• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Nguyễn Công Trứ - "Người thơ phong vận như thơ ấy" (Hàn Mặc Tử)?

  • Thread starter Thread starter klassy
  • Ngày gửi Ngày gửi

klassy

New member
Xu
0
Đề: Từ hiểu biết về cuộc đời và "Bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ, hãy viết bài văn với chủ đề "Người thơ phong vận như thơ ấy" (Hàn Mặc Tử)
 
NGUYỄN CÔNG TRỨ - "NGƯỜI THƠ PHONG VẬN NHƯ THƠ ẤY"


từ hiểu biết về cuộc đời và "bài ca ngất ngưởng" của nguyễn công trứ, hãy viết bài văn với chủ đề "người thơ phong vận như thơ ấy" (hàn mặc tử)

Với đề bài này, trước hết chúng ta cần giải thích câu thơ "Người thơ phong vận như thơ ấy" ("Xuân đầu tiên" - Hàn Mặc Tử), trên cơ sở đó chứng minh qua cuộc đời Nguyễn Công Trứ và bài thơ "Bài ca ngất ngưởng" của ông.

Câu thơ của Hàn Mặc Tử đã khái quát lên một quy luật trong sáng tác văn chương nói chung và quy luật trong sáng tác thi ca nói riêng. "Người thơ" chính là tác giả, là cuộc đời, con người, quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật của họ; đi vào thơ, "người thơ" trở thành chủ thể của nhân vật trữ tình và cũng vì thế mà thơ trở thành phương tiện để "người thơ" bộc bạch nỗi niềm, tình cảm. Như vậy điều mà Hàn Mặc Tử muốn khẳng định chính là mối quan hệ giữa tác giả - chủ thể của sáng tạo với những sáng tác thơ ca - sản phẩm của quá trình sáng tạo đó. Hiểu một cách đơn giản, con người tác giả cũng giống như thơ của họ vậy. Tìm hiểu một bài thơ ta thấy trong đó hình bóng của thi nhân, khi chỉ là một tâm sự thầm kín nhưng cũng có khi là hình ảnh của cả cuộc đời nhà thơ. Và ngược lại, chỉ khi nhà thơ có một cá tính độc đáo, một tâm hồn sống với thơ ca thì mới có thể cho ra đời những vần thơ đầy ý nghĩa, những vần thơ trở thành lời tuyên ngôn của chính tác giả.

Sau đây, mình sẽ giới thiệu với các bạn bài viết của Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Băng Thanh để thấy rõ được mối quan hệ giữa "người thơ" và thơ, mối quan hệ giữa cuộc đời Nguyễn Công Trứ và bài thơ "Bài ca ngất ngưởng" của ông.

BÀI CA NGẤT NGƯỞNG - LỜI THƠ TUYÊN NGÔN


Nguyễn Công Trứ là một tính cách đặc biệt và là một tài thơ đặc biệt. Hai nét đặc biệt ấy tương ánh nhau và làm nổi rõ nhau. Chắc chắn là không có một Nguyễn Công Trứ có tài kinh bang tế thế nhưng lại ngang tàng hẳn cũng không có những vần thơ phóng túng. Mặt khác, cũng chính những vần thơ phóng túng ấy đã khắc họa rõ nét, sống động một Nguyễn Công Trứ tài bộ, ngất ngưởng và cũng chính nhờ chúng , chân dung ông chưa bao giờ bị nhạt nhòa trên trường văn chương cũng như trong giới kẻ sĩ. Có một điều lạ: Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho, ông suy nghĩ, hành động trong khuôn khổ và lý tưởng Nho gia thật lòng và hết mình. Vậy mà với tài năng trí lực cá nhân, ông vaanxlaf một tính cách độc đáo, không giống bất cứ ai. Trong thơ cũng vậy. Ông làm "ngôn chí" như rất nhiều nhà thơ thời trung đại, song những bài thơ ấy của ông đã tránh được nhược điểm của nhiều bài thơ cùng loại, tẻ nhạt công thức, khô khan mà trái lại thật hay - vừa sôi nổi nhiệt thành, vừa mãnh liệt, hào hùng, phóng khoáng. Có thể kể ra không ít những lời thơ "bốc lửa" của ông về "chí làm trai", về "nợ tang bồng", về phận sự kẻ nam nhi trong vũ trụ:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả trả vay.
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
Thảnh thơi như túi rượu bầu.
Chí khí anh hùng


Đương nhiên khái niệm chí của Nguyễn Công Trứ cũng có phần mở rộng. Ngoài ước vọng "trí quân trạch dân" mà phải thực hiện với một phong cách "vẫy vùng" "ngang trời dọc đất", ông còn nói đến cái chí ăn chơi, chí cầu nhàn... Song ngay cả những vấn đề khô khan nhất ông cũng viết được những vần thơ gây cảm xúc mạnh mẽ, tạo được không khí thoải mái, hào hứng, say sưa. Có thể nói bộ phận thơ "ngôn chí" của Nguyễn Công Trứ là những bài thơ có giá trị nghệ thuật cao, mà trong số đó "Bài ca ngất ngưởng" có một vị trí quan trọng. Bài thơ mang dáng vẻ một lời tuyên ngôn nhưng thực sự là bản tự tổng kết cả cuộc đời mình của Nguyễn Công Trứ. Bài thơ như sau:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự,
Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng.
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây cờ Đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn giải tổ chi niên,
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi!
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.
Trong triều ai ngất ngưởng như ông.


