Người thầy tật nguyền và những đứa trẻ nghèo

benoinhieu_kg

New member
Xu
40
Ngôi nhà nhỏ nằm lặng lẽ giữa một khoảng vườn rộng, nối liền một ngõ nhỏ hun hút ở vùng quê cát trắng mênh mông xã Phú Ða, Phú Vang (Thừa Thiên - Huế). Trong ngôi nhà ấy, gần 30 năm nay, hàng trăm trẻ em nghèo vùng đầm phá Phú Ða đã được học tại lớp học tình thương của thầy giáo khuyết tật Nguyễn Trai.



Thầy giáo Nguyễn Trai dạy học các em nhỏ

Dang dở ước mơ

Chúng tôi về lớp học của thầy Nguyễn Trai ở thôn Thanh Lam, xã Phú Ða (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Con đường vào nhà thầy nhỏ bé, khiến chiếc xe máy như muốn nghiêng ngả bởi bãi cát trắng trải dài lối đi. Xa xa đã nghe tiếng học bài của bọn trẻ. Trời Huế bắt đầu đổ mưa, thầy giục học trò xếp sách vở, ngày mai học tiếp kẻo nước lên, sẽ rất khó về nhà. Những đôi bàn chân nhỏ bé lục đục tìm dép, có em phải đi bộ hơn 3 km mới đến được nhà thầy. Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi thầy Trai nhớ lại: "18 tuổi, mới học ngang lớp 9, song tôi cũng có ước mơ sẽ học đại học rồi về phục vụ quê hương. Nhưng căn bệnh teo cơ quái ác đã khiến tôi bị liệt nửa người. Mẹ tôi đưa đi chữa hết chỗ này sang chỗ khác trong tình cảnh "giật gấu vá vai" nhưng đành bất lực. Ðã có lúc tôi định bỏ cuộc, nhưng cứ nghĩ đến hoàn cảnh bố mẹ già lại phải chăm sóc mình như một đứa trẻ, cho nên quyết tâm tự tập vận động một mình. Ðầu tiên tôi tập ngồi, rồi tập bỏ chân xuống đất, tập đứng dậy một chỗ... Lúc ấy, những đứa trẻ nghèo trong xóm thường xuyên qua lại. Chúng giúp tôi đứng thẳng người hơn để tập đi nạng, đổi lại, tôi bày chúng học chữ..."

Biết tin ở thôn Thanh Lam, ngày ngày có anh Trai bày chữ cho các em, thầy giáo Lê Trung Tuynh - lúc ấy là Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Ða 1, cũng là người thầy dạy anh Trai năm xưa, ngỏ ý nhờ học trò cũ của mình dạy xóa mù chữ cho người dân. Anh Trai đã nhận lời. Ðêm đêm, bà con đi làm về lại đem con sang sân nhà anh Trai học chữ.

Vào thập niên 90, ở vùng đầm phá quê anh vẫn còn nhiều trẻ em con nhà nghèo không được đến trường. Sau lớp học xóa mù chữ, anh Trai quyết định mở lớp "chiêu sinh". Biết ý định của anh, người dân thôn Thanh Lam mừng lắm. Không ai bảo ai, người cho tranh tre, người cho tấm bạt, người khác lại bỏ chục ngày công sang giúp. Chỉ một thời gian ngắn, trên bãi cát trắng mênh mông, một lớp học chừng 16 m2 bằng tre nứa được dựng lên. Anh Trai đến các trường tiểu học quanh vùng xin bàn ghế cũ về sửa lại. Có lớp học, anh viết thư gửi đi khắp vùng đầm phá kêu gọi trẻ em nghèo, thất học đến nhà mình học chữ. Mặc dù chưa một ngày được học về phương pháp sư phạm, nhưng bằng sự tận tâm, đọc sách, cộng thêm được chính người thầy mình hướng dẫn nên anh Trai đã tự tin và có phương pháp dạy chữ cho các em. Thế là, lớp học "thầy Trai" ra đời.

Mãi đến năm 2005, thầy Trai nhận được món quà bất ngờ của một nhà hảo tâm thông qua Hội Vì tương lai trẻ em giúp đỡ. Bây giờ, thầy chỉ nhớ người phụ nữ đó tên Kim ở tận Nha Trang biết chuyện nên ra Huế xây dựng một căn phòng chừng 35 m2 giúp cho học trò thầy Trai có chỗ che mưa, che nắng. Ðó cũng là thời điểm người dân có con học ở nhà thầy tự nguyện trả học phí bằng cách góp công sức xây dựng phòng học.

Hạnh phúc của một người thầy

Học trò của thầy Trai khá đặc biệt. Em thì chậm phát triển trí tuệ, em thì gia cảnh khó khăn phải ở nhà một thời gian làm lụng giúp bố mẹ. Không ít em gia đình không có điều kiện đưa đón vì trường ở xa cho nên đành nghỉ học. Có em đã lên 14 - 15 tuổi mà vẫn không biết đọc, biết viết, đến xin thầy "cái chữ" để tính toán, buôn bán đắp đổi qua ngày. Nhiều gia đình có năm, sáu anh em hoặc có "hai thế hệ" đều học cùng lớp của thầy. Bởi lẽ, do không đưa con đến trường nên người dân đầm phá Phú Ða hy vọng con họ ít ra cũng biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản mà học phí không phải là gánh nặng. Có tiền thì gửi thầy mỗi tháng 10.000 đồng, không có tiền thì góp vài lon gạo để thầy phụ thêm với bố mẹ già, nghèo hơn nữa thì trả công cho thầy bằng cách đến giúp cuốc đất, trồng khoai giúp thầy có thêm lương thực. Nếu gia đình nào quá khó khăn thì cũng không vì thế mà thầy nỡ để các em thất học. Hôm chúng tôi đến, ba anh em Xin, Lượm, Ðược rụt rè đưa thầy Trai 30.000 đồng mà bà nội mới cho. Có lẽ hơn hai năm nay, các em mới có chừng ấy tiền để trả học phí cho thầy. Hoàn cảnh của các em khiến thầy Trai cầm lòng không đậu. Thầy bảo: "Lấy chi tiền chúng thêm tội, chúng học chăm vô cùng, trời nắng cũng như mưa đều dìu dắt nhau đến lớp. Chỉ cần rứa thôi tui cũng vui bụng lắm rồi".

