• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nguyễn Huy Thiệp - hợp lưu giữa nguồn mạch dân gian và tinh thần hiện đại

hoangphuong

New member
Nguyễn Huy Thiệp - hợp lưu giữa nguồn mạch dân gian và tinh thần hiện đại


Lịch sử văn học dân tộc cũng như văn học thế giới có thể coi là một dòng chảy vừa liên tục, vừa đứt đoạn. Liên tục được tạo nên bởi sự tiếp nối, kế thừa mạch nguồn truyền thống; và đứt đoạn bởi những phá cách, khám phá và sáng tạo không ngừng của cá nhân người nghệ sĩ được nâng đỡ bằng đôi cánh của tinh thần thẩm mĩ thời đại.

Được coi là một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kì đổi mới, sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp hội tụ rõ nét tính liên tục và tính đứt đoạn của lịch sử văn học dân tộc. Có thể nói không quá rằng, một mình Nguyễn Huy Thiệp không làm nên được diện mạo của nền văn học Việt Nam sau 1975 đến nay, nhưng một mình Nguyễn lại có thể đào xới lên nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, tạo nên sức bật khỏi ảnh hưởng văn học trước 1975, từ đó đưa văn học Việt Nam sau 1975 đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình đổi mới văn học dân tộc, hòa nhập vào biển cả văn học hiện đại của thế giới.

Đọc Nguyễn Huy Thiệp, chúng ta có cảm giác vừa quen, vừa lạ, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Một mặt, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp phơi bày đến tận cùng một hiện thực đang ly tán, phân rã, mất đi tính bản nguyên thống nhất, vẹn toàn, từ đó dội lên âm hưởng đồng vọng với Chủ nghĩa Hiện sinh trong văn học phương Tây hiện đại. Mặt khác, những trang văn của nhà văn độc đáo này lại bàng bạc và bảng lảng một sắc màu dân gian, dân tộc, mà chìm dưới bề sâu của những thiên truyện ấy là hạt nhân triết học dân gian, là lớp trầm tích văn hóa tồn tại trong thẳm sâu kho “kí ức tập thể” và “vô thức cộng đồng” dưới dạng những “siêu mẫu” (archétype) (chữ dùng của Sigmund Freud).


1. Nguồn mạch dân gian trong cảm quan hiện đại Nguyễn Huy Thiệp


Từ điểm nhìn tâm lý- văn hóa- xã hội hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc hành trình quay ngược trở lại với cội nguồn văn hóa dân gian, chạm đến bề sâu tâm thức dân gian để vừa kế thừa, bảo lưu, vừa phủ định và đối thoại với nó.

Có thể nói, tư tưởng bao trùm sáng tác của Nguyến Huy Thiệp là triết học tự nhiên- nhân bản, một thứ triết học nguyên sơ, bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực sâu xa của nền văn hóa cổ Nam Á và Đông Nam Á.

Thời cổ đại, nhà triết học Trung Quốc Trình Hạo đã nói: “Đức lớn của trời đất là sinh sôi”. Có lẽ ngay từ thời tiền sử, “trọng sinh”, “hướng thực” đã trở thành một thứ “đạo sống” của người dân Nam Á và Đông Nam Á. Nó bén rễ, nảy nở từ cái nôi của nền văn minh nông nghiệp lúa nước lấy trồng trọt và chăn nuôi làm chính, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa bốn mùa vạn vật sinh sôi.

Tự nhiên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trước hết là thiên nhiên tồn tại khách quan bên ngoài con người. Đó là một dòng sông, một bến đò mơ màng và cô liêu (Chảy đi sông ơi); là một cánh rừng “xanh ngắt và ẩm ướt” đang độ xuân về (Muối của rừng); là bạt ngàn rừng núi một sắc trắng hoa ban (Những người thợ xẻ); là những cơn mưa nhiệt đới khi thì dai dẳng thấm vào vách, vào lòng người, khi thì ào ạt nuốt vào đêm rừng mênh mang, sâu thẳm (Chuyện tình kể trong đêm mưa)… Nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được đặt vào thế đối diện với thiên nhiên bao la, vĩnh hằng để, hoặc là “ngộ” ra thân phận bé nhỏ, cô đơn, mong manh và phù du của nhân sinh trước dòng chảy tự nhiên vĩnh cửu, hoặc là tìm về với “bản lai diện mục” của chính mình, bảo tồn phần nhân tính thuần phác trước những tác động mạnh mẽ của xã hội hiện đại. Chính tự nhiên đã dạy cho con người bài học làm người. “Hãy đến với tự nhiên bằng tâm thế hòa hợp chứ không phải là chinh phục, là khai chiến”- đó phải chăng là thông điệp mà Nguyễn Huy Thiệp muốn gửi đến độc giả của hôm nay và mai sau qua các truyện ngắn của ông?...

