Nguyễn Công Trứ - một nhà nho tài tử bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại

Bút Nghiên

ButNghien.com
Nguyễn Công Trứ - một nhà nho tài tử bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại


Nguyễn Công Trứ (1778-1859) là một nhân vật lịch sử sống cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX – thời kỳ lịch sử động loạn và cũng phát triển văn hoá vào bậc nhất của lịch sử Việt Nam trung đại. Cuộc đời ông, dù ở mặt nào, “lập công”, “lập đức”, “lập ngôn” (chữ dùng của Lê Thước) ông đều có dấu ấn sâu đậm, lưu lại trong sử sách. Tuy nhiên ấn tượng rõ nét nhất mà ông để lại cho hậu thế là cảm nhận về một nhà nho tài tử thành thật bậc nhất trong lịch sử Việt Nam trung đại. Ở đây, sự “thành thật” của ông đã mang một ý vị khác với khái niệm “thành ý” và “độc thiện” của nhà nho truyền thống, dù về cơ bản ông vẫn là một nhà nho.

Nguyễn Công Trứ sinh ra khi những âm vang của thời loạn đã gần dứt. Cha ông là một viên chức nhỏ đã trả nghĩa nhà Lê bằng hành động cần vương chống “giặc” Tây Sơn nhưng bất thành và lui về ẩn dật, từ chối lời mời hợp tác của Tây Sơn. Nguyễn Công Trứ trưởng thành khi nước nhà đã hoàn toàn thống nhất về tay nhà Nguyễn và cái ơn tri ngộ của nhà Lê với gia đình ông vốn quá mỏng nên đã không còn mấy ảnh hưởng. Ông thảnh thơi khi mang một hành trang quá khứ nhẹ nhõm để đón hiện tại và hăm hở xây dựng tiền đồ. Cũng giống như bao nhà nho khác, muốn “gặp thời vỗ cánh” để “ra danh” thì ông Hi Văn không thể tránh khỏi cảnh “vào lồng”. Cảm giác “ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng” của ông rất gần với cảm giác “Nhất lung thiên địa tàng nhân tiểu” của Nguyễn Hữu Cầu và cảm giác “thử nhân dĩ tác phàn lung vật” của Nguyễn Du. Tuy nhiên cảm giác của Nguyễn Hữu Cầu là một người anh hùng thời loạn đúng nghĩa và cảm giac của Nguyễn Du là của một người quá dư thừa kinh nghiệm về tính không tưởng của học thuyết chính trị Nho giáo. Nguyễn Công Trứ lại khác, là một nhà nho, ông háo hức với sự nghiệp nhưng muốn có sự nghiệp thì phải chịu quân ân, phải vượt Vũ môn, phải cất công đăng hoả, lều chõng khoa trường. Ở Nguyễn Công Trứ không còn sự chiêm nghiệm đầy bi quan của Tố Như bởi với ông quan trọng hơn cả là lẽ xuất xử hành tàng. Tuy nhiên câu thơ “Thôi hãy đợi thời bình trị đã” (Vinh nhục) là một cách làm duyên, và khi ông mơ ước cảnh “Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi – Rót nghiêng phong nguyệt rượu lưng bầu” (Hành tàng) cũng không ngoài mục đích đó. Thời đại của ông, xuất thân và lý lịch trích ngang của cá nhân ông không có gì để xui ông làm một nhà nho ở ẩn theo lẽ “xả chi tắc tàng”. Ở Uuy Viễn tướng công có một khát khao kinh bang tế thế, khát khao nhập thế và một tinh thần tự nhiệm:

- Đã từng tắm gội ơn mưa móc
Cũng phải xênh xang hội gió mây
(Hội gió mây)
- Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
(Đi thi tự vịnh)

Các nhà nho trong đó có Nguyễn Công Trứ, hẳn còn rất thấm thía bi kịch mẫu của người sáng lập ra học thuyết Nho giáo – Khổng Tử – nên luôn tự dặn lòng mình “xưa nay xuất xử thường hai lối” (Hội gió mây) và chuẩn bị sẵn một tâm thế sẵn sàng, vui vẻ đón nhận nghịch cảnh của đời sống. Con người nhà nho trong Nguyễn Công Trứ đã đạt được đến sự an bần lạc đạo trong cảnh:

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cần no.
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường mở ngỏ
Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi
Cuộc uống rượu be sành chắp cổ
(Hàn nho phong vị phú)

Đó là bản lĩnh của nhà nho coi trọng sự tu dưỡng đạo đức mà coi khinh các giá trị vật chất trong đời sống thường ngày theo lý tưởng “quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an”. Sự thanh thản, thậm chí hài hước ở hầu hết bài phú và cả khi ông làm thơ “vui với cảnh nghèo”:

Phím đàn níp sách là nghề cũ
Quạt gió đèn trăng ấy của riêng.

mà sau này Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” đã đem ra để so sánh với Xuân Diệu – một người đồng quận với ông - đã than thở “Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt – Cơm áo kông đùa với khách thơ”.