Thật đặc biệt, cả cuộc đời làm quan, nhìn lại, ông chỉ tự định giá bằng hai từ ngất ngưởng.

Trước hết, đó là ngất ngưởng khi "ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng", có nghĩa là ngất ngưởng khi Nguyễn Công Trứ đã bước vào hoạn lộ, ông đang "đắc chí".

Cũng như tất cả những nhà nho dấn thân hành đạo, Nguyễn Công Trứ lập chí ở việc kinh bang tế thế. Ông coi đã là sự nghiệp, đương nhiên có công ắt có danh. Và đối với ông công danh là lẽ sống: "Không công danh thà nát với cỏ cây" (Gánh trung hiếu). "Đã mang tiếng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông" (Nợ tang bồng). Với một quan niệm "chí làm trai" như thế, Nguyễn Công Trứ đã vơ tất cả mọi việc trong thiên hạ vào phận sự của mình. Ông đã có được những công tích lớn: 1819, đỗ thủ khoa; 1833, Tham tán quân vụ hợp sức với các đạo dẹp cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân; 1836, Thượng thư bộ Binh nhưng lĩnh chức Tổng đốc Hải An (Haỉ Dương - Quảng Yên); 1841, Tán lí cơ vụ trấn Tây thành; 1847 - 1848, Phủ doãn phủ Thừa Thiên. Trong bài thơ Nguyễn Công Trứ chỉ nhắc đến mấy sự kiện lớn, mấy cáo mốc quan trọng trên đây, nhưng thực sự trong đời làm quan ông đã thực hiện mọi nhiệm vụ một cách "ngang ngửa với đời": "Gồm tài thoa lược đã nên tay ngất ngưởng". Nguyễn Công Trứ tỏ ra tự bằng lòng về mình. Ngất ngưởng là một từ tự khen, tự đánh giá cao tài năng, nhân cách và cả phong cách, bản lĩnh cá nhân khi ông đang ở trong hoàn cảnh rất dễ bị tha hóa: quyền cao chức trọng.

Tuy nhiên, đối với Nguyễn Công Trứ, công danh không chỉ là vinh mà còn là nợ, là trách nhiệm, cho nên ông đã coi đó là sự "dấn thân", tự nguyện đem tự do, tài hoa nhốt vào vòng trói buộc: "Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng". Một nhà nghiên cứu đã bình luận về bài thơ này: "giọng văn hơi khoa trương mà không gây khó chịu là bởi nhà thơ rất có ý thức về tài năng và phẩm hạnh của mình", có lẽ cần nói thêm: chính là nhờ sự giảm đẳng của ngữ khí trào lộng và cụm từ "tay ngất ngưởng". Nguyễn Công Trứ ngang trời dọc đất nhưng bằng sự từng trải của cuộc đời nhiều thăng trầm, nhìn lại, ông đã nhận ra tất cả không hẳn là quan trọng, vững bền, và dường như còn không hoàn toàn nghiêm chỉnh, cũng gần như một thứ trò đùa. Không hẳn là ông phủ định công tích của mình nhưng ông đã nhìn chúng với cái nhìn có phần khinh bạc (và có lẽ đó là một cái nhìn "minh triết", bởi rất nhiều lí do....).

Thứ hai là trạng thái ngất ngưởng trên lưng con bò vàng đeo đạc ngựa khi nghỉ quan.

Thông thường khi sự kiện cởi áo mũ lúc nghỉ quan là một sự việc hết sức hệ trọng, một bước ngoặt tong đời đối với một người làm quan mà lại là quan to như ông. Nhưng với Nguyễn Công Trứ thì chuyện đó cũng chẳng làm ông bận tâm. Ông không lưu luyến gì và rất muốn "phủi sạch tay trước khi ra về" như Giáo sư Trương Chính nhận định. Ngày 3 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 7 (1747),khi xin về nghỉ hưu ông đã làm đơn nộp trả lại hết bằng sắc cho triều đình và ngày "đô môn giải tổ" (cởi ấn nghỉ quan ở cửa đô thành) chỉ còn đọng lại duy nhất trong ông một sự kiện ngất ngưởng "Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng". Nguyễn Công Trứ đã làm một việc ngược đời, đã bày ra một đối nghịch: kinh thành đầy võng lọng ngựa xe nghiêm trang, còn ông thì ngất ngưởng trên lưng con bò vàng nghênh ngang đủng đỉnh. Không những thế, con bò của ông cũng biểu hiện một sự trái khoáy: đã là bò, một loài vật thấp kém, lại còn là bò cái, lại được trang sức bằng đạc ngựa - đồ trang sức sang trọng của loài gia súc cao quý. Tương truyền ông còn buộc mo cau ở cái chỗ cần che nhất với một lời tuyên bố ngạo ngược "để che miệng thế gian". Nguyễn Công Trứ đã trêu người, khinh thị cả thế gian kinh kì. Không những riêng ông mà cả con bò vàng của ông cũng ngất ngưởng.

Thứ ba là ngất ngưởng trong "dạng từ bi" đến nỗi "Bụt cũng phải nực cười".

Nguyễn Công Trứ nghỉ quan, cương vị, chức phận và cuộc sống đã thay đổi mà thay đổi sâu sắc: một ông tướng quyền sinh quyền sát "tay kiếm cung" đã thành một ông già mang dáng vẻ từ bi. Ông đã để lại đời sau cả một thời vẫy vũng vùng ngang dọc trong khi phía trước, chờ đón ông, dường như chỉ là sự trống vắng, chỉ có núi Đại Nại quê ông và những vần mây trắng hư vô: "Kìa núi nọ phau phau mây trắng". Câu thơ trữ tình gợi một chút bâng khuâng, thoáng ý vị chua chát. Hình ảnh những làn mây trắng trắng - trên đỉnh núi gợi nhiều liên tưởng. Nó biểu tượng cho những gì rất thanh, rất cao nhưng nhẹ tênh, mong manh và vô định. Taatscar chỉ là "bạch vân thương cẩu" chăng?

Tuy nhiên Nguyễn Công Trứ vốn là một tính cách mạnh, sự bâng khuâng triết học đó không dừng lại lâu trong ông và ông đã chọn được một lối sông phá cách đủ để "thích ý":

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi!
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.


Ở đây cũng vậy, giữa Nguyễn Công Trứ và thế gian lại diễn ra những điều trái ngược: dạng từ bi nhưng tính cách tiên. Ông không đi tìm sự giác ngộ, sự yên tĩnh nơi cửa Phật, mà trái lại, vẫn sống phóng túng, thảh thơi, vui vẻ. Những cuộc dạo chơi, cả khi lên chùa, ông cũng dẫn theo vài bóng "hường hường yến yến". Có điều lúc này dường như Nguyễn Công Trứ không còn "hết mình" trong những cuộc hành lạc "chơi cho thủng trống long bồng". Nhóm người thủng thẳng du ngoạn, trong đó có sự ngang nhiên của ông già và sự nhũng nhẵng của mấy cô đào trẻ quả có là hiện tượng "trái mắt" nhưng nó chỉ đủ để biểu thị sự trêu ngươi,bất cần của Nguyễn Công Trứ, chứ chưa đủ để lên án ông 'đắm say tửu sắc". Chính vì thế mà Bụt cũng phải bật cười - một nụ cười vừa như khoan dung vừa như chấp nhận.

Cuối cùng kết luận, Nguyễn Công Trứ tự coi sự ngất ngưởng là sự độc đáo, khác người của nhân cách ông.

Phần trên Nguyễn Công Trứ đã kể ra tất cả các trạng thái ngất ngưởng của tính cách ông trong từng giai đoạn của cuộc đời. Một tay "ngất ngưởng" ở quan trường, một cách làm ngất ngưởng khi nghỉ quan ra về, một cách ngất ngưởng khi đã làm hưu quan. Phần này ông nhận định con người mình một cách tổng quát: ông không quan tâm đến chuyện được mất, không bân lòng vì sự được mất, không bận lòng vì sự khen chê, có khi ham thú vui rượu chè, cô đầu con hát, nhưng ông không phải là người của tiên, của Phật mà rốt lại vẫn là con người của cuộc đời với tất cả sự bề bộn nhọc nhằn của nó. Tuy nhiên, ông là người có bản lĩnh khác thường, một nhân cách cứng cỏi, tục lụy không làm vướng được ông, mặc dù trong phần sâu thẳm của tâm hồn, lý tưởng, hoài bão ông theo đuổi suốt cuộc đời vẫn vô cùng gắn bó với nhân thế. Và ông vẫn bằng lòng dù không theo được Trái Tuân đời Hán, Nhạc Phi đời Tống, cũng có thể sánh với Hàn Kì, Phú Bật, những vị tể tướng hiển vinh một đời ở thời Tống (Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú, Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung). Nguyễn Công Trứ tự cho rằng điều quan trọng nhất đối với kẻ nam nhi là trách nhiệm kinh bang tế thế, đạo nghĩa vua tôi ông đã giữ được trọn vẹn, đã thực hiện một cách xuất sắc, chính vì vậy ông dám ngông ngạo chốt lại bài tổng kết cuộc đời bằng một câu đầy vẻ thách thức một cách tự trào:

Trong triều ai ngất ngưởng như ông.

Thơ Nguyễn Công Trứ phong phú, nhiều vẻ. Nhưng "Bài ca ngất ngưởng"có một vị trí đặc biệt. Nó vừa là lời tuyên ngôn về quan niệm, phong cách sống, vừa tự khẳng định về nhân cách, sự nghiệp của chính mình. Chính nhờ bài thơ này với những đặc sắc nghệ thuật của nó mà hậu thế định hình được một chân dung Nguyễn Công Trứ - bức chân dung mà chính ông tự họa: con người ngất ngưởng.


Nguồn: vnkienthuc.com*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top