Trong Lịch sử Việt Nam có một vị đại thần có công hai lần khai quốc. Bạn có biết là ai không? Mời các bạn đọc bài viết dưới đây nhé!
Nguyễn Xí tên chữ Hán có nghĩa là ngọn lửa rực sáng (Xí) của họ Nguyễn, sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Mồ côi cha mẹ từ khi 9 tuổi, Nguyễn Xí cùng với anh trai là Nguyễn Biện rời quê hương ra đất Lam Sơn (Thanh Hóa) ở với Lê Lợi. Cũng trong thời gian đó, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do Hồ Quý Ly lãnh đạo thất bại, từ đó nước ta chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan.
Năm 1416, Lê Lợi dấy nghĩa chống giặc Minh xâm lược bằng việc cùng 18 chiến hữu mở hội thề Lũng Nhai. Hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đều có mặt. Đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa phất cao ở Lam Sơn, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí chính thức trở thành nghĩa quân. Năm đó, Nguyễn Xí 21 tuổi, đã cùng anh trai và các chiến hữu lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi... thuộc các vùng thượng lưu sông Chu. Từ đây đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông. Ông đã gắn bó với sự nghiệp cứu nước của Lê Lợi và triều đại nhà Lê.
Mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, Nguyễn Xí đã trở thành một vị tướng tài ba, dũng cảm. Đặc biệt, trong trận đánh tiêu diệt giặc lần cuối cùng tại Xương Giang, vai trò của Nguyễn Xí trong khi cùng Đinh Liệt chỉ huy 3.000 quân thiết đột và 4 thớt voi để phối hợp tác chiến với các cánh quân khác của Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Văn An... là rất vẻ vang. Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn giải phóng sau 20 năm chìm đắm dưới ách thống trị của giặc Minh. 'Bình Ngô đại cáo' vang dội khắp non sông.
Sau đại thắng, ngày 24-4-1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên. Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần và được nhà vua thăng chức Long hổ thượng tướng quân, Suy trung bảo chính công thần, được ban quốc tính thuộc họ Lê gọi là Lê Xí.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời. Nguyễn Xí nhận di chiếu cùng một số quần thần lập Thái tử Nguyên Long lên ngôi vua, tức Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, và ông giữ cương vị Phụ nhiếp chính triều đình (giúp vua điều hành công việc triều chính). Năm 1437, Nguyễn Xí được cử giữ chức Tham tri chính sự kiện tri tư tụng.
Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, củng cố chế độ nhà Lê. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông lại cầm quân đi đánh giặc, đó là năm Bính Tuất (1446) giặc Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi phía Nam. Cùng với các tướng trong triều, Nguyễn Xí đã đánh thắng trận và bắt được nhiều tướng giặc. Đặc biệt, khi vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh Lê Nghi Dân giết Lê Băng Cơ và Hoàng thái hậu chiếm đoạt ngôi vua, gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình, Nguyễn Xí đã chủ xướng cuộc chính biến vào ngày 6-6-1460 diệt trừ bọn phản loạn. Sau khi dẹp bỏ Lê Nghi Dân và bè đảng, Nguyễn Xí đưa Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi báu. Đây là vị vua anh minh, được sử sách đánh giá là một vương triều cực thịnh, toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta và một quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á.
( Ảnh sưu tầm internet)
Với chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và công lao vĩ đại đối với quốc gia trong việc lập lại triều chính, Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông ban tặng là người: 'Bình Ngô khai quốc/ Tịnh nạn trung hưng'. Cũng chính từ đó, các đời sau coi Nguyễn Xí là: 'Người hai lần khai quốc'.
Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều vua Lê, Nguyễn Xí một lòng một dạ trung trinh, khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ. Theo đó, chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối 'Động vi binh, tĩnh vi dân' (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân), cấp cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân ở các vùng mới khai phá.
Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông hết lòng kính trọng. Lê Thánh Tông còn viết bài 'Chế dụ' dành tặng Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng:
'Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại... Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh...'.
