• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Người Mỹ đã lên mặt trăng thế nào?

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
NGƯỜI MỸ ĐÃ LÊN MẶT TRĂNG THẾ NÀO?

Trong cuộc "chiến tranh giữa các vì sao", sau khi Nga công bố đã đưa người thành công vào vũ trụ, thì chỉ 3 năm sau, Mỹ công bố đã đưa người lên mặt trăng. Sau đây là một loạt bài báo và những phân tích cho thấy những tuyên bố của Mỹ chỉ là trò bịp.
 
Mỹ không thể lên Mặt trăng an toàn?

Mỹ không thể lên Mặt trăng an toàn?

Với những kiến thức về an toàn bức xạ vũ trụ, không thể hiểu được làm thế nào các nhà du hành Mỹ, 4 thập kỷ trước, có thể lên tới Mặt trăng mà không bị thương vong vì nhiễm xạ. Họ đã chống lại bức xạ vũ trụ như thế nào?

Nhà khoa học Mỹ James Van Allen đã có những phát hiện quan trọng về vấn đề này. Trên vệ tinh đầu tiên Mỹ phóng lên vũ trụ, dù rất nhỏ, Van Allen đã gửi theo một máy đếm tia phóng xạ Geiger, nhờ vậy đã khẳng định được giả thuyết của nhà bác học Nicolas Tesla rằng Trái đất bị bao quanh bởi một vành đai bức xạ mạnh.


20110517103329_anh1.jpg


Ảnh Trái đất do nhà du hành vũ trụ William Anders chụp khi bay trên Apollo-8. Ảnh: NASA.

Тuy nhiên, giả thuyết trước đây của Tesla cho rằng Mặt trời là nguồn bức xạ khổng lồ bị coi là điên rồ và thuật ngữ “gió Mặt trời” của ông còn bị mang ra chế giễu. Chính nhờ Van Allen, giả thuyết của Tesla lại được nhắc đến.

Van Allen và nhiều nhà nghiên cứu khác đã xác định rằng vành đai bức xạ vũ trụ bắt đầu ghi nhận đáng kể khi cách mặt đất 800km và trải dài tới 24.000 km. Trong bầu khí quyển gần quả đất, phóng xạ vũ trụ giảm nhờ từ trường quả đất đẩy các bức xạ mang điện về phía hai cực của quả đất. Nếu không vậy, vành đai bức xạ sẽ “đốt cháy” Trái đất như nướng chiếc bánh trong lò hoặc làm Trái đất khô rang.


Van Allen viết: “Vành đai bức xạ có thể ví một chiếc bình cầu (chứa Trát đất bên trong) luôn luôn được Mặt trời bổ sung và xảy ra cả trong khí quyển. Phần lớn các hạt từ Mặt trời làm bình quá đầy và tràn ra ngoài, đặc biệt ở các vùng cực, dẫn tới hiện tượng cực quang (aurora), bão từ và các hiện tượng khác...”.


20110517103329_anh2.jpg


Các quỹ đạo của hạt khí quyển trong tầng ngoại quyển (exosphere, tức khoảng cách mặt đất 500-1.000 km).

Mặt trăng không có vành đai Allen, không có bầu khí quyển bảo vệ và phải hứng chịu trọn vẹn gió Mặt trời. Nếu trong thời gian các nhà du hành vũ trụ đặt chân lên Mặt trăng mà xảy ra vụ chớp loé trên mặt trời (sun flare) thì một luồng khổng lồ các bức xạ đổ xuống sẽ thiêu trụi cả con tàu lẫn các nhà du hành.

Năm 1963, các nhà khoa học Liên Xô đã thông báo với nhà thiên văn nổi tiếng người Anh, Bernard Lovell rằng họ chưa biết phương pháp bảo vệ các nhà du hành khỏi tác động gây chết người của các bức xạ vũ trụ. Điều đó có nghĩa là ngay cả lớp vỏ kim loại của các thiết bị của Liên Xô dù rất dày cũng không thể chịu đựng nổi bức xạ. Như vậy các lớp vỏ mỏng hơn rất nhiều lần so với Nga của khoang trợ sinh (capsule) trong các con tàu của Mỹ làm sao bảo vệ được các nhà du hành của họ? Chắc NASA biết rõ điều này.


Con khỉ mà Mỹ phóng lên sau chưa đến 10 ngày đã chết nhưng NASA đã không báo cho Liên Xô nguyên nhân thực sự của cái chết này.


Những người đã bay trong vũ trụ đều không nghi ngờ sự tồn tại của các bức xạ với khả năng đâm xuyên mạnh qua cabin của họ có thể gây chết người. Sẽ không ngạc nhiên (vì ai cũng suy luận ra) trong cuốn “Từ điển bách khoa có minh họa về công nghệ vũ trụ” của Mỹ hoàn toàn không nói một lần nào đến cụm từ “bức xạ vũ trụ”. Các nhà nghiên cứu Mỹ (nhất là những người liên quan đến NASA) đều tránh nói đến thuật ngữ này.


Trong khi đó, Lovell sau khi trao đổi với các đồng nghiệp Nga vốn rất am hiểu về bức xạ vũ trụ đã gửi đến Hugh Dryden, Giám đốc của NASA những thông tin này, nhưng ông ta cố tình lờ đi. Chỉ trong cuốn sách của nhà du hành Mỹ đến Mặt trăng là Collins thì có nhắc đến bức xạ vũ trụ đến 2 lần. Ông viết: “Ít nhất Mặt trăng cũng xa giới hạn của vành đai bức xạ. Nó cảnh báo cho những ai chỉ đi qua đó và nó rất nguy hiểm cho những ai ở lại đó” và “Như vậy, cần phải hiểu biết về vành đai bức xạ Van Allen, bao quanh Trái đất, và đề phòng gió Mặt trời để không đưa phi hành đoàn vào vùng có liều lượng bức xạ cao”.


Nhưng “hiểu biết và đề phòng” là thế nào? Phải chăng những nơi nào trong vũ trụ mà không phải vành đai này thì hoàn toàn không có bức xạ vũ tru? Hay NASA có chiến lược bí mật nào đó để tránh được những vụ chớp loé trên Mặt trời khi chấp nhận những giải pháp cuối cùng về cuộc thám hiểm?


NАSА khẳng định là có thể đoán trước được những vụ chớp loé trên Mặt trời và chỉ đưa người lên Mặt trăng khi không có những vụ chớp đó và những nguy hiểm của bức xạ giảm tới tối thiểu.


20110517103329_anh3.jpg


Khi Amstrong và Aldrrin thực hiện những công việc trong vũ trụ mở trên bề mặt Mặt trăng thì Collins lái con tàu trên quỹ đạo. Ảnh: NASA.

Tuy vậy, các chuyên gia khác lại khẳng định: “Có khả năng dự báo được gần đúng ngày bức xạ cực đại và mật độ của nó”.

