Nguyễn Bính trong tiến trình vận động thơ ca Việt Nam nửa đầu TK XX
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Phong trào Thơ Mới đã sản sinh nhiều nhà thơ trẻ với nhiều bài thơ hay đóng góp cho nguồn thơ ca dân tộc thêm phong phú. Nguyễn Bính là nhà thơ nổi bật trong phong trào Thơ Mới với cách thể hiện đề tài làng quê xuất sắc nhất.
Chúng tôi triển khai đề tài “Nguyễn Bính trong tiến trình vận động thơ ca Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX” nhằm tìm ra dấu ấn và những đóng góp của thơ Nguyễn Bính đối với thơ ca dân tộc nói chung và đối với dòng thơ quê cảnh nói riêng. Đồng thời khẳng định vị thế, tôn vinh giá trị nhà thơ Nguyễn Bính trong nền thi ca Việt Nam. Từ đó thấy được Nguyễn Bính là nghệ sĩ của làng quê và là nhà thơ của tình quê, ý quê, hồn quê, chân quê.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung làm rõ các phương diện: vai trò, vị trí và đóng góp của Nguyễn Bính đối với nền thơ ca Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa; được thể hiện qua: phong cách, quan điểm nghệ thuật và những cách tân lớn lao ở dòng thơ quê của Nguyễn Bính.
Đề tài được chúng tôi nghiên cứu giới hạn ở phạm vi thơ Nguyễn Bính từ khi sáng tác đến năm 1945 với các tập thơ chính: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941) Một nghìn cửa sổ (1941), Mười hai bến nước (1942), Mây Tần (1942), Người con gái ở lầu hoa (1942).
3. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn, chúng tôi đã áp dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học sau:
- Phương pháp lịch sử: Phương pháp này, tác gia được đặt vào quá trình vận động của các sự vật, hiện tượng lịch sử theo một trình tự liên tục và nhiều mặt trong mối liên hệ với các sự vật, hiện tượng khác. Nguyễn Bính là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên lịch sử văn học nên việc đặt Nguyễn Bính trong tiến trình phát triển của thơ ca dân tộc là cần thiết và hợp lý.
- Phương pháp so sánh - đối chiếu: Phương pháp này nhằm so sánh sự khác biệt và tương đồng giữa Nguyễn Bính với các nhà thơ trung đại và các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới khi viết về làng quê để tìm ra nét riêng, nét độc đáo của Nguyễn Bính. Qua đó thấy được vai trò, vị trí và đóng góp của ông đối với nền thi ca Việt Nam.
4. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Hoài Thanh, Hoài Chân trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” (1942) đã có những lời nhận xét rất xác đáng về thơ Nguyễn Bính.
Hoài Thanh, Hoài Chân đã lẩy ra được những cái mang đậm chất “nhà quê” trong thơ Nguyễn Bính.
Vũ Bằng trong “Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư” trong Văn, số 189 (1969) đã nói lên được quan niệm của mình về thơ và tài năng của Nguyễn Bính.
Vũ Quần Phương (1969), “Đóng góp của Nguyễn Bính” trong tờ Giáo viên nhân dân đã khẳng định vị trí quan trọng của Nguyễn Bính với đóng góp về thể thơ lục bát và những câu thơ giống ca dao.
Tạ Tỵ năm 1970 trong “Mười khuôn mặt văn nghệ”. Ông đã nhận định về Nguyễn Bính là “Một thiên tài lỡ dở”. Đồng thời ông đã phân tích từ trong thơ Nguyễn Bính để thấy được những nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến thi sĩ “chân quê” này.
Thái Bạch trong Tạp chí Văn học số 180, Gia Định, Xuân Giáp Dần 1974 có bài: “Nguyễn Bính – Nhà thơ kháng chiến”. Nhận định của ông về vị trí của Nguyễn Bính là: “Nguyễn Bính là nhà thơ đáng ghi vào văn học sử”.
Chu Văn có bài “Nhớ Nguyễn Bính” năm 1985 đã kể lại quãng đời Nguyễn Bính sau khi về công tác ở quê nhà Nam Hà. Chu Văn đã viết về một Nguyễn Bính với công việc làm thơ tuyên truyền để phục vụ cách mạng và nỗi đau của nhà thơ khi nhớ về miền Nam.
