• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Người đẹp ngủ mê

  • Thread starter Thread starter vosong
  • Ngày gửi Ngày gửi

vosong

New member
Xu
0
Chắc mụ chẳng chịu đưa thuốc cho ông đâu. Và Eguchi chẳng thấy hăm hở gì mà đứng dậy bây giờ, và cũng chẳng thực sự muốn loại thuốc đó làm gì. Ông nằm ngửa và đưa cả hai tay ôm cổ hai cô gái. Cổ một cô thì mềm dịu, thơm tho; cổ cô kia, rắn chắc và trơn dầu. Một cái gì đó trào lên trong cõi lòng. Ông nhìn, khi sang phải, khi sang trái, những tấm màn đỏ thẫm.



“A!”



“A!” Cô gái da ngăm kêu lên như thể trả lời ông. Nàng đặt tay lên ngực ông. Có phải nàng đang bị đau đớn không? Ông rút tay mình rồi quay lưng về phía nàng. Ông đặt bàn tay đó lên bụng dưới cô gái da sáng. Và nhắm mắt lại.



“Người đàn bà cuối cùng trong đời ta? Tại sao ta phải nghĩ thế? Dù chỉ trong giây phút.” Và thực ra, ai là người đàn bà đầu tiên trong đời ông?



Eguchi thấy choáng váng hơn là buồn ngủ.



Người đàn bà đầu tiên: “Mẹ.” Ý nghĩ này bất ngờ xẹt qua đầu ông như tia chớp. “Không phải mẹ thì ai vào đấy nữa.” Câu trả lời không chờ đợi này hiện ra như thể hiển nhiên. “Nhưng ta có thể nói được mẹ là người đàn bà của ta không?”



Sáu mươi bảy năm sống ở đời và bây giờ nằm giữa hai cô gái trần truồng, cái sự thực mới mẻ này hiện lên tự đáy lòng ông. Sự báng bổ? Hay nỗi khát khao? Ông mở mắt rồi chớp mắt nhiều lần như muốn xua đuổi một cơn mộng dữ. Nhưng thuốc ngủ tiếp tục tác động lên trí não. Ông cảm thấy đau âm ỉ trong đầu. Nửa tỉnh, nửa mê, ông đuổi theo hình ảnh người mẹ; rồi sau cùng với tiếng thở dài, ông nắm quả vú mỗi cô gái trong lòng bàn tay, bên phải và bên trái. Cái thì mịn màng, cái thì trơn dầu. Ông lại nhắm mắt.



Bà mẹ Eguchi lìa đời vào một đêm mùa đông khi ông mười bảy tuổi. Ông và cha, mỗi người cầm một bàn tay bà. Bà mắc bệnh lao từ lâu, đôi tay chỉ còn xương với da nhưng bà nắm chặt đến nỗi Eguchi thấy đau điếng cả mấy ngón tay. Và cái lạnh lẽo từ tay bà bắt đầu truyền sang, lên tận vai ông. Cô y tá đang xoa bóp bàn chân bà lặng lẽ rời phòng. Chắc là đi gọi bác sĩ.



“Yoshio, Yoshio.” Bà mẹ thì thào trong tiếng thở hổn hển. Eguchi đoán được lời mẹ, và đưa tay dịu dàng vuốt lên, vuốt xuống bộ ngực phập phồng khó nhọc; cùng lúc bà lại mửa ra rất nhiều máu. Máu cũng tuôn ra từ mũi. Bà nghẹn thở. Không thể nào chùi kịp máu với gạc băng bó hay các tấm khăn để sẵn bên gối.



“Yoshio, dùng tay áo mà chùi đi con,” người cha bảo. “Y tá, y tá! Đem chậu, đem nước tới đây mau!…Phải đó, gối sạch, áo ngủ với khăn trải giường nữa.”



Điều này cũng tự nhiên thôi. Khi ông già Eguchi nghĩ rằng mẹ ông chính là người đàn bà đầu tiên trong đời ông, ông cũng nghĩ đến cái chết của bà.



“A!” Ông thấy những tấm màn phủ quanh căn phòng bí mật này mang màu máu. Nhắm mắt thật chặt nhưng màu huyết vẫn hiện ra trong đáy mắt, không thể xóa nhòa. Bây giờ ông đã ngủ chập chờn vì thuốc thấm hơn. Hai lòng bàn tay vẫn nắm gọn đôi vú thanh tân của hai cô gái. Ý thức và lý trí ông đã tê liệt, và hình như nước mắt ứa ra từ khóe mắt già nua.



Tại sao ở một nơi chốn như thế này ông lại nghĩ về mẹ ông như là người đàn bà đầu tiên trong đời ông? Và cái ý nghĩ mẹ ông là người đàn bà đầu tiên không làm nảy ra những ý nghĩ về những người đàn bà khác sau này. Thực sự, vợ ông mới là người đàn bà đầu tiên, đúng với tên gọi. Thôi được rồi; nhưng bà vợ già của ông sau khi gả chồng cho ba cô con gái đang ngủ một mình trong đêm đông giá rét này. Hay là bà ấy còn thức? Bà không thể nghe được tiếng sóng ở chỗ bà nhưng cái lạnh về đêm chắc buốt hơn chỗ này. Ông tự hỏi hai cái vú dưới lòng bàn tay là cái gì đối với ông. Cái gì đó vẫn sống với giòng máu nóng luân lưu bên trong - khi chính ông đã chết rồi. Nhưng điều này có nghĩa gì chứ? Ông dùng chút sức tàn uể oải bóp chúng. Không thấy phản ứng gì, vì đôi vú cũng đắm chìm trong cơn ngủ mê. Khi vuốt lên, vuốt xuống ngực bà mẹ trong giờ phút cuối cùng, Eguchi dĩ nhiên cảm nhận được đôi vú khô héo của bà. Nhưng chúng đâu còn là vú nữa. Bây giờ ông không nhớ chúng ra sao nữa. Ông chỉ còn nhớ được đã mò mẫm tìm vú mẹ rồi lăn ra ngủ những ngày thơ ấu.



Eguchi càng lúc càng bị kéo sâu vào giấc ngủ. Rút tay từ ngực hai cô gái về để tìm thế nằm thoải mái hơn, ông xoay người về phía cô da ngăm vì mùi người rất nồng. Hơi thở nặng nhọc của nàng phả vào mặt ông. Miệng nàng mở hé.