Nhà du hành vũ trụ Liên Xô, Leonov năm 1966 bay lên vũ trụ đã phải mặc một bộ quần áo “siêu trọng lượng” đúc bằng chì. Thế mà ba năm sau, các nhà du hành Mỹ đã “nhảy nhót” trên Mặt trăng, tuyệt nhiên không hề trang bị một bộ đồ “siêu nặng”, thậm chí mà hoàn toàn ngược lại. Phải chăng các chuyên gia Mỹ đã phát minh ra loại vật liệu “siêu nhẹ”, chống lại một cách hiệu quả các bức xạ vũ trụ chết người ấy?


Rồi đột nhiên các nhà nghiên cứu cho biết rằng chính vào thời gian phóng các con tàu Apollo-10, Apollo-11 và Apollo-12 thì các vết đen trên Mặt trời và các hoạt động khác của nó đang ở cực đại. Theo lý thuyết chung đã được thừa nhận thì thì chu kỳ thứ 20 của Mặt trời kéo dài từ tháng 12/1968 đến 12/1969. Trong thời gian này, các con tàu Apollo-8, Apollo-9, Apollo-10, Apollo-11 và Apollo-12 giả định là đều bay ra khỏi giới hạn của vùng bảo vệ của vành đai Van Allen và hoạt động ở khoảng không gian xung quanh Mặt trăng.


Việc nghiên cứu đồ thị hoạt động hàng tháng của Mặt trời cho thấy là có một vụ chớp loé duy nhất – đó là hiện tượng ngẫu nhiên xảy ra tự phát trong một chu kỳ kéo dài 11 năm. Ở giai đoạn chu kỳ hoat động yếu có nhiều vụ chớp rất ngắn và ở thời kỳ hoạt động mạnh thì số vụ chớp lại không đáng kể. Điều quan trọng là những vụ chớp loé rất mạnh có thể xảy ra vào bất cứ thời gian nào của chu kỳ.


Trong “chương trình Apollo”, các nhà du hành Mỹ đã ở trong không gian cực kỳ nguy hiểm ấy trong 60 ngày. Bức xạ từ những vụ chớp trên mặt trời không dự đoán được tới Trái đất và Mặt trăng không dưới 15 phút. Để bảo về khỏi sự nguy hiểm của chúng chỉ có thể được che chắn trong các contenơ bằng chì. Nếu quả thật tên lửa của Mỹ có thể đưa các tải trọng lớn lên vũ trụ thì sao họ lại chỉ chế tạo các khoang trợ sinh cho các nhà du hành rất yếu ớt (cụ thể chỉ là 0,1 mm nhôm lá) không chống được bức xạ vũ trụ? Sống và làm việc trong các điều kiện như vậy, các nhà du hành của Mỹ hẳn phải là những chàng trai được đúc không phải bằng sắt mà bằng chì mới đúng.


Thật bất ngờ, một thành viên có thẩm quyền của NASA, nhà vật lý tiếng tăm Bill Maudlin trong bài báo “Tương lai của việc du hành giữa các vì sao” viết một cách công khai: “Những vụ chớp Mặt trời có thể phát ra những proton GeV, chiếm phần lớn các hạt vũ trụ nằm trong cùng khoảng năng lượng nhưng mạnh hơn rất nhiều. Mỗi khi bức xạ mạnh lên là đặc biệt nguy hiểm, vì proton GeVcó thể xuyên qua vật liệu đến vài mét…


Những vụ chớp loé của Mặt trời (hoặc của các vì sao) phóng ra những luồng proton vô cùng nguy hiểm trong khoảng không gian giữa các hành tinh, lên tới hàng trăm nghìn roentgen trong vài giờ trên khoảng cách từ Mặt trời đến Trái đất. Liều lượng bức xạ ấy vượt hàng triệu lần so với mức cho phép. Chỉ 500 roentgen trong một thời gian ngắn là đủ chết người rồi”.


Các chàng trai dũng cảm của nước Mỹ, trong những điều kiện như thế chắc chắn phải bị “nướng” y như trong lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. “Các hạt vũ trụ nguy hiểm đến từ mọi phía mà bất cứ một sinh vật nào cũng cần một bức tường đặc xít, dày ít nhất là 2 mét che chắn xung quanh”, Maudlin cho biết. Và thực tế khoang trợ sinh vũ trụ mà NASA trình diễn hồi đó đường kính hơn 4 mét lại thêm cả chiều dày của tường bao. Làm thế nào để đưa nó lên vũ trụ?


Tuy nhiên, có thể là NASA đã tìm ra những bộ quần áo bay đầy tin cậy cho các nhà du hành vũ trụ của mình bằng vật liệu siêu nhẹ, bảo vệ được họ khỏi mọi loại bức xạ. Thế nhưng tại sao họ chẳng dùng một lần nào nữa vào mục đích hoà bình? Nếu có, vì sao họ không giúp đỡ Liên Xô khi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl? Hay thiết thực hơn nữa vì sao họ không sử dụng vào năm 1979 khi nhà máy điện hạt nhân Mỹ ở Three Miles Island xảy ra sự cố lớn, dẫn tới chảy thanh nhiên liệu của lò phản ứng. Sao họ không dùng những bộ quấn áo bay vũ trụ mà NASA từng nói trị giá không dưới 7 triệu đôla để thủ tiêu những bãi mìn nguyên tử trên lãnh thổ của mình?


Tuấn Hà
(Theo KM.ru)
 
Thêm bằng chứng Mỹ chưa từng lên Mặt trăng

Khi phân tích những tấm ảnh và những videoclip về việc đổ bộ lên Mặt trăng, người ta phát hiện nhưng điều vô lý. Rộ lên những nghi vấn. Người ta đỏi hỏi những tư liệu ảnh gốc. Mỹ im lặng, coi như một điều “tuyệt mật” của quân sự. Song họ không thể im lặng mãi.

Mấy năm trước, thế giới đều lấy làm tiếc vì NASA thông báo một tin buồn và… lạ lùng. Họ không còn tất cả những tư liệu ảnh và video có một không hai về vụ các nhà du hành vũ trụ Mỹ đặt chân lên Mặt trăng. Những nhân viên cũ thì đã về hưu, nhân viên mới thì không trực tiếp dính dáng đến sự liện quan trọng này, nên không tìm ra những tư liệu đó ở đâu.


Song người ta thấy một chuyện vô lý: ảnh và phim ghi lại cuộc đi chơi cuối tuần của gia đình có thể mất, chứ đằng này… lại là những tư liệu cực kỳ quan trọng nói lên lịch sử loài người và nơi có trách nhiệm lưu giữ lại là một cơ quan được bảo mật chặt chẽ, nghiêm túc là… NASA.


20110512101108_Untitled.jpg


Ảnh Pete Konrad đang cầm lá cờ Mỹ.

Theo các thông báo khác muộn hơn, Mỹ cho biết số lượng các phim và ảnh mà NASA có trong tay trong những năm 1970 - 1980 lên tới 200.000 đơn vị. Họ nói những bộ phim về các nhà du hành vũ trụ Mỹ đổ bộ xuống Mặt trăng đã bị xoá đi để sử dụng lại. Sở dĩ như vậy là vì NASA bị cắt giảm ngân sách, phải áp dụng mọi biện pháp có thể để phân bố lại nguồn tài chính.

Một trong số các biện pháp này phải thanh lý các kho tư liệu để thu hồi tiền và dành ngân sách cho những việc khác quan trọng hơn. Để trấn an mọi người khỏi cảm thấy phải chịu đựng những tồn thất lớn, NASA nói rằng những tấm phim nguyên bản ấy đã không thể sử dụng được nữa vì chúng đã bị hư hỏng do bảo quản quá lâu trong kho.


Liệu có thể tin rằng NASA phải “co kéo” chuyện tiền nong đến mức xoá băng từ đi để dùng lại trong khi dù ngân sách có bị cắt giảm đi nữa, vẫn được ưu tiên trong việc chi tiêu hàng tỉ đôla không? Trình độ các chuyên gia ở NASA không bảo quản nổi những thước phim chỉ sau vài chục năm hay sao?


Trước những người hoài nghi đặt câu hỏi về chất lượng các đoạn phim và ảnh đã công bố, NASA đã trả lời những hình ảnh trạm mặt đất nhận được rõ ràng hơn nhiều. Còn các clip công bố chỉ là dùng camera thu lại từ màn hình ở các trạm và chuyển thành hình ảnh đen trắng khi phát trên truyền hình (lúc đó chưa có truyền hình màu) nên chất lượng thấp là lẽ đương nhiên.


Nhưng nguyên bản hiện nay ở đâu? Một uỷ ban đặc biệt bỏ công tìm đi tìm lại và không thấy. Sau đó NASA lại nghĩ ra một trò mới là đề nghị các đài truyền hình gửi các đoạn clip lưu trữ đã phát từ năm 1969 đến cho mình, rồi chuyển các đoạn clip đó đến kinh đô điện ảnh Hollywood và đề nghị các chuyên gia kỹ thuật ở đây giúp đỡ trong việc “tút” lại các phim để nâng cấp.


Các chuyên gia Hollywood đã nhận 4 phiên bản mà NASA giao cho lấy từ những đoạn đã phát và bằng tài nghệ của những chuyên gia kỹ xảo điện ảnh bậc thầy, chất lượng của các đoạn phim này tăng lên rõ rệt. Khi đã không có phim nguyên bản thì việc so sánh bản “đã phục hồi” với nó là điều không thể làm được và có lẽ nhưng “clip mới” này từ nay sẽ được coi như là dẫn chứng chính thức.


20110512103544_Untitled2.jpg


Một gia đình Mỹ chăm chú xem đoạn phim Mỹ lên Mặt trăng.

Tuy nhiên, số tài liệu lưu trữ về chuyến bay lên Mặt trăng mà Mỹ tuyên bố bị mất không chỉ có những tư liệu hình ảnh. Mất theo chúng còn có những hồ sơ về sức khoẻ của các phi hành gia, những băng ghi âm lên quan đến Chương trình Apollo và nhiều hồ sơ khác nữa. NASA còn “bị thất lạc và chưa tìm ra” hàng trăm thùng hồ sơ chứa đầy các tư liệu quý khác.

Các nhà triết học thường nói đùa: Khó nhất là tìm một con mèo đen trong căn phòng tối, nhất là khi chính con mèo cũng chẳng có trong căn phòng đó. Câu chuyện về những tư liệu ảnh về cuộc đổ bộ đến Mặt trăng của người Mỹ chính là trường hợp này: Truy tìm một thứ chưa từng tồn tại.


Sự quanh co giấu đầu hở đuôi của NASA chỉ chứng tỏ một điều: Người Mỹ chưa từng lên Mặt trăng.


Điều đáng chú ý là những câu hỏi “khó chịu” từ phía người dân Mỹ đến với chính phủ và NASA về câu chuyện người Mỹ lên Mặt trăng bắt đầu từ năm 1970 và đã kéo dài trong nhiều năm. Nếu họ có bay lên thật thì việc đưa ra những tài liêu công khai, những phim ảnh nguyên gốc, độc đáo thì sẽ dập tắt mọi sự nghi ngờ.


Nhưng họ không làm như vậy. Chỉ gần đây, khi chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày Mỹ đặt chân lên Mặt trăng mới ra sức bịa đặt việc mất hết tư liệu thì ngay cả những người kém hiểu biết nhất cũng tự kết luận rằng đó chỉ là lời nói dối quanh vụng về mà thôi.


Tuấn Hà
(Theo KM)
 
Tên lửa Mỹ không đưa người lên Mặt trăng?

Mỹ tuyên bố bằng tên lửa “Saturn-5”, họ đã thực hiện chương trình Apllo đưa người lên Mặt trăng. Liệu tên lửa của Mỹ có khả năng này?

Một trong những nguyên nhân làm dấy lên nghi ngờ rằng vào năm 1969 Mỹ không đưa được người lên Mặt trăng là vì chỉ vài năm trước, tên lửa Mỹ thua kém so với Liên Xô trên cơ sở những gì mà hai bên thực hiện được trong cuộc chinh phục vũ trụ, nhưng đột nhiên, tên lửa “Saturn-5” của họ có sức mạnh mà 20 năm sau, với tên lửa “Energia”, Liên Xô mới đạt được.

Có những bằng chứng cho thấy tên lửa “Saturn-5” – mà ngay sau đó, Mỹ đưa vào bảo tàng – là không có khả năng này.


Mỹ tuyên bố Chương trình Apollo phóng những con tàu có người điều khiển đã thành công vào ngày 11/10/1968: Con tàu Apollo-7 đưa các phi hành gia Walter Shirra, Donnon Eisele và Walter Cunningham xuất phát từ sân bay vũ trụ Kennedy và bay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình ellip.


Ngày 21/12/1968, Mỹ lại dùng tên lửa đẩy “Saturn-5” lần đầu tiên đưa Apollon-8 với phi hành đoàn gồm Frank Borman, James Lovell và William Anders bay lên Mặt trăng. Con tàu đã bay quanh Mặt trăng 10 vòng trong 22 giờ. Chuyến bay này là để kiểm tra lại công nghệ gọi là “điều chỉnh nhiệt thụ động” (pasive thermal control) nghĩa là cho con tàu quay xung quanh trục dọc để gia nhiệt đồng đều bề mặt của nó bằng những tia nắng Mặt trời.


20110516110526_anh1.jpg


Tầng 1 của tên lửa “Saturn-5” dùng để phóng Apollo-11 được kéo ra bệ phóng. Ảnh: NASA.

Việc chuẩn bị thám hiểm Mặt trăng được chuẩn bị gấp rút và tuyên truyền rầm rộ. Tuy nhiên, tên lửa “Saturn-5”, chưa bao giờ đạt được những tính năng cần thiết, ít nhất là về tải trọng hữu ích của nó (không dưới 4-5 tấn) và cũng không đạt được hệ số an toàn cho con người (ít ra cũng là 0,99).

Ai cũng biết rằng trong quá trình thử nghiệm mô hình động lực học của modun bay lên Mặt trăng bị trục trặc lớn. Khi phóng thử trong điều kiện mô phỏng về trọng lực của Mặt trăng, cabin đã bị mất khả năng điều khiển, bị lộn nhào và vỡ tung. Lần ấy Amstrong, người lái con tàu, bị hất ra ngoài “một cách kỳ diệu”.


Lúc đó, tướng N.P. Kamanin (trợ lý Tư lệnh các lực lượng không quân Liên Xô, đặc trách về vũ trụ) đã gọi chuyến bay của Apollo-8 là “một chuyến phiêu lưu thuần tuý. Người Mỹ không hề có kinh nghiệm đưa con tàu trở về Trái đất khi đang bay với tốc độ vũ trụ cấp 2, và tên lửa “Saturn-5” không có đủ độ tin cậy (chỉ mới thực hiện được 2 chuyến bay, thì 1 chuyến đã không thành công)”.


20110516110528_anh2.jpg


James Lovell, Willim Anders, Frank Borman, phi hành đoàn trên Apollo-8. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, ý thức hệ được đặt trên tất cả. Bằng bất cứ giá nào thì Mỹ cũng quyết tâm không để Liên Xô vượt mặt. Tàu “Thăm dò” (Zonda) trong những năm 1967-1968 của Liên Xô đã thực hiện được một chuyến bay về phía Mặt trăng và tiếp đó, bay quanh Mặt trăng vào Tháng 11/1968, mang theo những con rùa trên boong rồi quay trở lại mặt đất một cách mỹ mãn. Điều này làm Mỹ càng phải vội vã.

Ngày 7/12/1968, một cánh cửa bay tới Mặt trăng của Liên Xô được mở, trước tuyên bố của Mỹ, rằng theo dự kiến tháng 12 họ sẽ phóng tàu có người điều khiển đầu tiên Apollo-8 bay quanh Mặt trăng.


Những cuộc tranh luận bùng lên tại Liên Xô, có nên đưa người lên đó trên con tàu “L-1” để làm được việc này trước Mỹ hay không. Các nhà du hành vũ trụ được đào tạo cho sứ mệnh lên Mặt trăng là Belaiev và Bykovski đã gửi thư cho Bộ Chính trị, nói họ sẵn sàng hy sinh tính mạng nếu chưa đủ an toàn nhưng dù sao xác suất thành công của tàu có người lái vẫn cao hơn phóng lên một thiết bị tự động.


Kết quả là Liên Xô đã thông qua phương án phóng tàu có người điều khiển đầu tiên là “Soyuz-7K-L1” bay quanh Mặt trăng vào ngày 8/12 và chuyến bay sẽ kéo dài 6 ngày. Thế nhưng trước ngày dự định, tên lửa đẩy của con tàu là Proton xuất hiện hàng loạt vấn đề ngay trên bệ phóng. Không thể khắc phục được sự cố, cánh cửa sổ bay lên Mặt trăng của Liên Xô đành khép lại. Và người Mỹ đã phóng Apollo-8 lên theo kế hoạch của họ.


20110516110528_anh3.jpg


Phi hành đoàn của tàu Apollo-8 trong boong này trước lúc khỏi hành. Ảnh: NASA.

Từ sau cơ hội này, lãnh đạo Liên Xô đột nhiên không hề chú ý đến Chương trình Mặt trăng của họ nữa “một cách khó hiểu”. Người Mỹ dường như với “một điều thần kỳ nào đó” bỗng biết cách khắc phục những khó khăn kỹ thuật có tính nguyên lý mà họ không thể vượt qua trong thập kỷ trước. Rồi họ tuyên bố ngày 3/3/ 1969, phi hành đoàn Apollo-9 với James Mack Divitta, David Scott và Russell Schweickart đã thử nghiệm việc hạ cánh trên Mặt trăng một môđun thám hiểm sau khi tách khỏi con tàu và sau đó ráp nối lại với nó trên quỹ đạo Trái đất.

Cuối cùng đến ngày 16/7/1969, tàu Apollo-11 được phóng lên Mặt trăng. Trên boong có các nhà du hành vũ trụ Niel Amstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin. Ngày 20/7 theo thông báo của Mỹ, Amstrong là người đầu tiên đặt chân lên bề mặt Mặt trăng. Người thứ hai là Edwin. Còn Collins thì quay tròn môđun điều khiển xung quanh Mặt trăng, đợi các bạn mình quay trở về.


20110516110545_anh5.jpg


Eugene Sernan bên cạnh lá cờ Mỹ. Ảnh: NASA.

Chính những số liệu của tên lửa “Saturn-5” qua những lần cải tiến để đưa các tàu Apollo trong Chương trình Mặt trăng của những chuyến bay trước đã chứng minh rằng Apollo-11, với tải trọng lớn nhất, không có khả năng để các nhà du hành đặt chân lên Mặt trăng, sau đó quay trở lại an toàn.

Tổng khối lượng mođun điều khiển và mođun Mặt trăng mà tên lửa “”Saturn-5” phải đưa lên Mặt trăng lên tới 38 tấn (khoảng 40 tấn kể cả các tầng trung gian) và để hạ cánh xuống Mặt trăng là 43 tấn (khoảng 45 tấn kể cả các tầng trung gian), trong đó môđun điều khiển là 29 tấn, môđun Mặt trăng 14 tấn.


Một nguyên nhân khiến “Saturn-5” không đạt được các tính năng mà Mỹ công bố có thể là tầng thứ 2 (không kể nhiên liệu) của “Saturn-5” nặng hơn so với tính toán và xung lượng riêng của động cơ F-1 và J-2 không đạt được công suất thiết kế (khi cải tiến “Saturn-5” Mỹ đã tập trung vào giải quyết khâu này).


20110516110544_anh4.jpg


Tầng thứ 2 của “Saturn-5”

Tại sao người Mỹ không tập trung vào giải quyết những tính năng của tên lửa cho đúng yêu cầu cần thiết để khỏi phải băn khoăn đến cái gọi là “khối lượng dư thừa” và “không đủ xung lượng riêng”. Thực ra, họ đã cố gắng đến hết sức lực của mình rồi. Khối lượng ban đầu họ đã giảm đến mức tối đa và công suất của động cơ thì không sao tăng nổi. .Chỉ chút xíu khối lượng nữa thôi thì tên lửa sẽ không bay được. Khả năng đẩy của F-1 đã bị huy động đến giới hạn. Áp suất cũng đã đến giới hạn đối với động cơ sơ đồ hở. Giải pháp cơ bản nhất là lắp thêm một máy gia tốc kiểu treo, nhưng để làm việc này phải mất thời gian. Mà thời gian thì họ không còn.

Tuấn Hà
(Theo KM.ru)
 
Số phận những nhà du hành lên Mặt trăng

Vì sao các nhà du hành vũ trụ Mỹ đặt chân lên Mặt trăng lại lập tức rời bỏ NASA, sống gần như ẩn dật, tránh gặp báo chí? Vì sao phải chờ 40 năm sau, Quốc hội Mỹ mới trao Huy chương vàng cho họ? Vì sao khi bị một người đề nghị mình đặt tay lên Kinh thánh để thề rằng mình đã lên Mặt trăng, ông Aldrin không thề mà đáp lại bằng một quả đấm? Những hiện tượng ấy cũng gây nghi ngờ về vụ bay lên Mặt trăng của Mỹ.

Ai cũng biết Iuri Gagarin sau khi bay lên vũ trụ, trở thành một nhân vật nổi tiếng thế giới. Nhà du hành vũ trụ đầu tiên ấy đã đi thăm rất nhiều quốc gia, ở đâu anh cũng được hoan nghênh và đón tiếp nồng nhiệt; giao lưu cởi mở, trả lời phỏng vấn bất cứ câu hỏi nào. Anh nâng cao uy tín của đất nước nhiều hơn tất cả các tuyên truyền viên chuyên nghiệp cộng lại.


Điều đó chứng tỏ những thành tựu khoa học của Liên Xô được toàn thế giới khâm phục. Thế nhưng với những nhà du hành Mỹ “đặt bước chân đầu tiên của loài người trên Mặt trăng” thì sao? Họ trở về nhà, cô đơn, bất lực nhìn những việc xảy ra và đầy niềm tâm sự. Phải chăng đó là vì trong thời kỳ chiến tranh lạnh hay vì một lý do nào khác?


20110520122132_matrang.jpg


Các phi hành gia lên Mặt trăng.

Người Mỹ là những bậc thầy về quảng cáo và truyên truyền. Họ luôn luôn nói rằng Mỹ đã vượt Liên Xô trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng. Cả một nền công nghiệp khuếch trương các kỳ tích có một không hai ấy được huy động. Hollywood cho ra hàng loạt phim về những “siêu nhân”, những cứu tinh của nhân loại, những người bảo vệ nền dân chủ… Theo logic ấy, thì những người lên Mặt trăng phải được lợi dụng triệt để. Hộ phải đưa lên màn hinh vô tuyến hàng năm trời, đi khắp thế giới, tham gia vào những “talk show” không biết mệt, kể lại những câu chuyện mình đã kinh nghiệm, những hiểm nguy đã trải qua, sự dũng cảm đã thể hiện, đã lòng tự hào khi cắm là cờ Mỹ trên Mặt trăng, góp một chiếc bánh xe vào bộ máy tuyên truyền của nước Mỹ.

Song dường như hơn ai hết, những nhân vật “anh hùng” ấy biết mình cần làm gì.


Không những làm vẻ vang cho đất nước, họ còn có cơ hội làm giàu cho cá nhân. Ai cũng biết đối với người Mỹ, thành công bao giờ cũng gắn liền với vinh quang và tiền bạc. Những ngôi sao thể thao và ngôi sao điện ảnh tiếng tăm có khi chỉ một lần đóng clip quảng cáo cũng có thể thu được hàng triệu đôla. Đằng này, những người bay lên Mặt trăng – không nghi ngờ gì nữa – là những “siêu sao”, đồng thời là người đầu tiên giá trị của họ trong quảng cáo còn cao gấp đôi. Ai cũng nghĩ rằng họ sẽ trở thành triệu phú dễ dàng. Song có đúng như vậy không?


Chúng ta hãy xem, số phận những thành viên của phi hành đoàn tàu Apollo 11 đã ra.


Amstrong : Điều lạ là Amstrong, người đầu tiên bước lên Mặt trăng lại rời NASA rất nhanh chóng, trở thành giảng viên của Trường đại học và lẩn mình vào bóng tối, rất ít khi xuất hiện trên truyề hình, gần như hoàn toàn tránh mặt các báo chí và sau này đi bán máy tính


Aldrin: Cuộc đời của Aldrin, người thứ hai đặt chân lên Mặt trăng còn khó khăn hơn. Cũng giống như Amstrong, từ Mặt trăng trở về, ông không ở lại NASA nữa. Một thời gian ông vướng vào bệnh nghiện rượu, bị trầm cảm và kiếm sống bằng cách khi thì đi bán ô tô, lúc lại đi giảng bài, diễn thuyết.


Những con người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng là những người anh hùng không điển hình của nước Mỹ, trên ý nghĩa anh hùng phải là biểu tượng cho một nước Mỹ phồn vinh, luôn luôn xuất hiện và thu nhập nhiều triệu đôla bằng tài năng của mình. Còn họ có thể coi là những người bất hạnh, phải rời bỏ nghề nghiệp ở lứa tuổi đang phát triển nhất (khoảng 40) và những năm tháng còn lại của cuộc đời sống vô vị ở một nơi nào hẻo lánh đó, cố gắng để khỏi rơi một lần nữa vào tâm điểm chú ý của xã hội.


Collins: Michael Collins, người thứ ba trong êkip Apollo-11, khác với Amstrong và Aldrin, không đặt chân lên Mặt trăng mà ở lại lái con tàu bay vòng quanh, bảo đảm sự tiếp xúc với mođun Mặt trăng và đồng đội, số phận ra sao ?. Chắc mọi người đều đoán ngay ra được, ông cũng từ giã NASA hầu như ngay lập tức vào năm 1969. Sau đó, ông học về kinh doanh và những năm 1980, ông lập ra một công ty riêng.


20110520122259_anh2.jpg


Phi hành đoàn trên tàu Apollo-11 nhiều năm sau.

Một điều lạ lùng nữa là họ không được nước Mỹ tri ân ngay như những người con anh hùng của mình. Mãi đên năm 2009,nghĩa là đúng 40 năm sau ngày cắm cờ Mỹ lên Mặt trăng,họ mới được huy chương vàng của Quốc hội. Phải chăng cần bấy nhiêu năm, thấy mọi việc đều an toàn rồi người ta mới được trao tặng. Hãy nhớ lại răng Iuri Gagarin được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô xủa Xô viết tối cao từ ngày 14 Tháng tư năm 1961.Sau chuyến bay, ông đã đi vòng quanh thế giới,gặp gỡ nhà lãnh đạo các nước, những nhân vật nổi tiếng, những người dân thường, mỗi ngày hàng chục cuộc gặp như vậy.

Nhưng nhà du hành “Mặt trăng” Mỹ luôn luôn tìm các trốn tránh những cái nhìn lạ lẫm. Thật trái ngược với những nhà du hành vũ trụ Liên Xô.


Dù sao đi nữa thì Aldrin,sau khi vượt được những khó khăn trong cuộc sống,cũng bắt đầu trả lời phỏng vấn và tham gia hội thảo về những đề tài vũ trụ.Nhưng không may, ông mắc vào một vụ scandal lớn. Chẳng là vào năm 2002, khi ông đã ở tuổi 72, một người vốn không tin vào việc lên Mặt trăng là có thực tên là Bart Sibrel yêu cầu ông đặt tay quyển Kinh thánh và thề rằng mình đã từng lên Mặt trăng. Nhà cựu du hành vũ trụ không chịu thề. Sibrel bèn gọi Aldrin là “tên hèn nhát” và “kẻ lừa dối”. Thay vì câu trả lời, Aldrin tống thẳng một quả đấm vào quai hàm đối thủ.


Thật không thể tin được!


Tuấn Hà
(Theo KM.ru)
 
Đá Mặt trăng của Mỹ thực ra là gỗ?

Bạn có biết trên Mặt trăng cây cũng mọc không? Mãi tới gần đây các nhà khoa học Hà Lan mới “phát minh” ra điều rất “giật gân” ấy, sau khi nghiên cứu thận trong một hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Amsterdam do Mỹ mang từ Mặt trăng về.

Theo tin của hãng thông tấn AP, các chuyên gia đã phân tích một viên “đá Mặt trăng” - một món quà độc đáo mà Đại sứ Mỹ tại Hà Lan hồi đó là William Middendorf đã trân trọng tặng Thủ tướng Hà Lan là Villem Drees trong chuyến thăm “thiện chí” đất nước này của ba nhà du hành vũ trụ Mỹ, Niel Amstrong, Michael Collins và Edwin Aldrin - những người đầu tiên lên Mặt trăng và mang từ đó về. Thông qua Bộ Ngoại giao, Tổng thống Mỹ còn trao tặng “báu vật” này cho các nguyên thủ quốc gia.

20110520112733_da.jpg


Mẫu đá Mặt trăng Mỹ tặng Thủ tướng Hà Lan và thiếp gửi tặng của Đại sứ Mỹ (Bảo tàng Hà Lan.

Ngày chính xác trao tặng viên đá quý cho Thủ tướng Hà Lan là ngày 9/10/1969. Sau khi ông Drees từ trần, bảo vật ông để lại được bảo hiểm với giá là 500.000 đôla, và được mang ra trưng bày tại Viện bảo tàng Rijksmuseum ở Thủ đô Amsterdam, thu hút hàng vạn người đến chiêm ngưỡng.

Vào năm 2006, một chuyên gia không gian đến xem viên đá. Ông ngạc nhiên, đặt câu hỏi: Liệu NASA có hào phóng quá không khi đem tặng Hà Lan một tặng phẩm quý giá đến thế chỉ sau khi các phi hành gia Apollo-11 mới trở về 3 tháng? Đến lúc này, người ta mới có điều kiện nghiên cứu viên “đá Mặt trăng” được đặt bên cạnh các kiệt tác của Rembrandt bằng những phân tích độc lập tại nhiều cơ sở khoa học khác nhau để khách quan. Hoá ra “tặng phẩm quý” của Mỹ mang từ Mặt trăng là đồ dởm. Đó chỉ là một cục gỗ hoá thạch, có nguồn gốc từ bang Arizona (Hoa Kỳ).


Những chuyên viên của Viện bảo tàng Rijksmuseum đã có kế hoạch bảo quản nó rất cẩn thận tại Viện nhưng bây giờ câu chuyện đã khác hẳn. Bà Xandra van Gelder chia sẻ sự thất vọng của mình với phóng viên hãng AP: “Chúng tôi sẽ vẫn giữ nó như một vật lạ (mà bà đánh giá, nó chỉ bán được với giá không hơn 50 euro). Đây là một hành vi đùa giỡn, chưa kể những xúc phạm khác nữa”.


Hiện nay, ông cựu đại sứ Mỹ William Middendorf vẫn còn sống, vô tình trở thành kẻ đồng loã của một vụ lừa bịp đáng xấu hổ vì đã trao tặng cho người đứng đầu một nước biểu tượng của nước Mỹ, của nền công nghiệp Mỹ một tặng phẩm vớ vẩn đến thế. Nhưng biết làm thế nào được vì Bộ Ngoại giao Mỹ cũng rất lúng túng khi Hà Lan phanh phui chuyện này.


Các nhà nghiên cứu Đại học Tự do ở Amsterdam nói rằng: “Chỉ cần nhìn qua họ đã biết không phải viên đá lấy từ Mặt trăng và kết luận đã được chứng thực bởi các cuộc kiểm tra khoa học”.


Chúng ta hãy nhớ lại rằng để khuếch trương thành quả của ngành chinh phục vũ trụ Mỹ, năm 1973 Tổng thống Nixon đã mang những viên đá Mặt trăng tặng cho nguyên thủ quốc gia của 135 nước thành viên Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên sau mấy chục năm, đến nay hơn một nửa số đá này, dù được các nước bảo vệ nghiêm ngặt, đã bị đánh cắp một cách rất bí mật.


Hiện nay, người ta được biết chỉ 13% những viên đá Mặt trăng được Mỹ tặng cho các nước, được bảo quản trong những quả cầu hoặc hình trụ bằng plexiglass gắn kín. Không quốc gia nào trong số này trưng bày chúng cho công chúng thưởng lãm, một số nước còn lưu kho số đá này trong nhiều thập niên mà chưa nhìn đến lần nào.


Đó là một tiền lệ chưa từng có của ngành bảo tàng thế giới. Những thắc mắc về đá Mặt trăng, gửi đến NASA chưa bao giờ được NASA trả lời.


Với những câu chuyện nói trên càng làm cho người ta nghi ngờ các chuyến du hành tới Mặt trăng là không có thật.


Tuấn Hà
(Theo KM.ru)
 
Mỹ đã lên Mặt trăng: Lý lẽ biện minh

Một số chuyên gia Mỹ đã lên tiếng phản bác một số cáo buộc phổ biến nhất. Họ đưa ra lời giải thích cho những điểm "bất thường" trong các bức ảnh chụp được coi là bằng chứng cho cuộc đổ bộ lịch sử.

Mặc dù, đã hơn 40 năm kể từ khi nhà du hành vũ trụ Mỹ Neil Armstrong trở thành người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên mặt trăng, nhiều nhà lý luận theo "chủ thuyết âm mưu" cho đến nay vẫn khăng khăng rằng việc tàu Apollo hạ cánh xuống mặt trăng chỉ là một trò bịp bợm tinh vi.

Sau đây là những lời giải thích của một số chuyên gia Mỹ.



Cờ bay phấp phới trong môi trường không khí quyển của mặt trăng?
20110524152910_1.jpg


Cuộc đổ bộ mặt trăng của tàu Apollo 11 từng bị nghi là giả mạo vì quốc kỳ Mỹ dường như "đang tung bay trong cơn gió nhẹ" trong các đoạn video và bức ảnh được cho là chụp trên bề mặt trăng thiếu không khí. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích rằng, lá cờ có một lỗ cắm thanh xuyên ngang gờ trên cùng để có thể trải rộng khi chụp ảnh và không bị rủ xuống cột cờ. Các phi hành gia Apollo 11 đã vô tình không trải căng lá cờ hết thanh giữ nằm ngang và để lại nhiều vết nhăn gập trên quốc kỳ, tạo ấn tượng khi chụp hình như lá cờ đang tung bay.

Ai chụp ảnh cho các phi hành gia?

20110524152910_2.jpg


Hình Neil Armstrong và tàu đổ bộ mặt trăng Eagle của Apollo 11 được phản chiếu trong tấm kính che mặt của phi hành gia Buzz Aldrin trong một bức ảnh nổi tiếng được chụp trong cuộc đổ bộ của tàu Apollo 11 tháng 7/1969. Bạn có thể nói đây là sự dàn dựng cảnh vì chỉ có hai phi hành gia đi bộ thám hiểm mặt trăng tại thời điểm đó nhưng trong các bức ảnh như trên, hình cả hai đều xuất hiện rõ nét khi không có dấu hiệu của camera. Vậy ai đã chụp bức ảnh?

Câu trả lời được đưa ra là, các camera được gắn trên ngực của các phi hành gia. Hơn thế nữa, trước khi tham gia chuyến bay thám hiểm mặt trăng, họ đều đã được huấn luyện và tập dượt kỹ lưỡng cách chụp những bức ảnh đẹp về miền đất mới này bằng các camera chuyên dụng tốt nhất.

Các ngôi sao biến đi đâu?

20110524152910_3.jpg


"Lạy Chúa tôi, bầu trời đầy sao!", là câu cảm thán phát ra từ miệng nhân vật Dave Bowman trong tác phẩm nổi tiếng của Arthur C. Clarke (2001) khi đối diện với sự rộng lớn của không gian. Nhiều người nghi ngờ bức ảnh trên của NASA là "hàng giả" vì các nhà du hành vũ trụ Mỹ đã không thốt lên câu cảm thán như vậy khi đặt chân lên mặt trăng và rõ ràng là không thấy xuất hiện bất kỳ ngôi sao nào trên cảnh nền đen ngòm trong những bức hình họ chụp mặc dù vũ trụ đầy sao.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ, các ngôi sao vẫn ở nguyên chỗ nhưng chúng quá mờ nhạt. Bề mặt mặt trăng phản xạ ánh sáng mặt trời và điều đó khiến rất khó để nhìn thấy các ngôi sao. Hơn thế nữa, các phi hành gia ghi lại hình ảnh cuộc thám hiểm mặt trăng của họ bằng cách thiết lập chế độ chụp nhanh, khiến ánh sáng nền thu được khá hạn chế. "Với tốc độ chụp ảnh 1/150 hoặc 1/250 của một giây thì các ngôi sao không thể xuất hiện", chuyên gia thiên văn học Phil Plait - chủ tịch Quỹ giáo dục James Randi - nhấn mạnh.

Thiết bị đổ bộ không gây xáo trộn bề mặt trăng?

20110524152920_4.jpg


Thiết bị đổ bộ mặt trăng có tên gọi Eagle của phi hành đoàn Apollo 11 tọa lạc một cách yên bình trên bề mặt mặt trăng trong một bức ảnh chụp vài giờ sau khi đáp xuống hành tinh này ngày 20/7/1969. Bức ảnh này trông có vẻ "bất thường" vì thiết bị Eagle dường như đang yên vị trên nền đất tương đối bằng phẳng, không xáo trộn. Theo những người hoài nghi, việc đáp xuống của thiết bị đổ bộ đáng lẽ phải kèm theo một đám mây bụi lớn và hình thành một cái hố dễ thấy.

Các chuyên gia Mỹ biện minh rằng, các động cơ của thiết bị đổ bộ đã được giảm ga ngay trước khi hạ cánh và Eagle đã không bay liệng đủ lâu để tạo thành một lỗ hổng trên bề mặt mặt trăng hay làm tung bụi mù mịt. "Các bộ phim khoa học viễn tưởng thường khắc họa cảnh náo động lớn khi tàu vũ trụ hạ cánh nhưng việc đó không xảy ra trên mặt trăng. Điều này cũng sẽ không xảy ra trong bất kỳ cuộc đổ bộ nào của tàu vũ trụ xuống mặt trăng trong tương lai", Roger Launius - nhà sử gia hàng không vũ trụ thuộc Viện bảo tàng Vũ trụ và hàng không quốc Smithsonian tại Washington, khẳng định.

Sự xuất hiện của bóng râm kỳ lạ?

20110524152920_5.jpg


Một bức ảnh về cuộc đổ bộ của phi hành đoàn Apollo 11 cho thấy, nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin đứng trên bệ đỡ bậc thang của thiết bị Eagle. Đầu gối cong gập của Aldri cho thấy ông sắp sửa nhảy lên bậc thang kế tiếp. Nhiều người hoài nghi bức ảnh này vì Aldrin đứng trong bóng của cái thang nhưng vẫn được khắc họa rất rõ. Những người cáo buộc Mỹ "bịp bợm" quả quyết, rất nhiều bóng râm trong các bức ảnh chụp sứ mệnh Apollo 11 trông rất lạ. Một số bóng râm dường như không tương đồng và một số đối tượng trong bóng râm có vẻ được chiếu sáng tốt, cho thấy ánh sáng xuất phát từ nhiều nguồn đáng ngờ như các camera trong studio.

Lời giải thích của các chuyên gia Mỹ là, quả thực có nhiều nguồn chiếu sáng. "Bạn có mặt trời, ánh sáng phản xạ của trái đất, ánh sáng hắt ra từ thiết bị đổ bộ mặt trăng, các bộ đồ du hành vũ trụ và cả bề mặt trăng. Một điểm quan trọng nữa cần ghi nhớ là bề mặt mặt trăng không bằng phẳng. Nếu một đối tượng ở trong một chiều dốc, bạn sẽ có một cái bóng khác hẳn so với một đối tượng ngay cạnh đó, trên một bề mặt bằng phẳng", nhà sử học Launius nói.

Vết ủng hằn quá rõ trên nền đất khô cằn?