Ngày Giáp Thìn 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí tạ thế, hưởng thọ 69 tuổi. Nhà vua khi nghe tin đã bỏ ba ngày ngự triều. Linh cữu của ông được quàn tại điện Kính Thiên. Trước ngày phát tang, các quan văn võ đại thần đều hội tế theo nghi lễ Quốc tang, sau đó chuyển linh cữu về quê nhà ở Thượng Xá để an táng. Nhà vua còn truy tặng ông chức tước 'Thái sư Cương Quốc công, Đặc ân khai quốc, Thụy Nghĩa vụ'. Đến các triều vua sau tiếp tục phong cho ông mức cao nhất là 'Thượng thượng đẳng tôn thần'.
Hai năm sau khi Nguyễn Xí mất, nhà vua cho dựng đền thờ ông theo chế độ Quốc lập (nhà nước dựng nên) và Quốc tế (nhà nước tế tự), sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ 20 do sự điều khiển của vị quản tộc là Tú tài hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn (theo 'An Tĩnh cổ lục'-Le vieux An-Tinh của tác giả người Pháp Hippolyte le Breton). Hiện tại, đây là khu di tích vào loại nhất trên đất Nghệ An. Hằng năm, vào dịp 30 tháng Giêng, mồng một, mồng 2 tháng 2 âm lịch, chính quyền địa phương cùng dòng họ Nguyễn Đình long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến vị danh tướng, danh thần kiệt xuất của dân tộc Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Với tư cách một nhân vật lịch sử có tầm vóc lớn, Nguyễn Xí đã được tôn vinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông vừa là nguồn cảm hứng sáng tác trong văn chương, vừa là một trong những người được biểu dương công trạng bằng sử sách, thư tịch như: Tộc phả, bi ký, thần tích, sử học... Đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng, được treo trang trọng ở điện thờ chính của ngài: 'Hà nhạc nhật linh thiên thu hạo khí/ Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong' (dịch nghĩa: Sông núi sao trời ngàn năm hào khí/ Cha con huynh đệ muôn thuở anh hào).
Tại đền thờ, để tỏ lòng ngưỡng vọng công đức Thái sư Cương Quốc công, các thế hệ con cháu đã trang trọng đặt bức tượng của ngài bằng đồng ngay tại gian chính của điện thờ. Bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang vẻ đẹp tinh xảo, vừa làm nổi bật được thần uy của vị danh tướng kiệt xuất xứ Nghệ-người có công lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với những kiến thức về thượng thượng đẳng tôn thần Nguyễn Xí, Sen Biển mong rằng sẽ mang đến cho quý vị những kiến thức lịch sử bổ ích. Nhớ thường xuyên ghé thăm Vnkienthuc.com nhé!
Sen Biển( sưu tầm)
Nguyễn Xí tên chữ Hán có nghĩa là ngọn lửa rực sáng (Xí) của họ Nguyễn, sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc (nay là xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Mồ côi cha mẹ từ khi 9 tuổi, Nguyễn Xí cùng với anh trai là Nguyễn Biện rời quê hương ra đất Lam Sơn (Thanh Hóa) ở với Lê Lợi. Cũng trong thời gian đó, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống quân Minh do Hồ Quý Ly lãnh đạo thất bại, từ đó nước ta chìm đắm trong cảnh nước mất nhà tan.
Năm 1416, Lê Lợi dấy nghĩa chống giặc Minh xâm lược bằng việc cùng 18 chiến hữu mở hội thề Lũng Nhai. Hai anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí đều có mặt. Đầu năm Mậu Tuất (1418), ngọn cờ khởi nghĩa phất cao ở Lam Sơn, anh em Nguyễn Biện, Nguyễn Xí chính thức trở thành nghĩa quân. Năm đó, Nguyễn Xí 21 tuổi, đã cùng anh trai và các chiến hữu lập công đầu trong các trận đánh ở Lạc Thủy, Mường Thôi... thuộc các vùng thượng lưu sông Chu. Từ đây đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong cuộc đời ông. Ông đã gắn bó với sự nghiệp cứu nước của Lê Lợi và triều đại nhà Lê.
Mười năm nếm mật nằm gai, vào sinh ra tử, Nguyễn Xí đã trở thành một vị tướng tài ba, dũng cảm. Đặc biệt, trong trận đánh tiêu diệt giặc lần cuối cùng tại Xương Giang, vai trò của Nguyễn Xí trong khi cùng Đinh Liệt chỉ huy 3.000 quân thiết đột và 4 thớt voi để phối hợp tác chiến với các cánh quân khác của Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Văn An... là rất vẻ vang. Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang kết thúc thắng lợi, đất nước hoàn toàn giải phóng sau 20 năm chìm đắm dưới ách thống trị của giặc Minh. 'Bình Ngô đại cáo' vang dội khắp non sông.
Sau đại thắng, ngày 24-4-1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Thuận Thiên. Nguyễn Xí trở thành một trong số đệ nhất khai quốc công thần và được nhà vua thăng chức Long hổ thượng tướng quân, Suy trung bảo chính công thần, được ban quốc tính thuộc họ Lê gọi là Lê Xí.
Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời. Nguyễn Xí nhận di chiếu cùng một số quần thần lập Thái tử Nguyên Long lên ngôi vua, tức Lê Thái Tông lúc mới 10 tuổi, và ông giữ cương vị Phụ nhiếp chính triều đình (giúp vua điều hành công việc triều chính). Năm 1437, Nguyễn Xí được cử giữ chức Tham tri chính sự kiện tri tư tụng.
Trong vương triều nhà Lê, Nguyễn Xí giữ nhiều chức vụ trọng yếu, góp phần to lớn để xây dựng đất nước, mở mang bờ cõi, củng cố chế độ nhà Lê. Khi đất nước bị ngoại xâm, ông lại cầm quân đi đánh giặc, đó là năm Bính Tuất (1446) giặc Chiêm Thành xâm phạm bờ cõi phía Nam. Cùng với các tướng trong triều, Nguyễn Xí đã đánh thắng trận và bắt được nhiều tướng giặc. Đặc biệt, khi vương triều nhà Lê bị lâm vào cảnh Lê Nghi Dân giết Lê Băng Cơ và Hoàng thái hậu chiếm đoạt ngôi vua, gây ra sự nhiễu loạn trong triều đình, Nguyễn Xí đã chủ xướng cuộc chính biến vào ngày 6-6-1460 diệt trừ bọn phản loạn. Sau khi dẹp bỏ Lê Nghi Dân và bè đảng, Nguyễn Xí đưa Lê Tư Thành tức Lê Thánh Tông lên ngôi báu. Đây là vị vua anh minh, được sử sách đánh giá là một vương triều cực thịnh, toàn diện nhất trong chế độ phong kiến nước ta và một quốc gia cường thịnh ở vùng Đông Nam Á.
( Ảnh sưu tầm internet)
Với chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống quân Minh giải phóng dân tộc và công lao vĩ đại đối với quốc gia trong việc lập lại triều chính, Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông ban tặng là người: 'Bình Ngô khai quốc/ Tịnh nạn trung hưng'. Cũng chính từ đó, các đời sau coi Nguyễn Xí là: 'Người hai lần khai quốc'.
Trong cuộc đời làm quan phụng sự 4 triều vua Lê, Nguyễn Xí một lòng một dạ trung trinh, khai quốc công thần, mở mang đất đai bờ cõi non sông, bảo vệ từng tấc đất cha ông để lại. Không chỉ là một võ tướng tài ba, Nguyễn Xí còn là một nhà chính trị lỗi lạc đối với quốc nội và quốc ngoại thời kỳ đó. Ông đã có vai trò khá quyết định trong nhiều chính sách tiến bộ. Theo đó, chia quân ra làm 5 phiên, chỉ để một phiên tại ngũ còn lại cho về làm ruộng theo đường lối 'Động vi binh, tĩnh vi dân' (khi động thì làm lính, khi tĩnh thì làm dân), cấp cho dân những nơi không có ruộng đất đến cày cấy ở những nơi thừa ruộng đất, cấm không được giữ đất để bỏ hoang, cho miễn thuế, miễn mọi thứ tạp dịch phu phen nhằm tạo sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân ở các vùng mới khai phá.
Nguyễn Xí được vua Lê Thánh Tông hết lòng kính trọng. Lê Thánh Tông còn viết bài 'Chế dụ' dành tặng Nguyễn Xí với lời lẽ hết sức trân trọng:
'Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại... Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều, lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy danh...'.
Ngày Giáp Thìn 30 tháng 10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí tạ thế, hưởng thọ 69 tuổi. Nhà vua khi nghe tin đã bỏ ba ngày ngự triều. Linh cữu của ông được quàn tại điện Kính Thiên. Trước ngày phát tang, các quan văn võ đại thần đều hội tế theo nghi lễ Quốc tang, sau đó chuyển linh cữu về quê nhà ở Thượng Xá để an táng. Nhà vua còn truy tặng ông chức tước 'Thái sư Cương Quốc công, Đặc ân khai quốc, Thụy Nghĩa vụ'. Đến các triều vua sau tiếp tục phong cho ông mức cao nhất là 'Thượng thượng đẳng tôn thần'.
Hai năm sau khi Nguyễn Xí mất, nhà vua cho dựng đền thờ ông theo chế độ Quốc lập (nhà nước dựng nên) và Quốc tế (nhà nước tế tự), sai Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn bia để khắc vào đá. Đền thờ Nguyễn Xí được trùng tu quy mô nhất vào những năm 20 của thế kỷ 20 do sự điều khiển của vị quản tộc là Tú tài hàn lâm viện đại chiếu Nguyễn Huy Côn (theo 'An Tĩnh cổ lục'-Le vieux An-Tinh của tác giả người Pháp Hippolyte le Breton). Hiện tại, đây là khu di tích vào loại nhất trên đất Nghệ An. Hằng năm, vào dịp 30 tháng Giêng, mồng một, mồng 2 tháng 2 âm lịch, chính quyền địa phương cùng dòng họ Nguyễn Đình long trọng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến vị danh tướng, danh thần kiệt xuất của dân tộc Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xí.
Với tư cách một nhân vật lịch sử có tầm vóc lớn, Nguyễn Xí đã được tôn vinh dưới nhiều hình thức khác nhau. Ông vừa là nguồn cảm hứng sáng tác trong văn chương, vừa là một trong những người được biểu dương công trạng bằng sử sách, thư tịch như: Tộc phả, bi ký, thần tích, sử học... Đôi câu đối do vua Lê Thánh Tông ban tặng, được treo trang trọng ở điện thờ chính của ngài: 'Hà nhạc nhật linh thiên thu hạo khí/ Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong' (dịch nghĩa: Sông núi sao trời ngàn năm hào khí/ Cha con huynh đệ muôn thuở anh hào).
Tại đền thờ, để tỏ lòng ngưỡng vọng công đức Thái sư Cương Quốc công, các thế hệ con cháu đã trang trọng đặt bức tượng của ngài bằng đồng ngay tại gian chính của điện thờ. Bức tượng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, vừa mang vẻ đẹp tinh xảo, vừa làm nổi bật được thần uy của vị danh tướng kiệt xuất xứ Nghệ-người có công lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Với những kiến thức về thượng thượng đẳng tôn thần Nguyễn Xí, Sen Biển mong rằng sẽ mang đến cho quý vị những kiến thức lịch sử bổ ích. Nhớ thường xuyên ghé thăm Vnkienthuc.com nhé!
Sen Biển( sưu tầm)