn tiền, hút thuốc phiện) mà vẫn thái bình ư - thật nực cười, chua chát lắm thay!?
Năm 2010, kỷ niệm 50 năm, nhật ký trong tù được dịch, in lần đầu tiên. Đó là một dịp là một mốc cho chúng ta nhìn lại, nghiên cứu, chỉnh sửa (kể cả dịch lại) nhật ký trong tù, để có một văn bản hoàn hảo, chính xác. Như thế là Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.