Lớp học của thầy Trai là lớp ghép, có em đang tập đánh vần, có em còn phải gò từng nét chữ, nhưng có em cũng đã chép được cả bài thơ dài. Có lẽ, bài học đầu tiên thầy dạy các em là đạo làm người và cách sống giản dị, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Bởi lẽ, trước khi đến với lớp học này, nhiều em rất ngỗ nghịch thích đánh nhau, phá phách, làm gì tùy thích... nhưng thầy cứ thủ thỉ, tâm tình khuyên bảo chúng theo kiểu "mưa dầm, thấm lâu" nên bây giờ thầy Trai nói gì các em cũng răm rắp nghe theo. Em nào bị bệnh hoặc lớn tuổi thì chỉ cần dạy cho các em đọc thông, viết thạo. Còn một số em có khả năng học thì thầy trò cùng luyện tập để năm sau các em vào học tại các trường trong xã. Tiếp xúc học trò của thầy suốt buổi sáng, chúng tôi mới nhận ra rằng, vì sao rất nhiều bậc phụ huynh lại tin tưởng thầy đến vậy. Thế nên, gần 30 năm nay có đến gần 500 em có lúc tưởng chừng phải bỏ học thì nay trong số họ không ít người đã có nghề nghiệp ổn định, người học cao đẳng, đại học hay có người cũng "buôn may, bán đắt" kể từ ngày biết tính toán. Từng thế hệ học trò lớn lên, họ không sao quên được hình ảnh người thầy trên đôi nạng tre ngày ngày truyền đạt kiến thức cho những học trò nghèo. Mẹ của em Trần Nhân Ðông ở thôn Thanh Lam kể lại: "Gia đình cực quá nên Ðông lên tám tuổi mà vẫn để con ở nhà phụ giúp bố mẹ mò cua, bắt ốc ngoài đồng. Thầy Trai biết chuyện khuyên nhủ nó đến lớp thầy. Thầy dạy nó được hai năm thì bảo nó lên trường kiểm tra để vào học lớp hòa nhập. Bây giờ, Ðông đã là sinh viên Ðại học Kinh tế Huế và đã nhận được học bổng du học tại Nhật Bản dành cho học sinh nghèo học giỏi. Nếu không có thầy Trai thì Ðông cũng không có được ngày hôm nay. Gia đình tôi mãi không quên ơn thầy".

Không nặng nề đến chuyện học phí nhưng cuộc sống của thầy Trai có khá giả gì cho cam. Trong hai cuộc kháng chiến, gia đình thầy là cơ sở cách mạng, đào hầm, nuôi giấu cán bộ ngay trong vườn nhà mình. Hòa bình lập lại, bố mẹ thầy đều được hưởng chế độ người có công và đó cũng là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Chủ tịch UBND xã Phú Ða (Phú Vang) Lê Thuận cho biết: "Gia đình thầy Trai thuộc hộ nghèo của xã. Mỗi tháng thầy Trai sống nhờ vào 120.000 đồng tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Chính quyền địa phương cũng biết tấm lòng của thầy đối với con em trong xã nhưng Phú Ða là một xã nghèo nên cũng rất khó khăn không giúp gì được thầy, chỉ ưu tiên tặng quà khi có tổ chức, cá nhân nào hỗ trợ". Giờ đây, thầy Trai không chỉ có những đứa học trò ngoan hiền, chịu khó mà thầy đã tìm được một nửa của mình. Rất thật lòng, thầy Trai bộc bạch, gần 50 tuổi nhưng chưa một ngày đỡ đần bố mẹ, thậm chí phải sống nhờ vào đồng lương hưu trợ cấp của hai ông bà đã thấy bất hiếu lắm rồi. Tôi không muốn làm thêm một người vất vả vì tôi nữa. Dẫu thầy có quyết liệt chối từ nhưng có một người phụ nữ vẫn tự nguyện đến với thầy. Chị đã một lần dang dở, có cô con gái lên 8 tuổi đang theo học lớp của thầy. Từ ngày có chị, nhà thấy ấm cúng hơn. Chị thường xuyên lau khô sàn nhà, bình đựng nước lúc nào cũng đầy và bàn ghế của lớp học không còn bụi bám...

Tôi đọc được sự bình thản, tận tâm rèn từng nét chữ cho những học trò mặc cho những khó khăn của cơm áo, gạo tiền cứ bủa vây trong gia đình của người thầy khuyết tật này. Nhưng khi hỏi về nguyện vọng, thầy chỉ khẽ nói: "Tôi chỉ mong ngày nào cũng được dạy các em, như thế đã là hạnh phúc".


Nguồn Tin: Nhân dân
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top