Tự nhiên, trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp, còn là tự nhiên bên trong con người. Con người tự nhiên trong truyện ngắn của ông là những con người “vô sự với Tạo hóa, trung thực đến đáy”, những người “dám lặn sâu xuống đáy cuộc đời”, “trần lực để sống”, trung thực với chính mình. Những nhân vật như Bường (Những người thợ xẻ), Tổng Cóc (Chút thoáng Xuân Hương)… thô nhám, xù xì với những ham hố rất đỗi đời thường, nhưng mặt khác lại mang vẻ đẹp của bản năng nguyên sơ, của một ứng xử nhân sinh bản lĩnh, gai ngạnh và trung thực.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn là những người mang trong mình triết lý sống hài hòa, bình ổn, “không cố gồng mình chạy theo những luật lệ cộng đồng”. Họ tìm về với chốn đồng quê yên ả để di dưỡng tính tình, chiêm nghiệm triết lý nhân sinh và đạt tới trạng thái cân bằng trong tâm hồn (như nhân vật Năng, sư Tịnh trong Chăn trâu cắt cỏ, nhân vật sư Thiều, Nhâm trong Thương nhớ đồng quê, bố Lâm, anh giáo Triệu trong Những bài học nông thôn…).

Có thể nói, tự nhiên là nguyên tắc, là thước đo cao nhất năng lượng và nhân cách sống của con người trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Triết lý tự nhiên và tín ngưỡng phồn thực chìm vào bề sâu tâm thức dân gian của người Việt cổ, đến Nguyễn Huy Thiệp, đã biểu hiện ở những biểu tượng mang “mẫu tính”, hay nói như GS. Hoàng Ngọc Hiến là những vẻ đẹp mang “thiên tính nữ”.

Bắt nguồn từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng nhiệt đới gió mùa, tục thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt. Nó gắn liền với nhận thức về tính phồn sinh, phồn thực cũng như vai trò “giữ lửa” của người phụ nữ trong gia đình, bộ tộc.

Thế giới nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hầu hết, đều là những người phụ nữ mang vẻ đẹp tự nhiên, hồn hậu và sức sống phồn thực. Họ là cội nguồn bảo tồn sự sống (như nhân vật Sinh trong Không có vua, nàng Bua trong trong truyện ngắn cùng tên). Hơn thế nữa, họ còn mang thiên tính tái tạo sự sống. Bằng trái tim dịu dàng, giàu tình yêu thương, những người phụ nữ đẹp trong thế giới nghệ thuật Nguyễn Huy Thiệp như cơn mưa làm dịu mát những tâm hồn cằn cỗi, thô nhám. Đặc biệt, vẻ đẹp và tình thương của nhân vật nữ còn có khả năng tái tạo tâm hồn con người, đánh thức nhân tính ở những con người đã ít nhiều bị tha hóa. Đó là nhân vật chị Thắm trong Chảy đi sông ơi “cứu được biết bao nhiêu người ở khúc sông” nơi bến Cốc, thế mà lại chết đuối vì không ai cứu; là nhân vật Sinh trong Không có vua- tâm điểm hội tụ và căng giữ những mối xung lực trong một gia đình toàn nam giới (ứng với năm quẻ Kiền- Cấn- Khảm- Đoài- Tốn); là bé Thu với một “tâm hồn mẹ” trong trẻo, nguyên sơ luôn che chở và hi sinh cho cậu bé Đăng (Tâm hồn mẹ); là nàng Bua với tấm lòng độ lượng, hào phóng với tất cả mọi người trong bản (Nàng Bua); là nàng Sinh với giọt nước mắt yêu thương khiến cho đá cũng tan thành nước (Trái tim hổ)… Thậm chí, trong truyện ngắn Muối của rừng, hình ảnh con khỉ cái kiên trì lẽo đẽo theo sau người thợ săn để cứu con khỉ đực cũng thể hiện bản năng loài và thiên tính hi sinh của biểu tượng Mẫu.