“Một cái răng khểnh. Trông xinh tệ.” Ông dùng hai ngón tay kẹp nó. Răng nàng to nhưng cái này thì nhỏ. Hơi thở nàng chặn ông lại, nếu không ông đã đưa miệng hôn lên cái răng khểnh đó rồi. Mùi người nồng gây khó ngủ, ông đành quay người lại. Vậy mà luồng hơi thở của nàng vẫn phả theo tận gáy ông. Nàng không ngáy nhưng thở to tiếng. Eguchi khom vai, áp má lên trán cô gái da sáng. Cô này có lẽ nhăn mặt nhưng dường như cũng mỉm cười cùng lúc. Làn da đẫm mồ hôi dầu của cô da ngăm dính vào lưng ông gây khó chịu. Da lạnh và trơn. Ông thiếp đi.



Ác mộng này tiếp ác mộng kia trong giấc ngủ nhọc nhằn của Eguchi. Có lẽ vì ông nằm kẹp giữa hai cô gái. Không có sợi chỉ nào xuyên qua để nối liền chúng, những cơn mộng mị khiêu gợi dục tình một cách bất an. Trong cơn mộng cuối cùng, ông trở về nhà sau khi đi hưởng tuần trăng mật và bắt gặp ngôi nhà như bị vùi lấp dưới những đám hoa nhiều vô kể, trông như thược dược đỏ nở rộ và đung đưa trong gió. Không chắc là đúng nhà mình, ông phân vân chưa muốn vào ngay.



“A! Con về đấy à! Ua, sao còn đứng đó?” Bà mẹ đã qua đời từ lâu đang chào đón vợ chồng ông. “Bộ cô vợ con ngại mẹ lắm sao?”



“Nhưng mẹ ơi, mấy hoa này…là sao?”



“Được rồi,” bà mẹ nói, điềm tĩnh. “Vào nhà đi đã.”



“Con tưởng lầm nhà. Con đâu dễ lầm như thế được, nhưng các đám hoa nở rộ…”



Trong nhà các món ăn thịnh soạn đã được bày sẵn để đón mừng đôi vợ chồng trẻ. Chào hỏi hai bên xong, bà mẹ xuống bếp hâm nóng nồi canh. Ông ngửi được mùi cá tráp nướng. Ông bước ra trước nhà ngắm hoa. Cô vợ mới cưới bước theo ông.



“Hoa đẹp quá!” nàng thốt lên.



“Đúng thế!” Không muốn làm nàng sợ hãi, ông không nói thêm là mấy đám hoa đó không có mặt ở nơi này trước đây.



Eguchi nhìn chăm chú một bông hoa to hơn các hoa khác, một giọt đỏ rỉ ra từ một trong những cánh hoa.



Ông già Eguchi bất chợt tỉnh giấc với một tiếng rên. Ông lắc mạnh đầu nhưng vẫn còn thấy lờ đờ ngái ngủ. Ông đang nằm đối diện cô gái da ngăm. Thân nàng lạnh ngắt. Ông giật thót, tỉnh hẳn người. Nàng không còn thở. Ông sờ ngực nàng. Không thấy tim đập. Ông chồm dậy. Ông lảo đảo rồi ngã xuống. Ông vừa đi sang phòng bên vừa run cầm cập. Nút bấm chuông ở chỗ hốc nhà. Ông nghe tiếng chân dưới nhà đi lên.



“Không biết ta có bóp cổ nàng trong giấc ngủ không?” Ông đi, gần như bò, về lại căn phòng cũ và nhìn kỹ cổ cô gái.



“Có chuyện gì xảy ra thế?” Mụ đàn bà bước vào phòng.



“Cô ta chết rồi.” Eguchi nói, hai hàm răng đánh lập cập.



Mụ đàn bà dụi mắt rồi điềm tĩnh nhìn xuống cô gái. “Chết à? Sao mà chết được!”



“Chết thật rồi mà. Không thở nữa, mạch không nhảy nữa.”



Mụ biến sắc mặt, quỳ xuống bên cạnh cô gái da ngăm.



“Đúng là chết rồi.”



Mụ cuốn chăn và xem xét kỹ thân thể nàng. “Ông có làm gì cô ta không?”



“Không! Không gì cả.”



“Cô ta không có chết,” mụ nói, tìm cách giữ vẻ bình tĩnh và lạnh lùng. “Ông không phải lo ngại gì cả.”



“Cô ta chết thật mà. Gọi bác sĩ ngay đi.”



Mụ đàn bà không mở miệng trả lời.



“Bà đã cho cô ta uống cái gì thế? Có lẽ cô ta bị dị ứng.”



“Ông đừng cuống lên. Chúng tôi sẽ không gây gì phiền hà cho ông. Không nói tên ông ra đâu.”



“Nhưng cô ta chết mà!”



“Tôi không nghĩ thế đâu.”



“Mấy giờ rồi?”



“Hơn bốn giờ.”



Mụ loạng choạng khi nâng tấm thân ngăm đen, trần truồng lên.



“Để tôi phụ bà.”



“Không cần đâu. Có một gã đàn ông dưới nhà.”



“Cô ta nặng lắm.”



“Xin đừng. Ông chẳng phải bận tâm gì cả. Tiếp tục ngủ lại đi. Ông còn một cô gái khác mà.”



Còn một cô gái khác mà! Eguchi sửng sốt ra mặt, cả đời ông chưa bao giờ nghe một câu nói như thế. Dĩ nhiên, cô gái da sáng vẫn ngủ mê trong phòng bên.



“Bà tưởng tôi ngủ lại được sau chuyện này sao?” Giọng ông tức tối nhưng cũng lẫn ít nhiều lo sợ. “Tôi đi về nhà đây.”



“Xin ông khoan đã. Thấy ông ra về ngay giờ này thì người ta sẽ nghi ngờ lắm đấy.”



“Tôi không thể đi ngủ lại được.”



“Tôi sẽ đưa thêm thuốc ngủ cho ông.”



Eguchi nghe tiếng mụ kéo lê cô gái xuống thang lầu. Đứng trong phòng với tấm áo “kimônô”mặc đêm choàng trên người, ông cảm thấy lần đầu tiên cái rét xâm vào người. Mụ đàn bà trở lên với hai viên thuốc màu trắng.



“Đây này. Yên tâm ngủ đến sáng mai.”



“Thế à?” Ông mở cửa phòng bên cạnh. Những tấm chăn ông tung vứt vội vã hồi nãy vẫn nằm nguyên đó, và thân thể của cô gái da sáng nằm dài trần truồng trong vẻ đẹp lộng lẫy.



Ông nhìn nàng đăm đăm.



Ông nghe tiếng xe hơi xa dần, chắc là mang theo thân xác cô gái da ngăm. Có phải người ta đưa nàng đến cái quán trọ đáng ngờ mà trước đó lão già Fukura cũng được chở đến?