Vương Trí Nhàn viết “Nguyễn Bính – Thi sĩ của yêu thương” (1990) ca ngợi sức sống của thơ Nguyễn Bính trong lòng người dù thời đại bây giờ đã đổi khác, cuộc sống giờ này đã thay đổi nhiều.
Vũ Trọng Dưỡng năm 1990: “Nhà thơ phục vụ kháng chiến” đã khái quát thơ Nguyễn Bính sáng tác ở Nam Bộ và những bài thơ khi tập kết ra Bắc.
Lại Nguyên Ân năm 1990 viết “Sự có mặt của Nguyễn Bính” đề cập đến sức sống của thơ Nguyễn Bính trong lòng người đọc và lý giải tại sao thơ Nguyễn Bính có sức sống trường tồn đến thế.
Đoàn Thị Đặng Hương có bài “Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca” (1993) đã phân tích thơ Nguyễn Bính trên phương diện thi pháp học và kết luận rằng: “Thơ Nguyễn Bính là một “cách tân” trên thi đàn Thơ Mới”.
Đỗ Lai Thúy trong “Con mắt thơ” (1994) có bài “Đường về “chân quê” của Nguyễn Bính”. Ông khẳng định rằng: “Nguyễn Bính (…) đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân mà của cả một dân tộc”.
Hà Minh Đức năm 1995 viết “Nguyễn Bính – Thi sĩ của đồng quê”. Cách nhìn nhận của tác giả đã khái quát toàn bộ về thơ Nguyễn Bính ở mặt nội dung và nghệ thuật với nhiều lời nhận xét rất sâu sắc.
Tô Hoài viết “Nhà thơ của tình quê, chân quê, hồn quê” năm 1996 lý giải về cái hay, cái thu hút của thơ Nguyễn Bính với nhận định: “Thật rõ ở Nguyễn Bính, khi năng khiếu trong thơ được khơi từ cuộc sống chân thực, lý trí và bản năng nhà thơ hoà một tấm lòng”.
Trần Mạnh Hảo năm 1998 viết: “Nguyễn Bính – Nhà thơ hiện đại” đã khẳng định vai trò hiện đại hoá thơ lục bát của Nguyễn Bính cả về mặt tư tưởng, tình cảm, giọng điệu, cách ngắt nhịp.
Việt Hùng trong bài “Thơ Mới và thơ Nguyễn Bính” (1999) cho rằng Nguyễn Bính là “nhà thơ có khuynh hướng dân tộc sâu sắc” với cách phân tích thơ của Nguyễn Bính trên ba phương diện: đề tài, kết cấu thể loại và ngôn ngữ.
Chu Văn Sơn với “Ba đỉnh cao Thơ Mới : Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử” năm 2003. Có thể nói, đây là một công trình nghiên cứu công phu, độc lập với phong cách viết đầy bản lĩnh, sáng tạo và độc đáo.
Hoài Anh với quan niệm mới lạ về Nguyễn Bính: “Người tráng sĩ cuối cùng của thơ Việt” (2004) đã đánh giá Nguyễn Bính ở phương diện những sáng tác khi ông sống và chiến đấu ở Nam Bộ.
Hà Đình Nguyên trên Thanh niên từ ngày 7 - 3 đến 21 - 3 - 2010 có loạt bài về Nguyễn Bính.
Như vậy, Nguyễn Bính được các nhà nghiên cứu cho là: nhà thơ kháng chiến, nhà thơ dân tộc, nhà thơ chân quê, nhà thơ thương yêu,… Đóng góp của thơ Nguyễn Bính được quan tâm ở: thể thơ lục bát, cách viết giống ca dao, ngôn từ, cảm hứng, giọng quê, tình quê…
5. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận văn được khai triển như sau:
Chương 1 - Nguyễn Bính trong sự thành hình một thời đại mới của thơ ca Việt Nam.
Chương 2 - Phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính.
Chương 3 - Dấu ấn Nguyễn Bính trong quá trình hiện đại hóa thơ ca dân tộc.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: