Nếu là mấy năm trước thì các nguyên nhân viết virus không có nhiều, đa phần không phải vì tiền. Thời gian qua đi khiến cho các nguyên nhân này cũng đa dạng hơn rất nhiều. Những kẻ viết virus và các loại mã độc hại đã không còn “vô hại” nữa, chúng thực sự nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người dùng và doanh nghiệp.
Thiệt hại kinh tế
Nếu ai đó nghĩ rằng máy tính nhiễm virus dù nặng tới đâu thì chỉ việc cài lại hệ điều hành là xong, và chẳng mất mát gì thì người đó đã nhầm. Trung tâm an ninh mạng BKIS vừa công bố báo cáo nói rằng mỗi tháng người dùng và doanh nghiệp Việt Nam mất tới… 327 tỉ đồng vì virus máy tính. Con số này có thể làm giật mình rất nhiều người, thậm chí là cả những người trong ngành. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do ý thức người dùng chưa cao, máy tính không được cài đặt phần mềm diệt virus, hoặc cài đặt nhưng không hiệu quả, không cập nhật thường xuyên, dẫn tới tình trạng virus phát tán không thể kiểm soát.
Cũng theo BKIS, có tới 98% người dùng phải cài lại máy tính khi bị nhiễm virus ở mức không thể khôi phục được, và nguồn lây lan chủ yếu là qua USB. Khi người dùng phải cài lại máy tính, công việc của họ sẽ bị ảnh hưởng, đó là chưa kể tới nguy cơ mất mát dữ liệu, mà nếu là dữ liệu quan trọng thì thiệt hại còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Ở cấp độ lớn hơn, khi nhân viên không thể làm việc được bởi virus thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.
Đó là ở Việt Nam, còn trên thế giới thiệt hại do virus máy tính gây ra ước tính lên tới hàng chục tỉ USD mỗi năm. Đó là chưa kể mỗi doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn thường phải chi vài phần trăm doanh thu mỗi năm cho công tác bảo mật và phòng chống virus. Tại sao các doanh nghiệp đã chi rất nhiều tiền cho công tác này mà vẫn không hiệu quả? Nguyên nhân thì có nhiều nhưng để đảm bảo một hệ thống an toàn thì toàn bộ những thành phần của hệ thống đó cũng phải đảm bảo. Nói một cách dễ hiểu thì nhân tố con người vẫn là quan trọng nhất. Một hệ thống dù có an toàn đến đâu nhưng người dùng không có ý thức hoặc không đủ kiến thức sử dụng thì trước sau cũng bị đổ vỡ.
Đi tìm nguyên nhân...
Bài viết này không có ý định đề cập tới nguyên nhân lây lan của virus máy tính, mà chỉ đề cập tới một số lý do và chủ đích chính của những kẻ tạo ra loại phần mềm độc hại này. Ai đó đã nói rằng lý do mà hacker viết virus cũng đa dạng, muôn hình muôn trạng như chính bản chất của những gã này. Đó có thể là bực tức về vấn đề gì đó, hay vì viết virus cho vui, hay vì bản chất “lãng mạn”, thích khoe khoang. Ở mức độ “nghiêm túc” hơn thì nguyên nhân có thể vì tiền, chính trị, gián điệp, thi thố tài năng, hoặc để loại trừ đối thủ.
Vì tiền
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất hiện nay để hacker viết virus. Tiền bao giờ cũng là động lực và là đích ngắm của phần lớn hacker, nếu không nói là gần như tất cả (tất nhiên đó là những hacker “mũ đen”). Những con virus được viết theo mục đích này thường chứa trong mình cơ chế thu thập dữ liệu, thường là dữ liệu nhạy cảm trên máy tính nạn nhân. Đó có thể là thông tin riêng tư (dùng để bán) hoặc số thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng, nói chung là tất cả thông liên quan có thể kiếm ra tiền. Những máy tính bị nhiễm loại virus này sẽ bị điều khiển từ xa và có thể tạo thành những mạng máy tính ma (botnet) để phục vụ âm mưu đen tối của tin tặc.
“Tự sướng” <Mình thuộc nhóm này>
Nhiều kẻ tạo ra virus vì những lý do chả đâu vào đâu. Một trong những lý do này là tâm lý “tự sướng”, thấy tên mình được “vinh danh” thì càng khoái hơn, thậm chí khi bị cơ quan pháp luật sờ gáy cũng vẫn cảm thấy ánh hào quang bao quanh mình một cách mê muội. Đây là thể loại virus chủ yếu là phá hoại chứ không gây thiệt hại nhiều về kinh tế. Những kẻ này thường nghĩ rằng mình không được xã hội coi trọng tài năng, và muốn khẳng định và chứng minh bản thân bằng cách gây ra thiệt hại nào đó.
Nhiễm phim ảnh
Thuở bé xem nhiều phim ảnh viễn tưởng về tội phạm máy tính khiến cho những kẻ viết virus thuộc thể loại này khá hài hước một cách tội nghiệp. Cũng như tâm lý “tự sướng”, những kẻ này muốn khoe khoang bản thân, chứng tỏ mình là hacker máy tính rồi tự huyễn hoặc bằng cảm giác ngưỡng mộ của những người xung quanh. Chính vì thích khoe khoang mà những kẻ này rất dễ bị phát hiện và bị cảnh sát tóm.
Gián điệp
Cách thức hoạt động của loại hình virus này chủ yếu tích hợp sẵn vào phần mềm rồi bán cho doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan nhà nước, và chính phủ. Virus, sâu máy tính, Trojan và các phần mềm cửa sau (backdoor) thường được sử dụng cho mục đích gián điệp trong thời đại công nghệ hiện nay. Ngoài phần mềm backdoor, người ta còn hoài nghi về những loại backdoor phần cứng cực kỳ nguy hiểm và rất khó phát hiện khác.
Thanh toán lẫn nhau
Cũng như thế giới thực, thế giới ngầm của hacker cũng được phân chia thành các địa phận riêng biệt. “Nước sông không phạm nước giếng” – đó là nguyên tắc của thế giới ảo này, nhưng đôi khi cũng xảy ra những vụ “thanh toán” lẫn nhau, và vũ khí được sử dụng là các con virus vô cùng độc hại, làm tê liệt hệ thống máy tính của đối phương.
Bảo kê
Với mô hình hoạt động như các băng đảng Mafia Ý ngày xưa, các băng đảng hacker hiện nay cũng tìm cách tiếp cận doanh nghiệp rồi gợi ý họ bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ bảo vệ của chúng. Nếu doanh nghiệp “cứng đầu” thì ngay lập tức hệ thống máy tính của họ sẽ bị đánh sập cho tới khi nào chịu khuất phục thì thôi. Ngoài các cách thức đột nhập khác thì virus cũng được sử dụng như một công cụ đắc lực cho hành vi đe dọa bất hợp pháp này.
Nguồm: Sưu tập và tự biên tự diễn