Tháng 6-2000



QUẾ SƠN



Nguồn: Người đẹp ngủ mê. Tiểu thuyết của Yasunari Kawabata (Nobel văn học 1968). Nguyên tác tiếng Nhật “NEMURERU BIJO” xuất bản ở Nhật vào năm 1961. Quế Sơn dịch từ bản tiếng Anh, “House of the sleeping beauties”, Nhà xuất bản Sphere Books Limited, London, Anh quốc, 1971, và tham khảo thêm bản tiếng Pháp, “Les belles endormies”, Nhà xuất bản Albin Michel, Paris, Pháp, 1970.
 
Biểu tượng cơ thể nữ trong "Người đẹp say ngủ" của
Yasunari Kawabata

Giới thuyết vấn đề

1. Khi thế giới càng tiến vào nền khoa học kĩ thuật hiện đại thì người ta chứng kiến một sự vận động lộn ngược của văn học - đó là hiện tượng một loạt những nhà văn tiêu biểu của thế giới đầu thế kỉ XX "xem huyền thoại như là công cụ tổ chức vật liệu nghệ thuật, là phương tiện diễn tả những nguyên tắc tâm lý "vĩnh cửu" nào đó hay dẫu chỉ là những mô thức văn hoá dân tộc bền vững". Không chỉ trên lĩnh vực sáng tác mà ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu đã nảy sinh trường phái phê bình huyền thoại dựa trên những lý thuyết phân tâm học của Freud và nhất là của C.G.Jung.

Mặc dù là học trò của Freud nhưng bên cạnh việc công nhận những đóng góp của thầy mình, C.Jung thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của nó trong việc áp dụng vào lý giải các hiện tượng sáng tạo đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật. Ông viết: "Để đánh giá đúng sáng tạo nghệ thuật, tâm lý học phân tích cần phải đoạn tuyệt với thiên kiến y học, bởi vì sáng tạo nghệ thuật không phải là căn bệnh và do đó đòi hỏi một định hướng hoàn toàn khác, chứ không phải theo lối y học chữa bệnh". Khi tìm hiểu quá trình sáng tạo của nhà văn, C.Jung cho rằng nhà văn đứng thấp hơn tác phẩm trong vị trí như một thân phận lệ thuộc bị rơi vào vùng xoáy của lực hút và "niềm tin vào sự tự do tuyệt đối của sáng tạo chỉ là một ảo ảnh của ý thức: con người cảm thấy nó đang bơi, trong khi đấy là do một dòng chảy vô hình kéo nó đi". Để lý giải hiện tượng đó, ông đã đưa ra khái niệm mẫu gốc: "làm nhà thơ - nghĩa là cho phép đằng sau từ vang lên Nguyên từ. Dịch sang ngôn ngữ tâm lý học vấn đề hàng đầu của ta được đặt ra như sau: có thể đưa hình tượng được khai triển trong tác phẩm nghệ thuật này đến nguyên tượng (archétype) nào của cái vô thức tập thể. (....) Nguyên tượng, hay cổ mẫu, hay nguyên hình - dù đó là quỷ, người hay biến cố - được lặp đi lặp lại trong suốt chiều dài lịch sử ở bất kỳ đâu có trí tưởng tượng sáng tạo do hoạt động". Như vậy, trong mỗi một con người cá nhân luôn chứa đựng một con người nhân loại. Con người nhân loại sống ở tầng sâu vô thức và chỉ khi gặp một hoàn cảnh nhất định, nó được đánh thức, cất lên "giọng nói nhân loại" của mình. Quá trình sáng tạo sẽ luôn bị ám ảnh bởi các cổ mẫu ở mức độ cao hơn hoạt động khác bởi vì thiên chức của nó là tìm ra bản chất vĩnh hằng của cuộc đời: "Giá trị xã hội của nghệ thuật cũng ở đây: nó không mệt mỏi lo việc giáo dục tinh thần thời đại bởi vì nó đưa lại sự sống cho các nguyên hình và hình tượng đang bị thiếu hơi thở thời gian. Từ sự không thoả mãn với đương thời, nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện tại...". Đến đây ta bắt gặp sự tương đồng giữa C.Jung và Mác trong quan niệm sự phát triển như vòng xoáy trôn ốc.

Một nhà nghiên cứu khác cũng có ý tưởng giống C.Jung đó là E.Fromm. Ông đã kết hợp thành tựu nghiên cứu của S.Freud và C.Marx để tạo ra lý thuyết của mình. Fromm không gọi "mẫu gốc" mà thay bằng khái niệm "Ngôn ngữ bị lãng quên": "Tượng trưng phổ biến là loại tượng trưng duy nhất trong trường hợp nó có ý nghĩa như sau: quan hệ giữa vật tượng trưng và vật được tượng trưng là nhất trí với nhau trong nội tại chứ không phải ngoại tại. Nó bám rễ rất sâu trong thể nghiệm của kinh nghiệm của tâm trạng hoặc kinh nghiệm của tư tưởng, của cảm quan. Nó được gọi là tượng trưng phổ biến, là vì nó được mọi người biết đến (...). Tượng trưng phổ biến bám rễ sâu trong thân thể, ý thức và tâm linh mỗi con người, mà bất cứ ai cũng đều có những thành phần ấy ; nó không giới hạn trong một cá nhân nào hay nhóm người nào. Trên thực tế, ngôn ngữ của tượng trưng phổ biến là ngôn ngữ chung của sự phát triển loài người ; là thứ ngôn ngữ bị lãng quên trước khi nó tiếp tục phát triển để trở thành một thứ ngôn ngữ tập quán mang tính phổ biến". Tác giả cho rằng giữa những con người khác nhau, thuộc các lãnh thổ khác nhau giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ bị lãng quên. Và thực chất trong quan niệm của ông, ngôn ngữ bị lãng quên ấy chính là hệ thống các biểu tượng, mẫu gốc thường trực nơi tiềm thức của con người, nó sống lại trong những giấc mơ.

2. Ngày nay, việc đưa mẫu gốc, biểu tượng huyền thoại vào các cấp độ của tín hiệu thẩm mỹ đã được khẳng định. Trước khi đi vào minh giải một số khái niệm cơ bản, người viết muốn lý giải sâu thêm nguyên nhân của việc đưa biểu tượng vào hệ thống tín hiệu để tìm hiểu một tác phẩm văn học. Nhà văn luôn là nhà văn của một nền văn hóa nhất định cho dù họ có là nhà văn lưu vong hay nhà văn trong một xã hội toàn cầu hoá. Bởi họ phải sáng tác bằng một ngôn ngữ cụ thể - vốn là công cụ của tư duy, sự trừu tượng hoá thế giới khách quan mang đậm đặc tính văn hoá dân tộc. Chính vì vậy mà những trầm tích văn hoá trong tiềm thức của người sáng tạo sẽ luôn được hiện thực hóa ở tác phẩm hay nói cách khác dù có muốn cưỡng lại - "mặc cảm tự trị" - thì nhà văn vẫn chịu lực hút từ trường của những ám ảnh nguyên thuỷ được kí thác trong các biểu tượng.

Tín hiệu thẩm mỹ: "Với tư cách là thể chất của tác phẩm văn học, ngôn ngữ văn học có thể được coi là một hệ thống tín hiệu bao gồm các tín hiệu thông thường và các tín hiệu thẩm mỹ. Tín hiệu thẩm mỹ phân biệt với các tín hiệu ngôn ngữ tự nhiên ở chỗ ý nghĩa của nó không bao giờ chỉ dừng lại ở phạm vi tái tạo hiện thực mà phải là một tư tưởng, một ý nghĩ nào đó của người nghệ sĩ." (Đỗ Hữu Châu). Tín hiệu thẩm mỹ có nguồn gốc từ trong tự nhiên, gắn liền với sự phát triển của tư duy trước yêu cầu nhận thức thế giới. Những cái bình thường trong tự nhiên có thể trở thành tín hiệu thẩm mỹ nếu nó tham gia vào xây dựng hình tượng và chứa đựng ý nghĩa biểu trưng nhất định. Tuy nhiên đến đây nảy sinh một vấn đề tất yếu là làm sao để khẳng định đâu là tín hiệu thẩm mỹ. Trong xã hội hiện đại, người ta thấy xuất hiện một loạt các trường phái nghệ thuật có tính chất muốn gây hấn với nghệ thuật truyền thống - chủ yếu là truyền thống bị khuôn sáo - đặc biệt là ở hội hoạ và thơ. Hội hoạ cảm thấy không thể bị bó buộc trong màu vẽ, khung tranh từ đó dẫn đến sự ra đời của trường phái hội hoạ sắp đặt, làm sẵn. Còn thơ ca thì muốn phá vỡ giới hạn của tính thời gian tuyến tính, muốn thoát khỏi lối đọc thơ cắt nghĩa từ đó ra đời thơ trình diễn, thi pháp âm bồi... Vậy thì một cái ghế, một cái xe cút kít trong nghệ thuật làm sẵn hay loại chữ "rỗng nghĩa" có trở thành tín hiệu thẩm mỹ không ?. Nếu cho rằng tín hiệu thẩm mỹ cần được sự công nhận của cộng đồng tiếp nhận để phủ nhận những thể nghịêm trên không phải hay chưa phải là tín hiệu thẩm mỹ thì e rằng không thoả đáng. Bởi vì, thứ nhất: một hiện tượng không thể phủ nhận trong thời hiện đại là không có sự thuần nhất về thị hiếu thẩm mỹ. Thứ 2: trong đánh giá nghệ thuật thì dường như con số trở thành vô nghĩa vì lịch sử văn học cho thấy nhiều tác phẩm văn học đã cô đơn vì nó đi trước thời đại. Như vậy, từ sự phân tích trên, theo người viết tín hiệu thẩm mỹ là một khái niệm động, không có tiêu chí mà chỉ có điều kiện để khẳng định đâu là một tín hiệu thẩm mỹ: thứ nhất tín hiệu đó mang một giá trị biểu trưng hay ý đồ sáng tạo của người nghệ sĩ. Thứ hai, tín hiệu đó phải tồn tại trong một hệ thống, chẳng hạn những "chữ rỗng" một mình nó không có giá trị tồn tại nhưng nếu nó đứng trong một bài thơ có chủ đích dùng một hệ thống các chữ "rỗng nghĩa" tương tác với nhau để tạo ra một âm giai nhất định thì nó sẽ trở thành một tín hiệu thẩm mỹ. Thứ ba, tín hiệu đó chứa đựng cái nhìn chủ quan có tính khám phá về bản chất đời sống.

Các bình diện, các cấp độ của tín hiệu thẩm mỹ: Như đã nói ở trên, tín hiệu thẩm mỹ là một khái niệm động, gắn liền với sự phát triển của tư duy cho nên bản thân nó cũng chứa đựng các cấp độ khác nhau, từ cấp độ bản thể dến cấp độ biểu hiện.

Cấp độ mẫu gốc - cấp độ bản thể (archtupe): là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên mà con người nhận thức được trong thời kì sơ khai của xã hội loài người và ăn sâu vào trong tâm thức cộng đồng. Nó có tính chất chung cho toàn nhân loại. Các mẫu gốc chính là sợi dây liên kết giữa con người hiện tại và tổ tiên chúng ta dưói nấm mồ lịch sử. Nó là "bản nguyên sống động vĩnh cửu", "những mô hình ứng xử vĩnh cửu của cá nhân và xã hội, những quy luật bản chất nào đó của thế giới tự nhiên và xã hội".

Cấp độ biểu tượng (symbol): các mẫu gốc khi đi vào trong các nền văn hoá khác nhau sẽ sản sinh ra những biến thể khác nhau gọi là những biểu tượng. Đó vừa là biến thể cái biểu đạt vừa là biến thể cái được biểu đạt mang đậm dấu ấn về địa lý, đời sống kinh tế chính trị của từng dân tộc.

Cấp độ hình tượng: các mẫu gốc các biểu tượng khi đi vào trong tác phẩm nghệ thuật chịu sự điều biến của yếu tố chủ thể và trở thành hình tượng nghệ thuật.
3. Các sáng tác của Y.Kawabata luôn là một ẩn số lớn đối với người nghiên cứu. Ông được xem như đại diện cho tâm hồn người Nhật Bản: mỹ cảm, yêu chuộng cái Đẹp là tính cách cốt lõi của dân tộc Nhật. Đó chính là cái đặc điểm căn bản nhất mà tất cả những đặc điểm còn lại đều tập hợp xung quanh. Các chuẩn tắc thẩm mỹ nói chung, ở mức độ lớn, quy định triết lý sống của người Nhật và thị hiếu nghệ thuật xuyên suốt toàn bộ nếp sống của họ. Chính vì vậy, tác phẩm của Kawabata bao giờ cũng là một ẩn dụ lớn về triết lý nhân sinh. Người ta nhận thấy ở đây một hệ thống các biểu tượng văn hoá tham gia vào xây dựng tác phẩm. Hơn nữa, Kawabata cũng là một nhà văn am hiểu sâu sắc phật giáo thiền tông nên ông luôn có xu hướng tạo ra những ám thị, bừng ngộ bằng lối cách điệu, biểu trưng mạnh mẽ. Nó tác động đến tưởng tượng và bề sâu của tâm hồn. Bên cạnh mặt truyền thống, nhà văn cũng chịu ảnh hưởng văn hoá phương Tây đặc biệt là nghệ thuật "tân cảm giác" và thủ pháp kể chuyện "dòng ý thức" cũng như xu hướng huyền thoại hoá của một số nhà văn như J.Joyce, V. Woof. Chúng ta nhận thấy trong tác phẩm của Y.Kawabata xuất hiện một biểu tượng có thể coi là nỗi ám ảnh lớn - biểu tượng cơ thể nữ. Biểu tượng này thấm đẫm "Truyện ngắn trong lòng bàn tay" và được đẩy đến cao độ trong "Người đẹp say ngủ" - kiệt tác cuối cùng trong cuộc đời ông. Nó là một thứ mã nghệ thuật cần được lý giải để từ đó hiểu hơn về nhà văn vẫn được giới nghiên cứu xem như "mật tích" của Nhật Bản.

Nội dung

Nhân vật chính của "Người đẹp say ngủ" là ông già Eguchi. Mặc dù bản thân ông tự nhận thấy mình chưa "rơi vào tình trạng suy nhược cùng cực như lão" nhưng ông đến với ngôi nhà có những cô gái ngủ mê, không phải vì những ham muốn nhục dục mà vì muốn "tìm đến mức điểm tận cùng của nỗi ghê sợ tuổi già". Các cô gái đều ở trạng thái say ngủ và loã thể. Trong ý nghĩa bản thể, khoả thân phát triển theo hai hướng: một hướng tiến tới sự thanh khiết về thể chất, tinh thần và trí tuệ; hướng khác dẫn tới tính kiêu căng dâm đãng, khêu gợi, giải giáp tinh thần để phụng sự vật chất và nhục dục. Theo cách nhìn truyền thống, loã thể là một kiểu trở lại trạng thái nguyên sơ, trở lại điểm trung tâm: đây là trường hợp các giáo sĩ Thần đạo ở trần ngoài trời, trong không khí trong trẻo và giá lạnh mùa đông để tẩy uế thân mình. Nó gắn chặt với quan niệm thẩm mỹ của người Nhật Bản về cái đẹp thuần khiết trong sự giao hoà tuyệt đối với thế giới xung quanh. Khi Eva ăn trái cấm cảm giác tội lỗi đầu tiên là sự xấu hổ về trạng thái loã thể của mình. Loài người chính thức mất đi bản chất nguyên sơ và sự ưu ái của Thượng đế. Từ đây nó khoác lên mình bộ áo đạo đức luân lý, vong thân trong cái nhìn của người khác: "Y phục đã khiến cho chúng ta có cá tính, có vẻ tao nhã, có sự tinh tế xã hội ; nó làm cho chúng ta ra người, nhưng chúng cũng có nguy cơ biến chúng ta thành những giá áo".

Tuy nhiên biểu tượng còn mang tính chất dân tộc độc đáo. Văn hoá bản địa trở thành màng lọc, kiểm duyệt mức độ phù hợp của các biểu tượng. Trong nền văn hoá Nhật Bản, người phụ nữ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những bức tượng người phụ nữ từ lòng đất và khẳng định họ đã có một vị trí cao trong xã hội mẫu hệ. Tuy nhiên, khi trên thế giới diễn ra "sự thất bại có tính toàn nhân loại" của nữ giới thì ở Nhật Bản nhờ một số tục lệ mà người phụ nữ vẫn không mất hẳn địa vị. Còn về mặt văn học, đặc biệt là thời kì Heian đã xuất hiện cả một dòng văn học nữ lưu. Chúng ta phải chờ đến thế kỉ 20 với trào lưu nữ quyền phát triển mạnh mẽ thì ở hòn đảo Phù Tang này các nhà văn nữ được trọng vọng ngưỡng mộ ngay từ thế kỉ thứ VIII. Nó đã hoài thai được đỉnh cao - huyền thoại của văn học Nhật Bản là "Genji Monogatari". Tác phẩm này có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến truyền thống văn học Nhật với phạm trù thẩm mỹ aware (niềm bi cảm nhân sinh) tôn thờ cái Đẹp mong manh chóng phai tàn. Còn nền văn học đô thị Edo đã qui phạm hoá một số điển phạm, mỹ cảm cơ bản cho văn học Nhật. Đó là khái niệm ukiyo (phù thế) - lối sống tự do phóng túng trong luyến ái sắc dục và tích cực hưởng lạc. Câu chuyện về các mối tình của chàng Genji đẹp trai hào hoa thực chất để nói về hành trình đi tìm bản nguyên, ý nghĩa cuộc sống và nỗi đau đớn khi phải chứng kiến những người con gái đẹp đẽ tựa như bông hoa anh đào sớm nở chóng tàn. Người phụ nữ đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp trong sáng, mong manh, hi hữu trong cuộc đời. Còn về vấn đề tình dục hay nói cách khác là cơ thể nữ cũng là nét văn hoá đặc thù. Trong quyển đầu của "Cổ sự ký ", tự thuật về chuyện giao cấu của hai thần Izanagi và Izanami, cùng với chuyện "Ame no uzume" đã để lộ âm hộ ra nhảy múa trước nhà đá trên trời, cho ta thấy những cảm giác liên quan đến tình dục của người thời cổ. Họ còn có tục sùng bái cơ quan tình dục. Như vậy qua đó ta có thể thấy, biểu tượng cơ thể nữ ở trạng thái loã thể trong nền văn hoá Nhật Bản thiên về ý nghĩa tinh thần, giá trị nhân văn hướng tới sự thanh tẩy tâm hồn. Ngay cả nó có nói đến việc hưởng thụ cuộc sống thể xác thì cũng là đạt được trạng thái cân bằng và thăng hoa thế giới tâm linh. Nói cách khác người Nhật không đối lập các phạm trù mà ở Tây phương khó có thể dung hoà. Tín ngưỡng đa thần đã giúp người Nhật chiết trung các giá trị mâu thuẫn nhau.

