H
HuyNam
Guest
NGƯỜI CHẮP CÁNH CHO GIẤC MƠ SINH VIÊN VIỆT NAM
Đó là một người đàn ông lặng lẽ. Ông sống một mình trong một căn hộ nhỏ, cách xa khỏi khu trung tâm của thành phố Bordeaux. Tôi không biết vợ ông, con cái ông là ai. Tôi chỉ biết sinh viên Việt Nam tại Làng Nho vẫn luôn trìu mến gọi ông là Antoine.
Tôi gặp Antoine vào ngày đầu tiên khi bắt đầu đặt chân đến thành phố Bordeaux và tham dự buổi lễ đầu năm của Hội Sinh Viên Việt Nam nơi đây. Ngay từ khi đó, tôi đã để ý đến một “ông cụ” người Pháp lặng lẽ đứng nơi góc phòng, ngắm nhìn mọi người cười cười nói nói. Dù ông không hiểu được chúng tôi nói gì, nhưng trên môi ông lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Và ông là người chủ động bắt chuyện làm quen với tôi, khi thấy tôi dường như vẫn còn e dè trước tất cả mọi người. Lần đầu tiên tôi biết được người cầm tay đưa tôi ra khỏi vỏ ốc rụt rè ban đầu lại là một người Pháp mà trước đó tôi chưa bao giờ gặp mặt.
Về sau, khi đã quen và tiếp xúc nhiều với các anh chị Việt Nam tại đây, tôi được hiểu thêm nhiều về ông. Hóa ra, ông là người đã gắn bó từ rất lâu đối với lớp lớp sinh viên tại thành phố rượu vang này. Hầu như hoạt động nào của chúng tôi, ông cũng có mặt. Có thể chỉ là một lời động viên, thăm hỏi thôi, nhưng ông đã phần nào giúp chúng tôi rất nhiều về mặt tinh thần. Giống như một người cha, một người ông hàng ngày âm thầm lặng lẽ chứng kiến chúng tôi trưởng thành dần lên từ chính xứ rượu thân thương này.
Có lẽ, mọi người ai cũng đã ít nhiều có lần tiếp xúc với ông. Thế nhưng, tôi lại là một trong số những người có nhiều điều kiện hơn cả. Bởi tôi được ông chỉ dẫn cho những bài học đầu tiên về tiếng Pháp, để có thể hòa nhập được với môi trường xung quanh mình. Hầu như cứ một tuần một buổi, tôi lại đến nhà ông để luyện tập những bài học về phát âm. Tiếng Pháp là một ngôn ngữ khó, và đòi hỏi rất nhiều ngữ điệu. Trong khi bản thân tôi lại chịu khá nhiều ảnh hưởng từ việc phát âm của tiếng Anh. Chính vì thế, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc nói chuẩn Tiếng Pháp. Thế nhưng, ông vẫn kiên nhẫn uốn nắn từng chút một cho tôi. Mặc dù tuổi đã cao, lưng đã mỏi, nhưng ngày ngày ông vẫn ngồi đó, chăm chút cho tôi từng âm một, cốt sao để tôi có thể phát âm một cách thật đúng, thật chuẩn. Ông nhẫn nại, kiên trì mỗi khi tôi đọc sai và không ngừng động viên tôi phải cố gắng hơn nữa. Và tôi biết, đã có rất nhiều thế hệ học sinh Việt Nam giống như tôi, đã từng ngồi ở chiếc ghế đó, trong căn phòng đầy dấu ấn Việt Nam đó, với một chiếc loa đài cũ kỹ và những quyển sách tiếng Pháp. Thế nhưng, cũng nhờ đó mà mọi người đã có thể bay xa hơn nữa trên con đường chinh phục giấc mơ của chính mình.
Trong một đôi lần ngồi nói chuyện với ông, tôi đã được ông kể cho nghe về những chuyến đi từ thiện tới Việt Nam cũng như những suy nghĩ và tình cảm của ông dành cho quê hương mình. Tôi đã không khỏi ngạc nhiên. Một người Pháp, sinh ra và lớn lên ở một đất nước phát triển, không hề biết gì về Việt Nam, vậy mà tại sao tình yêu của ông đối với dải đất hình chữ S lại lớn lao đến thế. Tôi đã được xem ảnh về những chuyến đi của ông trong lần đến Việt Nam. Duy chỉ có một lần duy nhất, nhưng dường như những gì ông dành cho đất nước thân yêu của tôi lại thật nhiều. Ông đã đến với Thừa Thiên Huế, đến với những mảnh đời bất hạnh, để trao những món quà xuất phát từ chính tấm lòng của ông. Tôi sẽ không bao giờ có thể quên được, nụ cười của những người phụ nữ tần tảo, những ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ khi được chụp ảnh cùng ông. Dường như khoảng cách giữa tuổi tác, màu da và tôn giáo đã bị xóa nhòa.
Tôi kể cho ông nghe về cuộc sống của mình khi ở Việt Nam, những thay đổi khi tôi sang đến nước Pháp và cả những dự định tương lai của bản thân khi tôi quay trở về đất nước của mình. Ông nói: “Việt Nam rồi sẽ tốt đẹp thôi, vì có những người trẻ tuổi như con và các bạn của con” Nhưng tận sâu trong tâm thì tôi biết, chúng tôi, những người con Việt Nam phải cảm ơn ông rất nhiều. Và chắc chắn quê hương Việt Nam sẽ tốt đẹp, bởi chúng tôi có những người như ông – Người chắp cánh cho những giấc mơ của sinh viên Việt Nam.
Nguồn: Ngọc Lan Phương