Nguyễn Du - Nỗi lòng trong thơ chữ Hán
Nguyễn Du (3-1-1765 - 16-9-1820) tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh ra và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm đã làm tới chức tể tuớng triều Lê. Mẹ, bà Trần Thị Tần, bà thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm 8 vợ, 21 người con). Mười tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ.
Truyện Kiều và Văn chiêu hồn, hai kiệt tác chữ Nôm của Nguyễn Du, xin được giới thiệu riêng vào dịp khác. Bài này muốn nói riêng phần sâu kín trong tâm trạng ông qua thơ chữ Hán. Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một thứ nhật ký, giãi bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long) Nam trung tạp ngâm (1805-1812 khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc. Tráng sỹ bạch đầu bi hướng thiên / Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên (Tráng sỹ ngẩng mái đầu tóc bạc bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt). Tài năng trác việt lại từng là con quan tể tướng, lời than ấy thật xót xa. Tây Sơn ra Bắc 1786, Nguyễn Du ôm mối ngu trung với nhà Lê, không cộng tác, tìm đường lánh ẩn chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ: Quê nhà đại hạn, mười đứa con sắc mặt xanh như rau (Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng). Do vậy ông thấy Nhất sinh từ phú như vô ích/ Mãn giá cầm thư đồ tự ngu (Một đời chữ nghĩa thành vô ích. Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt). Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Đó cũng là chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Cả đời chưa thấy lúc nào ông đắc ý. Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long: Ơn vua chưa trả đỉnh đinh, Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương. (Quân ân tự hải hào vô báo / Xuân vũ như cao cốt tự hàn) Tạ ơn mưa móc của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt. Nỗi niềm ấy chúng ta hiểu cho Nguyễn Du, Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: Tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về dày mồ ( Lê Chiêu Thống ), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Đau đớn, bế tắc của Nguyễn Du là ở đấy. Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như. (Ba trăm năm nữa nào biết được/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tương truyền: khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Đuợc! Rồi mất. Không trối lại một lời. Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như mầu xanh là thuộc tính của cỏ Nhân tự bi thê, thảo tự thanh (Người tự buồn thương, cỏ tự xanh).
Hiện thực cuộc sống bi thương trong xã hội phong kiến cả ở nước ta lẫn ở Trung Hoa thuở ấy, từ cảnh ngộ dâu bể của cô Cầm đánh đàn ở Thăng Long đến nỗi cơ cực của ông già hát rong ở đất Thái Bình (Trung Quốc) đã cho Nguyễn Du thấy thân phận bèo bọt và những bất công của kiếp người. Từ chính cảnh ngộ của mình, ông thông cảm sâu sắc, tạo nên tình cảm thấm thía cho những bài thơ thương đời. Thương đời và thương mình đều da diết như nhau. Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc, nỗi nhớ quê nhà luôn luôn bàng bạc trong các bài thơ. Đêm xuân một năm nào đó ngồi ở Thái Bình mà nghe trong tâm tưởng một tiếng sóng lạnh của sông Lam đang làm trôi đi cả kim lẫn cổ (Nhất phiến hàn thanh tống cổ kim). Gia đình ly tán trông đợi từng mảnh tin nhà nhưng chỉ thấy mây và hơi lạnh (Mạn hứng ở núi). Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang (Bình sinh văn thái tàn lung phượng / Phù thế công danh tẩu hắc xà). Ông viết bài thơ chống lại bài Chiêu hồn Khuất Nguyên của Tống Ngọc, ông xui Khuất Nguyên đừng về vì thành quách vẫn còn nguyên mà người đã đổi khác, bụi bậm cuồn cuộn làm nhơ nhớp cả quần áo. Ông khái quát: Đời bây giờ người người đều là Thượng Quan (Thượng Quan là kẻ gièm pha làm hại Khuất Nguyên) và mặt đất thì chỗ nào cũng là sông Mịch La (con sông Khuất Nguyên trẫm mình).
Về Thăng Long, Nguyễn Du có bài Long thành cầm giả ca khá đặc sắc, ghi lại những dâu bể của triều chính và thân phận con người. Cả cái vĩ mô lẫn cái vi mô của xã hội đều thay đổi bi thương. Bài thơ kép Thăng Long cũng nằm trong từ trường cảm xúc ngậm ngùi ấy Nghìn năm dinh thự thành quan lộ/ Một giải tân thành lấp cố cung. Những thay đổi ấy có thể là dấu hiệu một phát triển đô thị nhưng nỗi lòng buồn thương của Nguyễn Du phủ lên làm tất cả hóa thê lương.
Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta hiểu cội nguồn chủ nghĩa nhân đạo trong ông được thể hiện trong Truyện Kiều và cuộc đời ông đã được ký thác vào hình tượng nhân vật sắc tài mà bạc mệnh.
Vũ Quần Phương