Từ mẫu gốc "cơ thể nữ" ở trạng thái khoả thân hình thành hệ biểu tượng các bộ phận cơ thể như tay, âm hộ, ngực, ..... bao trùm lên là tính nữ vĩnh hằng. Các biểu tượng này bên cạnh việc giữ lại ý nghĩa cơ bản cũng dung nạp thêm một vài tầng bậc ý nghĩa khác tuỳ vào đặc trưng bản thể của chúng. Điều này sẽ được bàn đến có hệ thống ở phần sau. Điểm cần nói thêm ở đây là ý nghĩa của biểu tượng không bao giờ tồn tại như một hằng số bất biến mà là một quá trình khơi mở vô tận tựa như một dòng sông luôn kéo vào lòng nó phù sa màu mỡ. Cơ thể nữ trong Kawabata thể hiện dấu ấn của xã hội Nhật hiện đại với nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau đặc biệt là làn sóng phương Tây. Nó không khỏi gây ra những rạn vỡ đối với một đất nước bế quan toả càng hàng thế kỉ. Ở Kawabata, cơ thể nữ có mang màu sắc nhục dục nổi bật bằng nghệ thuật "Tân cảm giác". Nó cho thấy sự khủng hoảng trầm trọng giá trị sống, nỗi bế tắc, hư vô dù đắm chìm trong hoan lạc thể xác. Bi kịch của con người hiện đại là dù được thoả mãn nhiều phương diện vật chất nhưng vẫn có cảm giác trống trải và bị đẩy đến trạng thái tê liệt tâm hồn. Song, điều mà nhà văn muốn hướng tới đó là sự vững bền của văn hoá Nhật Bản, con người cần giữ được cái gốc ấy để không bị rơi vào thân phận tha hoá, lưu vong trên chính quê hương mình. Các tác phẩm của ông đặc biệt trong "Người đẹp say ngủ", cơ thể nữ trở thành "cái Đẹp cứu rỗi" con người.
Các mẫu gốc các biểu tượng khi đi vào trong tác phẩm lại chịu sự điều biến của chủ thể để trở thành các hình tượng nghệ thuật. Trong "Người đẹp say ngủ", cơ thể nữ thường gắn với người con gái trẻ và trinh tiết: "Eguchi nín thờ: nàng đẹp quá, đẹp hơn ông tưởng. Nhan sắc nàng không phải sự ngạc nhiên duy nhất. Nàng trẻ nữa". Nó mang ý nghĩa của sự hứa hẹn vào tương lai, vẻ đẹp trong trẻo tuyệt đối, nguyên vẹn "là trạng thái chưa hề mắc tội lỗi, tức là trạng thái thiên đàng theo nghĩa vườn địa đàng Eđen", tiềm năng của khả năng sinh sản sự sống mới. Nó được đặt trong mối quan hệ sóng đôi, chiêm ngưỡng của ông già Eguchi - biểu tượng cho sự bước tới ranh giới cuối cùng cuộc đời, sự cạn kiệt sức sống. Kawabata thường xuyên trở đi trở lại kiểu nhân vật song trùng này ví như "Bất từ", "Tiếng rền của núi". Nếu như truyện ngắn trong lòng bàn tay "Bất tử" người con gái vĩnh viễn trẻ nhờ cái chết thì ở "Người đẹp say ngủ" nàng được đưa vào những giấc ngủ triền miên thăm thẳm. Đối với các nàng thì thời gian huỷ thể đã bị đóng đông, không còn tri nhận được về thế giới xung quanh: "Nàng nằm đấy hiến dâng tất cả cho ông nhưng hoàn toàn vô thức, thân xác duỗi dài như trong một giấc đông miên, hơi thở đều và nhẹ, khuôn mặt ngây thơ nghiêng qua một bên". Nó làm cho những người như Eguchi không rơi vào mặc cảm bất lực, vô vọng của tuổi già: "Nàng không phải là búp bê sống, vì không thể có búp bê sống trên thế gian này ; nàng được biến thành đồ chơi sống, để các cụ già đã mất năng lực đàn ông không bị cảm thấy xấu hổ", "ngủ mê là và không tỉnh thức, đối với các cụ già, là hiện thân của tự do mà năm tháng không thể nào làm biến dạng. Ngủ say và câm nín, các cô vẫn nói lên được những điều mà các cụ thích nghe". Có lẽ để nhận ra giới hạn của mình không phải là khó khăn mà cái khó khăn đau đớn hơn chính là chấp nhận và thành thực. Khi không thể làm được điều đó họ trốn chạy cái nhìn của người khác nhưng thực tế họ vẫn cần con người và vì vậy họ tìm đến ngôi nhà có những cô gái ngủ mê để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.

