Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
Nguyên nhân nào làm cho cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của quân dân ta từ 1858 – 1884 bị thất bại?
Trong thời kỳ đầu tấn công xâm lược nước ta, giặc Pháp đã vấp phải sức kháng cự ngoan cường của quân dân ta chiến đấu dưới ngọn cờ triều đình. Có lúc, giặc đã lâm vào tình thế nguy ngập, phải tính đến chuyện rút quân về nước để tránh bị tiêu diệt. Thay vì tiếp tục phát huy ưu thế, dựa vào sức mạnh toàn dân, chú trọng tập kích và tiêu diệt địch, không cho chúng có điều kiện thuận lợi để thay đổi tình thế, thì ngược lại, nhà Nguyễn đã lựa chọn con đường cầu hòa với Pháp để đối phó với phong trào nông dân trong nước, thậm chí có lúc còn hợp tác với kẻ thù để đàn áp phong trào khởi nghĩa của quần chúng, tạo điều kiện cho Pháp từng bước thôn tính nước ta.
- Một bộ phận quân triều đình kiên quyết đánh Pháp như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu… thì bị chi phối bởi tư tưởng chiến thuật quân sự kiểu phong kiến (phòng ngự, dựa vào thành lũy cố thủ) nên cuối cùng cũng thất bại.
- Phong trào kháng chiến của nhân dân diễn ra liên tục, rộng khắp , gây nhiều khó khăn, tổn thất cho giặc nhưng lại thiếu tổ chức, thiếu sự lãnh đạo thống nhất nên cuối cùng đều thất bại. Bộ phận lãnh đạo phong trào kháng chiến của nhân dân chủ yếu là các văn thân sĩ phu yêu nước do hạn chế về giai cấp, về lịch sử nên chưa có đường lối sách lược đúng đắn, còn mang nặng tư tưởng phong kiến.
- Là thế lực cầm quyền trị nước, nhà Nguyễn không thể không nhận lãnh trách nhiệm để mất nước vào tay Pháp. Triều Nguyễn ban đầu đã có nhiều cố gắng chống chọi với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Tuy nhiên, trước kẻ thù vừa hơn hẳn về quân sự lại hết sức khôn khéo trong bước đường xâm lược, triều Nguyễn đã không tìm được những chủ trương và biện pháp hữu hiệu để vượt qua thử thách quá khó khăn của lịch sử. Các chính sách của họ đã khiến họ tách rời dần cuộc kháng chiến của nhân dân, làm cho khả năng đề kháng của quân dân ta ngày càng hao mòn, tạo điều kiện cho kẻ địch lấn lướt từ bước này đến bước khác.
Đường lối của triều Nguyễn trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho thấy từ vị thế lãnh đạo nhân dân chống giặc, họ đã đi những bước lùi nghiêm trọng sang chủ trương “thủ để hòa” rồi đi đến “chủ hòa” và “đầu hàng”. Họ đã không có khả năng đoàn kết toàn dân nhằm phát động một cuộc chiến tranh nhân dân chống giặc mà thậm chí còn phá hoại cuộc kháng chiến của nhân dân, đi ngược lại quyền lợi dân tộc. Họ đã dần dần từ bỏ vị trí lãnh đạo, để mặc người dân Việt phải tự vẫy vùng tìm lối thoát riêng cho mình bằng các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy chống cả Pháp lẫn triều Huế, buộc Pháp phải mất gần 30 năm mới chinh phục và đô hộ được Việt Nam.