Là một nhà nho, Nguyễn Công Trứ mang nặng tinh thần tự nhiệm của người nhập thế. Không phải ngẫu nhiên mà những câu thơ như: “Vũ trụ giai ngô phận sự, Vũ trụ nội mạc phi phận sự” xuất hiện rất nhiều trong thơ ông. Tuy nhiên những vần thơ ông viết trong cảnh hàn vi lại là những khẩu hiệu mang đậm tinh thần “tự an ủi” dù cho là “tự an ủi” trong một bài thơ có tiêu đề mang trong nó sự thanh thản của tinh thần đạo lý:

Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này
(Quân tử cố cùng)

Trong thực tế con người nhà nho ở Nguyễn Công Trứ luôn có một mẫu số chung với các nhà nho khác ở tinh thần tu dưỡng đạo đức và sống theo kinh điển học thuyết. Câu thơ:

Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận đã căm gan miệng mỉm cười.
(Cách ở đời)

chính là kết quả rút kinh nghiệm của ông sau bao nhiêu biến đổi, lật lọng của nhân tình thế thái và cũng là một phần trong cách sống ôn nhu “bất vưu nhân, bất oán thiên” của Nho giáo. Nguyễn Công Trứ đã không biết bao nhiêu lần đứng trên lập trường đạo đức Nho giáo để suy ngẫm, triết lý về cuộc đời. Đọc những vần thơ thế thái nhân tình của thơ ông, ta dễ liên tưởng đến những bậc nho giả thời trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm với những vần thơ như:

- Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh tựa núi non quanh.
- Không gì bằng lòng người
Buông ra liền quỷ quắc.

Nguyễn Công Trứ đứng trên lập trường đạo đức Nho giáo để nhìn và mỉa mai hiện trạng:

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy.

và đánh giá hai người phụ nữ là Thuý Kiều và Vũ Nương, Nguyễn Công Trứ dù sống rất phong lưu hào hoa nhưng ông vẫn mạt sát Kiều hết lời:

Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa
Đoạn trường cho đáng kiếp là đâm.

còn nàng Vũ Thị Thiết, người đã phải tự tử để chứng minh sự trong sạch của mình, người được cả vua Lê Thánh Tông làm thơ ca ngợi cũng bị ông xét nét:

Dẫu tình ngay song lí cũng là gian
(…)Tiếng phũ phàng chi nỡ trách đàn ông.

Cái khung đạo đức Nho giáo, chuẩn mực Nho giáo vẫn ám ảnh ông, cả trong những phát ngôn tưởng như cởi mở nhất. Đã đành, mỗi cá nhân chỉ là một mắt lưới trong tấm lưới rộng lớn của thời đại nhưng Nguyễn Công Trứ vẫn chưa có cách gì vượt thoát khỏi những giềng mối cũ. Nho giáo với tam cương ngũ thường vẫn là một cái gì đó thường trực trong ông. Cho dù đã có lúc ông đem cả các mối quan hệ đó ra mà văng tục (Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người) nhưng những câu như:

- Nặng nề thay đôi chữ quân thân
Đạo vi tử vi thần đâu có nhẹ
(Trên vì nước dưới vì nhà)

- Thượng vị đức hạ vị dân
Sắp hai chữ quân thân mà gánh vác
(Gánh trung hiếu)

không chỉ là một thứ “giấy thông hành”, “tem đảm bảo” để tránh “văn tự ngục” mà đó thực vẫn là những điều nhà thơ gửi gắm vì dù sao ông vẫn là một nhà nho - ông quan tồn tại trong một giai đoạn có rất ít lựa chọn cho lẽ hành tàng.

Nho giáo, tự trong bản thân nó, đã là một học thuyết có nhiều chỗ “bất túc” mà sự bù đắp của Lão Trang - Đạo giáo, Phật giáo tạo nên một thế chân kiềng vững chắc khiến cho giới trí thức phương Đông (gồm Trung Quốc và các nước nằm trong “văn hoá quyển” Hán) – sau này chủ yếu là nho sĩ – thấy khó có thể tìm ra con đường nào khác ngoài tam giáo. Tam giáo thể hiện ảnh hưởng của nó trong suốt cuộc đời của mỗi người trí thức phương Đông, biến họ thành một dạng nhân vật văn hoá đặc biệt trong đời sống khu vực. Nguyễn Công Trứ không nằm ngoài quĩ đạo đó. Cuộc đời thăng trầm của ông (đã từng được ông tổng kết trong Bài ca ngất ngưởng) nói lên hình ảnh của con người xông xáo giữa cuộc đời nhưng có những khoảnh khắc bản thân ông là sự hoà trộn của con đường Tam giáo. Tiêu biểu nhất là trường hợp bài hát nói “Cầm đường ngày tháng thanh nhàn”. Bài hát nói lấy tên là một câu thơ Truyện Kiều nói cái thú an nhàn của một bậc “dân chi phụ mẫu” dùng đức trị mà khiến cho dân được yên ổn còn mình thì vui vẻ với “Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao”. Đó là mẫu hình ông quan lí tưởng của Nho giáo, nhưng trong bài hát nói này lại nhắc đến:

Thoắt sinh ra thời đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì

Hai dòng thơ mang đậm dấu ấn bi quan của triết lí Phật giáo. Phật giáo coi “khổ” là khái niệm xuất phát để xây dựng lý thuyết của mình. Toàn bộ giáo lí đạo Phật là nhằm chỉ ra các nỗi khổ của con người, nguyên nhân và cách giải thoát. Nguyễn Công Trứ thấy con người khổ từ khi lọt lòng và tiếng khóc của đứa trẻ là minh chứng cho điều đó. Nguyễn Gia Thiều cũng có một ý thơ tương tự:

Thảo nào khi mới chôn rau
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
(Cung oán ngâm)

Tuy nhiên cảm quan Phật giáo chỉ dừng ở đó. Hai câu thơ tiếp theo trong bài hát nói này:

Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc?
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?

thì lại là những tôn chỉ rõ ràng của tư tưởng Lão Trang khuyên con người “tri túc”, “tri chỉ” vui với cảnh “cái thân ngoại vật là tiên trong đời”. Ảnh hưởng tổng hợp mang tính bác tạp của các học thuyết trong bài hát nói này đã được Uy Viễn tướng công vận dụng nhuần nhuyễn như chính lới ăn tiếng nói hàng ngày – một đặc trưng đễ nhận của thơ ông.

Trong mối quan hệ của trí thức nho sĩ phương Đông với Tam giáo, có những ràng buộc và biểu hiện mang tính cốt lõi nhưng cũng có những quy định khá lỏng lẻo và không phải là bất biến. Trước kia Hàn Dũ, Tô Đông Pha đã từng công kích Phật giáo rất mạnh nhưng khi về già lại kết bạn với nhà sư và lui tới các chốn chùa chiền. Hai bài phú “Tiền Xích Bích” và “Hậu Bích Xích” của Tô Đông Pha lại có sự phóng dật của một ẩn sỹ mang cốt cách Lão Trang. Con người và tác phẩm của Nguyễn Công Trứ trong quan hệ với các học thuyết kia cũng vậy. Nguyễn Công Trứ có nhắc đến triết lí Phật giáo, có lúc buông xuôi:

Thôi cũng muốn Nam mô di đà phật
(Nhàn nhàn với quý nhân)

nhưng những triết lý hay ý nghĩ đó chỉ là thoáng qua. Trong hành trang của Nguyễn Công Trứ, ông chẳng đã từng cà khịa với nhà chùa bằng câu đối (không quân thần phụ tử đếch ra người; trai chay nào đó vại cà sư) và bằng hành động (lên chùa dắt theo “yến yến hường hường”) đó sao? Và đối với một người hay đùa cợt (đã từng coi Chữ kiến tính cũng là suất tính…) như ông thì “Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng”. Có những lúc chất Lão Trang lại bùng lên trong ông như một phần không thể thiếu của con người suốt một đời xuôi ngược. Đúng như có người đã nói: Phải qua bao thăng trầm như ông mới có thể nói về thế thái nhân tình, phải vất vả và luôn luôn hành động như ông mới có thể nhắc đến chữ “nhàn” một cách thoải mái và xứng đáng như thế. Con người ẩn dật giữa thiên nhiên:

+ Sườn non bầu rượu túi thơ
Thảnh thơi ngồi ngẫm cuộc cờ Tràng An
(Vịnh Trương Lưu Hầu)

+ Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
(Thoát vòng danh lợi)

+ Toà đá Khương công đôi khóm trúc
Áo xuân Nghiêm tử một vai cày.
(Thú điền viên)

+ Của trời trăng gió kho vô tận
Cầm hạc tiêu dao đất nước này
(Thú điền viên)
với suy nghĩ:
Người ta ở trong trời đất
Chữ vô cầu là chữ thiên nhiên
(Vô cầu)

xuất hiện rất nhiều trong thơ ông và có một sức hấp dẫn riêng bởi có lúc đã đạt tới cảnh giới “Được mất dương dương người Thái thượng - Khen chê phơi phới ngọn đông phong” của một người “không Phật, không tiên, không vướng tục”. Đây cũng là chu trình phát triển của một mô hình nhân cách mà ông tổng kết trong “Luận kẻ sĩ”, một mô hình phát triển chọn vẹn mà những kẻ sĩ đúng nghĩa phải trải qua và mơ ước được trải qua, những kẻ “vi chi tiên” trong hàng “dân hữu tứ”.

