Nguyễn Công Hoan - văn và người

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
--- Bùi Việt Thắng ---


Nguyễn Công Hoan sinh 6-3-1903 tại làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Dương, mất 6-6-1977 tại Hà Nội. Ông đã sống qua cái mức "cổ lai hy" và đã theo nghiệp văn hơn nửa thế kỷ, vì thế văn và người Nguyễn Công Hoan là một tấm gương cho các thế hệ văn chương Việt Nam. Có thể nói, Nguyễn Công Hoan đã ươm giống, chăm xới để làm ra hoa kết quả một di sản lớn hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học có giá trị.

Những tác phẩm văn học của Nguyễn Công Hoan được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một gồm "Kép Tư Bền" (truyện ngắn, 1935), "Bước đường cùng" (tiểu thuyết, 1938)), "Nông dân và địa chủ" (truyện ngắn, 1955), "Người cặp rằn hầm xay lúa ở ngục Côn Lôn 1930" (1960), "Hỗn canh hỗn cư" (truyện dài, 1961), "Đời viết văn của tôi" (hồi ký, 1971) và "Tuyển tập truyện Nguyễn Công Hoan" (3 tập)

Xuất thân làm nghề giáo, và qua nhiều lần thay đổi địa bàn làm việc Nguyễn Công Hoan có dịp đi nhiều, chứng kiến nhiều cảnh sống của nhiều tầng lớp xã hội. Cuộc sống thôi thúc ông cầm bút viết về "những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Nguyễn Công Hoan bắt đầu văn nghiệp của mình vào những năm hai mươi của thế kỷ này khi ở Việt Nam, văn học được viết bằng quốc ngữ đã khá phổ biến. Mười bảy tuổi, ông đã có truyện in báo và đến năm 19 tuổi (1922) cho in tập "Truyện thế gian" do Tản Đà thư cục xuất bản. Năm 1923, Nguyễn Công Hoan lại tự xuất bản tập truyện ngắn "Kiếp hồng nhan". Nhưng phải đến năm 1935 với tập truyện "Kép Tư Bền", Nguyễn Công Hoan trở thành nhà văn có danh tiếng trên văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Năm 1938, Nguyễn Công Hoan cho xuất bản tiểu thuyết "Bước đường cùng" - một tác phẩm góp vào bức tranh chung về nông thôn Việt Nam trước Cách mạng bên cạnh những trước tác bất hủ của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... Từ sau 1945, Nguyễn Công Hoan tham gia nhiều công tác văn hóa xã hội ở nhiều cương vị khác nhau và tiếp tục sáng tác. Các tác phẩm "Nông dân và địa chủ", "Tranh tối tranh sáng", "Hỗn canh hỗn cư" của ông tiếp tục phản ánh cuộc sống và con người nông thôn Việt Nam trong những thời điểm lịch sử quan trọng trước và sau Cách mạng. Là một nhà văn lão thành, Nguyễn Công Hoan đã có ý thức đúc rút, tổng kết kinh nghiệm sáng tác của mình để truyền lại cho các thế hệ sau trong nghiệp văn. Vì lẽ đó mà "Đời viết văn của tôi" (1971) như là một cẩm nang văn học đối với những "hậu duệ văn học". "Tuyển tập truyện Nguyễn Công Hoan" có thể xem là một bộ sưu tập khá đầy đủ về thành tựu sáng tác của Nguyễn Công Hoan trong hơn 50 năm cầm bút.

Nói đến Nguyễn Công Hoan trước hết là nói đến bậc thầy truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Thế giới truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đa dạng, phong phú như một "bách khoa thư", một "tấn trò đời" mà đặc trưng là xã hội phong kiến nửa thực dân ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ hai mươi. Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có nhiều nét gần với truyện cười dân gian, tiếp thu được truyền thống lạc quan của nhân dân muốn dùng tiếng cười như một "vũ khí của người mạnh" để tống tiễn cái lạc hậu, cái xấu xa vào dĩ vãng. Năm 1935 khi "Kép Tư Bền" xuất hiện đã làm cho phái "nghệ thuật vi nhân sinh" mà Hải Triều là người khởi xướng, có đủ chứng cứ để đấu tranh với phái "nghệ thuật vị nghệ thuật". Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan với đặc điểm của nó đã nâng cao khả năng nhận thức và khám phá các hiện tượng xã hội phức tạp. Chế độ phong kiến nửa thực dân ở Việt Nam trước 1945 đầy dẫy sự lừa bịp và khôi hài thế, nhưng kẻ thống trị luôn luôn tìm mọi cách tạo ra cái vẻ ngoài "nghiêm chỉnh" của nó. Cần phải phanh phui mâu thuẫn nội tại đó để làm lỗ rõ sự không khớp giữa bản chất và hiện tượng, giữa nội dung và hình thức, làm bật lên tiếng cười đả kích sâu cay tất cả sự xấu xa của xã hội cũ. "Đào kép mới" và hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Công Hoan trước 1945 là chĩa vào các thói xấu của kẻ thống trị và phê phán một cách không thương tiếc. Chúng ta có quyền tự hào về Nguyễn Công Hoan và coi ông là bậc thầy truyện ngắn.