20110524152920_6.jpg


Các đường tương phản của một vết ủng xuất hiện khi phi hành gia Buzz Aldrin nhấc chân để ghi lại một hình ảnh phục vụ nghiên cứu các đặc tính của đất trên mặt trăng. Các bức ảnh mà phi hành đoàn Apollo 11 cung cấp cho thấy vô số vết ủng rõ nét bị bỏ lại phía sau khi các phi hành gia dạo chơi trên mặt trăng. Ban có thể nói những bức ảnh kiểu như vậy là giả mạo vì vết chết của các phi hành gia quá rõ nét trên một bề mặt khô cằn. Chúng ta đều biết rằng, vết chân hằn rõ có thể chỉ được hình thành trên cát ướt.

Các chuyên gia Mỹ bác bỏ nghi ngờ trên là vô căn cứ. Theo họ, bụi trên mặt trăng hay còn gọi là "regolith" giống như một chất bột được nghiền mịn. Khi bạn quan sát chúng dưới kính hiển vi, chúng trông gần như tro núi lửa. Vì vậy, khi bạn giẫm lên regolith, chúng có thể nén rất dễ dàng theo hình dạng của đế ủng. Và các dấu vết đó có thể tồn tại vẹn nguyên trong thời gian dài nhờ môi trường không có không khí trên mặt trăng.

Tại sao các phi hành gia không thiệt mạng vì bức xạ?

20110524152930_8.jpg


Nhiều người hoài nghi đặt ra câu hỏi rằng, tại sao các nhà du hành vũ trụ tham gia trên tàu Apollo 11 đã không thiệt mạng trước lượng lớn bức xạ mà họ phải nhận trong quá trình tham gia sứ mệnh thám hiểm mặt trăng. Phần lớn nghi ngờ này liên quan đến sự tồn tại của các vành đai Van Allen - những từ trường bao quanh trái đất, tóm giữ các hạt từ ​​gió mặt trời và theo lý thuyết, khi đi qua những khu vực này sẽ khiến các nhà du hành vũ trụ nhiễm đủ lượng bức xạ gây chết người.

Tuy nhiên, các chuyên gia Mỹ khẳng định thần chết chỉ hỏi thăm khi các phi hành gia lưu lại đủ lâu trong khu vực vành đai Van Allen. Trong khi thực tế, trong các sứ mệnh của tàu Apollo, các phi hành gia chỉ vượt qua khu vực vành đai nguy hiểm trong khoảng một giờ đồng hồ. Hơn thế nữa, các tàu vũ trụ có vỏ bọc kim loại chuyên dụng đã bảo vệ họ khỏi hầu hết các bức xạ.

Mọi thứ không tan chảy trong nhiệt độ 138 độ C?

20110524152930_9.jpg


Nhiệt độ bề mặt của mặt trăng lên tới 138 độ C. Không có gì hoạt động được ở mức nhiệt độ đó, ví dụ như phim sử dụng để quay phim và chụp ảnh có thể sẽ tan chảy. Vậy tại sao, phi hành đoàn Apollo 11 vẫn thu được những thước phim và các bức ảnh khá tốt khi đổ bộ lên mặt trăng? Câu trả lời là, các phi hành gia cùng các thiết bị và phim ghi hình đều được bao bọc trong các lớp hoặc hộp bảo vệ công nghệ cao. Thêm vào đó, phi hành đoàn đổ bộ lúc bình minh của mặt trăng nên nhiệt độ xuống thấp đáng kể.

Ai ghi hình các phi hành gia rời mặt trăng?

20110524152935_10.jpg


Một trong những nghi ngờ điển hình đối với cuộc đổ bộ mặt trăng của phi hành đoàn Apollo 11 là đoạn băng ghi hình và các bức ảnh chụp họ rời khỏi hành tinh này? Ai là tác giả của những thước phim ấy? Theo NASA, tất cả là sản phẩm của một camera được bỏ lại trên bề mặt trăng và được điều khiển từ dưới trái đất.

Các vật bỏ lại trên mặt trăng biến đi đâu?

20110524152930_7.jpg


Khi hai phi hành gia Armstrong và Aldrin của tàu Apollo 11 cất cánh rời mặt trăng vào tháng 7/1969, họ để phía sau một phần của thiết bị đổ bộ Eagle, quốc kỳ Mỹ cũng như một số dụng cụ và vật lưu niệm khác, kể cả máy đo địa chấn mà Aldrin đang điều chỉnh trong hình ở trên. Theo những người hoài nghi, với các công cụ hiện đại ngày nay như kính viễn vọng không gian Hubble, có khả năng quan sát những vùng xa xôi của vũ trụ, chắc chắn các nhà khoa học có thể nhìn thấy những vật khác nhau vẫn còn trên mặt trăng. Tuy nhiên, không có bức ảnh nào về các vật thể như vậy từng tồn tại.

Các chuyên gia Mỹ phản biện rằng, cho tới tận ngày nay, không có bất kỳ kính thiên văn nào trên trái đất hoặc trong không gian có sức mạnh quan sát tới như vậy. Theo họ, chúng ta chỉ có thể tính toán và phỏng đoán, vì ngay cả với kính viễn vọng lớn nhất trên trái đất, vật thể nhỏ nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy trên bề mặt mặt trăng phải có kích thước lớn hơn một ngôi nhà.

Thay cho lời kết

Nhà chức trách Mỹ cũng như nhiều hãng truyền thông và dư luận phương Tây từ lâu ra sức bảo vệ các lý lẽ phản biện mọi nghi ngờ điển hình đối với các bằng chứng hình ảnh về sứ mệnh thám hiểm mặt trăng Apollo 11. Họ cho rằng, các cáo buộc Mỹ tạo dựng "vụ lừa đảo thế kỷ" là vô căn cứ và nhằm phủ nhận thắng lợi của Mỹ trong cuộc chạy đua vào không gian với Liên Xô trước đây cũng như sự thành công của chương trình mặt trăng mà Mỹ theo đuổi.

Tuy nhiên, chính các học giả và nhiều người Mỹ cũng bị sốc và thừa nhận không hiểu vì sao cách đây vài năm, NASA thông báo một tin buồn, đầy lạ lùng rằng họ đã mất toàn bộ tư liệu ảnh và phim gốc về cuộc đổ bộ lịch sử. Mọi việc càng trở nên khó hiểu khi NASA đưa ra lời giải thích sau đó rằng các tấm phim nguyên bản quý giá ấy đã bị xóa đi để sử dụng lại hoặc không thể sử dụng được nữa vì bị hư hỏng do bảo quản quá lâu trong kho.

Dư luận lại xuất hiện vô số phỏng đoán cho hành động kỳ quặc của NASA và một lần nữa, đây lại lại căn cứ bồi đắp cho những nghi ngờ người Mỹ thực tế chưa từng đặt chân lên mặt trăng.

Có lẽ, chỉ những người liên quan trực tiếp đến các sứ mệnh của tàu Apollo như Neil Armstrong mới biết sự thực về cuộc thám hiểm mặt trăng của Mỹ.


  • Thanh Bình (Tổng hợp)
VietnamNet
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top