Nhân vật song trùng thường được Kawabata xây dựng trong thủ pháp gương soi. Các cô gái thực chất là một thứ gương soi trong suốt để Eguchi nhìn vào đáy sâu tâm hồn mình: "Trước tấm thân trần của "người con gái ngủ", những tội lỗi một đời được "rửa đi" như đức Phật từ bi cứu khổ cứu nạn, cho những cuộc đời ông lão gần đất xa trời" (Thuỵ Khê). Thế giới gương soi hiện lên trong những giấc mơ huyền ảo kì lạ. Nó giúp Eguchi ngắm lại mình ở mọi chặng đường cuộc đời đã qua. Bước vào giấc mơ - gương soi những trật tự lôgic thường ngày mất đi thay vào đó là những khoảng khắc vụt hiện bất chợt không lường trước, những xáo trộn cắt dán chồng xếp như một bức tranh lập thể. Cô gái đầu tiên hiện lên với sự trinh trắng tuyệt đối. Gương mặt nàng chưa bị phủ lên lớp son phấn giả tạo: "Cặp lông mày chưa bị phấn sáp đụng đến và hàng lông mi đang nhắm lại trông đều đặn. Ông ngửi mùi hương từ mái tóc trinh trắng của nàng" và đặc biệt người nàng đưa lại mùi sữa trẻ thơ - thức ăn đầu tiên mát lành mà con người có được từ mẹ. Nó kích động trí não làm Eguchi nhớ lại kỉ niệm vốn đã bị vùi sâu vào nấm mồ kí ức. Đó là hình ảnh cô gái ông yêu trước khi lấy vợ: "Có một lần khi rút mặt mình ra khỏi ngực nàng, ông chợt thấy máu đọng chung quanh núm vú (...).Chuyện này có vẻ tầm thường, nhưng người lần đầu tiên dạy Eguchi rằng cặp môi đàn ông có thể làm rớm máu gần như bất cứ chỗ nào trên thân xác đàn bà, chính là cô gái có máu đọng chung quanh núm vú; và dù rồi sau đó Eguchi đã tránh đi đến cực điểm như thế, cái kỉ niệm về người đàn bà là tặng vật mang đến sinh lực cho cả đời người đàn ông, ngay tận bây giờ vẫn chưa bị xoá nhoà, vẫn còn mãi trong ông, một người đã tròn sáu mươi bảy tuổi". Kinh thánh cho rằng Eva được sinh ra từ một phần xương sống của Adam, vì thế người phụ nữ phải phụ thuộc vào người đàn ông, người đàn ông ban phát sự sinh tồn cho người phụ nữ. Nhưng đối với Eguchi thì ngược lại, thiên tính nữ vĩnh hằng đã ban phát cái cảm giác sống như một người đàn ông đúng nghĩa. Nó còn là khát vọng siêu thăng, vượt thoát nỗi cô đơn trong hiện tại: "Có lẽ để đắm chìm trong hồi tưởng đến những người đàn bà không bao giờ trở lại từ quá khứ xa xăm là niềm an ủi u buồn cho một ông già, ngay khi ông vuốt ve, mơn trớn cô gái đẹp không thể nào tỉnh thức". Dường như ông đã hiểu hơn người đàn bà đứng tuổi trước khi ngủ thường "đếm những người đàn ông" thậm chí "ta có thể nghi là bà cũng gọi lên trong đầu những khuôn mặt, những thân thể của họ". Khi con người không được thoả mãn khát vọng họ thường giải quyết bằng quyền năng của giấc mơ và ở đây là việc ngoại tình bằng tư tưởng. Nó đem lại khoái cảm, sưởi ấm nỗi trống trải nhưng chỉ là ảo giác, khi bước ra khỏi mộng tình thì cô đơn lãnh lẽo lại càng nhức buốt: "Eguchi thấy cõi lòng mình ấm lên cùng nỗi cô đơn". Chúng tồn tại trong quan hệ tỉ lệ thuận. Nhân vật chính chiêm ngưỡng và suy nghĩ về hai bộ phận trên cơ thể nữ giới, đó là "Một ý lạ đến với ông: tại sao bộ ngực của giống cái loài người, duy nhất trong các loài vật khác, sau một cuộc tiến hoá lâu dài, lại mang hình dạng đẹp đẽ? Cái đẹp tuyệt vời mà bộ ngực nữ đã đạt tới phải chăng là một vinh quang của nhân loại?" và "Từ đó cho đến suốt mấy mấy chục năm sau ông không còn bao giờ nhìn thấy sự trong sạch như thế nơi người đàn bà khác ; và ông nghĩ rằng ông thấu hiểu mọi sự trong sạch, rằng sự trong sạch ở chỗ kín chỉ riêng cô gái này có mà thôi". Bộ ngực trước hết là biểu tượng của tình mẫu tử, sự dịu dàng, sự an bình, nơi trông cậy. Gắn với khả năng sinh sản và với sữa, thức ăn đầu tiên, bộ ngực hoà hợp với những hình ảnh về sự thân thiết, món quà, tặng phẩm và nơi ẩn náu. Một cái cốc dựng ngược, từ đó cũng như trời chảy ra sự sống. Nhưng bộ ngực cũng là chỗ thu nhận, như tất cả các biểu tượng về người mẹ, và hứa hẹn sự tái sinh. Sự trở về trong lòng đất đánh dấu, như mọi cái chết, khúc dạo đầu cho một lần tái sinh.Bộ ngực bị vết máu thể hiện nỗi đau đớn nữ tính sản sinh hạnh phúc: "hoạ chăng đầu vú là những cái sẹo của tình mẫu tử" (Trần Dần). Đó là sự biến dạng cao cả thiêng liêng. Còn âm hộ chứa đựng sức mạnh tạo sinh kì diệu huyền bí nhất của vũ trụ, nó lấy và cho. Sự thanh khiết của âm hộ chỉ có ở Đức mẹ đồng trinh và vì thế người phụ nữ hiện lên như ánh sáng thiên khải hướng dẫn tâm hồn đến sự viên mãn. Eguchi tự hỏi: "Có phải tuổi trẻ của cô gái đang ngủ mê đã gọi chúng về không?". Ông đi vào giấc ngủ với một viên thuốc và ông nằm mơ: "Ông được một người đàn bà ôm hôn nhưng nàng có bốn chân. Bốn chân này xiết chặt ông". Chân là giúp con người nhích lại gần nhau, tạo thuận lợi cho những cuộc tiếp xúc xã hội trong đó có cả đảm bảo cho các cuộc hôn nhân. Bốn chân là bội số của hai thể hiện khát vọng được thoả nguyện nhục dục, sự tiếp hợp của thể xác con người. Nhưng giấc mơ thứ hai chính là sự kiểm duyệt, cảnh báo giấc mơ tội lỗi đó. Và Eguchi nhanh chóng nhận ra: "Có phải vì ông đến đây để tìm những lạc thú méo mó, biến dạng mà ông gặp phải một giấc mơ biến dạng". Mà thực chất tất cả các nhân vật và sự việc trong "Người đẹp say ngủ" đều khuyết thiếu, không trọn vẹn vì thế nó phải tìm đến nhau và bù lấp khoảng trống đang chờ đợi mong mỏi được khớp nối. Đó là hình ảnh của một đời sống xã hội đầy thương tổn và vết tích.

Cô gái - chiếc gương soi - thứ hai được mụ chủ nhà giới thiệu "rất có kinh nghiệm". Nàng đã khuấy động lên mong muốn phá vỡ luật lệ kì lạ của ngôi nhà này: không được đánh thức họ. Ông cào cấu, giằng giật thô bạo tìm mọi cách để làm cơ thể nàng đau nhói mà tỉnh giấc. Ông không thể chịu đựng được cảm giác phải cúi đầu trước tuổi già và bị giam cầm mãi trong sự im lặng cô độc. Hành động của Eguchi tựa như người ta đập vào chiếc gương soi để giải thoát con người trong gương vậy. Nhưng ông vội ngừng tay vì bàng hoàng nhận ra nàng còn trinh. Khả năng sinh sản của nàng mãi mãi ở dạng tiềm ẩn. Nó là minh chứng thê thảm, chua xót cho giới hạn không thể vượt qua của tuổi già: "Sự trinh trắng của cô gái làm nổi bật sự xấu xí của tuổi già". Kawabata đã soi một cái nhìn lạnh lùng nghiệt ngã vào góc khuất sâu thẳm của con người. Tất cả những thể nghiệm nhân sinh đau đớn đều được phơi bày đến chân tơ kẽ tóc. Có lẽ ông già Eguchi đến đây không phải theo thói quen hay cám dỗ thể xác mà vì một khát vọng đánh thức những cô gái say ngủ, đánh thức sự sống bị ngưng đọng và đón lấy ân hưởng của tuổi trẻ: "Hơi ấm chuyển từ cánh tay cô gái vào sâu sau mi mắt ông là dòng chảy của cuộc sống, là giai điệu của cuộc sống, là vẻ quyến rũ của cuộc sống, và cho một người già, là sự phục hồi trong cuộc sống". Ông muốn trò chuyện, giao cảm với họ, ngay cả một câu nói ngủ mê không đầu không đuôi của các cô cũng khiến trái tim ông đập nhanh. Đó là khát vọng muôn thuở cháy bỏng, khát vọng tìm được ý nghĩa cuộc sống. Sự tồn tại của mình là ở hành động phản hồi từ người khác. Cô gái ở trạng thái ngủ mê tạo ra ức chế và phản ứng tiêu cực với im lặng. Nó càng dấy lên mong muốn được để lại dấu ấn như khẳng định cho sự tồn tại của cá thể. Cơ thể cô gái không còn cách bức với Eguchi mà chính nó là một thứ ngôn ngữ yêu thương đằm thắm. Sự hoà hợp về thể xác để tiến đến khoái cảm tâm hồn đã xoa dịu ngọn lửa thiêu đốt tâm can ông. Ở lần này, Eguchi mơ về đứa con gái thứ hai. Nàng làm ông khổ tâm vì nàng bị mất trinh tiết trước khi bước lên xe hoa. Ông cảm nhận về sự bé nhỏ, bất khả kháng trước những dục vọng tầm thường của cơ thể đàn bà. Nó phải chịu những tàn phá thú tính của đàn ông. Nhưng khi nàng có con, người cha nhanh chóng nhận ra sự thay máu, thanh tẩy ở nàng: "Nước da cô sáng hẳn ra sau khi sinh con như thể cô được tắm rửa đến tận bên trong thân xác, và cô có vẻ đã tìm được sự thanh thản trong tâm hồn". Tâm trạng nhân vật diễn ra phức tạp đầy xung đột, vừa ham muốn vừa kiềm chế, vừa khát khao vừa diệt dục.