Nguyễn Công Hoan cũng đã thử sức mình trong truyện dài và gặt hái nhiều thành công. Trong số các tác phẩm viết vào thời kỳ 1936 - 1939 thì "Bước đường cùng" là cuốn tiểu thuyết có tính tư tưởng và nội dung hiện thực sâu sắc. "Bước đường cùng" chính là vấn đề dân cày, vấn đề của cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ ở Việt Nam được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật sinh động, là cuốn tiểu thuyết trong đó nhà văn đã xây dựng được những tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình theo yêu cầu của chủ nghĩa hiện thực. Tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan có một tiếng vang lớn trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (sau khi xuất bản, sách bị cấm lưu hành và tàng trữ trong toàn Đông Dương). Sau này, ngòi bút Nguyễn Công Hoan còn tiếp tục viết về nông thôn Việt Nam trong thời kỳ biến chuyển cách mạng. Các tác phẩm "Tranh tối tranh sáng", "Hỗn canh hỗn cư" được viết trên cơ sở kinh nghiệm vốn sống dồi dào của ông về xã hội cũ, về nông thôn Việt Nam với một cảm xúc và một ánh sáng tư tưởng mới, cho nên đã tạo ra được sức hấp dẫn.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn có công khai phá, mở đường cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại. Sau năm 1930, và đặc biệt với sự xuất hiện của "Kép Tư Bền" đã ghi dấu sự trưởng thành của nhà văn hiện thực phê phán. Nguyễn Công Hoan viết văn cùng thời với Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Trọng Thuật, Vũ Đình Long... những người theo cách gọi của ông Vũ Ngọc Phan là "các nhà văn đi tiên phong". Đó là thời kỳ mà quan niệm "Văn dĩ tải đạo" còn chi phối ảnh hưởng mạnh đến sáng tác. Nguyễn Công Hoan đã đột phá vào những thành trì, khuôn khổ của giáo huấn và tiếp nhận, tuân theo một chủ nghĩa khách quan lịch sử khi miêu tả hiện thực. Giới nghiên cứu văn học khi bàn đến sự hình thành chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam đều nhất trí đánh giá cao vai trò, vị trí của Nguyễn Công Hoan, người có những tác phẩm được coi là "cổ điển" trong nền văn học hiện đại. Từ khi còn là học sinh nhà văn tương lai Nguyễn Công Hoan đã say mê truyền thống trào phúng của dân tộc. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Công Hoan rất mến yêu Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Tú Mỡ và đã có những bài nghiên cứu sắc sảo, thú vị về các tác giả này.

Nguyễn Công Hoan là người lao động nghệ thuật đích thực, là người sống giản dị, khiêm nhường với tất cả sự chân thành của mình. Ngay khi viết hồi ký "Đời viết văn của tôi", ông tâm sự: "Tuổi tôi tuy cao, nhưng sức chưa yếu, tôi còn làm việc được lâu. Ngay như lần này, tôi viết cuốn này, mà có hôm say mê, tôi cặm cụi tới mười hai, mười ba giờ đồng hồ chưa thấy mỏi". Nguyễn Công Hoan là tấm gương của một người đã trọn vẹn đời mình cống hiến cho sự nghiệp văn học, tấm gương của một người đã miệt mài lao động sáng tạo nghệ thuật hơn nửa thế kỷ. Nói đến Nguyễn Công Hoan là nói đến một nhà văn yêu nước, một ngòi bút chiến đấu vì lẽ phải bằng tiếng cười chính nghĩa và tài năng trong văn chương.


Nguồn: Sưu Tập
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top