Nguyễn Công Trứ là một người thành thật với đời và thành thật với chính mình. Gần như những việc ông hứa với mình từ thời “hàn nho”, “đi thi tự vịnh” ông đều làm được và làm một cách vẻ vang. Ông khác hẳn với những nhà nho thông thường ở chỗ đó. Nhà nho thường phân thân (con người trong đời sống không trùng khít với con người khi sáng tác) nhưng ở Nguyễn Công Trứ hai con người đó là một. Ở ông có chất bác tạp không chỉ vì có Phật, có Đạo mà còn vì ông chịu ảnh hưởng rất nhiều lời ăn tiếng nói dân gian và “những dấu hiệu vượt thoát” ra khỏi mô hình nhà nho truyền thống mà một số công trình, chuyên luận đã gọi đó là “nhà nho tài tử”. Có thể nói Nguyễn Công Trứ đã thể nghiệm và trải qua cả mẫu hình người anh hùng thời loạn (dù chỉ là “hồi quang” – chữ dùng của PGS.TS Trần Ngọc Vương) và người tài tử phong lưu. Con người tài tử trong ông khoe tài:

Thiên phú ngô địa tái ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
Dã thị giang sơn chung tú khí

và kiêu ngạo với cái “dở’ đa tình, một lối kiêu ngạo rất khác lạ với cái kiêu ngạo về sự “vụng về” (chuyết) của các nhà thơ thời trước:

Đa tình là dở
Đã mắc vào đố gỡ cho ra
(Vịnh chữ tình)

Thế nhân mạc oán tài tình luỵ
Không tài tình quang cảnh có ra chi
(…) Gẫm tài tình rằng luỵ ai nào
Ai rằng luỵ đây xin chịu cả.
(Tài tình)

Thậm chí con người tài tử còn đem so sánh:

Minh quân lương tướng tao phùng dị
Tài tử giai nhân tế ngộ nan

và ngang nhiên ca ngợi cái thú:

Thơ một túi gieo vần Đỗ Lí
Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh.
Đàn Bá Nha gảy khúc tính tang tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã
(Cầm kì thi tửu)

như người cung nữ trong Cung oán ngâm từng khoe:

Câu cẩm tú đàn anh họ Lí
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương
Cờ tiên rượu thánh ai đang
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm

Nhà nho tài tử thị tài và đa tình. Họ thị tài với những môn nghệ thuật cầm kì thi hoạ và đa tình với khách hồng nhan. Đó là cái sở đắc của những kẻ tự coi mình là “Ngã bối tài tình chính sở chung” (Hồ Xuân Hương). Nguyễn Công Trứ sống trong lòng thời đại và góp phần làm nên bản sắc của thời đại đó.

Khi tổng kết về phong trào Thơ mới, tác giả Thi nhân Việt Nam đã nói về việc: Nếu nhìn qua chúng ta sẽ thấy mỗi nhà thơ Việt Nam phải đội trên đầu dăm ba nhà thơ Pháp nhưng xét kĩ thì mọi sự mô phỏng ngu muội đều sớm bị loai bỏ. Trong mối quan hệ giữa văn chương và tư tưởng, các tác giả không phải là cái loa phát ngôn cho các lý thuyết mà mình là môn đồ một cách khô khan, máy móc. Họ biết cách chuyển hoá các tư tưởng thành hình tượng nghệ thuật để tạo ra văn chương thực sự. Nguyễn Công Trứ cũng vậy. Dù có lúc ông nghênh ngang “ngoài vòng cương toả chân cao thấp – trong thú yên hà mặt tỉnh say” nhưng quĩ đạo của Tam giáo vẫn bao lấy ông như một định mệnh. Nguyễn Công Trứ về cơ bản là một nhà nho đã bứt mình lên thành nhà nho tài tử, bác tạp và không thuần thành có những nét ẩn hiện của văn hoá dân gian. Cái chết của ông, một cách ngẫu nhiên, trùng khớp với mốc thời điểm tạm dừng “tung hoành” của con người tài tử khi giặc Pháp xâm lược nước ta, văn học đi theo một hướng mới: yêu nước, cần vương. Đó là cái ngẫu nhiên đầy ý nghĩa của lịch sử.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top