Kawabata vẫn tiếp tục để nhân vật đi đến cùng hành trình tự ý thức về mình. Nhà văn tạo ra những cuộc gặp gỡ, va chạm để loé ra ý nghĩa nhân bản sâu sắc. Lần thứ ba, Eguchi đến với một cô gái rất trẻ, đối lập với sự dày dạn kinh nghiệm của cô gái thứ hai nàng đầy bỡ ngỡ và toát ra cảm giác "hoang sơ, chưa chín nồng". Nàng là vẻ đẹp không thể chiếm lĩnh, xâm phạm đang ở trạng thái nguyên thuỷ chưa bị vấy đục. "Nàng là thực thể đang tồn tại nhưng cũng lại là sự vắng mặt sâu xa". Đến đây ta bất chợt nhớ lại câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp kể về một nhà điêu khắc tài hoa tạc được bức tượng người phụ nữ tuyệt mỹ. Ông ta say đắm với bức tượng, thủ thỉ tâm tình nhưng rồi lại rơi vào đau đớn, thất vọng khi thấy bức tượng vẫn im lìm nhìn ông. Câu chuyện truyền tải triết lý: con người luôn hướng đến sự hoàn mỹ nhưng điều đó là không thể. Để xoá bỏ hố ngăn không cùng ấy hoặc có phép màu như trong thần thoại giúp bức tượng biến thành người nhưng đó là thế giới một đi không trở lại vì thế Eguchi mong muốn được gia nhập vào thế giới vĩnh cửu bằng cơn say ngủ ngàn năm. Trong cảm nhận của nhân vật, các cô gái ngủ say tựa như những vị bồ tát cứu rỗi tội lỗi cho kiếp người. Họ là hoá thân của đức phật từ bi chịu tất cả những dằn vặt thể xác để chuộc những sai lầm cho loài người chúng ta. Eguchi cũng như Kawabata có một tâm hồn nhạy cảm, trắc ẩn giàu tình thương. Ông không coi họ là đồ chơi mà trân trọng nâng niu trìu mến.

Mỗi lần chiêm ngưỡng cơ thể các cô gái say ngủ, Eguchi như tự soi thấu tâm sự mình. Nó gióng lên hồi chuông tuổi già, cảnh báo về sự cạn kiệt của thời gian nhưng đồng thời lại gột rửa tâm hồn họ. Các giấc mơ lưu giữ những ẩn ức ở cõi vô thức bùng nổ dữ dội. Mọi những kiểm duyệt của luân lý, đạo đức bị cởi bỏ tựa như cơ thể trần truồng nguyên sơ của các cô gái. Cơ thể nữ trở thành cõi hỗn mang đầy những xung đột, va chạm để tái sinh con người. Chính vì vậy có thể nói mật phòng bao phủ màu đỏ gợi nhớ đến hình ảnh tử cung của người mẹ. Eguchi trải qua bao cuộc vật lộn, thể nghiệm để lớn dần, thay đổi từ căn phòng huyền bí. Giấc mơ cuối cùng về mẹ cho thấy ảnh hưởng rõ rệt học thuyết về "mặc cảm Ơđíp" của Freud. Eguchi cảm thấy mẹ chính là người đàn bà đầu tiên của một đứa trẻ. Càng về cuối câu chuyện, nhân vật càng đi sâu vào thế giới bản thể của mình và thời gian như càng trôi tuột vào miền kí ức xa thẳm nhất. Cái chết của cô gái da ngăm là điểm dừng của cả chuyện nhưng chính vì thế nó càng dấy lên biết bao câu hỏi, băn khoăn. Con người lại tiếp tục truy tìm sự thật, lý giải mọi vấn đề. Đó là hành trình không mệt mỏi và cuộc sống cũng chưa chắc đã đáp hồi. Kawabata hay để những cô gái chết ở độ xuân thì khi còn trinh trắng ví như cô đào miền Izu. Nhà văn tôn thờ cái đẹp trinh nguyên. Đó là khát vọng được thanh tẩy đồng thời là nỗi ám ảnh về "thiên đường đã mất". Tác phẩm cuối cùng mang đậm âm hưởng của niềm bi cảm nhân sinh, nỗi chua xót về cái đã qua đi không trở lại. "Người đẹp say ngủ" chứa đựng nhiều đối cực: tuổi già - tuổi trẻ, cái chết - sự sống, tội lỗi - trong sạch, tha hoá - nguyên sơ.... vì vậy nó không đóng kín mà mở ra, không ngưng nghỉ mà các lớp nghĩa vẫn vận động. Nó tựa như một bài thơ haiku được chủ động tẩy đi sự rõ nét và để lại những khoảng trắng mênh mông hay như khu vườn đá Nhật Bản dù nhìn từ góc độ nào vẫn còn phần khuất lấp.

Kết luận

"Những người sống lại sau khi đã chết như tôi chẳng hạn - ít được hiểu hơn những người sống phù thời, nhưng họ được người ta lắng nghe chăm chú hơn. Nói rõ hơn: chúng ta không bao giờ được hiểu cả - và từ đó mà ra quyền uy của chúng ta" (F.Nietzche). Câu nói này của Nietzsche rất phù hợp với Y. Kawabata. Những kí thác của ông mãi là ẩn số khơi gợi hứng thú tìm tòi của độc giả. Tìm hiểu biểu tượng cơ thể nữ chỉ là một ngã đi trong rất nhiều con đường khác nhau nhưng có lẽ nó vẫn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa cần được lý giải để người đọc thâm nhập sâu hơn vào một vùng văn học có nhiều những đối lập kì lạ.

Nguồn: my.opera.com/ngothanh86/blog
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top