Được nuôi dưỡng và tái sinh từ nguồn mạch dân gian, nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp mang dáng dấp của những câu chuyện cổ tích, những huyền thoại, truyền kì (ví dụ chùm 10 truyện Những ngọn gió Hua Tát; bộ ba truyện “giả lịch sử” Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết; truyện ngắn Trương Chi, Nguyễn Thị Lộ, Con gái thủy thần, Chút thoáng Xuân Hương…). Những nhân vật quen thuộc của thế giới cổ tích như những người mồ côi, người dị dạng, xấu xí, khuyết tật, hoặc những nhân vật của lịch sử dân tộc… dường như được tái sinh với một kiếp sống khác qua trí tưởng tượng phóng túng, bay bổng của nhà văn. Và dù là truyện mang màu sắc huyền thoại, kì ảo, hay những truyện miêu tả hiện thực “trần trụi”, “tàn nhẫn”, người ta vẫn nhận thấy niềm tin, cũng như khát vọng đi tìm cái Thiện, cái Đẹp, niềm tin mang tính nguyên sơ, hồn hậu của dân gian: “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”… như những “hòn than đỏ ủ nóng” trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Không chỉ vay mượn những cốt truyện cổ, tái tạo những nhân vật xưa, sử dụng yếu tố kì ảo như một phương thức nghệ thuật giàu sắc thái thẩm mĩ, Nguyễn Huy Thiệp còn đưa vào những trang văn xuôi của mình những bài thơ- những khúc đồng dao vừa dân dã, nôm na, lại vừa thấm thía chiều sâu và ý vị triết lý. Cái thật- giả, cái hư- thực… đan cài vào nhau, lung linh biến diệu đến vô cùng, tạo nên hiệu ứng thẩm mĩ độc đáo ở độc giả.


2. Tinh thần hiện đại trong chiều sâu mạch nguồn dân gian

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp một mặt là sự tiếp nối, bảo lưu nguồn mạch văn học dân gian, mặt khác lại thấm đượm cảm quan hiện đại, đánh dấu bước ngoặt của văn học Việt Nam thời đổi mới.
Mang trong mình những biến động âm thầm mà mãnh liệt của đời sống kinh tế, xã hội, tâm lý Việt Nam từ sau 1975, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã chạm đến chiều sâu cơ cấu xã hội và nhân tâm. Khi Tướng về hưu xuất hiện (1987), độc giả thực sự cảm thấy “sốc” trước ngòi bút phơi bày trạng thái nhân sinh thời đổi mới đầy lạnh lùng, tỉnh táo của nhà văn. Những Không có vua, Những người thợ xẻ, Huyền thoại phố phường… dồn nén trong cốt truyện giản dị, gọn và chặt, biết bao sự kiện, bao mặt người. Nó tái hiện một sân khấu cuộc đời với đầy đủ trạng thái “hỉ, nộ, ái, ố”, với những đắng cay âm thầm, chua chát cùng những mảnh vỡ của hiện thực sắc lạnh đến ghê người. Dội lên từ thế giới phân rã, đầy xáo trộn ấy là âm vang của cuộc khủng hoảng xã hội, là sự rạn vỡ niềm tin truyền thống về một hiện thực hài hòa, vận động xuôi chiều và lạc quan. Nhà văn đã rọi luồng ánh sáng cực mạnh vào thế giới hiện thực nhằm khơi gợi nỗi lo âu và ý thức phản tỉnh sâu sắc ở người đọc. Không còn bị che phủ bởi hào quang chiến thắng, Nguyễn Huy Thiệp buộc chúng ta đối mặt với thực trạng xã hội phi lý, đầy bất cập thời hậu chiến, với cơ chế thị trường thực dụng làm tha hóa tính người, với trạng thái cô độc, lạc loài của cá nhân trong một cộng đồng xã hội đã đứt tung mối dây liên hệ bền chặt với truyền thống… Dù không đẩy đến mức “tới hạn” của sự “hủy diệt” như trong Kịch Phi lý phương Tây thế kỉ XX (“hủy diệt” nhân vật, “hủy diệt” ngôn ngữ…), truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp vẫn thấm thía cảm giác lo âu và bi quan dội lên từ những mảnh vỡ hiện thực phi lý. Ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ đối thoại đều bị “biến dạng”, đều có xu hướng khép kín, triệt tiêu mọi dấu hiệu của cảm xúc, cảm giác, từ đó tạo nên những ốc đảo cô đơn trong thế giới nhân vật của truyện ngắn. Con người hoảng sợ và hoang mang trước một thế giới “thiếu mất vị Phán xét tối cao, đột nhiên hiện ra trong một tình trạng nhập nhằng đáng sợ. Chân lý thần thánh duy nhất bị phân rã thành hàng trăm chân lý tương đối mà con người chia lấy cho nhau” (1).

Một “thế giới không có các trung tâm định hướng, tuân thủ theo một sự đặt lại liên tục các vấn đề giá trị và xác tín” (2).


Khai phá những chủ đề như cái phi lý, sự cô đơn, tha hóa…, Nguyễn Huy Thiệp đã hòa vào dòng chảy của Chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỉ XX.

Tiếp nhận những yếu tố của văn học dân gian, Nguyễn Huy Thiệp không lặp lại truyền thống. Trái lại, bằng ngòi bút đầy bản lĩnh và tài năng, Nguyễn đã sáng tạo nên những “folkore hiện đại” (chữ dùng của GS. Hoàng Ngọc Hiến), đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật so với truyền thống.

Được soi chiếu dưới ánh sáng tinh thần hiện đại, thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (người mồ côi, người nghèo khó, người dị dạng xấu xí…) tuy mang dáng dấp cổ tích, nhưng lại thấm đẫm cảm giác thời hiện đại. Họ luôn luôn dấn thấn trên con đường đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái Chân, Thiện, Mĩ tuyệt đối, để rồi nhận được những bài học cay đắng, xót xa: đi tìm cái Đẹp thì gặp cái xấu xa; đi tìm cái Chân thì gặp phải cái lọc lừa, giả dối. Họ là những người “ở hiền” nhưng không “gặp lành”. Với tuyên ngôn “Tôi căm ghét sâu sắc những kết thúc có hậu”, những truyện ngắn “giả cổ tích”, “giả truyền kì” của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều kết thúc không có hậu. Nó mở ra những dự cảm, những dư vị tái tê đằng sau khối cô văn lạnh lùng của một cây bút tỉnh táo, sắc nhạy.

Những nhân vật lịch sử như Quang Trung, Nguyễn Du, Nguyễn Ánh, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Đề Thám… hiện lên dưới ngòi bút nhà văn cũng không phải theo những chuẩn mực, những quy ước thẩm mĩ truyền thống. Họ xuất hiện thuần nhất với tư cách số phận của một con người, một cá thể cô đơn được lịch sử “chọn lựa” và bị cuốn vào vòng quay của định mệnh nghiệt ngã. Qua những nhân vật đó, dường như tác giả muốn đặt ra những câu hỏi về “tính người” chân chính, về thân phận con người trong mối quan hệ với lịch sử, về quyền lực trong mối quan hệ với Tình yêu và cái Đẹp…

Có thể nói, Nguyễn Huy Thiệp đã dùng huyền thoại để hóa giải huyền thoại, dùng cổ tích để “giải cổ tích”, đã viết lại và cắt nghĩa lại cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết xưa bằng con mắt và tâm thế của một nhà văn Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX. Tinh thần “tự phê”, “tự nghiệm”, ý thức phản tỉnh và tra vấn đã làm nên sức mạnh và giá trị của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Cái Tâm của nhà văn, không gì khác hơn, chính là sự thức nhận về sứ mệnh “khơi gợi chân lý”, tra vấn nhân tâm của người nghệ sĩ.

Đồng thời, tinh thần nghệ thuật hiện đại cũng không cho phép một sự ban phát chân lý cuối cùng, một tư thế độc thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang màu sắc dân chủ và hiện đại bởi đó là những tác phẩm “mở”, ở đó, cả người viết và người đọc đều được đẩy vào một cuộc đối thoại lớn và nhà văn “để ngỏ cuộc đối thoại đó mà không đánh dấu chấm hết” (3).
Nguyễn Huy Thiệp từng phát biểu: “Một nhà văn phải bắt đầu từ những kinh nghiệm nguyên thủy nhất của dân tộc mình,…, phải đi từ con người Việt Nam, từ nguồn gốc, từ đó lần về sau”.
Với tâm niệm sâu xa ấy, Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã đi được, và đi xa, trên con đường hiện đại hóa văn học, với một căn cốt dân tộc bền vững.

NCS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung
Khoa Việt Nam học, ĐHSP Hà Nội​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top